Cuối cùng cho một nền văn minh ?
Cuối
cùng cho một nền văn minh ?
Phan Huy Đường
Bạn bảo ta :
Nơi nào có áp bức..., vậy mà vẫn không có cách mạng hay "diễn biến", kể cả ở VN hay Trung Quốc ! Hay con người không còn mô hình kinh tế nào khác nên không thể có cách mạng ? Chủ nghĩa phát xít kiểu mới sẽ ra đời ?
** "Chủ nghĩa phát xít kiểu mới sẽ ra đời ?" Nó đã ra đời lâu rồi, ngay tại Pháp, và đang phát triển, ngay trong ngôn ngữ của các trí giả kể cả phe tả ! Tấm lòng chủ quan của họ và ngôn ngữ khách quan của họ thống nhất với nhau trong con người của họ như thế đấy. Attali, Minc, Strauss-Kahn e tutti quanti đó, đều đã từng hay còn đang là danh nhân tả khuynh PhuLăngXa đó! Còn bọn triết gia thời thượng, xin miễn bàn.
** Nơi nào có áp bức ... Thì có phản kháng... trước tiên, dưới hình thái "nổi loạn" (révolte, Camus), nghĩa là : lâu lâu bùng nổ, chém giết, phá phách, thí mạng vì cái mạng này không đáng sống nữa, thế thôi. Đã có một số thí dụ ở Pháp, tuy chưa thô bạo như ở thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, ít nhất là trong phạm vi sở hãng.
Chỉ có lợi cho đám lấy bạo lực làm nền tảng cho chính trị : Reagan, Sarkozy e tutti quanti.
Ở Ziao Chỉ quận hiện nay cũng thế.
Điều mới nhất trong thời đại của chúng ta là đã xuất hiện một hình thái phản kháng không tưởng tượng được trong lĩnh vực và tư duy kinh tế : tự tử tại nơi làm việc. Kinh thật. Đập phá máy móc, bắt cóc sếp, phá hoại linh tinh, thậm chí giết người e tutti quanti thì vẫn mang ý nghĩa này : còn hy vọng ở tương lai, còn tin rằng sẽ có một lối thoát. Tự tử là… hết. Là không thể sống như một con người được trong "nhân giới" này. Thế thôi. Điều ấy nói lên giá trị của nền văn minh này và giới hạn chết người của nó. Cuối cùng cho một nền văn minh ?
Hay con người không còn mô hình kinh tế nào khác nên không thể có cách mạng ?
** Đúng vậy. Nhưng trong nghĩa khác. Vì một mô hình kinh tế độc lập với một lý tưởng văn hoá là... chuyện hão ! Macxít đấy ! Khi giá trị độc tôn của con người là tiền, là tỷ lệ lợi nhuận cuối năm, thậm chí cuối tháng, bất kể với "giá" nào thì ta có ý thức hệ phản ánh trung thực phương thức sản xuất tư bản – do chính con người "tự do" tạo ra – trong đầu con người trong tất cả những lĩnh vực nhân văn, kể cả triết học. Quan hệ giữa "hạ từng kinh tế" và 'thượng từng kiến trúc" là thế đấy. Cứ theo rõi áp-phe Bettencourt thì thấy các môn luật học, kinh tế học, xã hội học, tâm lý học, phân tâm học, triết học (giá trị và phương pháp luận) e tutti quanti gắn bó, thống nhất với nhau như thế nào.
Sartre đã nhận định về thời đại của mình : le temps de la révolution impossible (Thời đại của cuộc cách mạng bất khả). Trong nghĩa : nhu cầu cách mạng thì có đó, rất rõ rệt, nhưng tư tưởng cách mạng thì chưa có.
Tư tưởng đó sẽ có thể từ đâu ra ?
Tư tưởng nhân văn của thời "Khai Sáng" đã mang lại cho phương thức sản xuất tư bản cái áo nhân bản duy lý phổ cập (humanisme rationaliste universaliste) để chinh phục nhân tâm cả loài người cho tới ngày hệ thống "xã hội chủ nghĩa" tự chìm xuồng. Bây giờ thì nó trở thành chướng ngại vật đối với sự phát triển tự-nhiên của chủ nghĩa tư bản. Do đó, từ 20-30 năm nay, tại Pháp, ta có thể chứng kiến nỗ lực của chính trị gia, hữu cũng như tả, để bào mòn những điều tiến bộ nhất trong hệ thống kinh tế - xã hội - pháp luật của PhuLăngXa. Và chứng kiến những trí giả PhuLăngXa thời thượng làm điều ấy trong lĩnh vực ý thức hệ, với đủ thứ ngôn từ và lý luận, tả cũng như hữu, trong đủ thứ lĩnh vực của "kiến thức". May thay ? với kiểu lý luận duy lý hình thức quen thuộc, trong lĩnh vực này, chứng minh gì mà chẳng bùi tai ?
Ôi, chắc chắn, ta sẽ không được thấy một nhân giới không còn người bóc lột lừa gạt người nữa. Điều ấy, ta đã cam tâm. Nhưng ta không ngờ ta sẽ phải chết trong một thế giới chỉ có thế này thôi. Ít nhất là trong tầm nhìn giới hạn khủng khiếp của ta hôm nay. Lạy trời cho ta đã sai lầm. Lạy trời mãi mãi khiến ta mê thơ văn lẩm cẩm…
P.H.Đ
2010-09-05
Các thao tác trên Tài liệu