Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Phương diện tâm lý

Phương diện tâm lý

- Hà Dương Dực — published 01/04/2010 22:32, cập nhật lần cuối 02/04/2010 10:16
Khi nhắc tới quá khứ với những hào hùng hay đau khổ của nhân dân người ta thường quên khía cạnh tâm lý của các lãnh tụ. Lãnh tụ cũng là người, họ cũng cảm nhận được khó khăn, đau khổ khi phải thoả hiệp. Nhưng họ biết rất rõ chính trị là nghệ thuật thoả hiệp vì xã hội con người được thành hình và phát triển là nhờ các thoả hiệp.../ Diễn Đàn xin cáo lỗi với bạn đọc, hôm qua lên khuôn bài này đã đưa nhầm tên bài.

Phương diện tâm lý


Hà Dương Dực


Vài năm trước đây Hà Nội có trưng bày chứng cớ về khổ đau vật chất của nhân dân trong thời kỳ chiến tranh thống nhất đất nước với những bằng chứng như: phải có tem phiếu để mua một bó rau muống…; chúng ta cũng đã nói nhiều tới chiến công, tới nhiều hành động anh hùng, những hy sinh vô bờ bến của đoàn nữ chiến sĩ Trường sơn…

Những năm gần đây chúng ta lại rất vô tư hưởng thụ thành quả anh hùng khổ đau đó.

Nhờ những đồng tiền viện trợ, vay mượn, bán đất đai tài nguyên, xuất khẩu lao động làm osin… chúng ta đã xây cầu lớn đường rộng, nhưng chúng ta cũng xây chùa lớn, đúc tượng to mua xe sịn để ghi vô sách guinness!!! Chúng ta làm đủ mọi việc, làm nhiều ăn chơi nhiều để chứng tỏ mình là con dân của các anh hùng khổ đau đó; không kém ai trong sách Guinness!!!

Nhưng chúng tôi chưa thấy ai nhắc tới những khó khăn về phương diện tâm lý mà nhà lãnh đạo phải chịu trong thời gian tranh đấu đau thương đó. Hay nói cho cùng suốt chiều dài lịch sử các Vua Chúa, các lãnh tụ của chúng ta đã chịu đựng như thế nào, về phương diện tâm lý? Vua hay lãnh tụ (từ đây gọi chung là Lãnh Tụ) thì quý vị đó cũng là những con người, con người với vui buồn, với những tình cảm của con người.

Ờ đây chúng ta lại nói tới tình cảm rất nhạy bén của các vị đó. Vì có nhạy bén mới cảm thông được với tình cảm, với ước vọng của dân chúng nên quý vị đó mới được dân chúng ủng hộ, mới thành công, mới được dân chúng nhớ tới. Nếu như người dân mất con, mất vợ cảm thấy đau khổ một thì các vị đó chắc chắn cảm thấy đau khổ gấp mười lần. Nếu chúng ta nhờ vả ai mà không được, liên lạc với ai mà người ta không thèm trả lời chúng ta cảm thấy mất mặt một thì các vị đó sẽ cảm thấy mất mặt gấp trăm lần.

Bài này nhắc tới (một phần rất nhỏ) điều đó như là nhắc tới một điểm trong toàn diện bức tranh.

Nhắc tới không phải để chúng ta hãnh diện hay thù oán mà để chúng ta biết vậy, lịch sử đã xảy ra như vậy. Lịch sử từ Lê Đại Hành tới Lê Lợi tới Hồ Chí Minh có vị nào không trải qua quá trình cương nhu, nhu cương đối với nước lớn phương bắc, hay nói theo ngôn ngữ ngày nay là quá trình thoả hiệp trong chính trị. Cái giá, về phuơng diện tâm lý mà các lãnh tụ đã phải chịu trong tiến trình thoả hiệp đó?

Hơn nữa chúng ta cũng phải biết tình trạng tâm lý quý vị lãnh tụ đã phải trải qua để hiểu thêm về hành động của quý vị đó, hiểu thêm bạn/đối phương mà quý vị đó đã phải đương đầu, nhìn thấy những khó khăn của người xưa, những ý kiến tân kỳ hay những bất cập. Tóm lại là để hiểu lịch sử của chúng ta hơn. Rồi hy vọng ở đó chúng ta tìm thấy hơn một lý do, hơn một cách thức để đoàn kết, để nhún nhường, để cương quyết, để hy sinh… để làm đẹp nước Việt Nam hơn.


Lê Lợi


Có nhẽ ta phải kể Lê Lợi là vị vua Việt Nam chịu thoả hiệp rất nhiều. Trong trận chiến nhà Vua bao nhiêu lần phải xin hàng giặc? Người lính VN đã không chịu hàng giặc, đã xâm mình hai chữ Sát Thát để được chết khi bị giặc bắt; thà chết chứ không chịu nhục bị giặc bắt. Như vậy một người có chí lớn có tài cao như Lê Lợi mà còn có lúc phải xin hàng giặc thì thử hỏi trong tâm tư Lê Lợi đã cảm thấy như thế nào? Thoả hiệp nhất thời hàng giặc của Lê Lợi còn mang theo gánh nặng tâm tư chung của quân sĩ theo sau.Vậy mà Lê Lợi phải chịu, vậy mà Lê Lợi chịu được; vậy mà quân nhân theo Lê Lợi cũng chịu được. .

Không phải chỉ có như vậy, đánh thắng rồi, lên ngôi Vua rồi Lê Lợi vẫn còn thoả hiệp xưng thần với vua Tàu mà mình vừa đánh bại.

Trong chiến trận con gái Vua Lê bị Mã Kỳ bắt, sau đây là một đoạn trong thư vua Lê gửi Vua Tuyên Đức:

Thần trước đây bị quan quân xua đuổi,trong lúc thảng thốt để mất con gái nhỏ mới 9 tuổi. Dò la được biết Nội quan Mã Kỳ mang về, tiến dâng làm quan nô tỳ. Thần tội to như gò núi đã được tha, nghĩ đến gia đình chỉ mong được đoàn tụ, xin sắc chỉ tha cho về để được vẹn tình cha con.Thần đáng ghi khắc vào tâm cốt, cảm ơn không bao giờ quên” (1)

Lê Lợi không đòi bồi thường cho con bị bắt, Lê Lợi đau khổ một mình để nước được yên.

Mã Kỳ trong thư trên chính là : “Mã Kỳ , Phương Chính cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến bể chưa thôi trống ngực.” (Bình Ngô Đại Cáo).

Tướng giặc bắt con mình khi nó mới chín tuổi gửi về Tàu, mình bắt được tướng giặc thì chỉ vì tiền đồ của Quốc gia mà tha cho về. Còn gì để nói!!!

Và Vua Tàu Tuyên Đức là : “đến nỗi đứa trẻ ranh như Tuyên Đức nhàm võ không thôi” (Bình Ngô Đại Cáo)

Đến đây để cho vấn đề rõ ràng, nhận thức chặt chẽ, chúng ta phải đặt câu hỏỉ:

Lê Lợi nói láo với dân phải không?

Một mặt thì xưng Vua mặt khác đối với vua Tàu thì xưng thần; một mặt thì gọi là đứa trẻ ranh, một mặt thì ca tụng đứa trẻ ranh đó.

Câu trả lời nằm trong hai nhận định sau:

Xưng Vua và viết Bình Ngô Đại Cáo là để cho nhân dân biết chúng ta đã thoát khỏi ách đô hộ tàn ác của người Tàu. Nước Việt đã có Vua Việt, việc an sinh của dân chúng từ nay đã thuộc về Vua và dân Việt Nam.

Việc xưng thần với Vua Tàu chẳng qua là vị nể nước lớn, không muốn gây can qua quá lâu dài với nước lớn. Việc chính là gìn giữ bờ cõi và độc lập thì đã hoàn thành.Ngày nay chỉ còn cần hòa hiếu với lân bang để nhân dân được an cư lạc nghiệp

Hai mặt cứng mềm đã được Vua Lê vận dụng đúng lúc đúng thời để tranh đấu giành được Độc Lập, để nhân dân được yên ổn làm ăn. Còn “thoả hiệp” xưng thần, cái khổ mất con thì đã không được quảng bá thời đó; nhà Vua đã chịu đựng Một Mình Đơn Độc.

Với tinh thần đó với hy sinh đó Lê Lợi có chịu được sự việc các công thần trở nên ham vui, trụy lạc không? Đây có thể là một yếu tố phụ thêm để Nguyễn Trãi bị tội chu di tam tộc không?

Và có phải tình thương con gái đã truyền xuống tới Luật Hồng Đức chăng? Một đạo luật có nhiều điều khoản rất tân tiến bênh vực đàn bà.


Hồ Chí Minh


Theo thứ tự thời gian: Hồ Chí Minh nhận tiền của Nga, xin Mỹ từng khẩu súng lục, Xin Pháp cho được tự trị ở trong liên hiệp Pháp, viết tám lá thư sang Mỹ: nào xin ủng hộ vào liên hiệp quốc, nào xin cứu đói, nào chia buồn, nào xin gửi sinh viên sang học tập, còn gì nữa… và không hề được hồi âm…(2) rồi quay sang ca tụng Staline (Kẻ đã giam lỏng ông trong ba năm ở Nga) và Mao Trạch Đông để xin vài khẩu đại bác đặt trên lòng chảo Điện Biên Phủ, hay vài xe tăng chạy trên đường Trường Sơn trong khi biết rõ Mao Trạch Đông không cho người vợ có cưới xin của ông sang Việt Nam đoàn tụ.

Hồ Chí Minh đã kinh qua khó khăn cực nhọc về tâm lý như thế nào xin để các nhà sử học, xã hội học, tâm lý học, chính trị học... phân tích để mọi người cùng biết.

Với vài ba trích dẫn kể trên chúng ta thấy Hồ Chí Minh đã nhận “thoả hiệp” không ít lần.

Bốn phương tám hướng có hướng nào Hồ Chí Minh không gõ cửa.

Với gánh nặng đó trên vai Hồ Chí Minh vẫn chỉ đạo công cuộc tranh đấu giành Độc Lập đến thắng lợi.

Nếu Lê Lợi đã đi từ cứng tới mềm thì Hồ Chí Minh đi từ mềm không được mới tới cứng.


Cách nào thì cái giá mà cá nhân lãnh tụ phải trả về phương diện tâm lý là không nhẹ nhàng chút nào, không hơn thì cũng không kém người dân trong chiến tranh.

Khi nhắc tới quá khứ với những hào hùng hay đau khổ của nhân dân người ta thường quên khía cạnh tâm lý của các lãnh tụ. Lãnh tụ cũng là người, họ cũng cảm nhận được khó khăn, đau khổ khi phải thoả hiệp. Nhưng họ biết rất rõ chính trị là nghệ thuật thoả hiệp vì xã hội con người được thành hình và phát triển là nhờ các thoả hiệp. Không ai, không đảng phái nào đòi đứng trên xã hội mà mong tồn tại lâu dài. Cũng như không ai, không đảng phái nào muốn xây dựng mà không thoả hiệp. Chúng ta thường nhắc tới thời thịnh trị của nhà Trần, thương dân như thương con, Thời thịnh trị của nhà Lê, thương con như thương dân qua đạo luật Hồng Đức. Nhưng nhà Lê hay nhà Trần thì thịnh trị cũng được khởi đầu cũng bằng những thoả hiệp mà đứng về phương diện tâm lý cá nhân quả là một gánh nặng. Nhưng xã hội chỉ thật thăng hoa khi tất cả các bên tìm được phương thức để thoả hiệp cùng tiến, không phải thoả hiệp để kiên định lập trường.

Đó là những điều mà chúng ta cần biết cần nhớ. Đó là những điều không thể bỏ qua trong tiến trình tìm hiểu và phán đoán về con người và lịch sử VN , bất cứ thời đại nào.

Đó cũng chính là những điều chúng ta cần học hỏi người xưa.


Hà Dương Dực


Cước chú

1/ Minh thực Lục v18,t.1218-1219;Tuyên Tông q.51, t.3b-4a do Hồ Bạch Thảo sưu tầm và dịch. Xin cám ơn Ông Hồ Bạch Thảo.

Xin đọc thêm những bài của Ông Hồ Bạch Thảo đăng trên Diễn Đàn.

2/ Những bức thư Bác Hồ gửi Tổng Thống Mỹ đăng trên: bee.net.vn ngày 16/2/2010.

Có thể truy tầm thêm trên Google.com.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss