Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Chung quanh một cuộc bầu cử

Chung quanh một cuộc bầu cử

- Trường An — published 28/01/2008 01:00, cập nhật lần cuối 28/01/2008 01:00
Từ cuộc bầu cử mới đây tại Úc, tác giả Trường An gửi tới Diễn Đàn một số suy nghĩ về Tinh thần dân chủ.


Chung quanh một cuộc bầu cử và
nghĩ về tinh thần dân chủ


Trường An



Tại Úc gần đây, trong một cuộc bầu cử toàn Liên Bang, người dân Úc đi bầu cử và đã bỏ phiếu thay đổi, không những chính phủ của họ, mà ‘truất phế”1 luôn cả vị thủ tướng đã nắm quyền hơn 10 năm nay. Nếu ta đặt câu hỏi: phải chăng người dân Úc làm như thế vì họ đã “không nhớ ơn” một vị lãnh tụ đã lèo lái con thuyền dân tộc Úc hơn 10 năm qua thì có lẽ người dân Úc sẽ nhìn vào ta và sẽ hết sức ngạc nhiên vì câu hỏi “ngớ ngẩn” ấy. Bởi vì sao? Vì trong suy nghĩ hết sức đơn giản và thông thường của một người dân nước dân chủ, thì việc “nhớ ơn” hay “không nhớ ơn” một đảng phái chính trị, hay một vị lãnh tụ nào đó, hoàn toàn không liên quan gì đến việc họ đi bầu hay bỏ phiếu cho ai. Việc ấy thường chỉ dựa vào những vấn đề hết sức thiết thực và đơn giản trong hiện tại, và có tầm ảnh hưởng đến tương lai, chứ ít khi nào dính líu gì đến những vấn đề đã xảy ra trong quá khứ nhất là quá khứ lâu xa đến độ gần như đã trở thành “lịch sử”.

Người dân một nước có dân chủ thật sự thì khi đi bầu “đơn giản” như thế (tuy rằng các vấn đề để suy nghĩ, các chính sách về kinh tế và chính trị tại các nước này có thể vô cùng phức tạp đi chăng nữa). Trong khi đó, nhìn lại những quốc gia còn chậm phát triển về mặt kinh tế và chính trị thì có khi, ngay cả nếu được đi bầu đi chăng nữa, cũng vô cùng “phức tạp” và “nhức đầu” cho người dân bởi vì họ phải đương đầu mãi với đủ mọi loại vấn đề, từ lòng “yêu nước”, “tôn giáo”, cho tới các vấn đề triết lý chính trị, xã hội, lịch sử, những vấn đề xét ra tuy rất là cao siêu nhưng chẳng “ăn nhập” gì đến những việc đang xảy ra trong hiện tại và sẽ xảy ra trong tương lai của người dân bình thường (ví dụ như các vấn đề tham nhũng, bất công, thâm lạm ngân sách, hạ tầng cơ cở vật chất và tinh thần trong nước đang bị nguy cơ tụt hậu v.v.). Những vấn đề này, tuy có được nêu ra, nhưng cuối cùng cũng vẫn bị “đẩy lùi về phía sau” vì người ta (với sự góp sức của một số người trong thành phần “trí thức” của cả hai bên) thường hay cứ muốn nhắc đi nhắc lại mãi các vấn đề thuộc về “lịch sử”. Việc viết sử, và việc phân tích chính sách, lẽ ra phải là hai việc hoàn toàn riêng biệt. Nhưng nếu như “lịch sử đứng sau hiện tại” trong một quốc gia văn minh và phát triển, thì ngược lại, tại một quốc gia chậm tiến, nó gần như có khuynh hướng cứ lù lù xông ra phía trước, mỗi lần có một sự tranh cãi hay tranh cử. Người ta có cảm giác như thời gian trôi qua rất nhanh tại một quốc gia phát triển, trong khi đó ngược lại, nó gần như cứ “dậm chân tại chỗ”, nếu không muốn nói là lùi lại cả gần hơn nửa thế kỷ trước, mỗi khi hệ thống chính trị của những xứ này phải đương đầu với những vấn đề cấp bách trong hiện tại. Có lẽ là vì thành phần “lãnh đạo” ở những quốc gia này, chỉ thích nói về tương lai và nhìn về quá khứ hơn là “đối mặt” với hiện tại.

