Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Chuyện « Nhỏ »

Chuyện « Nhỏ »

- n.h. — published 06/03/2009 02:29, cập nhật lần cuối 24/03/2009 10:53
Từ chuyện "truất phế" cô Madison thất bại đến việc "đóng cửa sớm" cuộc triển lãm FOB II


Giọt mực Giọt đời

Chuyện « Nhỏ »

N. H.



Cộng đồng – không viết hoa – người Mĩ gốc Việt vẫn còn đang đi qua những cơn « sốt vỡ da » tất yếu (dù có thể hơi muộn) trên bước đường đời đã quá tuổi « nhi lập » của mình. Biểu trưng nhất là những tác nhân (hay diễn viên) chính của các sự việc gây xôn xao trong cộng đồng : Lứa tuổi đời của họ cũng suýt soát quanh tuổi cộng đồng. Đó là trang lứa của những Madison Nguyễn (Hội đồng thành phố San José, giữa Cali), Lê Đình Y Sa, Jenni Trang Lê, hay Đỗ Lê Anh Đào (VAALA, Nam Cali).

Tất nhiên, trên diễn đàn và sân khấu vẫn không thiếu những người trọng tuổi hơn, lớp « cha mẹ, chú bác, cô dì » của lớp người trên. Và, cũng tất nhiên, vẫn có những người ở lứa 30 hay trẻ hơn nữa, đứng cạnh những người trọng tuổi để phản bác phản đối hoặc thẳng thừng lên án những kẻ « gây rối », « phản bội », thậm chí « bất hiếu, bất mục » đối với ... cộng đồng !

*


Ngày 3-3-2009, cuộc đầu phiếu đặc biệt (theo nghĩa « bất thường ») ở thành phố San José, thủ phủ thứ nhì (còn được vài người xem là « thủ đô chính trị ») của người Mĩ gốc Việt ở Cali, đã đưa đến kết quả : Chủ trương phế chức nghị viên thành phố Madison Nguyễn [xin xem thêm hai bài báo đã được Diễn Đàn giới thiệu trong mục Thấy trên mạng :  Thanh niênLos Angeles Times] đã thất bại, phe chống, tức « no recall » cô Madison, thắng phiếu theo tỉ lệ khoảng 55-45%.

madison

Madison Nguyen và ứng viên Barack Obama

Chuyện dài truất phế Madison Nguyễn có thể nói gọn : Chính trị gia trẻ Madison Nguyễn đã không làm theo ý muốn của một số người, một số « thế lực » trong cộng đồng. Và, hệ luận đơn giản là : chúng tôi bầu cô lên, cô không nghe lời, chúng tôi có quyền lôi cô xuống. Còn có gì hơn thái độ « dân làm chủ » này ? Và một số người đã hành xử như vậy, bất kể đối sánh lực lượng của hai lập trường trái nghịch nhau. Và bất kể phân bố thành phần cử tri (dân), gốc Việt và không phải gốc Việt trong khu vực.

Về chuyện (sẽ còn) dài (dài) quanh vụ triển lãm nghệ thuật FOB II ở Santa Ana, người đọc quan tâm có thể tìm hiểu thêm ở đây Diễn đàn nước VIỆT quốc nội, báo O. C. Register ngày 16.1.2009, mạng Sức mạnh cộng đồng , và, phong phú hơn cả, ở đây : VAALA.

Bình luận bênh, chống các bên trong cuộc không phải là mục tiêu bài viết này. Vì, so với hai bên trong nội vụ, dù có đôi chút quan tâm theo dõi, người viết bài là kẻ ngoại cuộc, chia sẻ rất ít các mối quan tâm lẫn xúc động sâu sắc với cả hai phía. Người trong cuộc, cả nhiều phía, đã nói tiếng nói của mình.

*

doan
Thủ Đức - Việt Nam (2008), bức ảnh của Brian Doan tại cuộc triển lãm FOB II đã gây cuồng nộ trong "(chống) cộng đồng".

Cũng như Madison Nguyễn, những người chủ xướng FOB II là con em của cộng đồng. Cuộc sống, quá trình trưởng thành và sinh hoạt hiện nay của họ gắn kết rất nhiều với cộng đồng. Mối ưu tư của họ dành cho cộng đồng là rất lớn. Nói khác hơn, có lẽ chính cộng đồng là duyên cớ để họ chọn làm những việc họ đã làm. Cho nên, nói ngắn gọn, vụ FOB II là một cuộc va chạm của tình yêu trong gia đình. Vì yêu nên mới...

Yêu gì ư ? Yêu nhiều thứ lắm.

Yêu một quê hương cũ. Yêu một thời đã mất. Yêu một lá cờ không còn quốc gia nhưng mức độ thương quý không ai được xem nhẹ. Yêu một chuỗi danh xưng giờ đã thành xa lạ, lạc lõng, nhưng đó vẫn là dư ảnh của một thời « để yêu và để nhớ ». Yêu được thực thi một thứ thẩm quyền nào đó giờ đã rất đỗi mơ hồ trên những diễn biến trong cộng đồng, trong « nếp nhà ». Yêu cả những mối oán hờn, oan khúc của một đời người. Yêu từng nỗi đau, những đau thương « phải » được trao truyền theo dòng thế hệ.

Rồi lại yêu một quê hương (gốc xa xôi nhưng) vẫn còn đó. Yêu những lí tưởng tốt đẹp nhất còn có thể tìm thấy nơi quê hương mình đang sống. Yêu chính sức mạnh đích thực của cộng đồng mà mình là một thành viên. Yêu khả năng mình và bè bạn có thể làm cho cộng đồng tốt đẹp hơn nữa, trưởng thành hơn nữa, rạng danh hơn nữa. Yêu triển vọng trút bỏ đi thân phận và tư cách nhược tiểu, « mất nước » của cộng đồng mà cha mẹ mình chừng như còn mang nặng. Yêu sống cho ngày mai.

Cho nên, sẽ không lạ lùng gì khi các đề tài, cội nguồn của xúc cảm, trong nhiều tác phẩm trưng bày ở FOB II vẫn không xa lạ gì với những kí ức chung : chặng đường gian khổ, đầy bi thương của một tập thể lớn bỏ nước ra đi. Kí ức trong các trại tạm cư trên xứ người lần đầu trôi dạt đến. Thậm chí những hình ảnh cuộc sống ở Việt Nam hôm nay, bắt chộp, qua cảm quan và tâm cảnh, của người làm sáng tác. Vẫn là một sự quay về, quay lại với nhu cầu sẻ chia những xúc cảm, trăn trở mà họ đã nghe, đã sống với, và phần nào cảm nhận hay quan sát thấy.

Nhưng, sự va chạm ở đây cũng không thiếu. Va chạm về thời điểm thổ lộ cách yêu, nỗi xúc động của mình. Va chạm trong thể cách tư duy và biểu hiện. Nhiều khi, sự va chạm càng mạnh mẽ, nặng nề hơn khi người trong cuộc đã gặp nhau trong cùng một sân chơi quá nhỏ. Ở đó, bất kể sự chưa thích hợp của thời điểm, người ta muốn giải quyết những vấn đề mà lí trí và xúc cảm của người trong cuộc còn chưa đồng bộ. Sự va chạm của những người yêu nhau. Mỗi thế hệ, mỗi nhóm người, mỗi thời thế vẫn có những cấm kị riêng. Những tabou đã không ít khi trở thành một thứ « tiền tệ » mặc định trong trao đổi, cho dù là trao đổi xúc cảm. Kích thích tư duy, mời gọi đối thoại, những mong người khác bước qua các tabou cũ, hay muốn « giúp » người khác « cập nhật » các tabou là một thử thách cho người làm sáng tác. Mỗi thế hệ lại có những chuyến ra khơi mới của mình. Va vấp là không tránh khỏi, nhưng để cho tình huống dẫn tới những va chạm nặng nề dù sao cũng là điều đáng tiếc.

Là kẻ bên lề, đôi khi tôi trộm nghĩ : Nếu những người trẻ hơn, những người cầm chắc tương lai trong tay mình – những người thật sự có bản lĩnh tài ba mà cộng đồng có thể tự hào về họ – đừng chọn vội những loại vấn đề đã cũ, đã trở thành « thâm căn cố đế » nơi một số người thuộc thế hệ đi trước họ, để chạm vào. Cho dù đó là những bận tâm chính đáng, những vấn đề có thật, những ngãn trở có thật. Để họ bước ra những sân chơi lớn hơn, khoáng đạt hơn. Nơi thực tài của họ được dịp vỗ cánh. Để hoà nhập, đồng thời để góp mặt, giới thiệu phần tốt đẹp của thế hệ họ, kể cả phần văn hoá truyền thống của sắc tộc họ, cho xã hội họ đang sống, đang góp phần phong phú hoá. Biết đâu, họ sẽ giúp cho cộng đồng được tự hào về chính mình. Không phải tự hào về những điều rất khó tự hào, những tự hào cần đến một sân chơi riêng, một góc nhỏ trong cuộc đời lớn. Hay một thứ tự hào cần được xã hội dòng chính « chấp nhận ». Những tự hào được củng cố bằng « nghị quyết » rất ít liên quan đến xã hội dòng chính. Họ vẫn cần hiểu rằng : Chung quy rồi thì thế hệ cha anh họ vẫn rất cần được tự hào !

Tôi tin rằng, những người trẻ của cộng đồng đã minh chứng được rằng : Họ vẫn là niềm tự hào thực sự của cộng đồng. Và họ còn có thể làm hơn thế nữa. Quay về để tạo ra, hoặc ứng xử với, những va chạm, những khác biệt và cách biệt (đôi khi mang tính thế hệ, nhiều khi mang tính tri thức và nhận thức) ở thời điểm này, trong những sân chơi chật hẹp bày sẵn, rõ ra không/chưa là phương cách tối ưu.

Nghị viên Madison Nguyễn, do tình thế một phần, đã buộc phải minh chứng : làm nghị viên của một địa phương đa sắc tộc là vai trò, trách nhiệm và sức mạnh của cô. Nó phù hợp với thực tế cuộc sống bày ra cho cô, và, nếu đủ bản lĩnh, chính cô góp phần hoàn thiện nó. Bên cạnh đó, nhiều người cũng mong rằng, sự thành công – đang có và sắp tới – của cô sẽ là một đóng góp để cộng đồng sắc tộc gốc của cô được tự hào thêm. Là một người làm chính trị, tất nhiên cô sẽ còn học được những khéo léo và « tế nhị » hơn. Kể cả trong việc giúp cho cử tri người gốc Việt của cô ý thức rõ hơn, ít ra là hai khía cạnh : Cô là ai. Và tập thể cử tri người gốc Việt của cô (hôm nay lẫn ngày mai) là ai. Từ đó, làm rõ ra : quyền lực của họ nên được sử dụng hiệu quả ra sao và như thế nào có lợi nhất cho đa số. Nếu ước vọng đó là con đường đi đến gần với dân chủ thì cũng không phải là quá đáng.

*


Sẽ thiếu sót nếu không nói đến « vấn đề Việt Nam » khi nói tới cộng đồng người Mĩ gốc Việt. Tôi muốn trích lại một đoạn viết của một người viết bình luận quen thuộc trong cộng đồng : 

« Có khoảng 60 triệu người Việt Nam hiện nay ra đời sau năm 1975, họ chỉ biết một lá quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng. Những người là nạn nhân của cộng sản đang sống ngoài lãnh thổ Việt Nam, không chấp nhận sự hiện diện của lá cờ này, là điều chính đáng. Họ có quyền tìm mọi cách hợp pháp để khỏi đối diện cái biểu tượng hãi hùng đã gây đau thương cho cuộc đời họ. Nhưng không chấp nhận và nhục mạ, là hai việc khác nhau. Cho đến khi, và ngay cả sau khi Việt Nam có quốc kỳ mới được toàn dân chấp nhận, những người tôn trọng quốc kỳ cũ của mình là cờ vàng ba sọc đỏ, không nên làm buồn lòng bà con trong nước bằng cách nhục mạ quốc kỳ của họ. » [Đinh Từ Thức, Tiếng nói của nghệ thuật, tiếng nói của hành động , tạp chí điện tử Da Màu]

Đây là loại ý kiến hiếm được nghe « trong cộng đồng » và « từ cộng đồng », dù rằng, khi đã có người nói ra nó lại khá là hiển nhiên. Nhưng, đây là một nhắc nhở về thực tế Việt Nam mà không ít nhà tranh đấu cho « 80 triệu đồng bào Việt Nam thân yêu » của họ hay quên.

Họ còn cố ý quên. Vì lúc nào họ cũng nói thay cho tất cả người Mĩ gốc Việt, những con người mà (theo ý họ) ai ai cũng mang mối thâm thù với « Việt Cộng », kể cả những ai bị chụp mũ là Việt Cộng hay thân cộng. Vì lúc nào mối quan tâm của họ cũng là nói thay cho, đấu tranh giùm cho « toàn dân Việt Nam đang rên siết trong gông cùm Cộng Sản ». Và do đó, cũng như họ, đó là 80 triệu người căm thù, kinh tởm lá cờ mà, mỗi khi có dịp, họ sẵn sàng chà đạp, xé, đốt. Hành động và thái độ của họ tất nhiên phù hợp cái « niềm tin ấy ».

Ngộ nhận về chính vị thế – từ đó dẫn đến vai trò, rồi đến sức mạnh – của mình vẫn là bi kịch trong cuộc sống. Một thứ hội-chứng-Mộ-Dung-Cô-Tô mà Kim Dung đã vẽ ra rất tài.

*


Để dễ hiểu, dễ nhớ và dễ... sống, người ta đã đóng gói nhiều thứ (đáng lí là phức tạp) vào trong một vài biểu tương giản đơn. Ngộ nghĩnh nhất là cái tên gọi « Little Saigon » hay « Sài Gòn Nhỏ » giờ nghiễm nhiên đã là một biểu tượng của Tự Do Dân Chủ, chí ít là một niềm tự hào. Nghị viên Madison Nguyễn, giờ nghĩ lại, chắc phải thầm hối tiếc, mình đã lỡ dại, xem đó là chuyện « Nhỏ ».

Cũng như những người tổ chức triển lãm FOB II, dù triển lãm của họ trưng bày ở Santa Ana, thì FOB II ở Santa Ana có « xa xôi » gì với Sài Gòn Nhỏ đâu ? Vì không « xa » nên không gian nghệ thuật của họ vẫn bị chộp lấy, ném vào trong chỗ bức bối chật chội của Sài Gòn Nhỏ. Cho dù, ngoài kia trời vẫn xanh và nắng vẫn cao. Cho dù cuộc sống vẫn còn trăm ngàn điều đáng bận tâm hơn. Nhưng, đó là chuyện ngoài kia, rộng rãi cuộc đời.

Tôi tin rằng, sân chơi ấy vẫn mở cho cộng đồng nhắm tới và tham dự. Nơi đó, cộng đồng sẽ lớn và mạnh hơn, trong dài hạn.

n.h.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us