Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Những chiếc ghế trống

Những chiếc ghế trống

- Kiến Văn — published 11/12/2010 00:22, cập nhật lần cuối 11/12/2010 00:22


Giọt mực giọt đời



Những chiếc ghế trống


Kiến Văn



Chiếc ghế trống đầu tiên tôi muốn nói, tất nhiên là chiếc ghế màu xanh da trời mà cả thế giới -- trừ lục địa Trung Hoa -- đã trông thấy trên màn ảnh truyền hình ngày 10 tháng 12 năm 2010 ở Oslo. Đó là cái ghế dành cho nhà dân chủ Lưu Hiểu Ba hay cho thân nhân thay mặt ông để nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình 2010. Nhưng Lưu Hiểu Ba ở trong tù. Vợ ông, bà Lưu Hà, bị quản thúc ở nhà, khu chung cư bị xe cây, công an mật vụ bao vây cô lập. Bạn bè của Lưu, những người cùng ông chủ trương Hiến chương 08 đều bị ngăn cấm không được xuất ngoại.

Đây không phải là lần đầu tiên người được giải Nobel Hòa Bình không có mặt ở lễ trao giải. Hai trường hợp gần đây nhất là nhà vật lí học Andrei Sakharov (1975) và nhà dân chủ Aung San Suu Kyi (1991). Bà Elena Sakharov đã tới Oslo nhận giải thay chồng, ông Michael Aris nhận giải thay vợ. Trường hợp Lưu Hiểu Ba (không được nhận giải, không có người thay mặt để nhận giải) chỉ có một tiền lệ : năm 1936, nhà báo Đức Carl von Ossietzky (giải Nobel 1935 *) ở trong nhà tù (ông bị giam từ năm 1933 và sẽ chết trong nhà tù của Hitler năm 1938), ghế của ông bị bỏ trống ở Oslo.

Cả hai lần, 1936 và 2010, chiếc ghế trống đều vạch trần bản mặt độc tài của chính quyền Berlin và Bắc Kinh. Không biết nhà cầm quyền Trung Quốc có biết đến tiền lệ 1936. Nếu họ biết mà vẫn làm như họ đã làm (áp lực trên chính phủ Na Uy cả năm không được, thì áp lực đề nhiều nước vắng mặt, và để ghế trống) thì quả thật tính chất độc đoán còn đi đôi với sự vô liêm sỉ.

Thật ra cái ghế trống không nhất thiết đồng nghĩa với sự ô nhục (của chính quyền đương sự). Thật vậy, năm 1973, có một chiếc ghế bỏ trống, một chiếc không. Henry Kissinger đến nhận giải Nobel hòa bình là cả một sự muối mặt khi ta nghĩ tới những tội ác mà y đã gây ra ở Việt Nam liên tục từ năm 1969, và những tội ác y vừa gây ra ở Chile. Ông Lê Đức Thọ từ chối giải Nobel, bỏ trống chiếc ghế, là một hành động nghĩa khí và khôn ngoan -- điều này độc lập với những tội ác mà ông đã gây ra đối với đồng chí và đồng bào trong những vụ đàn áp (thí dụ vụ "xét lại" 1967-1973).

Nói đến ghế trống và Trung Quốc, phải nói đến cái ghế Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949, mãi đến tháng 10.1971 cái ghế đại điện Trung Quốc mới được trao trả cho chính quyền Bắc Kinh. 22 năm bỏ trống không làm ô danh nước CHNDTH, ngược lại, điều đó tố cáo sự ngang ngược của Hoa Kì và cho thấy mặt xấu của quyền phủ quyết ở LHQ. Nhưng việc Trung Quốc ngồi vào ghế của mình tháng 10.1971 thật ra cũng không mấy vinh quang bởi vì nó diễn ra ba tháng sau chuyến đi bí mật của Kissinger, bốn tháng trước cái bắt tay Mao-Nixon : Mao đã mua sự giao hảo với Mĩ trên lưng cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất của Việt Nam, Mỹ thì hí hửng hi vọng Trung Quốc sẽ áp đặt được Việt Nam chấp nhận một giải pháp có lợi cho mình (và cho Bắc Kinh). Sự thật diễn ra không như thế, nhưng đó là chuyện khác.

Tóm lại, những chiếc ghế trống kể trên ít nhiều đều vạch rõ những tội ác, bất công và biểu thị sự ô nhục dành cho những kẻ trách nhiệm. Sự ô nhục nhiều khi cũng lây lan như bệnh truyền nhiễm. Cái ghế trống của Lưu Hiểu Ba ở Oslo chỉ làm vinh danh nhà hoạt động dân chủ. Cái ghế trống của ông (hay bà?) đại sứ Việt Nam ở buổi lễ ấy là một điều sỉ nhục đối với danh dự của đất nước Việt Nam.

Kiến Văn



(*) Carl von Ossietzky sinh ngày 3.10.1889 tại Hamburg (Đức), tạ thế ngày 4.5.1938 tại Berlin. Ông là nhà trí thức và nhà báo đấu tranh cho hòa bình. Biên tập tuần báo Die Weltbühne (Sân khấu Thế giới) từ năm 1927. Bị kết án "phản quốc" vì đã công bố những thông tin về  cuộc tái vũ trang bí mật của Đức. Ông bị chết vì bệnh lao trong trại giam của công an Hitler. Ngày nay, Trường đại học Oldenburg mang tên Carl von Ossietzky.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us