Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Bia Văn Miếu hay Bia Văn Miệng ?

Bia Văn Miếu hay Bia Văn Miệng ?

- Nguyễn Đoan Hùng — published 27/12/2007 00:21, cập nhật lần cuối 27/12/2007 00:21

Giọt mực giọt đời



Bi kí

bia

Theo tin VNN (Vinano), ngườii ta vừa phát hiện một tấm bia mới ở Văn Miếu. Chúng tôi đã nhờ nhà hán học Nguyễn Đoan Hùng phiên dịch. Ông Nguyễn nhận lời nhưng tỏ ý dè dặt về tính chân thực của hiện vật này. Theo ông, chữ BI  悲 (trong BI KÍ  悲记) khắc ở đầu bài  nghĩa là buồn thảm, lẽ ra phải viết là(bia đá). Phải chăng, căn cứ vào nội dung bài văn bia, người thợ khắc đã viết sai như thế. Cũng có nhà văn bản học liên hệ bài này với một tin thời sự mà chúng tôi cũng xin đăng ở dưới để bạn đọc tham khảo


悲记


Thần nghe : 

« Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp ».

Bởi vậy các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên.

Thần lại nghe : « quốc dĩ sĩ vi bản, sĩ dĩ thực vi tiên ». Thế nên vun bồi kẻ sĩ há chẳng cần tài vật mà làm nên nghiệp lớn được sao ?

Khổng Tử viết : « Sĩ khả sát, bất khả xù ». Ấy là muốn răn kẻ sĩ khi thành đạt không thể quên bát cơm Phiếu mẫu những ngày cơ hàn.

Thời Đông Chu có Noãn Vương vì nợ nần mà phải làm cái đài cao gọi là Tỵ Trái Đài trốn chủ nợ mà nghiệp đế suy vong.

Nước Đại Việt ta là nước văn hiến thế mà cũng có Chúa Chổm vì nợ nần mà làm hỏng nghiệp vương.

Chẳng phải kẻ sĩ nên lấy đấy làm răn sao ?

Cho nên, nay dựng bia bằng đá đẹp, đề tên đặt ở cửa Quốc Tử Giám, khiến kẻ sĩ trong lên thấy hâm mộ, phấn khởi, cố gắng rèn luyện danh tiết.

Há chỉ là chuộng hư danh ham văn suông mà thôi đâu ?

Mà còn bảo nhau trả nợ cho đầy đủ, ấy chẳng phải là vun bồi, giữ gìn đức Tín làm trọng hay sao ?

Thần kính cẩn ghi lại.

Thần là Học Bộ Thượng Thư, Đông các đại học sĩ  Nguyễn Thiện vâng mệnh soạn bài ký.

Dựng bia ngày ất hợi, ngày tốt tháng giêng năm Xã Hội Hóa thứ 2.

Đỗ đệ nhất giáp Tiến Sĩ cập đệ 3 người :

Lê Quý Đôn, xã Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ, nợ ba ngàn quan của VietcomBank. Đã trả đủ.

Nguyễn Khuyến, xã Yên Đổ, huyện Bình Lục,  nợ bốn ngàn quan của AgriBank, mới trả hai ngàn quan.

Trần Tế Xương, xã Vị Xuyên, Huyện Mỹ Lộc, nợ ba ngàn quan của NamdinhBank, chưa trả đồng chinh nào !


NĐH phiên âm và dịch nghĩa


PHỤ LỤC 1 :


Báo Tuổi Trẻ ngày thứ tư, 26/12/2007


Ghi nợ trên bằng tốt nghiệp : nên không ?


TT - Ngày 19-12-2007, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 266 về Kết luận của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về tín dụng đối với HS, SV (sau khi phó thủ tướng chủ trì cuộc họp về kết quả sau hai tháng triển khai tín dụng đối với HS, SV). Trong văn bản trên có đoạn : « Bộ GD-ĐT nghiên cứu phương án ghi rõ diện HS, SV được vay để học trên các văn bản cần thiết (bằng tốt nghiệp, sổ lao động...), để sau khi ra trường các đơn vị tiếp nhận HS, SV về làm việc có cơ sở đôn đốc họ có trách nhiệm cùng gia đình thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với Ngân hàng chính sách xã hội ».

Nhưng ý định này lập tức nhận được nhiều ý kiến không đồng tình, không chỉ từ phía SV mà cả từ các giảng viên, nhà nghiên cứu...

 

Luật sư Võ Văn Quới - văn phòng luật sư Nhựt Tân :

Sẽ tạo dấu ấn không tốt

Việc ghi nợ trên bằng tốt nghiệp của HS, SV sẽ tạo dấu ấn không tốt và kéo dài đối với người vay vốn. Xét về khía cạnh pháp lý, bên cho vay có quyền nêu những biện pháp để thu hồi vốn. Nhưng bằng tốt nghiệp là loại văn bằng xác nhận năng lực học vấn của con người, nó thuộc về nhân thân, không thể mua bán cũng như không được ghi chú thêm bất cứ điều gì. Nếu tạo ra một tiền lệ như vậy, chẳng lẽ sau này chứng minh nhân dân cũng có thể ghi chú người này đã có vợ chưa, hoặc đã lấy mấy vợ rồi?

Ở các nước tiên tiến người ta cũng cho HS, SV vay vốn để học tập rất nhiều, nhưng người ta có phải ghi nợ trên bằng tốt nghiệp của SV đâu ?

 

TS Mai Ngọc Luông - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP.HCM:

Tôi cực lực phản đối

Ghi nợ trên bằng tốt nghiệp là chuyện không thể chấp nhận được. Tôi cực lực phản đối. Hãy cứ thử đặt tình huống này vào chính bản thân chúng ta xem mỗi người có cảm thấy buồn, có cảm thấy bị xúc phạm, bị tổn thương hay không?

