Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Giọt mực giọt đời : SO SORRY ! SORRY !

Giọt mực giọt đời : SO SORRY ! SORRY !

- Đỗ Kh. — published 30/01/2009 10:30, cập nhật lần cuối 30/01/2009 11:20


Giọt mực giọt đời


So sorry ! Sorry !


Đỗ Kh.

Tôi hỏi, « Muốn đưa quần áo cho nhân viên giặt thì làm thế nào ? » và anh lễ tân khách sạn Sàigòn Concert uốn giọng một tí xíu, «  Anh cứ bỏ vào cái basket trong phòng ». Đây là 15 năm về trước, dạo ấy Babel Fish và Alta Vista còn chưa thông dụng và trên điện thoại di dộng chưa có nối mạng. Cho nên tôi không vào tra cứu ngay được để đáp, có phải anh muốn nói :

Cái 篮子 của Trung Quốc
Cái mand của Hà Lan
Cái Korb của người Đức
Cái καλάθι của Hy Lạp
Cái cestino của Ý
Cái バスケット của Nhật Bản
Cái корзина của Nga
Cái 바구니 của Đại Hàn…

Hay là anh chỉ muốn nói là cái giỏ của Việt Nam ?

Nhờ bài viết của anh Bùi Trọng Liễu (xem Diễn Đàn ngày 28.1.2009) tôi mới biết Việt Nam sắp tới dự định giảng dạy bằng ngoại ngữ tại cấp đại học và như vậy là 15 năm sau, giáo dục cấp cao ở nước ta bắt đầu toan đuổi kịp khách sạn hai sao.

Trễ còn hơn không, nếu nhờ thế ta sẽ mau sánh vai cùng bạn bè quốc tế thì là việc tốt. Nhưng lấy một trường hợp rất gần với ta về nhiều mặt như Hàn quốc (tức là nơi gọi cái basket là cái 바구니 ) thì tiếng ngoại ngữ họ rất dốt, các đại học của họ giảng dạy bằng tiếng địa phương rất khó nghe và chỉ có họ mới hiểu, mà hình như là gần đây mỗi năm họ đào tạo nhiều nhà khoa học hơn Hoa Kỳ. Trong vòng 40 năm, Nam Hàn từ một nước sản xuất bình quân chỉ bằng nửa Ghana, trở thành cường quốc kinh tế thứ 13 hay 15 trên thế giới mà không hề phải qua khoá huấn luyện bằng C1. Ngay ở tại nuớc ta chứ chẳng nói đâu xa, điện thoại của họ dứt Phần Lan, phim bộ của họ giết chết Hồng Kông và chú rể của họ sánh vai cùng Đài Loan chứ chẳng kém ! Tôi bảo đảm là muốn bập bẹ từ basket thì ở Hán Thành phải là concierge của khách sạn hàng năm sao. Tôi xin dẫn lại trao đổi bằng Anh ngữ của tôi với một tiến sĩ sử học, giảng sư tại khoa nhân chủng xã hội của Đại học Yeongnam ở Gyeongsan.

– Anh chắc là đã lập gia đình rồi ?

– Ok !

– Vậy là anh có được mấy cháu ?

– Ok !

– Một cháu ?

– Ok !

– Một cháu gái ?

– ...

– Vậy thì là một cháu trai !

– Ok ! Ok !

Nhưng không phải vì vậy mà tôi nghi ngờ khả năng nghiên cứu và giảng dạy chuyên môn của tiến sĩ này. Duy có điều hơi tiếc là nếu sõi Anh ngữ hơn một chút, ông đã có thể cho tôi biết thêm chẳng hạn là nước ông không có bằng hữu nghị, bằng mua đề, bằng chạy chọt hay là bằng thần thế. Trường hợp thứ hai là láng giềng Nhật Bản, một nước đã hướng Tây từ thời Minh Trị, dù ngày nay ngôn ngữ thường ngày lắm từ gốc Anh (kogal, cosplay, rorikon…chỉ riêng trong lãnh vực sinh hoạt của các thiếu nữ2), ngay tại quốc gia Tây phương hoá này, quá trình phát triển không hề phải qua việc dùng tiếng nước ngoài làm ngôn ngữ giảng dạy tại Đại học, vậy mà sinh viên vẫn phân biệt được Jacques Lacan và Louis Vuitton.

Có lẽ hoàn cảnh Việt kiều ảnh hưởng đến tâm tình hướng nội của tôi (« Chỉ sợ đàn con quên Việt ngữ / Đừng lo lũ trẻ dốt Anh văn »). Một tác giả mà tôi xin miễn nêu tên vì lý do nhân từ mới đây đã tiên đoán là tiếng Việt sẽ trở thành tiếng quốc tế trong vòng nửa thế kỷ tới, sau khi Thế chiến thứ ba xảy ra và Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ kẻ chột mắt người gãy tay. Ông này còn đủ khiêm tốn dân tộc mà nhận định tiếng Việt chúng ta chỉ có thể làm trùm thế giới với điều kiện ba cường quốc đã nói bị xiểng liểng vì tranh giành ngôi bá. Nói cách khác, ngày nào còn ba quốc gia này là tiếng nuớc ta không ngóc đầu lên được và trong khi chờ đợi thì ngành giáo dục Việt Nam phải làm gì ?

Phải làm gì đó ! Như nhận định của một phần trí thức Việt kiều, xấu hổ khi mới về đến nước đã thấy bảng chỉ dẫn ở trường bay trương sai văn phạm tiếng Anh. Phê bình này, tôi nghĩ là cũng vì yêu mà cho roi cho vọt. Tôi từng thấy phi cảng Paris đề bảng tiếng Anh ngây ngô, phi cảng Bắc Kinh đề bảng tiếng Anh buồn cười và phi cảng Hiroshima đề bảng hình như là tiếng Anh thì phải mà suy đoán mãi vẫn không hiểu nổi. Đó là tiếng Anh thôi, còn phi cảng Washington DC đề bảng tiếng Pháp thế nào ta khỏi bàn tới. Nhưng ai hơi đâu mà đi phê bình cái kém của nước người để chỉ cho họ những điều cần sửa đổi khi chuyện nước mình lo còn chưa xong.

Phải làm gì đây ? Trong lãnh vực của văn học, đã có nhà phê bình (vì nhân từ còn dư nên tôi cũng xin miễn nêu tên) nhận xét là ta chưa vươn đến tầm thế giới. Ông đề nghị các nhà văn hải ngoại, không phải là đề nghị họ giúp chữa lại cho đúng văn phạm các bảng hướng dẫn bằng ngoại ngữ bày trong các phi cảng của ta, mà là các nhà văn Việt (kiều) nên viết bằng tiếng nước ngoài ! Tôi thấy thế cũng chưa đủ để bảo đảm cái tầm mà ông nhắm đến, tức là các giải văn học quốc tế này kia. Chắc nhất theo tôi là đề nghị thẳng với các nhà văn thế giới đoạt giải hãy viết bằng tiếng Việt, thế là các giải không còn chạy đi đâu được ! Nhưng không phải là ông không có lý. Các thiếu nữ có gào thét cả ngày « Đã đến lúc phải nói lời chia tay » cũng không đi đến đâu, một cô lí nhí « Bonjour Vietnam » liền gặp ngay ngưỡng mộ cả nội lẫn ngoại.

Như vậy, chúng ta nên viết bằng tiếng nước ngoài, hát bằng tiếng nước ngoài và học bằng tiếng nước ngoài một cách không ngần ngại. Đây không phải là một đề nghị táo bạo hay mới mẻ gì hết, bởi vì đây là chuyện ta đã có làm rồi, trong nhiều thế kỷ và cho đến mới đây thôi ! Thành quả rực rỡ của việc sử dụng này còn đó, dùng tiếng Hán văn học ta đã lấn át Trung Hoa và dùng tiếng Pháp khoa học ta đã vượt hẳn trời Âu, nay mà dùng tiếng Anh để kinh tế phát triển chẳng hiểu Hoa Kỳ có nên lo ngại cho số phận siêu cuờng ?

Bài viết này tôi xin tặng một cô bé 16 tuổi, học cấp 3 ở một trường phía Bắc. Tôi biết đến cô nhờ YouTube nhưng tôi không biết mặt vì cô là người dùng chức năng thu hình của điện thoại di động mà ghi lại cuộc ẩu đả giữa hai bạn gái cùng trường và tường thuật tại chỗ. Trận catfight này được cô miêu tả như sau3

Cô A xô cô B một cái, thì quay phim kiêm thuyết minh của ta thốt lên « Sorry ! »

Cô B đẩy lại cô A, « Sorry ! »

Cô A nắm tóc cô B, « So sorry ! »

Cô B bèn đá cô A để thoát thân, « So sorry ! »

Hai cô ôm nhau vật xuống đất, « Oh, so sorry, so sorry ! »

Trong hai phút phim này không có một lời tiếng Việt như chết mày chưa, bỏ mẹ nào, thế thì đau nhé v.v… có lẽ vì tác giả đã có chủ ý đưa phim này lên tầm thế giới của YouTube khi ghi lại sự cố trên hình.

May thay cho chúng ta, cho nền giáo dục nước nhà, cho tương lai của dân tộc và cho khán giả của YouTube trên toàn cầu, chỉ trong vài năm nữa, khi lên đến đại học, nếu mọi việc đều suôn sẻ thì cô bé này đã có giáo trình đợi sẵn bằng tiếng Anh.

Đỗ Kh.

1 Ha-joon Chang, Bad Samaritans. Trong « Những Mạnh Thường Quân xấu » này, Trương Hạ Chuẩn cho thấy Nam Hàn phát triển được vì đi ngược lại đường lối và chủ trương của World Bank (Ngân hàng Thế giới) và IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) trong khi các quốc gia Châu Phi tuân thủ lệnh của các Mạnh Thường Quân trên thì vẫn cạp đất mà ăn. Chẳng những vậy, nếu theo các nguyên tắc mà WB và IMF đòi hỏi thì ngay Anh Quốc và Hoa Kỳ cũng vẫn còn chậm tiến.

2 Gal trong kogal (nữ sinh váy ngắn) là tiếng Anh, cosplay là Costume play, rorikon là Lolita complex...

3 catmiêu fighttả, tả lớ ! Tả lớ !

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us