Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Hà Nội mùa này...

Hà Nội mùa này...

- Lê Minh Hà — published 07/11/2008 13:29, cập nhật lần cuối 08/11/2008 23:04
tản văn


Hà Nội mùa này...

tản văn

Lê Minh Hà


„ Hà Nội mùa này thừa những cơn mưa. Cái rét đầu đông chân em nhăn ngâm trong nước lạnh. Hoa sữa thôi rơi thương em bơi chiều nay trên phố. Đường Cổ Ngư xưa tràn ngập nước … Hà Nội mùa này phố cũng như sông…“

Người Hà Nội phát khóc khi nghe ca sĩ chân thành rên rỉ trên videoclip đang bay khắp mạng trong ngoài Việt Nam. Nơi phát lộ cái bi chính là đỉnh của hài hước. Trước khi đúng trong lí thuyết văn học, điều này đúng ở ngoài đời.

Thật ra, ít người biết nguyên uỷ chữ Hà Lội lại do người Hà Nội dùng, để chòng đôi ba người quê muốn chối bỏ quê, nhận mình là dân thành thị nhưng không giấu được tật nói ngọng. Nhưng giờ Hà Lội có nghĩa đen, người Hà Nội lội, đánh bắt cá ngay trên phố.

batca

Hà Nội có những góc trũng, mưa to thường ngập. Như chỗ bến xe Kim Mã, Tương Mai, Quỳnh Lôi, hay quanh quanh mấy phố gần ga: Hàng Cỏ, Trần Quý Cáp, Sinh Từ. Trên đôi ba phố phường xưa, những ngày mưa to, nước không thoát kịp, nhưng sạch, chảy băng băng, mấp mé bàn chân, rất sướng đời học trò bé nhỏ. Tỉ như góc Phạm Đình Hổ - Hoà Mã, khúc Bà Triệu, Quang Trung xuôi tới Nguyễn Du. Nhưng đó là chuyện của ba mươi năm về trước. Mười năm sau, khi Hà Nội bắt đầu mở Đường Mới (thật ra con đường bao phía đông nam này của thành phố, nối phía chợ Mơ với mạn Vĩnh Tuy có tên một vị lãnh đạo cao cấp nào đó, nhưng ta suốt bao lâu nay vẫn quen lối gọi tên của thủa ban đầu có nó) Hà Nội bắt đầu úng ngập nhiều hơn. Thương đứa học trò đến nhà một ngày mưa, khóc mếu vì qua hồ Thiền Cuông nước cuốn trôi mất đôi giày lười to y như cái bánh mì rỗng ruột – mốt của mấy cô mười bảy mười tám khi đó, giờ cũng đã sắp đầu bốn đít chơi vơi như cô giáo cũ rồi. Thế nhưng Hà Nội cũng chưa bao giờ có cảnh người người kéo vó nơi góc phố như bây giờ, ngay cả vào năm 1984 – năm có cơn mưa lịch sử mà bây giờ người ta lại nhắc. Hồi đó, mưa to đến mức ngập hầu hết các phố, dân thường chưa biết đến cái điện thoại trong nhà, cô giáo trẻ mới ra trường là ta còn nhát, không dám nghỉ, lóp ngóp tìm đường tới trường mà tìm đâu cũng kẹt. Tuy thế cũng chỉ tới chiều là nước cạn. Khi đó cống rãnh vẫn còn ra cống rãnh. Vâng.

