Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Kinh tế : Em tập đánh vần

Kinh tế : Em tập đánh vần

- Đỗ Kh. — published 25/04/2013 13:55, cập nhật lần cuối 25/04/2013 13:59



Kinh tế :
Em tập đánh vần




Đỗ Kh.



Tôi không hiểu gì về kinh tế, lại cũng không phải là người rành sử dụng chương trình xử lý bảng tính Excel nhưng tôi mạo muội viết bài này vì có một điều tôi nắm chắc. Đó là bảng 26 chữ cái tôi thuộc lòng, và trong trường hợp này là bảng mẫu tự tiếng Anh. Nó bắt đầu bằng chữ A và bốn chữ sau là B, C, D và E.


Vào năm 2010, hai nhà kinh tế của Đại Học Harvard, Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff cho ra mắt một tờ trình mang tên “ Tăng trưởng trong thời kỳ mang nợ ” (Growth in the Time of Debt).


Bà Reinhart là GS về Hệ thống Tài chánh Quốc tế tại Harvard Kennedy School, TS ĐH Columbia, từng làm ‘nhà kinh tế chính’ (chief economist) của Ngân hàng Đầu tư Bear Stearns và giữ chức Phó Giám đốc phòng Nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Nói qua, lúc bé và mới vào mẫu giáo, bà có học bảng chữ cái, và thuộc lòng.


Ông Rogoff là GS về Công sách (Public Policy) và GS Kinh tế tại Harvard. Ông lấy bằng TS tại MIT, từng làm Cố vấn Kinh tế và Giám đốc phòng Nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Lại nói qua, lúc bé và mới vào mẫu giáo, ông có học bảng chữ cái, và thuộc lòng.


Tờ trình của hai vị này khẳng định là một khi món nợ công cộng (public debt) lên đến 60% GDP thì tăng trưởng mất đi hai điểm. Khi món nợ này đạt mức 90% thì tăng trưởng sẽ giảm xuống “khoảng một nửa”. Nói kiểu bàn nhậu thì 6/10 chai là phải đứng lên lảo đảo, mà 9/10 chai là xấp mặt xuống đường, vợ ở nhà khỏi mà trông cửa, chỉ có việc đi ngủ và tắt đèn. Cho nên có tiền hãy uống, đừng bao giờ ra quán mà ghi sổ uống chịu. Dẫn chứng cho nhận định khoa học của tờ trình này, là trường hợp của 20 nước phát triển từ 1946 đến 2009 cho ta thấy, đang tăng trưởng trung bình 3% mà đạt mức nợ 90%, thì suy thoái trung bình xuống – 0,1% (âm). Ra mắt đúng lúc vào dịp khủng hoảng tài chánh toàn cầu, tờ trình này được các nhà chính trị chủ trương thắt lưng buộc bụng, tại Mỹ cũng như Âu , mang dằn lưng như là một cặp Đồ Long đao và Ỷ thiên kiếm, này đừng có cãi, “ các nhà kinh tế ” đã chứng minh rằng.


Tuy nhiên, có nhà kinh tế này thì có nhà kinh tế kia, ngay từ lúc ra mắt, tờ trình Reinhart-Rogoff đã bị nhiều nơi phê bình và chỉ trích, trong đó có nhà Nobel Kinh tế Paul Krugman. Ví dụ, trường hợp những năm đầu hậu chiến tại Hoa Kỳ, suy thoái không phải do món nợ cao mà vì mấy triệu quân nhân giải ngũ trở về nhà không có việc. Hay trường hợp sau đó của Nhật Bản, biện chứng của R&R (còm của người viết, ĐK) như là họ nhà tôm lộn lên đầu, bởi vì có suy thoái nên mới có món nợ cao chứ không phải là ngược lại. Nhưng Nobel thì Nobel, Ô Rogoff đã từng cởi áo tay đôi với Joseph Stiglitz (khi ông này dám phê bình IMF). Quan trọng là, các giới chức quyết định về kinh tế vẫn dùng hai vị này như là một bửu bối, một bằng chứng khoa học, hai ông bà kẹ chuyên gia để mà dằn mặt những nạn nhân lắm mồm của chính sách buộc bụng.


Kinh tế không phải là một môn khoa học chính xác, bất quá là một môn khoa học thực nghiệm, và thường là thực nghiệm trên quần chúng lao động thì phải. Mãi đến gần đây, một sinh viên TS trường ĐH Massachusetts tại Amherst mới được xem những dữ liệu của tờ trình. Cách cân đo của hai nhà Kinh tế trên có vẻ thiếu khách quan, đem một năm 1951 tại New Zealand (là năm suy thoái –7,6%) mà đong ngang với lại 19 năm tăng trưởng tại Anh quốc. Kiểu tao thách mày uống được hết chai trước khi tao cạn 100% cái ly này, nào “dzô” ! Bảng phần mềm Excel của tờ trình thì vì một “ tai nạn ” nào đó, mất các quốc gia mang tên bằng năm chữ đầu của bảng mẫu tự, như Austria hay là Australia, Belgium hay là Canada.


Nếu dùng các con số của chính hai vị Reinhart và Rogoff thì kết quả đúng đắn như sau. Tăng trưởng thuộc công trình nghiên cứu 20 nước trong giai đoạn đã nói (khi phạm phải mức nợ 90%), là từ +3% thụt xuống +2.2% chứ không phải là 0,1%. Tức là, nhằm nhò gì, cho tao ly nữa tao vẫn còn lái xe được về nhà. Nhưng đó là điều kiện ta biết dùng Excel. Thế mới biết, môn Excel học là môn còn khó nắm hơn là môn Kinh tế! Và, lúc mới vào mẫu giáo, ta có học bảng chữ cái, và thuộc lòng.


Paul Krugman giờ có thể đặt tựa cho một bài viết của ông về việc này là “ Cuộc suy thoái Excel ” (The Excel Depression). Nhưng cười dưới suối vàng thì tôi chắc phải là nhà sinh vật học Lyssenko.


Đỗ Kh.







Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss