Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Miếng mồi tập bắn

Miếng mồi tập bắn

- Đỗ Kh. — published 26/09/2007 09:19, cập nhật lần cuối 26/09/2007 09:19


Giọt mực Giọt đời


Miếng mồi tập bắn


Đỗ Kh.

Stealthkiller, Sát Thủ Âm Thầm, là danh hiệu của tôi trên game online Call of Duty 2. Nếu bạn vào game khoảng 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng (giờ Cali) thì có thể gặp tôi ghìm khẩu Mosin-Nagant 1891-1938, mắt nhắm qua ống viễn kính nhân 4 lần PU 91-30 tại trận Stalingrad. Tôi là một thiện xa (sniper) và khẩu Mosin-Nagant này tuy thô sơ nhưng cho đến ngày nay (như ở Chechnya) vẫn còn hiệu quả nếu trong tay một người biết sử dụng. Trong tay tôi, ngay cả trên máy tính thôi, thì nó có tồi. Các trận đánh tôi thường về áp chót, nếu là kiểu trận chia phe thì đội nào có tôi phải chịu chút thiệt thòi. Uebermensch chẳng hạn, trong các đội Quốc xã như nick của anh cho thấy, có thể rút dagger Waffen SS mà cắt cổ Stealthkiller trước khi tôi kịp quay người, luống cuống nhấn nút "Shift" với lại nút "Alt".


Thiện xạ bắn xa là một chức danh tôi ngưỡng mộ, vì đây đòi hỏi những đức tính mà tôi không có. Người Sniper là một người ít nói (có khi ít cả viết), bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh, cân bằng về tâm lý, ngụy trang khéo không để bị phát hiện, quan sát giỏi và về mặt chiến thuật, tính trước được 2-3 nước cờ của địch thủ. Anh có thể nằm nấp không động đậy trong nhiều tiếng, đạt kết quả one shot-one kill (một viên đạn – một thằng chết) mà không cần nhiều phương tiện, trực thăng võ trang, máy bay tàng hình, pháo binh yểm trợ. Đáng nể không kém, là anh biết đích xác kẻ địch trước khi bóp cò súng, nhận diện kỹ càng và có khi nhìn thẳng vào hai mắt (dù là qua kính viễn vọng), không phải là dạng giật mình bắn ẩu hay là vung vãi đạn, chết đàn bà con nít vô tình.


Tôi khâm phục đến nỗi, mới quen một cô vừa biết là người Ukraine, tôi đã thốt ra ngay rối rít, à quê hương của Ludmila Pavlichenko. Ludmila đến giờ vẫn giữ chức vô địch nữ thế giới (309), chỉ đằng sau Simo Hayha người Finn (542), Fyodor Okhlopkov người Yakut (429) và Mathias Hetzenauer (345) người Áo, đứng đằng trước một Vassily Zaitsev huyền hoặc (242). Pavlichenko là ai? Tất nhiên cô trợn mắt hỏi và tôi trả lời, Ludmila cách 300 mét có thể bắn trúng vào con ngươi xanh lơ xanh lửng này này trước khi cô kịp chớp cặp mi dài. Câu trả lời khiến cô Ukraine này đứng dậy bỏ đi ngay và nhìn tôi với một vẻ quái gở sau khi không quên đòi tôi trả lại số điện thoại cô vừa mới viết trên một mẩu giấy. Tôi chấp nhận thiệt hại vì sự kính nể của tôi với nghề sniper là như vậy, chứ chẳng lẽ mới quen người Ukraine tôi lại làm dáng hỏi có biết bực thang nhân vật thiếu nữ giao sữa đứng đong đưa ngực trong “Bạch Vệ” của Bulgakov trên đồi St. Andrew?


Nhưng ngưỡng mộ nào cũng có thể mang lại thất vọng. Một bài báo của tờ Washington Post (24. 9.07)  làm tôi vỡ mộng. Nhân một vụ án, mới phát hiện là quân đội Mỹ ở Iraq có một chương trình diệt khủng bố bằng cách dụ dỗ người đi đường nhặt của rơi. Theo lời khai của Đại úy Matthew Didier, chỉ huy tiểu đội trinh sát thiện xạ của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 501 Bộ binh, binh sĩ dưới quyền ông rải đây đó một số vật dụng, đợi có ai nhặt lên thì bắn chết. Các vật dụng này là đạn dược, dây bom (detonating cord), ai cầm trên tay có nghĩa là sẽ dùng vào việc đánh lính Mỹ. "Mưu" này nghe như là mưu của nhà văn ("Nhà văn phải lắm mưu," tôi trích Nguyễn Huy Thiệp theo trí nhớ) nhưng thật ra là mưu của nhóm Chiến Tranh Bất Cân Bằng (Asymetric Warfare Group) của Bộ Quốc phòng theo các điều tra viên của toà án quân sự. Dĩ nhiên, phát ngôn nhân của Quân đội Paul Boyce từ chối không bình luận về những chiến thuật bí mật của Hoa Kỳ.


Theo ông Eugene Fidell, chủ tịch Viện Quốc gia Pháp lý Quân đội, thì đây là chiến thuật nên điều tra cặn kẽ hơn, vì ở một quốc gia trong hoàn cảnh của Iraq nếu nhặt quân dụng rơi ngoài đường bị quy là địch thì thà mang tất cả người dân Iraq ra mà làm bia tập bắn! Các thứ quân dụng nguy hiểm và giết người này thì không được rõ hết, nhưng dây bom hay là dây mìn (detonating cord) thì coi rất giống như là dây... điện. Giờ, bạn đi đường, thấy một cọng, hay là một cuộn dây điện, là thứ ở Iraq cũng cần dùng (nhất là bởi vì điện có khi bị cắt đến 22 tiếng/ngày), bạn cúi xuống nhặt lên thì cách đó 300 thước, một sniper Mỹ nằm yên và ngụy trang kỹ càng đợi sẵn sẽ bóp cò. Tôi tưởng tượng nếu là cô Ukraine ở trên, khi quần bó mà khom người chắc cũng dễ coi, đứng thẳng lưng lên mà rung rinh thì cũng dễ coi nốt (viết đến đây tôi hối là cô đã lấy lại số điện thoại). Nhưng than ôi, cầm sợi dây điện mà lãnh một viên 12,7 ly vào con mắt xanh lơ đã nói thì tôi phải ngậm ngùi Bùi Giáng còn hai con mắt khóc người một con. Con mắt kia, con trúng đạn, phải văng theo mảnh sọ dăm ba thước, để lại trên mặt tôi đứng cạnh mấy miếng óc bày nhày còn dính thêm (quấn quít) vài sợi tóc vàng. Đạn 12,7 ly không tha ai hết, kể cả những người trời cho một cặp mông nảy.


Ba quân nhân của đơn vị ưu tú này ra toà không phải vì họ hạ sát người nhặt những của rơi nguy hiểm. Một nạn nhân, xin lỗi, một khủng bố, đang cầm liềm cắt cỏ thì bị bắn chết. Ông này chỉ nhặt cỏ nên sau khi bị bắn chết bèn được nhét vào túi một cuộn dây điện. Đây không phải là trường hợp nhặt mà trường hợp dúi vào tay và chiến thuật bí mật này thì chưa được Nhóm chiến tranh bất cân bằng chính thức ban hành. Người Iraq xấu số trên, tuy đã cẩn thận dùng liềm thay vì máy cắt cỏ mà cũng không thoát khỏi tội chết (máy cắt cỏ có thể bị quy là bom IED vườn do Iran tiếp tế?) Một anh thiện xạ bắn xa khác lại làm tôi thất vọng hơn, anh hành quyết một người đi ngang lò dò bằng hai phát súng ngắn vào đầu. Cái này thì ai làm chẳng được, cách một mét thì tôi bắn cũng trúng, ngay một người không chuyên như cựu Thủ tướng Allawi cũng đã từng, theo nguồn tin không được kiểm chứng (theo nguồn này, ông Allawi thuộc loại cẩn thận, nổ súng đã cận mà còn phải nhờ người giữ chặt kẻ được ông tự tay ra ân).

Chiến thuật “nhử mồi” này không hiểu có được phổ biến rộng rãi ở khắp nơi, tại đơn vị biếng nhác của Trung đoàn 501 Bộ binh thì việc chấp hành không được nghiêm chỉnh lắm. Một quân nhân thú nhận là các “mồi” không được dùng để nhử trước khi nổ súng, việc gì mà phải rắc ra đường rồi lại phải rình rập cho mệt. Theo anh khai thì là được sử dụng sau khi đã hạ sát xong xuôi, đem cài đặt cạnh người bị giết, kết quả thì cũng thế mà đối với các xạ thủ lại giản tiện. Đúng là chuyện bày vẽ của các xếp ở Lầu Năm góc rỗi việc và quan liêu hành chánh. Nào là họp hành, lên kế hoạch, vẽ sơ đồ với lại thảo chiến thuậti trong các văn phòng có máy điều hòa. Ngoài mặt trận, ai mà lại ngược đời như vậy, chỉ việc bắn chết xong ai đó và dúi vào túi là xong, đỡ phí thì giờ và quỹ (450 tỉ) của quân đội. Dây điện cũng được rồi và đâu mà chả có, cần gì phải giao tận chỗ detonating cord, tôi đâm ra ngờ hay là lại ăn chia với nhà sản xuất chất nổ, nhà thầu hay là nhà phân phối tính tiền cước một mét giây là một triệu đồng)?



Đỗ Kh.

i

A là xạ thủ đang nằm chực.

B là người vô tình đi ngang.

C là dây detonating cord.

Điểm A cách điểm B 300 mét và điểm B cách điểm C 3 mét.

Nếu B đến C và cúi xuống thì A nổ súng.

Kết quả là thêm một thành viên đáng sợ của “Al Qaeda tại Iraq”, một kẻ thù của dân chủ và tự do bị loại, người tiêu dùng Mỹ mua sắm ở chợ Wal-Mart thêm an ninh với điều kiện Trung quốc bớt dùng những vật liệu sản xuất gây độc hại.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us