Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Hạnh phúc

Hạnh phúc

- Văn Ngọc — published 17/05/2007 22:13, cập nhật lần cuối 17/05/2007 22:21
Hạnh phúc trước hết là hạnh phúc cá nhân (...) cá nhân có hạnh phúc, thì cộng đồng mới hạnh phúc được, và ngược lại, một xã hội phải có đầy đủ những điều kiện cho một cuộc sống hạnh phúc, thì người dân mới sung sướng được.

 
Hạnh phúc
 

như một điều có thật


Văn Ngọc



Kể cũng lạ, là một trong những khái niệm lẽ ra phải là quan trọng hàng đầu đối với con người - là khái niệm hạnh phúc - lại ít khi nào được bàn đến một cách trực tiếp, ngoại trừ trong phạm vi giáo lý của các tôn giáo.

Phải chăng vì nó quá phức tạp ? Hay là người ta có một mặc cảm nào đó khi nói đến nó, vì quả thật cũng khó biết thế nào là hạnh phúc, thế nào là sung sướng thật sự ? Sự đánh giá của mỗi người về mình và người khác trên điểm này chỉ có thể là chủ quan.

Chỉ cần lấy một ví dụ, một đôi lứa đang ở thời kỳ yêu nhau say đắm, người ngoài cuộc cho rằng như thế là họ hạnh phúc (mà họ hạnh phúc thật). Nhưng khi họ bỏ nhau, thì người ta lại cho đó là một điều bất hạnh, nhưng thực ra đối với họ, thì không hẳn là như thế : họ bỏ nhau để mỗi người đi tìm một hạnh phúc mới, phù hợp với mình hơn. Và đó cũng chỉ là một điều lô gích, cũng như thể khi ta đi lầm đường, phải tìm một con đường khác, để đi cho tới đích.
 

Cơ sở của hạnh phúc

Cũng có thể, người ta ít bàn đến vấn đề hạnh phúc vì biết rằng hạnh phúc là cái mục đích cuối cùng, mà muốn đạt được cái mục đích ấy, trước hết phải vượt qua một số cửa ải. Đối với một cá nhân, đó là những điều kiện, như : sức khoẻ, tình bạn, tình yêu, sự hiểu biết, lòng tốt, lòng lương thiện, lòng quảng đại, lòng vị tha, v.v. Đối với một xã hội, thì đó là những điều kiện, như : công bằng, bác ái, tự do, dân chủ, phồn vinh, v.v. Một khi mà một số điều kiện trên còn chưa hội đủ, thì cũng khó mà nói đến hạnh phúc được. Đối với một cá nhân, chỉ cần thiếu một trong những điều kiện đó, cũng đủ khiến cho người đó không sung sướng rồi.

Song, con người ta, ai mà chẳng muốn được sung sướng, dù cho mọi điều kiện chưa hội đủ, dù cho cuộc sống ngày càng buộc họ phải sống vội, sống hối hả, và làm đủ mọi thứ chuyện, không cho phép họ có thời giờ để suy ngẫm về mục đích và hiệu quả của những việc mình làm, cũng như không cho phép họ tự chất vấn mình về những lý tưởng (nếu có) mà mình đang theo đuổi , hoặc đã từng theo đuổi ?

Hạnh phúc trước hết là hạnh phúc cá nhân. Do đó, ở đây chúng ta sẽ chỉ  bàn về khái niệm hạnh phúc ở mức độ cá nhân. Dẫu sao, thì trước sau cũng vẫn chỉ là cùng một vấn đề : cá nhân có hạnh phúc, thì cộng đồng mới hạnh phúc được, và ngược lại, một xã hội phải có đầy đủ những điều kiện cho một cuộc sống hạnh phúc, thì người dân mới sung sướng được.

Để giải thích thế nào là hạnh phúc, người ta thường vận dụng khái niệm ngược lại của nó, là sự bất hạnh. Những nỗi bất hạnh ở trên đời, ngay từ những thời cổ đại xa xưa, đã được các triết gia ví như "những bóng đen trên một bức hoạ : chúng càng làm cho các màu sắcnổi bật "  - các màu sắc ở đây tượng trưng cho hạnh phúc. Những nguyên nhân của chúng có thể là : sự mất mát một người thân (tử biệt), sự đau khổ về tinh thần (sự chia ly) , hoặc về thể xác (bệnh tật), sự nghèo khổ, sự ngu dốt, sự lệ thuộc kẻ khác, sự thù hận, lòng vị kỉ, v.v. Có những nguyên nhân không tuỳ thuộc vào con người, như sự chết, và ở một mức độ thấp hơn, tật bệnh, nhưng tất cả các nguyên nhân khác đều tuỳ thuộc vào con người và nhất là vào quan hệ giữa người này với người khác, bởi vì con người không thể nào sống một mình và sung sướng một mình được. Con người sống trong một xã hội luôn luôn cần đến sự giúp đỡ của những người khác ở xung quanh, về mặt vật chất cũng như tinh thần. Bởi vậy cho nên, con người cần có lòng bác áióc vị tha.
 

Lòng vị tha

Trong tất cả những nguyên nhân khiến cho con người ta có thể sung sướng được, như  đã nêu ở phần trên, lòng vị tha chính là nguyên nhân quan trọng nhất. Nó ngược lại với lòng ích kỉ. Nó là đức tính cho phép con người ta có được một tầm nhìn xa hơn là những quyền lợi trước mắt - đôi khi rất nhỏ bé - của mình, để nghĩ đến quyền lợi của người khác. Cũng nhờ có nó mà con người ta dễ sống chung với nhau hơn, từ trong quan hệ vợ /chồng - nhất là những cặp vợ chồng trẻ - đến quan hệ giữa bố mẹ / con cái, rồi quan hệ giữa hàng xóm, láng giềng,v.v.

Nhưng điều quan trọng hơn cả, là lòng vị tha chính là cái cốt lõi đạo đức thôi thúc chúng ta làm một số công việc vì hạnh phúc của người khác, nó cho phép chúng ta sống có lý tưởng hơn - những lý tưởng đôi khi có một tác dụng tích cực vào đời sống thực tế, song đôi khi cũng chỉ là những ảo ảnh.
 

Lý tưởng và ảo ảnh

Xét cho cùng, cuộc đời của mỗi con người cũng như thể một dự án, có một cái đích dài hạn và một con đường để đi tới cái đích đó. Nếu cái đích đó là để đem đến hạnh phúc cho mình và cho người khác, thì nó cũng chỉ là phù hợp với lòng vị tha, là cái động cơ đã thúc đẩy mình làm những việc "tự nguyện tự giác", và trong điều kiện đó, thì hạnh phúc không phải tìm đâu xa : ta sẽ gặp nó ở mỗi giây lát trên con đường đi tới cái đích, mà ta đã vạch sẵn.

Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản như ta tưởng : những lý tưởng trong đó ta đầu tư công sức, thời gian, và nhất là niềm tin, đôi khi trên thực tế lại không đúng như ta hằng mơ ước. Song, nếu phải tính sổ, thì những gì mà ta đã bỏ vào đó không hẳn đã là mất hết, vì chúng không những đã cho ta những phút giây hạnh phúc trên những chặng đường ta đã đi qua, mà còn cho phép ta chiêm nghiệm để nhìn thấy rõ hơn cái đúng, cái sai, của quá khứ, để mà đi tới.

Xem như vậy, đối với một cá nhân, hạnh phúc không phải là một cái gì xa vời, không thể với tới được. Mặc dầu ý niệm về hạnh phúc ở đây cũng chỉ có thể là tương đối, vì nó tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh, của mỗi người. Tuy nhiên, một người sống với lòng vị tha, và một lý tưởng sống cho mình và cho người khác dù cho khiêm tốn đến đâu, cũng có thể còn sung sướng hơn là một người sống không có lý tưởng, và không nghĩ gì đến người khác.
   

Văn Ngọc


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us