Nhà nước có thể nghĩ ra nhiều cách để thu hồi số vốn đã cho mượn nhưng không có quyền ghi những điều đó trên bằng tốt nghiệp của SV.

 

GS.TS Võ Tòng Xuân - Trường ĐH An Giang :

Không có qui định nào bắt phải ghi nợ

Bằng tốt nghiệp là công trình học tập suốt nhiều năm trời của SV, nhiều người nâng niu, trân trọng nó. Nếu ghi vào đó là có vay nợ thì...

Về mặt tình cảm, chuyện vay vốn là chuyện riêng của mỗi cá nhân con người, không thể ghi trên tấm bằng trang trọng như vậy được. Về mặt pháp luật, không có qui định nào bắt buộc phải ghi khoản tiền nợ trên bằng cấp của người vay vốn. Hãy để ngành GD-ĐT nói chung và các trường nói riêng có thời gian chuyên tâm lo cho việc GD-ĐT. Chuyện vay vốn là chuyện của ngân hàng, ngân hàng cho mượn vốn thì họ sẽ có biện pháp hữu hiệu để thu hồi vốn chứ không phải trách nhiệm của ngành GD-ĐT.

 

Thầy Vũ Hải Sơn - giảng viên ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM:

Đừng biến tấm bằng thành giấy nợ

Việc ghi nợ vào bằng của SV là không thể chấp nhận được, vì văn bằng thể hiện trí tuệ, năng lực, danh dự của con người, nếu kiêm thêm chức năng giấy nợ thì khó coi quá. Tại sao không quản lý tiền vay nợ của SV bằng những định chế khác chặt chẽ, hợp lý hơn? Tôi hoan nghênh Bộ GD-ĐT có chủ trương cho SV vay tiền để trang trải học phí, nhưng không thể vì sự yếu kém trong công tác quản lý mà biến văn bằng của SV trở thành giấy nợ.

 

Thầy Phạm Duy Phúc - giảng viên ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM:

Nếu SV trả tiền, làm sao sửa lại được ?

SV chưa trả tiền cho nhà nước thì có thể giữ bằng lại rồi cấp cho SV một giấy chứng nhận tạm thời. giấy chứng nhận tạm thời này SV vẫn có thể đi xin việc, đến khi nào SV trả hết tiền thì sẽ cấp bằng. Bằng tốt nghiệp chỉ được cấp một lần mà ghi nợ vào đó, vậy sau khi SV trả nợ xong thì làm sao sửa lại cho SV được ?

 

Ông Nguyễn Minh Hùng - phó hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng:

Không nên

Theo tôi, không nên thể hiện bất cứ nội dung nào ngoài qui chuẩn trên văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp của SV. Nếu là thông tin về việc vay nợ, dạng ghi nợ lên bằng cấp, lại càng không nên. Khi SV hoàn thành chương trình, đáp ứng được các yêu cầu đào tạo của nhà trường thì phải được cấp bằng tốt nghiệp và người học có toàn quyền với tấm bằng đó. Còn vấn đề vay nợ tín dụng đào tạo lại là một quan hệ dân sự khác với ngân hàng, chịu sự quản lý/chế tài của các qui định pháp luật khác. 

 T.HÀ - H.HG. ghi

 

PHỤ LỤC 2 : 


Blog của nhà báo Đức Hiền :


Bác Nhân vẫn hát bài cũ


Ngày 19-12 Văn phòng chính phủ đã có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

Văn bản nêu chỉ đạo của Phó Thủ tướng: yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu phương án ghi rõ diện học sinh, sinh viên được vay để học trên các văn bản cần thiết (bằng tốt nghiệp, sổ lao động...), để sau khi ra trường các đơn vị tiếp nhận học sinh, sinh viên về làm việc có cơ sở đôn đốc họ có trách nhiệm cùng gia đình thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với ngân hàng chính sách.

Báo Pháp Luật TPHCM phản ứng rằng như vậy là vay một lần, mang tiếng nợ cả đời. Bởi với chỉ đạo này của Phó Thủ tướng, văn bằng sẽ biến thành sổ nợ. Gần hai chục năm đèn sách, lỡ mượn nhà nước mấy triệu đồng mà bị khắc dấu lên văn bằng thì coi bộ giống... tín dụng đen quá. Còn đâu sự nhân văn?
Tiếp theo, Tuổi Trẻ và một số báo cũng đồng loạt phản ứng.

Thế là sáng nay, Phó Thủ tướng trả lời rằng đấy chỉ là gợi ý phương án, rằng Chính phủ chưa quyết định. Nhưng gợi ý ở đây là kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ông lại kiêm Bộ trưởng Giáo dục thì ... Đó là ý chí của cái đầu, truyền đạt cho cái tay của cùng một người. Sự thống nhất cao độ giữa ý chí và hành động ấy, khó mà hiểu khác được.

Lẽ ra, ở tầm Phó Thượng thư (xin lỗi, Phó Tể tướng kiêm Thượng thư), ông chỉ cần chỉ đạo: giao cho Bộ Giáo dục Đào tạo nghiên cứu trình Chính phủ phương án khả thi để thu hồi nợ vay, bảo toàn vốn cho ngân hàng chính sách. Nhưng ở đây, chỉ đạo lâm sàng quá nên phải mang tiếng.

Ước gì, em đã không lỡ lời
Ước gì, anh đừng có muộn phiền !

Đành hát thôi chớ sao bi giờ !


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us