Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Có phải là "thi trắc nghiệm" không ?

Có phải là "thi trắc nghiệm" không ?

- Bùi Trọng Liễu — published 24/11/2007 23:20, cập nhật lần cuối 24/11/2007 23:20


Có phải là “ thi trắc nghiệm ” không ?

Bùi Trọng Liễu

Nguyên giáo sư đại học (Paris, Pháp)

 

Theo báo trong nước – (xem bài Lấy ý kiến dân về Đề án đổi mới thi và tuyển sinh) – (trong 6 vấn đề)  vấn đề “thi trắc nghiệm” được Bộ Giáo dục Đào tạo nêu ra rõ ràng (tôi chép nguyên văn : “Chuyển việc ra đề từ hình thức tự luận sang hình thức trắc nghiệm đối với các môn thi, trừ môn Ngữ văn phối hợp tự luận và trắc nghiệm”). Muốn phát biểu ý kiến khi được hỏi, người dân tất nhiên cần phải biết “thế nào là thi trắc nghiệm”.

Tôi định cư ở nước ngoài, không hiểu rõ, nên phải hỏi cho kỹ, vì thấy có người trong nước dùng chữ “test”. Ở Pháp, có một loại kiểm tra, mang tên QCM (Questionnaires à Choix Multiples), là một loại kiểm tra hiểu biết trên một vấn đề, bằng cách nêu câu hỏi kèm theo nhiều giải đáp, trong đó có một giải đáp đúng và nhiều giải đáp sai. Người bị kiểm tra, phải chọn một trong những giải đáp đó. Nếu chọn giải đáp đúng, thì được coi là “đạt”, nếu chọn một giải đáp sai, thì là “hỏng”. Hình thức này không được dùng để “thi”, vì nó mang tính chất “đố”, có thể đoán mò mà trúng, không bảo đảm. Vả lại nó lại nguy hiểm ở chỗ là khi hình ảnh của một giải đáp sai đã chui vào đầu rồi, thì khó xua nó ra lắm. (Xem bài của tôi viết « Nhập 2 kỳ thi làm 1 và thi trắc nghiệm : Mắc vào khó gỡ », Tiền Phong đăng ngày 4/10/2007, và trên mạng Tiền Phong Online).

Không biết “thi trắc nghiệm” ở trong nước có phải là trong nghĩa đó không? Trong bài "Test nhanh" tiến sĩ thật : Đúng là tri thức thì vô... cùng ! (15/11/2007, xem toàn văn ở dưới bài này), phóng viên của Vietimes có đặt một số câu hỏi với 3 vị tiến sĩ (1 cựu quan chức thuộc Bộ GDĐT : nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Hợp tác giáo dục và dạy nghề - Hội Khuyến học Việt Nam, 1 giảng viên trường Trường Đại học Quốc tế- Đại học Quốc gia Hà Nội và 1 giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội). Câu hỏi liên quan đến chuyên ngành của mỗi vị, nhưng trừ một câu trả lời, nói chung là các vị rất tự tin… hoặc là trả lời nhầm hoặc là không biết. Phóng viên dùng chữ “test nhanh” một cách thận trọng, chứ không dùng cụm từ “thi trắc nghiệm”.

            Nếu phải “thi trắc nghiệm” về “vấn đề các vị trả lời nhầm”, thì có lẽ phải đặt câu hỏi như sau: “Trong câu hỏi về loại nhầm này, giải đáp nào trong 3 giải đáp sau đây là đúng:

1/ Nhầm thuộc loại “Học sinh ngồi nhầm lớp

2/ Nhầm thuộc loại “Nhà giáo đứng nhầm lớp

3/ Nhầm thuộc loại “Nhà quản lý giữ nhầm ghế

            Chắc là chỉ các quan chức lớn ở Bộ GDĐT mới có thể chọn được giải đáp đúng. Riêng tôi, là nhà giáo đã nghỉ hưu, lại ở nước ngoài, nếu đoán mò, chọn phải giải đáp sai, cũng không lo phải từ chức. Mà này, “từ chức” nghĩa là gì nhỉ ?

Bùi Trọng Liễu

Chuyên đề : Ôi các ngài tiến sĩ !

"Test nhanh" tiến sĩ thật : Đúng là tri thức thì vô... cùng !

Thứ năm, 15/11/2007, 07:00 GMT+7

Chuyên đề "Ôi các ngài tiến sĩ" của Vietimes đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo bạn đọc. Nhiều phản hồi đã góp thêm ý tưởng hay nhằm làm sáng tỏ những "bí ẩn" của  đào tạo sau đại học. Đặc biệt có nhiều phản hồi muốn phóng viên Vietimes "test" thử một số tiến sĩ có bằng thật. Phóng viên quyết định phỏng vấn nhanh ba tiến sĩ về những vấn đề cơ bản liên quan đến chuyên ngành của họ... 

Tiến sĩ văn học Ngô Tự Lập - Giảng viên Trường Đại học Quốc tế- Đại học Quốc gia Hà Nội

- Anh có quan tâm đến thơ trung đại Việt Nam?

- Có biết nhưng không thật sâu.

- Trong lịch sử có một trạng nguyên đã đi tu và sau đó thành thiền sư ?

- Có, ông sư Huyền Quang nhưng không phải là trạng nguyên. Tưởng là vua chứ ? Thật ra cũng không nhớ kỹ lắm, không nhớ đến chi tiết như thế.

- Anh có quan tâm đến nhà thơ Pháp không ạ ?

- Tôi có dịch một số nhà thơ Pháp… Bạn mua báo Văn nghệ sẽ thấy có 3 bài thơ Pháp tôi dịch. 

- Rabelais, hình như đó là nhà văn Pháp ?

- Rablais, bạn viết sai !

- Hình như ông ấy có câu: "Mọi ước nguyện đều sai lầm”?

- Tôi cũng không nhớ hết. Nhưng cũng có thể nói tôi hiểu khá sâu sắc về văn học Pháp.

* Rabelais (1494 - 1553) là thầy thuốc và nhà văn Pháp thời Phục hưng. Rabelais là một trong những nhà văn theo chủ nghĩa nhân văn nối tiếng nhất của thời Phục hưng.

* Huyền Quang (1254-1334) tên thật là Lý Đạo Tái, người hương Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang (Hải Dương). Ông đỗ Trạng nguyên khoa thi năm 1272 và được bổ làm việc trong Viện Nội hàn của triều đình, rồi từ quan đi tu, trở thành vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử.



TS Lịch sử Vũ Văn Quân - Chuyên ngành Cổ - Trung đại Việt Nam, Khoa Lịch sử- Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội

- Nhà Trần có buộc phải dâng công chúa nào cho Thoát Hoan không ? 

- Công chúa An Tư (chính xác!)

- Thời nhà Mạc, có đại thần nào khuyên vua tôi nhà Mạc không nên mời quân Minh vào Đại Việt ?

- Không biết có vị thần nào khuyên hay không và không biết có sự kiện đó không? Tôi không nắm rõ. Tôi chưa biết ! Có thể người ta hiểu sai ý, thử kiểm tra lại !


Theo Đại Việt sử ký Toàn thư, đại thần Mạc Ngọc Liễn (vốn là người khác họ được cải họ vua) trước khi mất đã dặn lại vua tôi họ Mạc rằng : "Nay vận khí nhà Mạc đã hết, họ Lê lại phục hưng... Dân ta là dân vô tội mà để phải mắc nạn binh đao, sao lại nỡ thế... Nếu thấy quân họ đến thì ta nên tránh, chớ có đánh nhau, nên cẩn thận mà giữ thì hơn. Lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than, đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng".



TS Bùi Công Thọ- Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Hợp tác giáo dục và dạy nghề - Hội Khuyến học Việt Nam

- Anh làm bên hội Khuyến học chắc cũng nắm rõ vấn đề Trạng nguyên Việt Nam?

- Ừ.

- Vậy em muốn hỏi : Việt Nam mình có tất cả bao nhiêu trạng nguyên? Những người  đầu trong các khoa thi trong lịch sử học vấn Đại Việt ?

- Chà, thế thì anh không nắm rõ số lượng này rồi. Bây giờ chắc em phải hỏi Viện Nghiên cứu giáo dục. Anh rất lơ mơ về số lượng.

- Anh có biết Trại trạng nguyên là gì không ?

- Trại trạng nguyên ? Bây giờ có những cái gọi là trại văn học, trại viết văn cũng thuộc loại trạng nguyên để đào tạo những người viết văn trẻ thuộc Bộ Văn hóa tổ chức. Nó có riêng một viện hàng năm tổ chức trại viết văn trẻ.

- Trại trạng nguyên cơ ạ ? (Hỏi lại)

- Trại trạng nguyên thì họ lấy tên thế. Họ gọi là trại trạng nguyên nhưng thực ra là trại viết văn cho những nhà văn trẻ Việt Nam.

- Tức là trại viết văn cho nhà văn trẻ Việt Nam nhưng gọi là trại trạng nguyên ?

- Ừ, thì cũng có những lúc họ gọi thế này, thế khác cho cái tên mới một chút, nhưng nội dung vẫn là đào tạo nhà văn, những người đứng đầu bảng về văn thi, văn chương….

Thời nhà Trần lấy các khoa thi thường lấy hai trạng nguyên là Kinh trạng nguyênTrại trạng nguyên. Kinh Trạng nguyên là Trạng nguyên quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trại Trạng nguyên là Trạng nguyên của vùng Thanh Hóa, Nghệ An (bao gồm cả Hà Tĩnh và huyện Quảng Trạch ngày nay, đến bờ bắc sông Gianh).

Sơn Khê (Vietimes)


NGUỒN : Vietimes

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss