Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Chợt nhớ bài “Bóng cây kơ-nia”

Chợt nhớ bài “Bóng cây kơ-nia”

- Thanh Thảo — published 06/06/2016 11:45, cập nhật lần cuối 06/06/2016 11:45


CHỢT NHỚ BÀI HÁT
“BÓNG CÂY KƠ-NIA” 


Thanh Thảo


Đọc bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc trên Diễn Đàn về nhà thơ Ngọc Anh – tác giả bài thơ “Bóng cây kơ-nia”, lại nhớ một chuyên vui vui về bài hát này lúc đang chiến tranh ở chiến trường Nam Bộ. Lúc bấy giờ, bài hát này đang được lính VC cực kỳ yêu thích. Cây kơ-nia, trong rừng Nam Bộ gọi là cây cầy, là một loại cây thường mọc bên rẫy, hay giữa một trảng cỏ. Tôi cũng đã nhiều lần nghỉ mát dưới bóng cây cầy, nhưng không biết đó chính là cây kơ-nia. Hạt quả cây cầy có vỏ cứng, heo rừng rất thích ăn cái nhân bên trong, như ta cắn hạt điều. Nghe nói (chứ tôi chưa thấy) về ban đêm heo rừng thường về dưới gốc cây cầy và cạ lưng vào cây để hạt rụng xuống. Heo rừng nhá hột cầy rất điệu nghệ…

Hôm rồi, đọc tạp chí H.V., trong đó có trích đăng một chương hồi ký của ông T. H.  Xem kỹ phần giới thiệu tiểu sử tác giả, hóa ra, ông này là thủ trưởng của tôi hồi ở Cục Địch vận - Hà Nội. Sau khi tôi vào Nam Bộ mấy năm lại gặp ông T. H. cũng vào chiến trường. Bấy giờ ông đã lớn tuổi, người ta lại điều ông vào chiến trường làm công tác… nghiên cứu, thực tình tôi cũng không hiểu. Nhưng đó không phải việc của mình. Ông T. H. hiền lắm, tướng tá rất thư sinh, dễ thương, dù lúc ấy ông đã mang hàm trung tá. Đúng là hồi xưa ông là sinh viên ngành y (thời thuộc Pháp), rồi đi làm cách mạng, rồi làm… binh vận cho tới khi giải phóng. Ông T. H. rất hiền, nhưng ông còn một cái đức nữa là rất sợ… cấp trên. Hồi còn làm việc với ông ở Hà Nội, tôi không thấy ông thể hiện cái đức này. Nhưng khi gặp lại nhau ở R, không hiểu sao ông lại thể hiện cái đức ấy khá rõ, khiến tôi rất khó hiểu.

Là một người từng trải như ông, tham gia hai cuộc kháng chiến như ông, có quân hàm và chức vụ khá cao như ông, thì việc gì phải “sợ cấp trên” nhỉ ? Vả lại, đã vào chiến trường, giặc còn không sợ, sợ gì… cấp trên ? Mà cấp trên là ai ? Cũng là đồng chí, chiến hữu của mình cả thôi, đâu phải người ngoài. Tôi còn nhớ, có lần không biết nghe từ “cấp trên” nào phán, mà ông T. H. khi gặp chúng tôi trong rừng, đang lúc chúng tôi hùng hục cưa cây làm củi, vừa làm vừa nghe radio phát bài hát “Bóng cây Kơ-nia” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, lời của nhà thơ Ngọc Anh (khu Năm), ông T. H. đã thì thào với chúng tôi : “ Các cậu cẩn thận nhé, bài hát này có vấn đề đấy !” Chúng tôi rất ngạc nhiên, hỏi ông : bài hát này hay thế, cả nước hát, thì có “vấn đề” gì ?  Ông T. H. nói, bài hát ấy hướng người lính Bắc “uống theo nguồn miền Bắc” – tức là muốn quay trở về miền Bắc – muốn…B “quay” rồi chứ gì ! Nó lại buồn thê thiết thế, lính Bắc nhớ nhà làm sao chiến đấu ?  Trời ơi, tôi nghe ông T. H. nói mà muốn tắt tiếng… ca luôn ! Ai lại nghĩ được cách phê bình bài hát kỳ lạ thế nhỉ ? Tôi nghĩ, ông T. H. không thể là chủ nhân của ý tưởng phê bình “siêu kỳ quặc” đó. Chắc chắn là ông nghe từ ai kia, mà người nói đó chỉ có thể là người cấp trên của ông, và ông “nghiêm túc lãnh hội” rồi vô tư truyền đạt lại cho chúng tôi để… cảnh giác.

Ở rừng, có nhiều cái lạ kỳ thế đấy ! Cũng vì vậy, mà tôi chỉ thích ở dưới chiến trường đồng bằng, tuy ác liệt, nhưng lắm cái vui hơn, và đỡ phải nghe những lời “bình luận âm nhạc” kiểu như chúng tôi nghe từ ông T. H. Bài hát “Bóng cây kơ-nia” còn bị hiểu ra như vậy, huống chi là thơ mình ! Tôi hơi ớn…lạnh. Năm trước, nghĩa là đã cách chiến tranh 40 năm, tôi được mời tham gia nhóm “bình luận già” chương trính “Giai điệu tự hào” của VTV. Trong chương trình đó, có một bài hát phổ thơ của nhà thơ H.T.T. Tôi lỡ dại chê phần lời thơ của ca khúc này là “đại ngôn”, là “sáo”. Lập tức, tôi bị mấy “bình luận viên” của nhóm “bình luận trẻ” tấn công dữ dội, nói tôi không biết gì về âm nhạc thì đừng có mà phê bình. Đúng là tôi không biết gì về âm nhạc thật. Nhưng đây tôi chỉ nói phần lời thơ, đâu có nói phần âm nhạc. Vậy mà… Hóa ra, sau hơn 40 năm, qua tới mấy thế hệ mà lối phê bình vẫn na ná như nhau. Hồi trước thì chê tới bến, bây giờ thì khen cật lực. Và ai nói khác, nghĩ khác một chút là bị… tấn công ngay.

Thanh Thảo




NGUỒN : tác giả gửi Diễn Đàn ngày 6.6.2016



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss