Năm chuột ta, nhắc chuyện tây
Năm
chuột
ta,
nhắc chuyện tây
Bùi Trọng Liễu
Năm Tý, nhắc đến một câu chuyện phương Tây, và … truyện Tam quốc.
Chắc có bạn đọc biết chuyện « Người thổi sáo », đại khái như sau : Thuở xưa, ở thành phố Hameln nước Đức, có xảy ra tai hoạ chuột, chuột nhiều đến mức chỗ nào cũng có, chúng gặm khoét phá phách đến mức dân chúng không chịu nổi ; ông thị trưởng và chức sắc mới treo biển cầu người có giải pháp trừ chuột. Một ngày kia, có một chàng trai từ đâu đến, nói có phép trừ chuột, nhưng hỏi muốn biết phần thưởng ra sao. Thị trưởng và chức sắc hứa nếu thành công sẽ trả một ngàn đồng tiền vàng. Hai bên giao ước xong, chàng trai kia bèn rút trong bọc ra một chiếc sáo, và bắt đầu thổi, vừa thổi sáo vừa đi qua khắp phố phường. Chuột nghe tiếng sáo, như bị hấp dẫn mê mẩn, chuột to chuột nhỏ kéo nhau ra đường theo người thổi sáo, dẫn chúng ra sông lội xuống nước. Đàn chuột theo sau cũng lội xuống chết đuối hết. Khi đã diệt xong chuột, người thổi sáo trở lại lĩnh thưởng. Thoát được nạn chuột, cả thành phố mở tiệc ăn mừng. Nhưng chẳng ai nghĩ đến lời hứa trả công cho « người thổi sáo ». Chàng này mấy lần nhắc ông thị trưởng và các chức sắc về món ngàn đồng tiền vàng, nhưng họ khất lần. Họ nghĩ rằng món tiền to như vậy, để tiêu xài hội hè cho sướng, cần gì đến lời hứa. Hiểu tâm địa bọn kia, « người thổi sáo » bèn rút trong bọc ra một cây sáo khác. Thổi lên, bao nhiêu trẻ em trong thành phố bị tiếng sáo quyến rũ, như mê hồn, mặc lời khuyên can đe doạ ngăn cấm của mẹ cha, lũ lượt bỏ ra đường bước theo « người thổi sáo » ra khỏi thành, đi mãi đi mãi, không bao giờ trở lại ...
Tôi nhắc câu chuyện chuột này, nhưng cũng muốn nói đến những liên tưởng.
Trước hết, câu chuyện chuột và người thổi sáo này mang tính huyền thoại và tính ngụ ngôn về chữ “Tín”.
Nhưng có thuyết cho rằng nó có một nguồn gốc “thực”, dựa trên sự tích của cái được gọi là cuộc “Viễn chinh chữ thập của trẻ em” (la Croisade des enfants), xảy ra giữa hai cuộc viễn chinh chữ thập “chính thức” thứ bốn và thứ năm (1) : tuy gọi là “của trẻ em”, mà cũng không phải hoàn toàn là của trẻ em ; tuy gọi là “một”, mà kỳ thật là “hai”. Theo mấy sử gia ngày nay thì “Viễn chinh chữ thập” này, ngoài một số trẻ em, còn có sự tham gia của những nông dân nghèo sống bên lề xã hội trong cảnh phụ thuộc, nghĩa là những người mà thuở đó tiếng la-tinh gọi là pueri, gây nên sự lẫn lộn với nghĩa “trẻ em”. Thêm vào đó, “Viễn chinh chữ thập của trẻ em” không phải chỉ có một cuộc mà là có hai cuộc : một cuộc khởi đầu từ Đức, và một cuộc khởi đầu từ Pháp ; có sử gia dùng chữ “đoàn” để bớt sự phân biệt, vì cả hai xảy ra cùng khoảng thời gian (1212) và cùng mục tiêu ; nay tôi cũng tạm dùng từ này : “Đoàn Đức ” và “Đoàn Pháp” cho gọn.
Đoàn Đức là do một thiếu niên tên là Nicolas (tiếng Đức có lẽ viết là Nikolaus?), có nguồn thì bảo là một lái buôn, có nguồn lại bảo đó là một thiếu niên chăn cừu chạc tuổi 14, ở Köln, nói rằng cậu ta thấy một vị thiên thần (ange) hiện ra, kêu gọi cậu ta đi giải phóng Thánh địa (nơi có mộ Chúa Ki-Tô, lúc đó đang trong tay người Hồi giáo ở Cận Đông). Nicolas có tài hùng biện, trong vài ngày lôi cuốn được khoảng hai vạn trẻ em và người lớn. Dọc đường có người theo thêm, có lúc con số lên đến khoảng 3 vạn. Cậu ta hứa hẹn rằng Chúa Trời sẽ ban một phép lạ : Khi nào Đoàn đến thành phố-cảng Genova (Ý), nước biển Địa Trung hải sẽ rẽ ra làm hai (2), để Đoàn có thể tiếp tục đi bộ tới tận Thánh địa! Đoàn này đi dọc theo sông Rhin, qua nhiều thành phố. Họ nghèo không có phương tiện hậu cần, đa số không có giày dép, quần áo ấm, lương thực dự trữ, nên phải xin ăn ở dọc đường khi qua các làng mạc. Dân các làng cũng cố giúp, nhưng họ nghèo; mà năm ấy lại mất mùa, nên số người trong Đoàn chết đói và chết bệnh rất nhiều. Rồi khi vượt qua dãy núi Alpes, thời tiết xấu, bị tai nạn, kiệt lực, khi tới Genova thì chỉ còn khoảng 7 ngàn người. Dù cầu nguyện, cũng chẳng thấy phép lạ (nước biển rẽ ra làm đôi), đa số thất vọng bỏ cuộc, muốn trở về Đức, nhưng không chịu nổi gian nan dọc đường, lại chết thêm rất nhiều; một số thiểu số đành làm thuê làm mướn tại chỗ; những trường hợp hãn hữu trở về quê thì bị người ta giễu cợt. Nicolas và khoảng một ngàn còn lại cố đi tiếp đến Pisa. Ở đó, khoảng một trăm “đoàn viên” tìm được hai chiếc tàu nhận chở đi Thánh địa, nhưng chẳng ai biết là rốt cục tàu đi đến đâu. Số còn lại theo Nicolas đi bộ tiếp, chết đói, chết bệnh, bị giặc cướp giết, đa số phụ nữ bị bắt cóc, phải làm gái điếm trong những nhà thổ, cánh nam giới thì bị bắt làm nô. Không thấy sử biên niên nói đến Nicolas nữa, trừ một vài nguồn kể là rốt cuộc cậu ta đến được Thánh địa, chiến đấu trong đám quân sĩ của cuộc viễn chinh chữ thập thứ 5 và trở nên giàu có khi trở về Köln. Chắc là bịa.
Còn câu chuyện Đoàn Pháp, thì như thế này. Tháng sáu năm 1212, một thiếu niên chăn cừu ở Cloyes tên là Etienne kể rằng cậu ta thấy Chúa Trời hiện ra, có “thông điệp” cho vua Pháp. Tin đồn ra, khoảng 3 vạn người, trẻ em và người lớn, từ khắp nơi theo cậu ta đổ dồn về kinh thành, thuyết vua Philippe Auguste cho phương tiện để tiến hành cuộc viễn chinh. Vua cho diện kiến, nhưng vua không đồng ý cho thực hiện cuộc viễn chinh, và khuyên giải tán phong trào. Không được sự giúp đỡ của nhà vua, Etienne và Đoàn của cậu ta kéo nhau đi từ Vendôme, tiến xuống phía Nam, để đến cảng Marseille, và hy vọng rằng ở đó nước biển Đại Trung hải cũng rẽ làm đôi để họ có thể đi bộ đến Thánh địa (cũng lại câu chuyện phép lạ, như câu chuyện Đoàn của Đức!). Tuy không gặp những trở ngại thiên nhiên trên đường đi từ Vendôme đến Marseille, nhưng đói khát, mệt mỏi và bệnh tật cũng làm chết khoảng hai phần ba đoàn viên trong Đoàn. Và tất nhiên, đến Marseille, dù có thiết tha cầu nguyện Chúa Trời, cũng chẳng thấy nước biển rẽ làm hai. Tuy vậy Đoàn vẫn hy vọng. “May thay”, sau mấy ngày chờ đợi, có hai lái buôn nhận chở Đoàn trên mấy chiếc tàu của họ để sang Thánh địa. Kỳ thật ra, bọn lái buôn này có dã tâm : ra đến biển rồi, chúng nhốt các đoàn viên xuống hầm tàu, tính chở đem bán họ làm nô. Đói khát và bị ngược đãi trên tàu làm chết thêm một số đoàn viên. Mấy ngày lênh đênh trên biển, gặp bão, 2 chiếc tàu trên đoàn 7 chiếc, trôi dạt tới một đảo miền nam nước Ý, cả thủy thủ và đoàn viên đều bị chết đuối. 5 chiếc tàu còn lại chở bọn họ sang Bắc Phi, bán họ làm nô cho người A-rập. Một kết thúc bi thảm.
Đó là gốc gác của câu chuyện chuột.
Nhưng tôi cũng muốn liên tưởng đến các cuộc viễn chinh chữ thập nói chung và rộng hơn. Thánh địa và đặc biệt là Jerusalem đâu có phải là Thánh địa của một đạo, mà là Thánh địa của ba tôn giáo : đạo Do-thái, đạo Ki-tô và đạo Hồi. (Cho nên Jerusalem còn được gọi là “ville 3 fois sainte”, tạm dịch là “thành phố Thánh địa 3 lần”). Trong việc tranh chấp đất đai, có chuyện đạo xen lẫn với chuyện đời, lòng tin xen lẫn với lợi ích và quyền lực.Vì không có khoan dung và chấp nhập chung sống hòa bình, nên mới có sự tranh chấp liên miên đời này qua đời khác, cho đến tận ngày nay. Trong bao nhiêu thế kỉ tranh chấp giữa các quyền lực tín đồ của các tôn giáo khác nhau, mồ hôi, nước mắt và máu đã chảy rất nhiều vì mảnh đất này.
« Bức tường phía tây » di tích còn lại của «Đền thứ hai » đạo Do-thái ở Jerusalem, còn được gọi là « Bức tường than khóc » (Mur des Lamentations), tuy người đạo Do-thái và đạo Hồi đều không chấp nhận tên gọi này. |
Dôme
du Rocher, |
Nhà
thờ Saint-Sépulcre |
Nhân nói đến Thánh địa và di tích, tôi cũng muốn liên tưởng rằng không thiếu những nơi khác mà khi nhà cầm quyền đổi đạo thì cũng kéo theo đổi đền thờ. Thí dụ như ở Cordoba (Tây-ban-nha). Năm 785, khi vua Hồi giáo chiếm được nơi này, sai mua (?) đất của nhà thờ Thiên chúa giáo San Vincente, và xây trên đó một đền thờ Hồi giáo rất lớn, khởi công vào năm 785 và sau đó mở rộng thêm. Đến năm 1236, khi vua Ki-tô giáo chiếm laị được đất này, thì biến đền Hồi giáo này thành nhà thờ Thiên chúa giáo, còn tồn tại đến nay. Một thí dụ khác: ở Constantinople (ngày nay là Istanbul, Thổ-nhĩ-kỳ), nhà thờ Thiên chúa giáo Haghia Sophia được xây trên nền cũ của đền thờ Apollon (một thần trong thần thoại Hy-lạp cũ), thoạt đầu là vào năm 325 ; sau nhiều lần bị hủy do hỏa hoạn hay loạn lạc, một Nhà thờ Lớn được khởi công xây vào năm 532 và hoàn thành vào năm 537, còn được biết dưới tên gọi (tiếng Pháp) Sainte Sophie. Khi vua Hồi giáo Mehmet II chiếm kinh đô Constantinople này của Đế quốc Byzance (1453), chuyển nhà thờ này thành đền Hồi giáo. Đến năm 1934, dưới nền cộng hòa, đền này trở thành bảo tàng. Ở nước ta, vào năm 1884, cũng có trường hợp Nhà Thờ Lớn Hà Nội, xây trên nền chùa Báo Thiên cũ (3).
Bên trong đền Hồi giáo ở Cordoba (Tây-ban-nha) chuyển thành Nhà thờ Thiên chúa giáo cho đến nay. |
Nhà thờ Ki-tô giáo Sainte Sophie chuyển thành Đền Hồi giáo (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ), nay là bảo tàng. |
Chung sống hòa bình được thì tốt biết bao. Đất đai công hữu hay tư hữu, chiếm đoạt hay tranh chấp càng nhiều thì càng gây đau khổ. Rồi khi đòi đất, cũng không nên quên những “quyền” sở hữu chồng chất theo thời gian : trước mình thì là ai, trước ai đó thì là ai khác nữa, vv. và vv. ? Câu hỏi này làm tôi liên tưởng đến chuyện ông thánh Quan “đòi đầu”.
Thánh Quan đây là Quan Vũ, đời Tam quốc bên Tàu (Ngụy, Thục, Ngô, thế kỉ thứ 3). Theo Tam quốc chí, ông này là em kết nghĩa của Lưu Bị (sau là vua Chiêu Liệt nhà Thục), theo anh lập nên cơ đồ nhà Thục, sau bị Tôn Quyền (vua nhà Ngô) giết. Người Tàu trọng ông ta là người trung nghĩa, thờ làm thánh; một số người nước ta cũng bắt chước thờ ké. Tôi tóm tắt lý lịch ông ta, theo cách nhìn của tôi : Một lần trong chiến trận, Quan Vũ lạc Lưu Bị, nên phải đầu hàng Tào Tháo. Tào Tháo đãi rất hậu. Đến khi Quan Vũ nghe tin Lưu Bị còn sống, bèn bỏ Tào Tháo để đi theo. Qua năm cửa ải, sáu tướng của Tào Tháo cản không cho đi vì chưa được lệnh thả, Quan Vũ đều chém họ chết. Như vậy là về thủy chung – nói một cách văn vẻ cố tôn vinh – là “gặp thời thế, thế thời phải thế” – còn nói bộc trực – tiếng Pháp là “à géométrie variable”, (tôi không biết dịch chính xác ra tiếng Việt là gì, chỉ nhớ là thời còn chiến tranh, có loại máy bay Mỹ mà ta gọi là “cánh cụp cánh xòe”; còn trong trường hợp này, phải chăng nên dịch là “tùy tiện”?). Khi Lưu Bị lên ngôi vua, phong cho Quan Vũ đứng đầu Ngũ hổ đại tướng, thì ông ta giận không chịu nhận ấn tín, vì lẽ rằng trong đám 5 hổ tướng đó, có tướng Hoàng Trung mà ông ta khinh gọi là một anh lính già xuất thân. Sau sứ giả phải can, ông ta mới chịu nhận ấn. Thế là ông ta tự gán giá trị “đẳng cấp cao” cho mình. Một lần ra trận, ông ta bị trúng một phát tên độc ở cánh tay; danh y là Hoa Đà mổ, thì ông ta không chịu để buộc tay, giả bộ không đau cứ ngồi uống rượu đánh cờ, chìa cánh tay cho Hoa Đà cạo vết thương đến tận xương, được nhận lời khen của Hoa Đà là « Tướng quân là người nhà trời ». Thế là ông ta biết lên gân làm “người hùng”. Vua Thục sai ông ta giữ thành Kinh Châu; vua Ngô (là Tôn Quyền) muốn cầu thân, sai sứ giả sang hỏi con gái ông ta cho con trai mình, thì ông ta nổi giận cự tuyệt trả lời rằng “Con (của) hổ không thể gả cho con (của) chó”. Thế là ông ta tự đánh giá mình là vĩ nhân thế giới – thế giới thuở ấy tất nhiên là Tam quốc và các phiên thuộc, cho nên chưa có các công ty kinh doanh tiểu sử vĩ nhân thời toàn cầu hóa ngày nay – và cho là vua Ngô là không “môn đăng hộ đối”. Và bởi ngỡ mình là vĩ nhân nên làm lỡ việc nước, vì vua Ngô giận sai tướng đánh chiếm thành Kinh Châu; ông ta bị bắt không chịu hàng nên bị chém đầu. Người Tàu thương, cho là trung nghĩa thờ làm thánh. Chả biết tác giả truyện Tam quốc có hóm hỉnh không, khen đấy mà cũng lén chê đấy , vì kể rằng : sau khi ông ta bị chém chết rồi, hồn lang thang, đêm thường hiện làm ma, đòi “trả đầu”. Một hôm, hồn tình cờ gặp nhà sư Phổ Tịnh, ân nhân cũ ; nhà sư bèn hỏi : “Tướng quân đánh nhau với quân Ngô, bị họ chém đầu; nay lại hiện lên mà đòi người khác trả đầu. Lúc tướng quân còn sống, qua năm cửa ải, chém sáu tướng, vậy thì đầu của sáu tướng ấy, đòi ai trả ? ”. Theo chuyện, hồn Quan Vũ liền tỉnh ngộ, tạ và biến đi. Vậy thì hồn ông ta cũng biết phục thiện, làm thánh cũng được đấy chứ.
Khổ nỗi “đòi đất” không giống “đòi đầu”, cho nên dễ kẹt. Nhưng ta vẫn cứ nên mơ ước.
Tết là dịp chúc cho một năm mới, hay xa hơn thế nữa, cho một tương lai tốt đẹp hơn. Vậy, cầu chúc cho có được sự chung sống hòa bình ở tất cả mọi nơi.
Bùi Trọng Liễu
Chú thích:
(1) Các cuộc viễn chinh chữ thập có mục đích giải phóng Thánh địa (nơi có mộ Chúa Ki-Tô, lúc đó đang trong tay người Hồi giáo ở Cận Đông). Tất cả có 8 cuộc Viễn chinh chữ thập « chính thức » (tôi dùng từ « chính thức » để chỉ việc có tổ chức, do vua chúa phát động, có quân đội, vũ khí, thuyền bè, hậu cần, vv), xảy ra vào khoảng những năm sau đây : Cuộc thứ nhất (1096-1099); cuộc thứ nhì (1147- 1149) ; cuộc thứ ba (1189 -1192) ; cuộc thứ tư (1202 -1204) ; cuộc thứ năm (1217 -1219) ; cuộc thứ sáu (1228 -1229) ; cuộc thứ bảy (1248 -1254) ; cuộc thứ tám (1270). (Có nguồn nói tới cuộc thứ chín (1291), nhưng hình như vài sử gia coi cuộc Viễn chinh thứ 9 là sự nối tiếp không thành công của cuộc thứ 8) .
(2) Theo Thánh kinh (Bible) của đạo Do-thái và đạo Ki-tô, trong 66 cuốn sách, cuốn sách thứ hai « Xuất hành » (Exode) của Cựu ước (Ancien Testament), có chuyện Moïse (Moses) khi dẫn dân Do-thái thoát khỏi Ai-cập, được phù phép rẽ nước biển làm hai để vượt Hồng hải sang bờ phía đông. Cuốn phim « Mười điều răn » (The ten Commandments) của đạo diễn Cecil B.DeMille (1956) có tả sự tích này, tất nhiên có thêu dệt ít nhiều, và tới nay, vẫn còn nhiều giả thuyết về sự việc thật của việc vượt Hồng hải này mà khoa học chưa soi sáng.
(3) Theo cuốn “Lịch sử thủ đô Hà Nội” của nhóm Trần Huy Liệu, nxb Sử học, 1960, và theo một số nguồn khác, như bài “Từ Chùa Báo Thiên Đến Nhà Thờ Lớn” của Nguyễn An Tiêm http://sachhiem.net/TONGIAO/NguyenAnTiem.php , (có dẫn cuốn “Tang Thương Ngẫu Lục” của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án),
Năm 1883, theo yêu cầu của chính quyền bảo hộ Pháp, kinh lược Bắc kỳ là Nguyễn Hữu Độ nhường đất chùa Báo Thiên cho cố đạo Puginier xây trên đó nhà Thờ Lớn hiện nay ở Hà Nội, khởi công xây năm 1884 và khánh thành ngày 24/12/1886.
Chùa Báo Thiên có cây Tháp Báo Thiên (Bảo tháp Đại Thắng Tự Thiên) là một trong “An Nam tứ đại khí” – bốn công trình bằng đồng (?) thời Lý-Trần nay không còn nữa : tháp Báo Thiên ; tượng Phật chùa Quỳnh Lâm ở Đông Triều, Quảng Ninh, đúc thời Lý (năm nào?) ; chuông Quy Điền của chùa Diên Hựu (1101) đúc to quá, không đưa được vào treo trong một phương đình cao 8 trượng xây bằng đá xanh làm nơi treo chuông, nên bị bỏ ở ruộng có nhiều rùa nên có tên gọi đó; vạc Phổ Minh, thuộc chùa Phổ Minh ở Thiên Trường, Nam Định đúc vào thời vua Trần Nhân tông khoảng (1279-1293).
Tháp và chùa Báo Thiên xây năm 1059 đời vua Lý Thánh tông, được tả là gồm 12 tầng, cao mấy mươi trượng (!?), các tầng dưới xây bằng đá và gạch, tầng trên, bằng đồng. Thế kỉ 13 và 14, bão và sét đánh làm hư hỏng tháp. Năm 1426, tướng nhà Minh là Vương Thông, bị nghĩa quân của Lê Lợi vây trong thành, cùng quẫn quá, lấy đồng của tháp Báo Thiên để đúc vũ khí. Chùa Báo Thiên thì vẫn còn tồn tại cho đến năm 1883, theo các nguồn đã kể.
Bài http://baodaidoanket.net/ddk/mdNews.ddk?id=4200 mới đăng ngày 1/2/2008 dưới đầu đề “Lịch sử cụ thể về một khu đất có tên gọi là phố Nhà Chung ở Hà Nội” của Lê Quang Vịnh, nguyên Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, có dẫn thêm một số chi tiết. Trong phần chú thích bài này có dẫn : “Báo Thiên Tháp Ảnh: Từ điển địa danh lịch sử văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa- Thông tin, Hà Nội, 1998, tr 92”
Các thao tác trên Tài liệu