Người ta thường hay nói: “dân chủ” muốn có được thì “dân trí” phải cao. Xét ra cho kỹ, đây có thể chỉ là một sự nguỵ biện. Vì sao? Vì ta có thể hỏi ngược lại: “cao” đối với ai, và “cao” đối với vấn đề gì? Tại một quốc gia kém phát triển, dân trí có thể không “cao” so với những vấn đề đang được mang ra bàn cãi trên chính trường : “WTO”, “APEC”, “Security Council”, “hâm nóng địa cầu”, “đại học đẳng cấp quốc tế”, “toàn cầu hóa và thị trường hóa”, “lý thuyết giá trị trong học thuyết của Marx, của Keynes”, v.v. Nhưng chắc hẳn rằng trình độ phán xét của họ dư thừa để mà nhận ra ai là người yêu nước thật sự giúp ích cho họ, và ai là người chỉ dùng tình yêu nước kiểu độc tài để khống chế họ; ai là người có khả năng để lãnh đạo (mà có khi không cần bằng cấp), và ai là người vinh danh với bao nhiêu địa vị và bằng cấp mà chưa hẳn là có khả năng giải quyết những vấn đề thiết thực cho họ; ai là người liêm chính công bằng và ai là người tham nhũng hủ lậu v.v.. Tức là những vấn đề (và những con người) rất thiết thực và gần gũi với họ chứ không phải là những ý niệm trừu tượng trong lý thuyết. Nếu ta muốn nói theo kiểu “tư bản Tây phương” thì “khách hàng luôn luôn là ông vua” – tức là, tuy khách hàng không phải là người có kiến thức chuyên môn để sản xuất ra một sản phẩm, nhưng không phải vì thế mà họ không có đủ khả năng để thẩm định về chất lượng và giá trị của một “món hàng”. Tương tự, người dân một nước còn nghèo, tuy không có những kiến thức chuyên môn về kinh tế, chính trị, triết học hay khoa học, để phân tích các chính sách một cách tinh vi, nhưng không phải vì thế mà họ không có khả năng để nhận ra các tầm ảnh hưởng của những chính sách ấy đối với đời sống thiết thực của họ. Đó mới chính là tiêu chuẩn để thẩm định về giá trị của “tinh thần dân chủ” chứ không phải là những vấn đề lý thuyết trong sách vở.

Để hiểu thêm vấn đề này, ta thử đặt lại thêm một câu hỏi tiếp: nếu bảo rằng trình độ dân tri còn kém, thế thì trình độ của lãnh đạo đến đâu? Ở bất cứ quốc gia nào, lãnh đạo không nhất thiết là xuất thân từ thành phần trí thức. Tuy nhiên, ở những quốc gia tân tiến, thành phần trí thức sẽ giúp cho lãnh đạo làm việc, và vì xuất thân từ đủ mọi giai tầng trong xã hội, người trí thức ở một quốc gia tân tiến thường “gần gũi” với người dân hơn là tại những quốc gia kém phát triển. Vì thế họ sẽ nói lên được tiếng nói của người dân và giúp cho người dân hiểu biết thêm về các vấn đề thuộc chính sách. Ngược lại, tại những quốc gia kém phát triển, thành phần trí thức là những phần tử ưu tú, nhưng đa số xuất thân từ hàng ngũ lãnh đạo, gần gũi với ‘lãnh đạo nhiều hơn là với quần chúng, vì thế chẳng trách gì, đa số chỉ lo nghĩ đến sự củng cố địa vị cá nhân nhiều hơn là lo nghĩ đến tương lai chung của cả nước2. Xét ra như thế, thì không phải dân chủ sẽ đòi hỏi một trình độ dân trí cao (vì đây là một vấn đề tương đối như đã nêu bên trên), nhưng sự thật phải nói rằng nếu như hàng ngũ trí thức (một nền tảng cho dân trí) chỉ lo phụng sự cho thiểu số cá nhân lãnh đạo hoặc xuất thân từ đó, thì dù cho trí thức có kiến thức cao, cũng không giúp ích gì cho dân trí - nếu không muốn nói rằng chính kiến thức cao ấy có khi là bước cản trở cho dân chủ và dân trí.

Nói tóm lại dân chủ và ‘dân trí’ tuy là hai điều có thể hỗ tương cho nhau nhưng không nhất thiết là lúc nào cũng được đi đôi với nhau nếu như không có một hệ thống chính trị và xã hội biết sử dụng tiềm năng của cả hai thay vì khống chế cả hai. Người Việt Nam ta thường hay tự hào về truyền thống “Diên Hồng” để nói lên truyền thống dân chủ đã sẵn có trong lịch sử dân tộc, và cũng để nói lên một nhận xét cho rằng: nếu như không có dân trí thì dù cho lãnh đạo giỏi cũng sẽ không thắng được giặc. Thế nhưng tiếc thay, khẩu hiệu ấy hình như chỉ được mang ra dùng ở những khi có chiến tranh. Còn khi ở thời bình, thì hay có khuynh hướng “con quan thì lại làm quan, con ông thầy chùa thì quét lá đa”, tức là không biết sử dụng dân trí mà còn có khi chia rẽ và khống chế nó. Chẳng trách gì dù người Việt Nam anh hùng trong chiến trận để giữ nước, nhưng trải qua bao nhiêu thế kỷ vẫn chưa hơn được ai ở vấn đề phát triển đất nước. Đó cũng có thể là điều để giải thích tại sao lại cứ phải đi “triều cống” đủ mọi xứ, để giữ vững nền độc lập, hơn là tự dựa vào sức của mình (tức của người dân) để phát triển3.


Trường An


1 Đương kim Thủ Tướng Howard không những mất chính quyền vào tay đảng đối lập, mà mất luôn cả “ghế ngồi” của chính mình, một điều rất ít khi xảy ra.

2 Hoặc giả cho có suy nghĩ về đất nước nói chung đi chăng nữa thì suy nghĩ ấy cũng sẽ không được dùng đến nếu như nó đi ngược lại với quyền lợi riêng tư của một nhóm người đang lãnh đạo.

3 Hoặc ‘phát triển’ không phải bằng sự vận dụng trí tuệ của người dân trong nước, mà chỉ bằng sự ‘cho thuê’ sức lao động của người dân trong nước để đổi lấy ‘trí tuệ’ (sự đầu tư và kỹ thuật) của người ở ngoài nước.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us