Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Chat với U-Mặc

Chat với U-Mặc

- H.T. ghi — published 26/02/2007 23:57, cập nhật lần cuối 13/03/2007 17:52
Chuyện ghi lại qua một cuộc "chat" trong không gian xibe.

   
Chat với U-Mặc

   
   

Một độc giả hay khen : 

Hoan hô BBT Zidol đã có sáng kiến (rất sáng tạo) tạo khu vườn mới: "Giọt mực, giọt đời".

Một (hỏi độc) giả : 

Xin hỏi trong tựa "Những phản ứng u-mặc ngắn về mọi chuyện ở trên đời" thì "u-mặc" nghĩa là gì vậy ?

Kẻ chót dại : 

Nếu tôi không lầm thì ngày xưa các cụ Tàu (không biết có cả các cụ ta không) khi tìm hiểu cái đặc tính của người Âu Tây, thấy có cái nét "humour" mà cho là Á Đông ta không có nên không dịch được, bèn phiên âm thành u-mặc, có lẽ phiên âm kiểu Tàu rồi lại đọc qua kiểu Hán Việt cho nên nó thành ra thế.

(Hỏi độc) giả : 

Humour à ? Vậy nếu viết "Những phản ứng ngắn khôi hài hóm hỉnh về mọi chuyện ở trên đời" thì chắc là "vietnamese" hơn ? Thí dụ ai đó kêu toáng lên : "Em chịu bác L., bác thật là ... hóm !". Bây giờ bảo anh ấy nói lại cho "trong sáng tiếng Việt" : "Em chịu bác L., bác thật là ... u-mặc !" sợ là các anh lại ... ụ mặt không vừa lòng ?

TB : Dẫu sao thì "Giọt mực, giọt đời" là một ý rất hay, vì vừa tầm với đa số thầm lặng cũng cảm rung với những đột biến của thiên nhiên, thời cuộc, nhưng không có biệt tài về văn chương, chữ nghĩa ?

Một độc (học) giả :

Nếu tôi nhớ đúng thì "u mặc"  là từ của nhà văn Lâm Ngữ Đường đấy, các bác ạ.

Lâm Ngữ Đường có tác phẩm là : U mặc tiểu phẩm tập (tôi không biết có bản dịch ra tiếng Việt không?) Cuốn The importance of living (1937) được Nguyễn Hiến Lê dịch ra tiếng Việt với tựa đề "Một quan niệm sống đẹp", NXB Văn Hóa in năm 1993 với tựa đề "Sống đẹp". Tôi có dịp nói với anh Tạ Trọng Hiệp, khi anh dùng từ u mặc để nói humour là nghe nó vừa "âm u", vừa "mặc cảm", không khoái tai chút nào, thì anh Hiệp khuyên tôi nên tìm đọc vài tác phẩm của Lâm tiên sinh.

Và nói thêm là trong Từ Điển Văn Học, NXBKHXH, Hà Nội, 1983 (Tập 1), không có tên Lâm Ngữ Đường... Đủ hiểu Ban biên tập TĐVH thời đó có nhiều u mặc. Bộ mới, 2004, thì có.

Kẻ chót dại : 

Cái u mặc nó khác cái hóm nhiều lắm. Dịch humour bằng khôi hài, hóm hỉnh là đúng như trong từ điển rồi. Nhưng humour nó thường có cái kích thước "tự chế diễu" (auto dérision, cá nhân hay tập thể) mà khôi hài, hóm hỉnh ở ta không có. Hóm đôi khi cũng nói về mình, nhưng thực ra để chĩa mũi dùi vào người khác.

Chính cái kích thước chủ quan, cá nhân, này mới là hiện đại, và mới nên nhấn mạnh.

Mặt khác, theo tôi cảm nhận, trong các "billet" ngắn thường có humour, nhưng nhiều khi cũng không cần, nhiều khi nó có "humeur" (tiếng Anh chắc phải nói temper/mood) nhiều hơn humour.

(Hỏi độc) giả : 

Tại sao cái đó Tây có mà Ta không có ?

Kẻ chót dại : 

Có lẽ nói không thì hơi quá, chưa, hay ít thì đúng hơn. Cũng xin nói tôi là người chống chủ nghĩa "tâm thức" (mentalité) nếu hiểu "tâm thức" như là cái nét tâm lý trời cho một dân tộc nào đó. Không có tâm thức theo nghĩa "di truyền sinh học" như vậy. Nhưng tôi cũng cho là có "tâm thức dân tộc" theo cái nghĩa tương đối của "di truyền văn hoá". Từ câu ru con à ơ đã là di truyền văn hoá rồi. Mà cái này thường kéo dài.

(Hỏi độc) giả : 

Tâm thức ở đâu ra, và tại sao nó kéo dài ?

Kẻ chót dại : 

Ồ đến đây thì phải xổ nho rồi : Hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc !!! Một cách biện chứng !!! Nghĩa là không máy móc, không tự nhiên đùng một cái : có điều này thì có điều kia ; và đùng một cái : điều kia mất thì điều này mất.

Vòng vo đầy đủ uốn lưỡi bảy lần rồi thì xin lý giải một cách xã hội học tại sao ta không/chưa/ít có u mặc? Trong một xã hội phong kiến có tôn ty trật tự ổn định thì con người được xác định bằng vị thế xã hội của nó. Ý thức về cá nhân là ý thức về địa vị xã hội và những ràng buộc xã hội.

Chỉ khi cái ý thức đó bị mất ổn định (déstabilisé) thì người ta mới có ý thức phê phán xã hội, đồng thời phê phán vị trí xã hội (cùng với những tiêu chuẩn đạo đức mà nó đưa tới) của bản thân mình. Theo tôi đó là nguồn gốc của u-mặc phương Tây, nói cách khác, chỉ trong và sau khi trải qua cách mạng tư sản và sau đó những cuộc chiến tranh thậm tệ, thì người ta mới có nó.

Độc giả hay khen : 

Ở VN thì sao ? Một thế kỷ rưỡi nay không đủ ư ?

Kẻ chót dại :

Vâng những xáo trộn lịch sử trăm mấy chục năm qua thừa đủ để tạo ra một tâm thức mới, chính vì thế cần một chữ mới, theo tôi dùng chữ u mặc là thích hợp hơn cả, đặc biệt cái u mặc của những người "lực lượng thứ ba" bị lịch sử đá lên đá xuống, nhiều khi nó cười ra nước mắt chứ chả hóm hỉnh gì. Thế nhưng một là không chính quyền nào muốn có Voltaire, hai là cái tâm thức phong kiến của quá khứ vẫn đè nặng, và ba là người ta tưởng có điều này là có điều kia ngay. Tưởng có thể đi từ trật tự xã hội này qua một trật tự xã hội khác mà không cần giải quyết sự mất ổn định tâm lý xã hội (ngoài cách cho vào trại cải tạo). Do đó cái tâm thức u mặc ở Việt Nam cho đến nay chỉ sống ngoài đường ngoài chợ thôi, chưa được vào văn chương báo chí chính thức nhiều đâu.

Độc (học) giả :

Tôi chép lại đoạn này cho các vị đọc nhé, trong "Cái cười của thánh nhân", tác giả Nguyễn Duy Cần : 

Nhà văn họ Lâm cho rằng: "Tinh thần u mặc ở Trung Hoa ngày xưa cũng đã thấy bàng bạc ngay trong kho tàng ca dao Trung Quốc. Trong Kinh Thi, thiên Đường Phong, một tác giả vô danh, vì thấy rõ cái "trống không" của cuộc đời hết sức vô thường của con người, đã trào lộng hát lên:

Ngài có xe ngựa, sao không cưỡi, không tế...
Đợi lúc chết rồi, kẻ khác hưởng đi mất thôi!

Đó là một phần nào đã bộc lộ cái trạng thái u mặc.

Nhưng phải đợi đến nhân vật chủ não là Trang Châu xuất hiện, mới có được một thứ văn chương nghị luận ngang dọc... mở ra cho người đời một thứ tư tưởng và văn học u mặc hẳn hòi. Trang Tử là thủy tổ của văn học Trung Hoa."

Một độc giả trước giờ im lặng : 

Ồ tuyệt vời !!! văn Trang Tử đúng là văn u mặc, Xuân Thu Chiến Quốc là thời đảo lộn xã hội rất lớn. Chỉ tiếc tư tưởng u mặc Trung Hoa khá bị khô cằn sau đó, cả cái chữ để mô tả văn phong Trang Tử cũng không có (hay còn ?), có lẽ chữ trào lộng gần u mặc hơn cả, nhưng tôi vẫn có cảm tưởng.... Mà này ! xã hội (tương đối) thuần nhất không đảo lộn lớn là chuyện nên buồn hay nên vui ?

À, mà bây giờ tôi mới ngộ ra, bài của bà Đặng Anh Đào về Tô Hoài mà Zidol vừa xuất bản hay lắm, nó cho thấy để tầng lớp quan văn hiện nay hiểu được cái u mặc của Tô Hoài là không phải dễ.

 

H.T. ghi lại

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss