Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Nhìn ta...

Nhìn ta...

- Đinh Tân Hại — published 08/06/2007 07:53, cập nhật lần cuối 09/06/2007 16:03
Buồn ơi, chào mi


Giọt mực giọt  đời

Nhìn ta lại nghĩ đến người

Đinh Tân Hại

Thật tình kẻ hèn này không hề muốn quậy lưỡi dao (hay xát thêm muối) trong vết thương còn tươi rói của các bạn ở xứ Đại Pháp, mà cũng chẳng phải schadenfroh, hả hê gì trước sự không may của kẻ khác, nhưng trước các hình ảnh thời sự mấy ngày qua, không khỏi nảy ra vài suy nghĩ, so sánh vẩn vơ.

Trong khi nước Pháp, sau mấy tuần sôi nổi với cuộc bầu cử tổng thống, đang uể oải bước vào « vòng ba » để bầu lại Quốc hội, thì cách đây mấy hôm, tổng thống Chile, bà Michelle Bachelet, đến thăm chính thức Thuỵ Sĩ. Tiếp đón bà là tổng thống Thuỵ Sĩ, bà Micheline Calmy-Rey. Nhìn hai « nữ » tổng thống, cùng là đảng xã hội, tươi cười với nhau mà không khỏi chạnh lòng : « Giá mà nàng Ségolène ... ». Nhưng mọi sự đã an bài, ít ra là cho 5 năm (trừ phi... trừ phi... một phép lạ nhiệm màu nào đó khiến cho phe tả phe ta lại thắng ở Quốc hội, để châu về hợp phố, Sarko và Ségo lại gặp nhau, nước Pháp lại chứng kiến một cảnh ở chung ít hoà bình !).

Nước Thuỵ Sĩ bé tí tẹo, chỉ bằng con tem trên lưng con voi nên hay bị Pháp coi như « sân sau » của mình, thỉnh thoảng lại kẻ cả lên lớp chuyện này chuyện kia. Như anh chàng Arnaud Montebourg chẳng hạn, khi còn ở trong uỷ ban vận động bầu cử của bà Royal, đã hăm doạ là khi nắm chính quyền sẽ tuyên chiến với Thuỵ Sĩ về vấn đề cạnh tranh thuế má và dịch vụ ngân hàng. Bài bản cố hữu của anh ta, chả có gì đáng nói. Nhưng sau khi mất chân phát ngôn viên của bà Royal vì còn phát ngôn bừa bãi thêm vài câu khác, không biết anh ngựa non háu đá này có bớt được tí khẩu khí nào chăng.

Một trong những lý do các nhà phân tích (và không chỉ họ) đưa ra để giải thích sự thất bại của bà Royal là nước Pháp chưa sẵn sàng có một bà tổng thống. Tình cờ, một tuần trước ngày Pháp bầu vòng hai, anh hàng xóm là bang Genève cũng bầu lại Quốc hội và chính quyền. Ấy thế mà trong cái nước Thuỵ Sĩ hay bị Pháp coi là bảo thủ, chậm chạp, nói tóm là cù lần này, lại có một thành phố dám bầu tới 57 % dân biểu là phụ nữ. Và hai người đắc cử vào chính quyền thành phố với số phiếu cao nhất là của đảng xã hội, trong đó có một cô mới chỉ 35 tuổi và thuộc vào thế hệ hai của cộng đồng người Ý. Ở cấp liên bang, bà tổng thống đầu tiên của cả nước xuất hiện cách đây cũng đã lâu nên chả còn ai thấy đây là cái gì ghê gớm, một sự kiện lịch sử « chấn động cả thế giới » nếu như Ségolène hay Hilary thắng cử !

Mà thật ra, về mặt này, đâu hiếm gì những nước đã đi trước Pháp và Mỹ đã cả mấy chục năm. Không nói đến các nước phát triển như Na Uy (bà Gro Harlem Bruntland làm thủ tướng trong những năm 1980-90), Iceland (bà Vigdis Finnbogadottir là tổng thống trong 16 năm, 1980-1996), Ireland (với hai bà tổng thống tiếp nối nhau từ 1990 đến nay, Mary Robinson và Mary McAleese) v.v., ngay cả những nước thế giới thứ ba như Ấn Độ cũng đã có bà Indira Gandhi, Sri Lanka với các bà Sirimavo Bandaranaike và Chandrika Kumaratunga, Phi Luật Tân với hai bà Corazón Aquino và Gloria Macapagal-Arroyo, Pakistan với bà Benazir Bhutto vân vân và vân vân. Lẽ dĩ nhiên trong các bà này, có vài bà nhắc đến chỉ thêm xấu hổ, nhưng điều muốn nói ở đây là trong vấn đề phụ nữ nắm chính quyền, thật đáng ngạc nhiên khi thấy hai nước « tiên tiến » như Pháp và Mỹ lại « lạc hậu » một cách không ngờ.

Không biết sau kỳ bầu cử « lịch sử » này có ai ở Pháp bỏ ra năm phút để nhìn người mà nghĩ đến ta hay không.

Đinh Tân Hại



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us