Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Cuộc đời và văn học

Cuộc đời và văn học

- thanh thảo — published 25/02/2007 11:16, cập nhật lần cuối 13/03/2007 17:55
Giải thưởng nhà nước vừa được trao cho bốn nhà văn của "Nhân Văn, Giai Phẩm" là Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Lê Đạt. Bình luận của Thanh Thảo.
 

CÁI CÒN LẠI LÀ…

 
thanh thảo

 
Nhớ lần trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước đợt trước, trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo Thanh Niên tôi đã cảm thấy tiếc vì trong danh sách thiếu tên 5 người: Hữu Loan, Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Lê Đạt.

Ở lần xét giải này, tôi có tham gia trong Hội đồng chuyên ngành văn học, và nếu tôi nhớ không nhầm, thì trong danh sách những nhà văn nhận được sự đồng thuận rất cao của Hội đồng này có đủ tên của 5 nhà văn tôi vừa kể. Và chiều nay tôi đọc trên báo Tổ Quốc online tên của 4 trong 5 người ấy đã được chính thức nhận giải thưởng Nhà nước.

Người thứ 5 Hữu Loanđã bị gạt tên bởi Hội đồng quốc gia. Lý do không được công bố, và người ta chỉ có thể đoán vì thế này vì thế kia. Nếu kể thêm một nhà văn rất xứng đáng bị gạt tên cũng bởi Hội đồng này là nhà văn lão thành Trang Thế Hy, thì cơ sự xem ra còn khá dài dòng.

Trong số 4 người nhận được giải thưởng, chỉ tiếc, Trần Dần và Phùng Quán đã không còn được thấy sự công nhận chính thức này. Nhưng tôi còn nhớ, cách đây ngót 10 năm, khi Hội đồng Thơ Hội nhà văn Việt Nam xét giải thưởng hàng năm, tập thơ “Cổng tỉnh” của Trần Dần cũng đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của cả Hội đồng. Ở đây không nói tới hình thức giải thưởng hay tặng thưởng, mà chỉ nói về sự đồng thuận trao giải cho tập thơ ấy đã nói lên giá trị của chính tập thơ và sự đóng góp cho thơ, cho văn học của Trần Dần đã không hề bị lãng quên. “Không một ai bị lãng quên – Không một cái gì bị quên lãng”, tôi nhớ câu châm ngôn sắt đá này được khắc lên những tượng đài kỷ niệm cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô. Câu nói ấy cũng hoàn toàn có thể dùng để nói về Thơ, về những nhà thơ đã đóng góp những tác phẩm để đời của mình cho đất nước, cho dân tộc.

Không ai quên được “Màu tím hoa sim” hay “đèo Cả” của Hữu Loan, “Bên kia sông Đuống” và tập thơ “Lạy Mẹ cho con về Kinh Bắc” của Hoàng Cầm, “Cha tôi” và hàng loạt bài thơ về sau này của Lê Đạt, tiểu thuyết “Người người lớp lớp” và hàng loạt tập thơ của Trần Dần, những bài thơ yêu nước cháy ruột thắt lòng của Phùng Quán. Thế hệ tôi, ngay từ khi học cấp 1 đã chọn “Vượt Côn đảo” của Phùng Quán làm sách gối đầu giường, không thua gì “ Thép đã tôi thế đấy” của Nicolai Ostropski. Cũng như về sau này biết bao bạn trẻ đã say mê đọc bộ tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” cũng của Phùng Quán.

Cái còn lại là văn học, cái còn lại là Thơ nếu nó thực sự có giá trị, nếu nó vẫn lay động được tâm hồn những thế hệ biết coi văn học như một người bạn đường tin cậy của mình. Tôi không có may mắn được quen 5 tác giả này trong thời kỳ đau khổ nhất của họ, đơn giản vì thời ấy tôi còn quá nhỏ. Nhưng mãi sau này, khi đã thành đồng nghiệp của họ, có dịp đọc lại và đọc mới nhiều tác phẩm của họ, trong tôi vẫn nguyên vẹn niềm tin trong trẻo vào con người vào cuộc đời như thuở nhỏ tôi đã đọc thuộc lòng “Bên kia sông Đuống”, “Màu tím hoa sim” “Cha tôi” hay “Lời Mẹ dặn”...

Cả một thế hệ những nhà thơ chống Pháp đã chuẩn bị cho tôi một tình yêu đầy dâng hiến với thơ ca, sự quyết liệt tìm tòi cái mới, sự giản dị sau khi tự nguyện đi qua “con đường khổ ải” của sự sáng tạo.Lòng yêu nước, yêu nhân dân của các anh đã tiếp thêm vào ngọn lửa trong tôi, kêu gọi chúng tôi vượt Trường Sơn của chiến tranh, và vượt một “Trường Sơn khác” đầy gian nguy và thách thức của sáng tạo văn học.

Tôi không biết, giải thưởng Nhà nước lần này được trao cho các anh là chậm hay là vừa, duy một điều tôi biết: các anh đã kiên trì biết bao với tình yêu trọn đời của mình, với Thơ và Văn của mình, giữ trọn vẹn niềm tin vào cái Đẹp và cái Thiện, vào Nhân Dân và Đất Nước của mình. Và tôi xin nhắc lại: cái còn lại là Thơ, cái còn lại là văn học. Còn lại là những gì không mất, không thể mất sau bao thăng trầm, khổ đau, hạnh phúc. Thì cuộc đời và văn học luôn là vậy mà!


thanh thảo

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us