Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Giấc mơ đàm thoại với Machiavelli

Giấc mơ đàm thoại với Machiavelli

- Bùi Trọng Liễu — published 14/01/2008 23:00, cập nhật lần cuối 15/01/2008 17:35


Giấc mơ đàm thoại với Machiavelli


Bùi Trọng Liễu


Chắc nhiều người biết câu chuyện “Giấc mơ của Hồ Tông Thốc ở đền Hạng vương” trong cuốn sách “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ (1).

Tôi không phải là nhà văn, tôi không viết tiểu thuyết, tôi không chế biến nhân vật; tôi chỉ kể chuyện, dù cho là có sắp xếp lại chút đỉnh cho có ngăn nắp.

Trước khi kể về giấc mơ đàm thoại, xin nhắc lại về Machiavelli . Ông là người Ý (1469-1527, tiếng Pháp gọi là Machiavel), tác giả cuốn sách il Principe (tiếng Pháp là “le Prince”, tiếng Việt là “ông hoàng”, nhưng theo nghĩa rộng là “nhà cầm quyền”), nói về một thứ triết lý cầm quyền : cần người ta sợ hơn là người ta yêu ; để cho người sợ nhưng không để cho người ta thù ghét ; giữ được chữ tín thì tốt, nhưng nếu cần thì có thể vượt qua ; không cứ thật phải có tất cả những đức hạnh, nhưng cần cho người ta tưởng là mình có những đức hạnh đó, vv. Tiếng Pháp có tính từ “machiavélique” bị hiểu theo nghĩa xảo quyệt, thủ đoạn ; nhưng xét cho cùng, theo tôi, triết lý về cách cầm quyền của Machiavelli cũng phần nào có lý, đôi khi bị hiểu sai (2).

Từ mấy năm nay, do bệnh tật – may không phải là bệnh thần kinh ! – thuốc men hàng ngày gây nhiều tác dụng phụ (effets secondaires), tôi có những giấc ngủ nặng nề. Đầu tháng, một buổi tối khó ngủ, tuy mệt mỏi, tôi gượng đọc bài báo “Pour comprendre où va la Russie, regardez la Chine” ( “ Muốn biết nước Nga đi về đâu, thì cứ nhìn Trung quốc”) của Thierry Wolton, đăng trên nhật báo Le Figaro ngày 5/1/2008, một tờ báo vốn được coi là phái hữu. Nội dung tóm tắt, hiểu theo kiểu của tôi là như thế này : Theo tác giả, từ những năm 1980, nhà cầm quyền Liên Xô, cũng như Trung quốc, đều nhận định sự phá sản của hệ thống xã hội chủ nghĩa, nhưng họ đã chọn hai con đường khác nhau để khắc phục. Liên Xô, với Gorbatchev, chọn con đường mở cửa về chính trị với glasnost perestroïka, với mục tiêu mong sự giúp đỡ, đặc biệt là về chính trị và tài chính của chính quyền các nước phương Tây. Trung quốc, với Đặng Tiểu Bình, chọn con đường mở cửa về kinh tế, với các đặc khu kinh tế (zones franches) để lôi kéo các nhà đầu tư. Kết quả là chế độ Liên-Xô sụp đổ, trong khi chế độ cộng sản Trung quốc biến thành một thứ tư bản “vô kiềm tỏa” (débridé). Một phần tư thế kỉ sau, điều lạ là nếu phân tích kỹ một chút, thì thấy là “hai mô hình cai trị” (modèles de gouvernance) của hai nước này có những điểm tương đồng – mặc dù vỏ bọc bên ngoài : Nga khẳng định là mình không còn là chế độ cộng sản, và Trung quốc khăng khăng sử dụng từ cộng sản tuy đã biến thể – cả hai nước này đều có một chính thể nhà nước chuyên chế (Etat autocratique) trong đó tồn tại một nền kinh tế tư bản đang phát triển mạnh, mang lợi cho những ai tham dự bộ máy cầm quyền. Đó là hai cách khác nhau để từ bỏ chế độ cộng sản, nhưng đều dẫn đến một thể chế tương tự…

Tôi trầm ngâm suy nghĩ về sự khẳng định của bài báo, đúng hay sai, chợt ngửng lên, thấy một người ngồi ngay trước mặt, dưới bức tranh chân dung tự họa của tôi trong lễ phục giáo sư đại học. Người này mặc một chiếc áo rộng đỏ và đen, nhưng không hoàn toàn giống lễ phục của tôi. Ai nhỉ ? Một đồng nghiệp cũ ngoại quốc nào chăng?

Tôi hỏi :

- Trông mặt ông quen quen, nhưng tôi không nhớ.

Khách mỉm cười :

- Tôi là Machiavelli. Ông nghĩ gì về nội dung bài báo ông đang đọc?

Tôi đáp:

- Ông mới là nhà phân tích đại tài về chính trị. Chính ông nên cho tôi biết ý ông.

Khách vẫn giữ nụ cười :

- Bài báo có nói đến tham vọng của cả hai nước Nga và Trung quốc, là tìm lại hào quang vị trí cường quốc, bá quyền của họ, nhưng bài báo không nói thẳng ra đến những điểm tương đồng khác, hậu quả của hai con đường nói trên: vì ý đồ cường quốc, họ ưu tiên chăm sóc đội ngũ trí thức của họ mà họ cần cho sự phát triển, tuy họ thẳng tay bịt miệng những ai dám phản kháng chính sách của nhà cầm quyền về vấn đề tự do dân chủ, và họ ít quan tâm đến sự khác biệt giàu nghèo khá tàn nhẫn.

Tôi hỏi:

- Chỉ có hai con đường đó để từ bỏ cái quá khứ kia sao ?

Khách đáp:

- Đâu chỉ có hai con đường, như bài báo viết. Thí dụ còn một con đường thứ ba nữa mà một số người nước quê hương cũ của ông đang chủ trương, với những ngôn từ, khẩu hiệu mới được chế biến đấy. “Xã hội hóa” để đẩy gánh nặng lên vai người dân, “cổ phần hóa” tất cả, kể cả trường học, để tư nhân gần chính quyền hưởng lợi, “xé làm đôi” câu của Marx và biến thể nó đi để: đa số “các tận sở năng”, và một thiểu số “các thủ sở nhu” (3). Lại chẳng cần tri thức thực sự, mà lại ưu tiên số lượng và danh hiệu thay vì chất lượng, ưu tiên tiền hơn là tầm và tâm, vv. Cũng là cách từ bỏ cái quá khứ kia , nhưng rồi sẽ thành rồng hay thành tôm đây ? Khả năng thành rồng, e khó đấy!

Cái ông này thật là ỡm ờ, thực tế đâu có đơn giản như vậy.

Tôi đang gân cổ định cãi lại, thì chợt có người lay, gọi : “Liễu, Liễu” . Bừng tỉnh, thì thấy vợ ngồi bên cạnh, sờ trán, hỏi:

- Đêm khuya, đang ngủ mà sao lại ú ớ rên la?

Tôi đáp:

- Ngủ mê đấy.

Vợ tôi lo lắng:

- Gọi SAMU nhé? (4)

Tôi can :

- Khoan! Một cơn ác mộng thôi mà!

Bùi Trọng Liễu

Chú thích :


(1) Ông Nguyễn Dữ thế kỷ 16, sống dưới thời nhà Mạc, (học trò của trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm), có đi thi hội (?) và làm quan tri huyện ít lâu rồi cáo về. Khi viết câu chuyện ông Hồ Tông Thốc trong cuốn sách, ông viện cớ để gửi gắm tâm sự của mình. Ông Hồ Tông Thốc (thế kỉ 14, đỗ trạng nguyên vào khoảng những năm 1370-1372 gì đó, làm quan to cuối đời Trần) là sứ thần nước ta cuối đời Trần, đi sứ sang Trung quốc. Ông là người thích mỉa mai châm biếm. Nguyễn Dữ kể là : trên đường, qua đền thờ Hạng vương (tức là Hạng Võ, thời “Hán Sở tranh hùng”), ông Hồ Tông Thốc ghé thăm, làm một bài thơ tỏ vẻ chế giễu hành động của vương khi còn sống . Rồi trở về nhà trọ, uống rượu say nằm ngủ. Chợt thấy có người đến, nói có đức vua mời ông lại chơi nói chuyện. Ông vội mặc áo, theo người đó đến một nơi cung điện, đã thấy Hạng vương ngồi chờ, mời ông cùng ngồi. Hạng vương hỏi sao lúc ban ngày ông làm bài thơ mỉa mai dữ vậy, rồi phân tích từng điều để giải thích. Ông Hồ Tông Thốc đáp lại từng điều, đưa những lý do của mình. Đến một lúc Hạng vương bí , không đáp được, thì có vị lão thần là Phạm Tăng tiến lên đỡ lời, phân trần phải trái một hồi, làm cho ông Hồ Tông Thốc rốt cục cũng phải gật đầu coi là có lý. Trà cạn, canh tàn, ông từ giã xin về, Hạng vương tiễn ra đến cửa, trời đã rạng sáng, ông chợt vùng thức dậy, té ra chỉ là một giấc mơ. Ông bèn mua rượu bày một lễ cúng trước khi rời khỏi nơi đó. Ông Hồ Tông Thốc vốn là người có thật, nhưng câu chuyện ông mơ ở đền Hạng vương thì ai mà biết thực hư thế nào! Có lẽ cũng là một cách ông Nguyễn Dữ nói mà không muốn nhận là chính ông nói, mượn cớ chuyện Tàu để phê phán chuyện nước ta.

Về nội dung, tôi nhắc lại là sau khi Tần Thủy hoàng chết, người con thứ là Hồ Hợi theo mưu kế của hoạn quan Triệu Cao làm di chiếu giả, bức tử người anh là thái tử Phù Tô, rồi lên ngôi tức là Tần Nhị Thế. Vì chính sách nhà Tần quá khắc nghiệt, dân chúng oán hận. Khoảng năm 209 trước Công nguyên, Hạng Vũ (Sở) và Lưu Bang (Hán) khởi binh, diệt được nhà Tần. Tiếp đó, Hán Sở tranh hùng, Hạng Vũ thua tự tử chết, Lưu Bang thống nhất nước Tàu, lên ngôi tức là vua Cao Tổ nhà Hán.

Về bài thơ gây ra cuộc tranh luận trong giác mộng, thì có thể tóm tắt như sau : bài thơ “của” ông Hồ Tông Thốc viết bằng chữ Hán, thể thơ Đường, 8 câu 7 chữ , nội dung nêu những điều lầm lẫn, tàn bạo của Hạng Vũ , và ngụ ý cho rằng do đó mà thua Hán để đến nỗi chết, trách Hạng Vũ đại khái như sau : (a) Thuở còn giao tranh, trong bữa tiệc Hồng Môn, Phạm Tăng xui Hạng Vũ giết Lưu Bang để tránh hậu họa, nhưng không nghe, để Bang thoát về. (b) Tần Nhị Thế chết rồi, Tử Anh nối ngôi là Tần Tam Thế, không phải là người ác, đã đầu hàng mà Hạng Vũ còn giết. (c) Hạng Vũ đốt cung A Phòng tráng lệ của nhà Tần là phí phạm vô ích. (d) Hàn Sinh khuyên Hạng Vũ đóng đô ở Quan Trung là lời khuyên đúng, không nghe, Hàn Sinh nói lén, Hạng Vũ đem nấu cho chết trong vạc dầu, vv. Hạng vươngPhạm Tăng trong giấc mơ thì cãi lại cho rằng thắng thua là số phận tại trời, và nêu những cái xấu của Hán, để dẫn chứng. Những điều chê Lưu Bang thì đại khái như sau : (e) Thuở còn giao tranh, Hạng Vũ bắt được cha Lưu Bang mang ra trước trận để làm áp lực với Lưu Bang, thì Lưu Bang giả say bảo “Cha ta cũng như cha mày, nếu mày nấu cha ta thì chia cho ta một bát nước suýt ”. (Sau Hạng thả cha Lưu Bang cho về). (g) Khi Lưu Bang lên ngôi (Hán Cao Tổ) rồi, yêu vợ lẽ là Thích Cơ, muốn cho con nhỏ là Như Ý nối ngôi, mà không thực hiện được, để đến nỗi khi Lưu Bang chết rồi, vợ cả là Lữ hậu đổ thuốc độc giết Như Ý mặc dù có sự che chở của vua Hiếu Huệ đế (con của Lữ hậu). Rồi L hậu báo thù Thích Cơ bằng cách chặt cụt chân tay, móc mù hai mắt, đốt tai cho điếc, đổ thuốc cho câm, vứt vào nhà xí gọi là « con lợn người », vv.

Tôi có kể chi tiết trong cuốn sách của tôi « Học gần học xa », nxb Đại học Quốc gia Hà Nội , 2005.


(2) Tương truyền là nhân vật gợi hứng cho Machiavelli viết cuốn sách “ông Hoàng ” là Cesare Borgia (1475-1507) được hậu thế coi là người mánh lới, hiểm độc và tàn nhẫn khi cần thiết, kể cả thủ đoạn đầu độc, ám sát, gian dâm, vũ lực, nhưng cũng là một nhà chính trị rất khôn khéo, biết dùng đủ mánh khóe để tăng cường quyền lực của gia đình mình, và để cai trị. Cesare Borgia là con trai giáo hoàng Alexander VI (tiếng Pháp gọi là Alexandre VI) tên tục là Rodrigo Borgia (1431-1503), vốn dòng dõi Tây-ban-nha (họ Borja). Về giáo hoàng này, theo một nguồn, ông được chú là giáo hoàng Callistus III (tên tục là Alonso Borgia) nhận làm con nuôi, được phong hồng y lúc 26 tuổi (1456) ; trong đời tư ông là người phóng đãng sa đọa, đã có lần bị giáo hoàng Pius II cảnh cáo. Năm 1470, ông làm quen và tằng tịu với một phụ nữ trẻ là bà Vanozza Catanei và có với bà này 4 người con , rồi ông cũng có một người con trai nữa với một bà khác tên là Giulia Farnese hai năm sau khi ông trở thành giáo hoàng ; trước đó giáo hoàng Callistus III chú ông, “khiêm tốn” hơn, chỉ có một con trai sau cũng là hồng y (nguồn :  “La vie quotidienne à la cour pontificale au temps des Borgia et des Médicis”, par Jacques Heers, Hachette éd.1986). Trong đám con của giáo hoàng Alexander VI có 2 người “nổi tiếng” là Cesare Lucrezia. Ông Alexander VI được bầu làm giáo hoàng năm 1492 với số phiếu khá lớn (người đời nghi rằng ông đút tiền cho một số hồng y để mua phiếu, nhưng tới nay không có chứng cớ). Cuộc đời “tư” của giáo hoàng này không phải là một gương mẫu tu hành : đối với ông “lời nguyện độc thân” (vœu de célibat) bó buộc với một giáo hoàng, không có nghĩa là “lời nguyện trinh bạch” (vœu de chasteté). Ông cư xử như một nhà cầm quyền mưu mô, trao đổi mua bán quyền lực, tìm cách làm giàu và gây quyền thế cho con cái, kể cả bằng cách gả con gái đến 3, 4 lần, nhưng mặt khác, ông cũng là người mang lại phần nào trật tự ở Roma và thuở ông mới lên ngôi, cũng được sự ủng hộ của dân chúng và của giáo hội, và cha con ông cũng là những người che chở và nâng đỡ văn nghệ sĩ. Chính ông giáo hoàng này là cái người ký “đạo sắc lệnh” (Bulle) “Inter Caeterae divinae” năm 1493 chia đôi thế giới thành hai vùng ảnh hưởng (phía đông và phía tây một kinh tuyến khoảng 100 dặm gần đảo Açores ) cho Bồ-đào-nha và vương quốc Castilla (Tây-ban-nha) viện cớ truyền giáo, gây ra những hậu quả thí dụ như chiếm đất Phi Châu hay như ở châu Mỹ La tinh, bọn Conquistadores, tha hồ mặc sức… (nguồn : “Géopolitique du XVIème”, J-M.Sallmann, Editions du Seuil 2003). Tương truyền giáo hoàng Alexander VI này chết sau một bữa tiệc, vì uống nhầm rượu mà chính ông sai bỏ thuốc độc, nhằm hạ thủ một số hồng y chống đối. Lucrezia Borgia (1480-1519), con gái giáo hoàng Alexander VI, nổi tiếng có sắc đẹp, yêu chuộng và che chở văn nghệ, nhưng bị cha và anh sử dụng như một con bài trong những mưu đồ chính trị của họ, mang tiếng (sau này có sử gia cho là oan) là dâm đãng, loạn luân. Người ta nói rằng sau khi người chồng thứ nhì bị ám sát, bà lấy người chồng thứ ba, tách được khỏi ảnh hưởng của cha và của anh, thì bà sống một cuộc sống phẩm hạnh gương mẫu. Bà cùng người anh, đã là những nhân vật chính cho nhiều truyện tiểu thuyết, phim. Tôi có kể chi tiết trong cuốn sách của tôi « Học gần học xa » đã dẫn trong chú thích (1).

Chân dung của Machiavel
do Santi di Tito vẽ, hiện để trong
Palazzo Vecchio ở Firenze.


(3) Theo giải nghĩa của Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh mà tôi hiểu, thì “các tận sở năng ” là “ làm cho hết những việc mà tài sức mình làm được ” , “các thủ sở nhu ” là “ được hưởng hết thảy những thức mình cần dùng ”. Cái câu “ các tận sở năng, các thủ sở nhu” là câu chót của nguyên bản tiếng Đức sau đây của Marx :

In einer höheren Phase der kommunistischen Gesellschaft, nachdem die knechtende Unterordnung der Individuen unter die Teilung der Arbeit, damit auch der Gegensatz geistiger und körperlicher Arbeit verschwunden ist; nachdem die Arbeit nicht nur Mittel zum Leben, sondern selbst das erste Lebensbedürfnis geworden; nachdem mit der allseitigen Entwicklung der Individuen auch ihre ProduktivkräfteA10 gewachsen und alle Springquellen des genossenschaftlichen Reichtums voller fließen - erst dann kann der enge bürgerliche Rechtshorizont ganz überschritten werden und die Gesellschaft auf ihre Fahne schreiben: jeder nach seinen Fähigkeiten, jedem nach seinen Bedürfnissen!

(Xem :

http://www.zeno.org/Philosophie/M/Marx,+Karl/Kritik+des+Gothaer+Programms/
Randglossen+zum+Programm+der+deutschen+Arbeiterpartei/I
)

Bản dịch tiếng Pháp (không đầy đủ) là :

Quand auront disparu l'asservissante subordination des individus à la division du travail, et, avec elle, l'antagonisme entre le travail intellectuel et le travail manuel..., quand, avec le développement multiple des individus, les forces productrices s'accroîtront et que toutes les sources de la richesse collective jailliront avec abondance, alors seulement l'étroit horizon du droit bourgeois pourra être complètement dépassé et la société pourra inscrire sur ses drapeaux : De chacun selon ces capacités, à chacun selon ses besoins.

(Phần I, điểm 3 của Marx : "Critique des programmes de Gotha et d'Erfurt").

Cám on anh T., anh H.và anh K. đã cho tôi chi tiết này.


(4) SAMU (Service d'Aide Médicale Urgente) nghĩa là « Vụ cấp cứu y tế ». Ở Pháp, bất kể ngày đêm, hễ ai bệnh nặng, gọi điện thoại con số 15, thì họ mang xe đến cấp cứu tại chỗ và chở đi bệnh viện.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us