Ừ, thì lượng mưa mấy hôm nay đổ xuống Hà Nội có nhiều hơn, nhưng mưa ngừng thì nước lẽ ra phải rút sau vài ba giờ chứ. Đằng sau lời giải thích của một vài vị lãnh đạo Hà Nội rằng „thiên tai thì không dự báo trước được“ là sự liều lĩnh và vô trách nhiệm, đúng hơn là vô cảm. Đây đâu chỉ là thiên tai. Trong chuyện Hà Nội ngập, vấn đề lớn nhất lại là „nhân tai“, hiệu ứng ngược của sự phát triển vô tội vạ. Dân tìm cách cơi nới diện tích ở, qua đó phá hủy hạ tầng thực ra chỉ là tai hoạ nhỏ. Tai hoạ lớn nằm ở đường hướng phát triển mà nhà nước hoặc không kiểm soát, hoặc cố tình duy trì, vì lợi ích riêng, thông qua một vài cá nhân có quyền. Đến khó đào tạo như người Hà Nội này mà cũng hiểu rằng hệ thống cống cách đây hơn trăm năm do Pháp thiết kế xây dựng không thể gồng lên phục vụ một lượng dân gấp biết bao nhiêu lần, đừng nói nó đã đầy oặp những cát, sỏi và đủ thứ rác rến được tống xuống theo kiểu khuất mắt trông coi. Còn hệ thống thoát nước tự nhiên – là những bãi đất, vỉa hè, vườn cây, ao hồ… thì trời ơi, tấc đất tấc vàng, người ta san lấp, chia chác, bán trao quách hết rồi còn đâu. Hai mươi năm trước, dân ở ven hồ Tây, trên Nghi Tàm Yên Phụ dăm ba tháng lại thuê người đóng kè chở hàng xe tải đất đổ xuống lấn hồ, chẳng có chính quyền nào đến hỏi. Nhưng ít nhất thì khu vực Tương Mai, Tân Mai, Quỳnh Lôi, Đầm Sét phía nam thành phố vẫn còn san sát những ao hồ. Thế mà úng ngập đã xảy ra rồi, mỗi năm một nặng hơn một chút. Nay, úng ngập thành chuyện thường ngày, từng mùa. Sức dân có hạn, tự cứu mình chỉ có độc một cách tôn nền. Nhà này tôn nền nhà kia xây mới lại đổ gạch đá cũ ra tôn đường, kết quả là người Hà Nội ở nhà trần thấp tịt và sàn cũng thấp hơn mặt đường, y như nhà phố cổ. Còn ở những ngôi nhà đang được xây cao cao mãi, trận mưa này dân coi như sống nơi ốc đảo. Khu Định Công, nơi ta tới theo cú gọi của đạo diễn Đặng Nhật Minh, nơi ông có một căn hộ trên tầng 10 làm chốn ở ẩn, đường vào men sông Lừ bụi và xóc, nhem nhuốc và xộc xệch, nhưng tới nơi thì lại có cảm giác đó sắp thành Hà Nội ngày xưa, với đường cây bóng lá, nhà cửa ít nhiều theo quy hoạch, không gồ ghề khấp khểnh những góc tường lấn lướt mắt nhìn. Góc Hà Nội mới mà như cũ này suốt mấy hôm nay ngập hoàn toàn. Ông đạo diễn có tự cố thủ ở đó những ngày này hay bị giam chân vì nước ngập ?

Và những khu chung cư đời mới khác, nơi nào cũng có đôi ba đứa bạn sống, cũng thành ốc đảo. Báo chí đưa tin về nông nỗi khổ sở của dân những nơi này. Nào là xe máy, ô tô tiền tỉ ngập nước. Nào là phải đi nhà hàng ăn vì thiếu đồ dự trữ. Tạm coi là người giàu cũng khóc. Nhưng triệu triệu người Hà Nội còn đang chui rúc trong những khu tập thể xuống cấp, trong những căn nhà cấp 4, đâu phải bỗng chốc nhào lên tranh được một góc trên tầng cao, lúc này đang ngoi ngóp chiến đấu cùng cứt đái rác rưởi dềnh lên. Và cái lúc úng ngập khốn khổ này lại thành cơ may cho họ nhào xuống nước mà kiếm sống. Dăm ba cái bắp cải bày trên ghế đẩu trước cửa nhà nước lên mấp mé cũng thành nơi kiếm bữa. Chẳng phải phận cò, mà cũng khổ khác gì đâu. Một cái giát giường biến thành bè, một cái xe ba gác… cho người lên còn mình thì hì hục lôi lôi đẩy đẩy giữa dòng nước mưa hòa nước cống đen kịt. Thật chuyện ngựa người ngày xưa cũng chưa chắc đã tội tình hơn.

Thế mà báo chí trong nước đưa tin và ảnh lại còn chú thích rằng những ngày này có nhiều chuyện „thú vị“ xung quanh sự người Hà Nội chạy nước. Đọc báo, thấy người ta toàn đưa tin Hà Nội lũ. Lũ thì đúng là thiên tai. Kiểu mùa nước nổi mùa len trâu ở châu thổ sông Tiền sông Hậu, mùa „nỗi niềm chi rứa Huế ơi mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên“ thì đúng là thiên tai, sức người khó địch. Nhưng Hà Nội không lũ lụt mà là úng ngập, và đó là sự con người trở thành nạn nhân của con người, hỏi tại ai và làm thế nào để tránh thì có độc một cách trả lời quen và tiện: „trách nhiệm tập thể“. Không biết do vốn từ thiếu hụt hay các nhà báo đã nhập nhèm khái niệm khi dùng từ „lũ“ để mô tả thực trạng, nhưng bằng cách đó, người ta cũng có thể nhập nhèm trách nhiệm. Ông bí thư thành ủy vừa bị cư dân mạng phản đối tơi bời khi trách dân không lo tự cứu chỉ chờ sức „trên“, nay vừa nói lời xin lỗi, có thể vui lại ít nhiều khi nhà báo phỏng vấn ông sau đó lại có lời xin ông tha lỗi cho báo giới đã trót thông tin vội vàng. Ôi chao ôi. Thấy nhà báo Nguyễn Quang Vinh nổi khùng (vì đồng nghiệp làm báo kiểu mưa lớn thôi ở nhà, nhà đài chờ dân quay cảnh úng ngập gửi qua email rồi đem phát sóng cho thiên hạ xem) là ngàn ngàn lần có lí.

Trời lại sắp mưa lớn, và trở lạnh. Những người Hà Nội nghèo đang tìm cách chống số trời sẽ càng thêm khổ. Hà Nội sẽ tiếp tục ra sao? Hàng ngàn tỉ đồng đã được dùng để giải quyết vấn đề cấp thoát nước cho Hà Nội. Nhưng, như mấy ông bạn nhà báo cho hay, thì thất thoát trong mọi công trình ở Việt Nam không phải là 30% như vẫn thường nghe nói, mà thực tế có khi lên tới 70%, trung bình là 50% tiền dân mất hút vào túi ba gang của Chức, của Quyền. Có lí. Nên ba năm trước tôi mới có cơ may chỉ đảo về Bắc Ninh ít phút mà được ngắm cả cái chân xi măng của (tượng) đồng chí Hoàng Quốc Việt chĩa lên trời, sau khi khánh thành chưa đầy ba tiếng. Hà Nội trong cơn khốn đốn vì nước ngập, thế mà một thành phố mấy triệu dân chỉ chờ thoát nước qua độc một trạm bơm Yên Sở, mà sức hút chỉ là 160000 mét khối nước một giờ. Giả sử nước dâng cao, phải dừng hoạt động trạm bơm này, người ta tiên đoán là Hà Nội sẽ ngập vài tháng. Mấy triệu con người sẽ ăn ở làm sao ?

Mà các sông hi vọng thoát nước cho Hà Nội thì tiếp tục dâng. Giật mình khi đọc tin ngoại thành Hà Nội đang lo giữ đê, di dân ra khỏi vùng lũ. Ngoại thành Hà Nội hoá ra lại là Mỹ Đức thuộc Hà Tây cũ, nơi ta nhiều năm tuổi nhỏ đã đi qua thời bom đạn. Làng ở có tên là Ba Thá - tiếng cổ Thá có nghĩa là Dòng (sông) – vì nằm ngày ngã ba sông Nhuệ và sông Đáy. Năm 1971 ta đã qua trận lụt kinh hồn chính ở đây. Để cứu Hà Nội nằm bên trong sông Hồng lúc đó nước đã phình lên nuốt trọn cả vùng đất bãi và cả phía phố Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Hàng Mắm, Hàng Tre, Tôn Đản, đe doạ cái rốn Hà Nội cũ là khu Hoàn Kiếm, nơi nhiều năm dân khu Chương Dương, Hàm Tử vẫn phải quây màn ở tạm sơ tán nước, chính quyền đã quyết định phá đê bao xả nước về Hà Tây với Nam Hà. Bà chốc chốc lại giục chạy ra bến xem nước đã liếm lên tới bậc trên cùng chưa ? Rồi hạ lệnh cho bầy cháu : Chạy. Trẻ con gồng gánh bê vác chạy trước. Người lớn còn gạo còn thóc còn trâu bò gà lợn. Bàn chân đứa trẻ Hà Nội đua cùng bàn chân lũ trẻ quen chăn trâu cắt cỏ trong cơn hoảng loạn. Cầu Đồng Bán. Nghỉ. Đồng Mít Chân Chim. Nghỉ. Rồi lại tốc lực bổ vào tít trong chân núi Miếu Môn. Vừa chạy vừa âm thầm (nào đã biết thương đâu) sợ bà chậm chân tiếc con gà con qué bà cháu chả bao giờ gặp lại, cháu biết ai nuôi. Thôi, khỏi kể lại làm gì nông nỗi của những người nông dân khi đó. Mất tất. Ngày về, lên cầu Long Biên, còn nguyên gốc cổ thụ đâm sầm vào chân cầu rồi mắc đó những ngày nước lớn, lại nhớ nỗi thấp thỏm vì không biết bơi khi ngồi trên chiếc thuyền nan leo heo giữa vùng nước trắng đất trắng trời, lại khiếp sợ thương đứa bạn bốn chị em mất mẹ chỉ vì bác ấy tiếc con trâu dữ không chịu chạy lúc phá đê. Trâu chết sau người khi cả bụng nước trương phềnh ào ào xả. Bao nhiêu đứa bạn nhà quê qua trận lụt thôi không bao giờ đến trường. Sau này, đi dạy một thời gian trên Phùng, lại ngậm ngùi cảnh học trò lớp 12 sau cơn mưa ngập chỉ vì một mùa tỏi mất, nợ vốn ngoại thương, cũng đành bỏ học. Mà mỗi năm một mùa mưa bão.

Từ đó, đã có phòng tuyến phân lũ sông Đáy trên Tam Hiệp, mạn Phùng đi ngược, từ đó thêm bao nhiêu phương tiện phòng lũ, đắp đê, nhưng mực nước hôm nay ở các con sông quanh quanh Hà Nội, những sông Hồng, sông Nhuệ, sông Tích, sông Bùi, đã vựot đỉnh lũ năm 1971. Và miền xưa đất nghèo đã thành Hà Nội mới rồi. Liệu có vẫn thành vùng xả lũ nếu nội thành nguy biến?

Vị cựu thủ tướng được cử tri thuộc tất cả các đảng phái tại Đức yêu mến – Helmut Schmidt - đã thắng cử chỉ nhờ khả năng tổ chức cứu dân thành phố Hamburg trong vụ lụt sông Elbe mấy chục năm về trước, trong tư cách thị trưởng thành phố. Một cựu thủ tướng khác - Schröder - đắc cử lần haì, đảo ngược chiều gió chính trị lúc đó cũng nhờ vào sự năng động và quyết đoán trong phản ứng nhanh cứu dân vùng lũ lụt của chính phủ cách đây mấy năm. Đi ủng của cảnh sát, mặc áo mưa của cảnh sát, (bên trong mặc gì thì tôi không biết), ông thủ tướng ngồi trên cái ca nô chao giữa sóng gió như chiếc lá cùng với chỉ vài cộng sự, ghé tới từng cửa nhà ngập nước, gặp mỗi người dân chia sẻ cảm thông và ngay trong hôm đó đưa ra quyết định nhà nước hỗ trợ cấp thời như thế nào, dài hạn ra làm sao cho nạn nhân lũ lụt, khiến đối thủ chính trị cũng phải nể phục vì sự đúng đắn và quyết đoán. Nước Đức chắc cũng thừa trực thăng, nhưng ông không ngồi trực thăng ngắm xuống nước như ông Bush trong trận đại hồng thủy ở Mỹ mấy năm trước. Và dân ông có nhiều người tiếc ông vì thế. Ta chẳng phải dân của ông cũng nhớ ông, trong một nghĩa nào đó có lẽ còn sâu sắc hơn cả thổ dân.

Nhưng Việt Nam chưa có kiểu bầu cử như ở đây. Vậy thì các vị lãnh đạo có cần phải như cái ông tây này không nhỉ?

Thương quá, Hà Nội cũ Hà Nội mới, Hà Nội Hà Tây ơi, Thủ Đô với Cửa ngõ Thủ Đô ơi! Cái nghĩa tương thân nặng đến nỗi người đi xa không dám hỏi thăm ai đang sống nơi chốn ấy. Chương trình thời sự nào cũng ngập lụt tin hình về cuộc bầu cử tại Mỹ, chỉ dành một hai phút đưa tin cảnh nước ngập Hà Nội. Biết phận người nơi đó động lòng những ai !

 

Lê Minh Hà

PS: Tin mới nhất:

Từ chiều 3/11, khi nước sông Nhuệ vượt báo động 3 và có khả năng tràn vào sông Tô Lịch cũng như vùng nội đô Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo tỉnh Hà Nam mở cửa cống để nước sông Nhuệ tràn vào lưu vực trạm bơm Yên Lệnh, rồi từ đây hút đổ vào sông Hồng và khu vực nội đồng của Hà Nam.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, ông Phạm Bá Tảo cho rằng Hà Nam đã "hy sinh" cho Hà Nội. "Nếu không phải hút nước sông Nhuệ thì Hà Nam sẽ cứu được một phần trong tổng số 18.300 ha cây vụ đông bị ngập. Nhưng giờ thì tất cả diện tích trên đã bị xóa sổ. Ngoài ra, còn 23.000 hộ dân ở 6 huyện thị bị ngập sâu 40-50 cm".

(Nguồn: VnExpress- 6.11.2008)


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss