Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Chuyện con đà điểu

Chuyện con đà điểu

- Bùi Trọng Liễu — published 08/02/2010 20:00, cập nhật lần cuối 08/02/2010 20:26
Tết năm nay, tất nhiên là sẽ có bài viết về con Trâu (tượng trưng cho đám dân nghèo nai lưng làm việc), và con Hổ (sự hoành tráng hung hăng của bọn”đại gia”). Chuyện con đà điểu này, là một bài bên lề xin ké vào, để giành một chỗ nhỏ cho những người muốn có tư duy độc lập và muốn có khả năng phản biện.



Chuyện con đà điểu



Bùi Trọng Liễu



Có nhiều loại đà điểu, nhưng nói chung, đây là loài chim chạy, không phải là loài chim bay, sống ở xứ nhiệt đới, thí dụ như loại đà điểu Phi châu, tên chữ là Struthio camelus. Đà điểu có thân hình cao khoảng từ 1,70m đến 2,80m, chạy nhanh, tốc độ trung bình 30 km/giờ, nhưng có thể đạt tới 70km/giờ, sống lâu khoảng 70 tuổi.

dadieu

Nhưng mục đích của tôi không phải là tả hình dáng con đà điểu. Tôi muốn nói chuỵện khác : Đó là truyền thuyết sai về đà điểu, làm nó bị mang tiếng oan, do sự hiểu sai của một số người. Từ thuở xa xưa, nó đã mang tiếng. Và cho đến ngày nay, thường nghe thấy mấy nhà chính trị, đảng phái, nhà báo, …, đối lập nhau, phê phán, phản biện nhau về cái mà họ gọi là « đường lối (chính trị) của con đà điểu » (1) – theo nghĩa vấn đề (thân thể) lù lù ra đó, mà cứ tưởng rằng che đậy được, bằng cách bưng tai bịt mắt không thấy (rúc đầu xuống lỗ).

Kỳ thật ra con đà điểu không « ngu » như vậy. Có nhiều lý do về việc con đà điểu cúi đầu hay rúc đầu xuống cát : khi có triệu chứng bão cát, đà điểu cúi đầu xuống thấp để nghe tiếng động, để tự bảo vệ ; đà điểu rúc đầu trong cát để chăm lo đống trứng – (đà điểu đẻ chung trứng trong một lỗ), vv.

Nhưng có một thuyết rất « hấp dẫn », nêu trong một bài của tuần báo hoạt họa Journal de Mickey cho trẻ em (số báo đó xuất bản cách đây đã gần 40 năm rồi) (2). Thuở đó đứa con đầu của tôi mới biết đọc ; tôi đặt mua để hai bố con cùng xem. Một hôm, nó bảo : Bố ơi, có bài viết về con đà điểu, hay lắm. Tôi cầm báo đọc, quả là bài báo rất hấp dẫn. Nội dung bài đó như sau :

Khi đà điểu sống trong môi trường tự do của nó – tôi không nói đà điểu người nuôi – khi vì mặt trời, khí nóng bốc lên, nhìn từ xa thường thấy một « ảo ảnh » (mirage) như một bức màn lung linh phủ từ mặt đất đến một chiều cao khoảng 1,50m gì đó. Đà điểu biết hiện tựợng này, nên nó chỉ cần cúi đầu xuống thấp hơn cái màn ảo ảnh đó, thì ở xa không thấy đựợc nó. Tôi không biết thuyết này chính xác tới đâu, nhưng hẳn là có cơ sở (3).

Như vậy, đà điểu đâu có ngu, chẳng qua nó bị mang tiếng oan. Nhưng ngay cái oan của nó cũng có ích lợi : khi người ta phê phán nhau là « như con đà điểu rúc đầu xuống cát », thì cũng có nghĩa là người ta đang còn có một không gian tự do tư duy, bàn cãi, phản biện nhau.

Vì vậy mà tôi tôn trọng đà điểu.



(1) Tiếng Pháp là « politique de l’autruche ».

(2) Đây là báo ở Pháp, không phải là bản dịch của tờ báo hoạt họa Mỹ. Tuần báo Journal de Mickey cùng tuổi với tôi, trẻ hơn tôi non 1 tháng. Tôi không tìm ra số báo nói trên vì đã quá xa, vả lại Journal de Mickey 2 lần đánh số : số 1 ngày 18/10/1934, và (đánh số lại) số 1 ngày 29/5/1952.

(3) Ngay ở Pháp, ai đi xe hơi trên xa lộ mùa hè, cũng thường thấy ở xa, mặt đường tráng nhựa có một ảo ảnh lung linh như mặt đường đang bị ướt.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us