Hột muối cắn làm đôi...
Khủng hoảng kinh tế tài chánh 2008
Hột muối cắn làm đôi...
Thanh Gương
Nghe thấy mà sợ. Chỉ toàn là tiền tỉ. 700 tỉ đô-la đầu này (kế hoạch giải cứu các ngân hàng bị phá sản của Nhà Trắng vừa được Quốc hội Mỹ thông qua, trị giá gần bằng 5% tổng sản lượng nước Mỹ). Vài ba trăm tỉ Euro ở đầu kia (chẳng hạn kế hoạch dùng 35 tỉ Euro để giải cứu ngân hàng Hypo Re ở Đức, hay 200 tỉ bảng Anh của chính phủ Luân Đôn tung ra để “quốc hữu hoá” một phần của 8 cơ quan tài chính).
Một phó thường dân lao động bình thường, một vợ hai con, đi cày đầu tắt mặt tối để đem về chưa đến 1500 Euro mỗi tháng... nghe đến những con số tỉ này chắc là phải nổi da gà.
Thiên hạ kháo nhau rằng đây là một biến cố trọng đại, chẳng khác gì biến cố 11/09 và khả năng chấn động của nó sẽ lớn hơn cuộc khủng hoảng hồi thập niên 30.
Mà giải cứu là như thế nào ? Tiền tỉ ấy đổ ra là để “thu mua” hàng tấn “cổ phiếu rác rưởi” mà các đại gia của các ngân hàng đã phù phép tung ra thị trường mấy năm qua theo kiểu “mượn đầu heo nấu cháo” để bây giờ đem cho không cũng không ai thèm lấy, nên nhà nước phải đứng ra “thu mua” để tránh cho các đại gia khỏi bị sập tiệm.
*
Khi phải tài trợ những dịch vụ phúc lợi xã hội như y tế, như giáo dục, giao thông, bảo vệ môi trường, bảo trợ thất nghiệp... thì nhà nước nào cũng kêu gọi phải thắt lưng buộc bụng. Nhà nước nào cũng than không có ngân sách. Còn in thêm tiền thì bị lạm phát đe doạ.
Chỉ cần 10% của ngân sách để giải cứu các ngân hàng bị phá sản là Nhà Trắng đã có thể hoành tráng đưa ra một chương trình y tế công cộng cho dân Mỹ. Chỉ cần dăm ba tỉ Euro là một nước Châu Âu có thể giải quyết trước mắt những bức bách của giới nghèo khó trong nước.
Nhà nước nào cũng bảo có khó khăn nếu thành phần lao động kêu réo.
Nhưng khi các đại gia “hữu sự” thì không biết nhà nước in tiền lúc nào mà đổ ra hàng trăm tỉ để giải cứu.
*
Khi kinh tế ở thời phồn vinh, các đại gia ngốn mỗi năm hàng trăm triệu đô-la tiền thưởng, mà giới doanh nhân thời thượng kêu là “bonus”, và lúc nào cũng đòi giương cao ngọn cờ “tự do thị trường” chống lại tất cả mọi tư duy “nhà nước kiểm soát”. Đứa nào mà giở giọng đòi nhà nước phải có chủ trương kiểm soát là lập tức bị chụp mũ “kình chống tự do” ngay.
Thế mà khi bong bóng chứng khoán bị xì hơi xẹp lép như con mực phơi khô thì... nhà nước cứ “tha hồ” mà can thiệp, chứ nếu không thì... chết cả lũ.
Mà cái hay ở chỗ là đổ ra hàng trăm tỉ nhưng chẳng có nhà nước nào dám một lời “thăm hỏi” các đại gia vì sao mà để tình hình ra nông nỗi như thế ?
Một doanh nhân “tầm tầm” mà lỡ sập tiệm vỡ nợ thì chỉ có nước bán nhà cửa ruộng vườn, nếu không đủ trang trải nợ nần thì có khi phải ngồi tù.
Một “phó thường dân” vỡ nợ và không đủ sức đóng thuế... A-lê-hấp được các quan chức thuế vụ, nhân danh cơ chế nhà nước, và nhân danh công lý bình đẳng bác ái, sẽ đến “hỏi thăm sức khoẻ” ngay.
Một vài doanh nhân “tầm tầm” mà vỡ nợ thì cũng chẳng hệ lụy đến bao nhiêu người, cùng lắm là một vài trăm công nhân trong cơ xưởng sản xuất.
Một vài “phó thường dân” mà vỡ nợ thì lại càng chẳng hệ lụy đến ai. Cùng lắm chỉ có vợ con là khốn đốn.
Nhưng nếu đại gia, mà nhất là đại gia trên sàn chứng khoáng, có vỡ nợ... thì nhà nước chỉ biết im re mà tìm cách giải cứu. Không dám một lời nặng nhẹ với các đại gia.
Nó to quá, quyền lực kinh tế trong tay nó lớn quá, nếu không giải cứu nó thì chết cả lũ.
Cái hay của tư bản là biết “gắn bó” số mạng của hàng triệu triệu con người vào sổ sách tài chính của các đại gia.
Và cái tuyệt vời của tư bản chủ nghĩa là biết sáng tạo thích ứng chuyển mình theo từng giai đoạn.
Khi phồn vinh thì “tự do kinh tế thị trường”. Nhà nước làm ơn ngồi im một chỗ để các đại gia tung hoành.
Khi sập tiệm thì “mời” nhà nước can thiệp. Tự do kinh tế thị trường tạm thời nhường chỗ cho nhà nước chỉ đạo. Tức là xin mời các phó thường dân đóng thuế để giải cứu các đại gia.
Đúng là kiểu... hột muối cắn làm đôi... còn... hột đường thì lủm hết một mình.
Mà lại càng hay hơn khi các nước “rồng rắn” lại ra sức cổ võ và học tập cái tư duy “kinh tế thị trường”, xem đó như là kim chỉ nam để... đi tắt đón đường thiên hạ.
Thanh Gương
Roma, 08/10/2004
TB. Đang viết bài này thì được tin là Ngân hàng Trung ương Châu Âu (BCE) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa mới quyết định “cắt giảm tỉ giá tiền lời ngân hàng”. Và nghe nói là thị trường chứng khoảng ở Châu Âu đã “khởi sắc” lại ngay. Mấy năm nay, tình hình kinh tế Tây Âu khốn đốn, công ăn việc làm trì trệ, nhưng cả BCE lẫn FED đều cương quyết không cắt giảm tỉ giá tiền lời ngân hàng với lý do là chống lạm phát. Thế mà chỉ cần các đại gia hắt hơi một tí là... đe doạ lạm phát tiêu mất.
Khi thương trái ấu cũng tròn...
Các thao tác trên Tài liệu