Di sản
Di sản
Bùi Trọng Liễu
Ở Ai-cập, phía bên kia sông Nil so với quần thể đền đài Louqsor và Karnak, có hai pho tượng khổng lồ bằng đá, cao 18m, nặng khoảng 1300 tấn ; đó là tượng của vua pharaon Amenophis III, tượng ngồi, hai tay đặt trên đùi (26 năm trước đây, tôi có dịp thăm Ai-cập, còn thấy). Hai tượng này thuở xưa gác ngôi đền nghe nói rất rộng thờ vua nói trên ; đền nay đã mất. Với thời gian, mặt tượng cũng đã bị mòn (đã hơn 3000 năm rồi !). Tương truyền, năm 27 trước Công nguyên, một trận động đất làm sụp phần lớn ngôi đền, và tượng phía bên phải bị nứt từ vai đến mông, và từ thời điểm ấy, cứ lúc mặt trời mọc là phát ra tiếng rên/hát. Ngày nay có thuyết cắt nghĩa rằng, ánh nắng mặt trời buổi sớm làm nóng kẽ nứt của đá, gây ra tiếng động. Vì thế mà thuở ấy, người Hy-lạp gán tượng này cho Memnon trong thần thoại Hy-lạp : Memnon, vua xứ Ethiopie và Ai-cập, mang quân sang cứu bác là vua Priam xứ Troie – cuộc chiến tranh ở xứ Troie này (1), mà đoạn cuối được kể trong Iliade và Odyssée, tác phẩm truyện thơ của Homère (phỏng đoán sống vào khoảng thế kỉ thứ 8 trước Công nguyên) và trong Enéide, tác phẩm của Virgile (Publius Vergilius Maro, khoảng thế kỉ thứ 1 trước Công nguyên). Memnon bị Achille giết chết. Mẹ Memnon là nữ thần Eos, (tức là Aurore, « Bình minh », nghĩa là lúc trời hửng sáng ngay trước khi mặt trời mọc), van xin Zeus, chúa tể các thần, cho Memnon sống lại. Về việc pho tượng phát ra tiếng mỗi khi mặt trời mọc, người Hy-lạp thuở đó cho là Memnon sống lại cất tiếng hát chào mẹ mình, nên mới gán cho tượng này là tượng của Memnon. Tới đầu thế kỉ thứ 3 Công nguyên, hoàng đế La-mã Septimius Severus (lúc đó Ai-cập thuộc đế quốc La-mã), cho tu sửa lại pho tượng này, nhưng từ đó bặt im, không phát ra tiếng nữa. Đáng tiếc, nhưng đây là do thiện chí muốn bảo tồn. Mất tiếng hát, nhưng tượng còn đó.
Nước Afghanistan, vùng Bamiyan, có 2 tượng Phật trong tư thế đứng, khổng lồ, tạc ở núi đá, một tượng cao 35m, một tượng cao 55m, được ước lượng tạc vào khoảng đầu thế kỉ thứ 6 (theo ước lượng của ICOMOS, International Council of Monuments and Sites, với phương pháp cacbon 14). [Nghe kể là còn một pho tượng Phật bằng đá thứ ba nữa còn đồ sộ hơn nhiều, nhưng trong tư thế nằm, nay chưa tìm thấy, có lẽ còn vùi trong lòng đất. Ba pho tượng này có được nhà sư Huyền Trang đời Đường (2) kể là đã nhìn thấy và xác định vị trí trong chuyến đi thỉnh kinh, ròng rã 16 năm (629-645), trong cuốn Kí sự du hành còn gọi là Đại Đường Tây vực kí]. Đã từ lâu, nước Afghanistan này theo Hồi giáo, đạo Phật không còn nữa ; nhưng 2 pho tượng đứng này vẫn được coi là di sản quí báu của bản xứ và nhân loại, và được gìn giữ. Thế nhưng vào tháng 3 năm 2001, chính quyền Taliban cho nổ mìn huỷ hai pho tượng, trước sự phẫn nộ của thế giới. Có lẽ là để chứng tỏ quyền lực của họ, mà rồi họ cũng không giữ được quyền lực đó ! Cuồng tín đến mức huỷ hoại di sản của chính nước mình, thì là cùng cực.
Nhưng đó là hai chuyện nước ngoài. Nước ta cũng có chuyện để kể. Sau khi đăng bài Long mạch : Trả lời những câu hỏi, đăng trên Diễn Đàn và Viet-Studies, một số bạn đọc hỏi tôi chi tiết về vụ vua Chiêu Thống Lê Duy Kỳ đốt phủ chúa Trịnh. Cách cư xử của ông vua này cũng khác thường, nếu không nói là kỳ dị. Nhắc lướt qua lại trong bài dẫn trên, tôi có kể là theo Hoàng Lê nhất thống chí (3), ông ta có thù đối với chúa Trịnh Sâm (giết bố ông ta là thái tử Lê Duy Vỹ). Khi Bắc Bình vương Nguyễn Huệ ra Bắc lần đầu, « phò Lê diệt Trịnh », chúa Đoan Nam vương Trịnh Tông (con Trịnh Sâm) đi trốn, bị Nguyễn Trang lừa bắt giải nộp cho quân Tây Sơn, nửa đường tự tử chết, ông ta lúc ấy còn đang là hoàng tự tôn, chưa nối ngôi vua, đã có lời cảm ơn Nguyễn Huệ. Tôi cũng chỉ xin nói lướt qua cách cư xử có thể gọi là thiếu ngoại giao của ông ta về việc không mời Bắc Bình vương Nguyễn Huệ dự lễ nhập quan vua Hiển Tông và lễ lên ngôi vua của ông ta (mặc dù Nguyễn Huệ lúc đó đã là chồng công chúa Ngọc Hân, nghĩa là con rể vua Hiển Tông, vv.) làm cho Nguyễn Huệ rất giận.
Sau khi vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc hộc tốc ra Bắc rồi cùng Bắc Bình vương Nguyễn Huệ bí mật rút quân về Nam, vua Lê Chiêu Thống bơ vơ, hai tôn thất họ Trịnh là quận Thuỵ (Trịnh Lệ, em ruột chúa Trịnh Sâm) và quận Côn (Trịnh Bồng, con trai chúa Trịnh Giang) mới mon men về kinh để tính lập lại ngôi chúa. Quận Thuỵ về tới trước, vào phủ chúa ban đêm, cùng đồng đảng đánh trống khua chiêng, tự lên ngôi chúa, rồi sáng hôm sau sai người triệu tập các quan. Lúc ấy là lúc hỗn loạn, chưa biết quyền lực ngả về ai, bọn quan này hoang mang sợ vạ, bàn nhau trả lời nước đôi rằng chưa có mệnh của vua, nên không dám tự tiện tới phủ chúa. Quận Thuỵ mới sai vây cánh là tiến sĩ Dương Trọng Tế, thảo tờ tâu vua, xin ban sắc dụ phong mình làm chúa. Vua giận quận Thuỵ tự tiện lên ngôi chúa trước, rồi nay mới xin phong. Lúc ấy, quân của vua mới mộ đã được vài nghìn người, các quan trong triều mới xúi vua nên làm căng cho quận Thuỵ phải sợ. Vua sai sứ giả cầm một tờ chỉ đến phủ chúa, nhắc lại lệ cũ là mỗi khi lập ngôi chúa, « chúa mới » phải thân hành vào triều nhận mệnh của vua, rồi vua mới hậu đãi bằng lệ « vào triều không lạy, tờ tâu không xưng tên ». Dương Trọng Tế xé tờ chỉ trước mặt sứ giả, nói : « Chưa từng thấy triều nào lập ngôi chúa mà vua lại dám ngăn trở như vậy. Cứ đem quân đến bắt mấy thằng (quan) xúi bẩy ấy đi, cho trơ cái ngai gỗ ra, xem vua có cho lập hay không ?». Lại bảo sứ giả : « Chúa vẫn làm chúa, vua có thiệt gì đâu ! Cứ cho lập đã, rồi sẽ vào lạy sau ». Sứ giả về kể lại ; vua giận lắm, bảo : « Nó khinh ta quá. Như thế nó còn phải xin mệnh của ta làm gì ? Thôi mặc cho nó tự làm lấy, ta cũng không khiến nó lạy nữa ! ». Các quan trong triều đều run sợ. May lúc ấy, quân của quận Côn kéo tới, quận Côn lại có tờ tâu vua, lời lẽ nhún nhường ; vua vừa ý, sai người triệu vào chầu. Lúc ấy quận Thuỵ và đồng đảng sợ hết hồn, mới chịu lép vế, sai người vào triều tâu vua cho vào lạy. Vua ưng lời, nhưng sai quân lính mai phục, đợi khi quận Thuỵ và đồng đảng vào chầu, sẽ bắt hỏi tội. Nhưng rốt cục quận Thuỵ không dám vào.
Quân của quận Côn và quân của quận Thuỵ đánh nhau ; quận Thuỵ thua to bỏ chạy ; quận Côn kéo quân vào thành, vào chầu vua. Vua uý lạo, hỏi quận Côn đóng quân ở đâu – (ý vua không muốn quận Côn đóng quân ở phủ chúa, sợ y lộng quyền như các chúa trước). Quận Côn cũng giữ ý, tâu xin đóng quân ở « lượng phủ » (nghĩa là phủ cũ của thế tử họ Trịnh). Vua đồng ý. Nhưng khi quận Côn qua cửa phủ chúa, vào lạy thăm cung miếu, bọn chân tay mới xúi là nếu không vào ở trong phủ chúa, thì sẽ làm lòng người chán nản, binh lính sẽ tan. Quận Côn bùi tai, vào ở phủ chúa. Vua giận lắm. Rồi từ đó vua chúa kèn cựa nhau. Quận Côn muốn vua phong mình tước vương ngay, vua thì chỉ muốn phong tước quốc công. Phe chúa mạnh hơn, ép vua, nhưng cũng không dám ép nhiều, hứa hẹn rằng chúa được phong, nhưng quyền vẫn ở vua ; vua bất đắc dĩ phải nghe theo, phong cho quận Côn làm Án Đô vương. Được phong tước xong, phe chúa lại tính lấn thêm một bước nữa. Lúc ấy có quận Thạc Hoàng Phùng Cơ vốn trước theo vua, bây giờ lại thuận theo ý chúa, một lũ kéo nhau vào triều dâng tờ tâu, mà họ đã khéo léo thảo ra, ý muốn giành quyền cho chúa : thí dụ xin cho chức quan bình chương (tể tướng thời vua còn cầm quyền ở triều đình) kiêm tham tụng (tể tướng thời chúa cầm quyền ở phủ chúa), vv... Vua đọc tờ tâu, nổi giận trách họ lấy hư văn đánh lừa vua. Bọn quận Thạc không cãi được, cứ cùng nhau phủ phục ở sân rồng, mãi đến đầu canh một chưa dậy. Vua thấy họ cứ nằm lỳ ở sân, mới nghĩ rằng họ đã có bụng khác, không thể trông cậy được nữa, dẫu có giữ ý mình cũng là vô ích, bèn đành ưng cho lời tâu của họ. Từ đó vua chúa thù nhau, mộ binh lính, có lúc tính đánh nhau, vv... Rốt cục, vua lén sai người vời Nguyễn Hữu Chỉnh mang quân từ Nghệ An ra giúp mình. Quân chúa Án Đô vương thua quân Nguyễn Hữu Chỉnh, các quan bên phủ chúa cũng sợ hết vía và bỏ chúa mà đi, chúa thế cùng phải bỏ trốn, sau không biết chết nơi nào.
Chúa Án Đô vương bỏ trốn rồi, thì vua sai người nổi lửa đốt phủ chúa. Theo Đại Việt Sử ký tục biên (4) và Hoàng Lê nhất thống chí (đã dẫn trên), khói lửa bốc ngút trời, hơn mười ngày chưa tắt. Hai trăm năm lâu đài cung khuyết huy hoàng đều cháy hết. Đó là vào ngày mồng tám tháng chạp năm Bính Ngọ (1786). « Xa gần nghe tin đó, ai cũng trách vua làm quá đáng ». Hẳn là họ oán vua phá huỷ di tích.
Đấy là mấy mẩu chuyện bi hài dẫn đến việc vua Lê Chiêu Thống đốt phủ chúa. Tranh quyền lực thì có thể hiểu được. Cái không chấp nhận được là phá huỷ di sản, nhất là di sản của chính nước mình. Củng cố được quyền lực của mình, là do những việc làm thuận lòng dân, chứ đâu có phải là do việc phá huỷ hay xây cất lâu đài. Trường hợp bọn talibans đã là kỳ ; trường hợp cái ông vua Lê Chiêu Thống Duy Kỳ này còn kỳ hơn.
Bùi Trọng Liễu
(1) Câu chuyện chiến tranh
Troie, nửa thần tiên nửa trần tục, khởi thuỷ là một quả táo vàng, trên
đó có ghi câu « tặng nàng đẹp nhất » mà Eris, nữ thần
« Bất hoà » (Discorde) chơi xỏ, tìm cách vứt lên bàn tiệc một
đám cưới thần trên thượng giới, vì tất cả các thần đều được mời, trừ
nàng không được mời vì lẽ đương nhiên ! Đây là thần, không
phải là thánh ! Zeus, thần chúa tể các thần, không muốn tự mình chọn
tặng ai trong đám các nữ thần, vì sợ làm mích lòng các nàng, nên chỉ
chọn 3 nàng ; rồi vị mới phù phép chỉ định một kẻ trần tục,
Pâris, con trai của Priam, vua xứ Troie (nay gần eo biển Dardanelles,
thuộc Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay) để chọn đưa quả táo vàng tặng ai. Nghe đâu
như vị sai các nữ thần xuống hạ giới giả làm gái trần gian, trao quả
táo vàng cho Pâris đang chăn cừu, để chọn tặng cho nàng nào. Chàng này
không ngần ngại, cầm đưa tặng ngay Aphrodite (nữ thần « Ái
tình và Sắc đẹp »), chẳng sợ mất lòng các nàng khác. Đền công
cho Pâris, nữ thần Aphrodite giúp cho chàng chiếm được người phụ nữ đẹp
nhất thế gian : Hélène, vợ vua Menelas xứ Sparte. – Nhắc lại
là chàng này, tuy là con vua, nhưng lúc sinh ra, đã bị điềm
gở : có lời « sấm » cảnh báo rằng chàng lớn
lên sẽ làm cho đất nước suy vi. Vua sợ, mới sai người đem giết
đi ; nhưng hoàng hậu thương con, lén sai bỏ đứa bé cho bọn
chăn cừu, và mang một xác trẻ em khác về trình vua, vì vậy lớn lên
chàng mới đi chăn cừu. Sự tích quanh co một hồi, rồi chàng về triều, và
được cử đi sứ, do đó mới gặp nàng Hélène, vv. – Nàng này, tuy là gái có
chồng, nhưng khi gặp chàng thì « tình trong tuy đã, mặt ngoài
còn … ứ hự », mặc chàng bắt cóc mình mang về xứ Troie. Vua
Ménélas mất vợ, và mất thể diện, mới nhờ các vua các xứ Hy-lạp tập hợp
thuyền bè quân đội, dưới sự tổng chỉ huy của Agamemmon, vua xứ Mycènes,
vây đánh thành Troie. Cuộc chiến kéo dài 10 năm. Lộn xộn phe này phái
kia, hiệp sĩ này đấu với hiệp sĩ kia (Pâris, Hector, Enée bên này,
Achille, Ulysse bên kia, vv.), thần này bênh phe này, thần kia giúp phe
kia, rốt cục nhờ cái mưu kế « Con ngựa [gỗ] thành
Troie » mới phá được thành. Chuyện « con ngựa
gỗ » là do mưu kế của Ulysse được nữ thần Athena xúi
cho : đóng một con ngựa gỗ rỗng thật to, chứa được nhiều người
bên trong, giả làm đồ cúng thần Athena, để trên bãi cát, rồi giả bộ rút
thuyền bè quân đội đi, nhưng kỳ thật là mang quân núp ở đó không xa.
Quân thủ thành ngỡ là đối phương chịu thua rút đi, bèn mở cửa thành,
kéo con ngựa vào thành như là một chiến lợi phẩm. Cũng có người can
(thày tu Laocoon), nhưng bị thần biển Poséidon sai rắn bóp chết (vì
thần này thù dai về một câu chuyện tiền bạc gì đó với bố vua
Priam xứ Troie). Tại có thần phù phép, nên quân thủ thành mới u mê đến
thế ! Đến đêm, Ulysse và nhóm quân núp trong bụng con ngựa gỗ,
chui ra, mở cổng thành cho quân Hy-lạp kéo vào, và như vậy là chiếm
được thành, và thắng trận. Chuyện « Chiến tranh
Troie » có cơ sở nào hay hoàn toàn là huyền thoại ?
Có thuyết cho rằng có, có thuyết cho rằng không. Giả sử rằng thi sĩ
Homère là người có thật, ông là người xứ nào, cũng không ai biết chắc,
và không chắc ông đã là tác giả của tác phẩm mà sau này người ta gán
cho ông, và câu chuyện ông kể cũng xảy ra 4 thế kỉ trước khi ông sinh
ra. Còn Virgile thì lại dựa vào tác phẩm của Homère để viết tác phẩm
của mình. Có điều là năm 1871, một nhà khảo cổ nghiệp dư, Heinrich
Schliemann, dựa trên những tài liệu Hy-lạp cổ, phát hiện ra một
« thị xã » (ở bờ biển Egée, phía đông Đại Trung Hải
thuộc Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay), gồm 7 « tầng » chồng
chất, với dụng cụ, đồ trang sức bằng vàng ngọc ; và niên đại
của tầng cổ nhất là khoảng 2500 trước Công nguyên, nghĩa là khoảng 1000
năm trước niên đại câu chuyện vua Priam và chiến tranh. Như vậy cũng có
cơ sở để nói rằng thành Troie là có thật, nhưng « thị
xã » này nhỏ bé, không phù hợp với chuyện Homère kể số quân
vây thành đông đến hơn 10 vạn, và cuộc chiến kéo dài đến 10 năm. Có
thuyết cho rằng, thời đó, dân thưa, của ít, các cuộc chiến thường chỉ
huy động độ vài ngàn người, và đánh nhau cũng chỉ vài tháng là cùng. Dù
cho năm 1876, nhà khảo cổ lại tìm thấy ở Mycènes dấu vết của một
« thị xã », lớn và giàu hơn, có thể gán cho vua
Agamemnon, lại có câu hỏi : Vậy thì các vua giàu có, huy động
nhau với nhiều công của, thời gian, để đánh chiếm một nơi nhỏ bé, để
làm gì ? Có thuyết cho rằng huyền thoại này được đặt ra để tán
tụng sức mạnh của Athènes vào lúc manh nha tập hợp các xứ Hy-lạp. Còn
chuyện con ngựa gỗ, mà ngành khảo cổ không tìm thấy được một dấu vết
nào, phải chăng nó phát nguồn từ sự ra đời lúc đó của những công cụ
« công thành » thật lớn ?
(2) Nhà sư Huyền Trang, còn được gọi là Tạm tạng pháp sư, là nhân vật có thật. Tiểu sử của vị cao tăng này, tóm tắt như sau : Sư sinh năm 600 sau Công nguyên (đời Tuỳ), mất năm 664 (đời Đường), 13 tuổi đã đi tu, năm 21 tuổi sư tu học kinh sách Đại thừa với nhiều thày khác nhau và thấy có nhiều chỗ giảng mâu thuẫn, vì thế nên sư lên đường đi quê hương Phật để tìm hiểu. Chuyến đi kéo dài 16 năm (629-645), qua nhiều nước Trung Á và Ấn Độ, kể cả nhiều năm lưu lại học và thăm viếng các di tích Phật giáo quan trọng. Sau khi trở về nước, nhờ sự hiểu biết, nhờ tiếng tăm vang dội mà sư đã có, và nhờ vua Đường đặc biệt hỗ trợ, sư hoàn thành công tác phiên dịch, từ tiếng Phạn sang chữ Nho, của hơn 600 kinh sách sư mang về. Huyền Trang là tu sĩ tiếng tăm nhất tại vùng Đông Á trong thời đó. Ngoài việc truyền bá kinh sách Phật giáo và tư tưởng Ấn Độ vào Trung Quốc, sư cũng gây ảnh hưởng lên nền nghệ thuật và kiến trúc Trung Quốc bằng những vật dụng và thiết kế do sư mang về. Ngôi chùa được xây theo thiết kế của sư tại Tây An (kinh đô Tràng An cũ) để chứa dựng kinh sách và các tác phẩm nghệ thuật của Sư mang về, nay vẫn còn. Xin cám ơn anh NTB đã chỉ cho tôi các trang tiểu sử của vị sư này. Nhân vật mà Ngô Thừa Ân (thế kỉ 16) tiểu thuyết hoá trong cuốn Tây du kí, là một nhà sư ba phải, đôi khi bất công đối với đồ đệ của mình, nhất là với Tôn Ngộ Không, tuy làm cho nhiều người biết biết tới sư, nhưng xem ra không phù hợp với nhân vật Huyền Trang thật.
(3) Hoàng Lê nhất thống chí, bản dịch của Nguyễn Đức Vân, Kiều Thu Hoạch, nxb Văn học, Hà Nội 1970.
(4) Đại Việt sử ký tục biên, do Ngô Thế Long và Nguyễn Kim Hưng dịch và khảo chứng, Nguyễn Đổng Chi hiệu đính, nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1991.
Các thao tác trên Tài liệu