Quyền hay Thế ?
Trông
cậy vào
Quyền Lực hay Thế Lực ?
Tôi viết những dòng này xong, để vào một góc, lòng thầm mong cơn bão tố trong chén trà Bolsa qua đi, và những điều suy nghĩ của tôi trở thành không cần thiết. Nhưng, hình như cái phản ứng Pavlov vẫn cứ triền miên, mê mải. Đành phải xin thêm chút chỗ trên trang web Diễn Đàn, để được có đôi lời.
N.T.H.
Dĩ nhiên, chế độ CHXHCN VN và đảng CSVN bên kia Thái Bình Dương vẫn là một lý do có tính chất "môi trường" cho vụ "đụng độ" ỳ xèo, ở xứ Bolsa, giữa những người đang chủ trương tận diệt tờ báo Việt Weekly và nhóm chủ trương tờ báo ấy.
Nhưng, với người theo dõi kỹ nội vụ, cái "hoàn cảnh" (hay chiêu bài ?) vẫn không nhất thiết là lý do gần, là duyên cớ bề sâu của sự việc. Nếp "sinh hoạt chính trị" (mang tính chống cộng muôn năm) của xứ Bolsa có thể là là một duyên cớ quan trọng.
Nhóm Việt Weekly không lạ với sinh hoạt Bolsa, nhất là với các nhóm làm báo chí trong cộng đồng, luôn cả với những-người-ít-thầm-lặng hơn cái đa số thầm lặng của cộng đồng. Cho nên – dù người ta có cố tình nói thế nào – vụ VW (xin gọi vậy, cho gọn) thực chất là một cuộc đụng độ nội bộ, của một phần nhỏ trong cộng đồng người Việt ở Nam Cali. Những người tham dự trong vở tuồng này (quá) biết về nhau. Quá gần để còn có được sự thoải mái bên nhau. Trong những phanh phui "nội bộ" gần đây trên các tờ báo ở Bolsa có dư bằng chứng về các quan hệ nhằng nhịt kia.
Cần hiểu sự lồng lộn, tức tối, của vài người chủ chốt quanh vụ VW trong nội dung ấy: nhóm VW quả thực đã từng "đụng chạm" đến những người đang ra sức đánh họ. Đụng chạm đến tự ái, đụng chạm đến (ảo tưởng) "quyền lực", hoặc ngay cả đụng chạm đến quyền lợi (có thật hay còn trong toan tính) của những người kia. [Nhưng, tôi không nghĩ là có sự đụng chạm đến danh dự của ai cả, vì qua các hành vi của những người phát động cuộc tru diệt Viet Weekly, người ta khó mà thấy bóng dáng của cái gì xứng gọi là lương tri hay danh dự.]
Có lẽ điểm căn cơ hơn cả, ở đây, là cái ý niệm quyền lực. Hay nói cho đúng hơn, người ta bù lu bù loa rằng quyền lực của họ bị nhóm VW khiêu khích.
*
Tất nhiên, không ai dại dột công nhận đây là những đụng chạm cá nhân, bè phái. Hèn quá, ai mà chịu nổi. Nếu có một sinh thể từ hành tinh khác (hơn là Bolsa) ghé qua để tìm hiểu nội vụ, sinh thể ấy sẽ được lãnh đạo cuộc đấu tranh thần thánh này cho biết: Bọn VW đã khiêu khích cộng đồng người Việt Nam tị nạn (chống) cộng sản tại hải ngoại.
Dựng lên một nhãn hiệu to đùng như vậy để rồi nhanh nhẹn tựa ngay vào đó để hành xử, để múa may gậy gộc là một chiêu không mới (nó có từ thời con người vừa biết… đẻ ra quỷ thần). Thêm vào đó, thành tích chiến thắng vẻ vang chống anh khùng Trần Trường, trong cái vụ treo cờ, treo ảnh rất... ruồi bu của anh ta thuở nọ, đã cho một số người mơ ước rằng bản "cáo trạng" ở trên sẽ đủ khích động cộng đồng, làm cho nhóm VW phải gục lần này.
[Trong cách nhìn như thế, cá nhân tôi không quan tâm lắm đến các "cáo buộc" của quan chánh án cái toà án nhân dân, lai giống với các phiên xử kiểu McCarthy của uỷ ban Hạ viện Bài Mĩ – HUAC, và học mót thêm cái trò "săn phù thuỷ" (witch hunts) cổ lỗ của Âu Châu, cỡ ông thi sĩ tên Nguyễn Chí Thiện, hay ngài công tố viên (có nhãn "luật sư") Đỗ Thái Nhiên. Các cáo buộc và các phản biện là chuyện dành cho người trong cuộc và (nếu cần) cho luật pháp, thứ thiệt. Nhóm VW có cơ quan ngôn luận riêng để lời qua tiếng lại; và, trong một chừng mực, đống rác hôm nay có phần trách nhiệm của họ, thái độ và các biện giải minh bạch và ngay thật của họ trong các vấn đề cụ thể, sẽ có ý nghĩa hơn đối với cộng đồng.]
Là một người sống bên cạnh cộng đồng, nhân dịp này, tôi chỉ muốn có vài suy nghĩ về chuyện QUYỀN và THẾ của cộng đồng.
*
Nếu phải bắt đầu từ cơ sở: cộng đồng người Mỹ gốc Việt là thành phần công dân của Hoa Kỳ, các quyền lực chính trị của cộng đồng phải được xác định và biểu hiện qua cơ cấu quyền lực chính trị nước này.
Cho nên, khi nói đến quyền là nói đến quyền công dân (cá nhân và cộng đồng) nằm trong các định chế chính trị và pháp lý Hoa Kỳ. Quyền này sẽ được cộng đồng sắc tộc Việt thể hiện, hành xử và vận dụng giống như mọi cộng đồng sắc tộc bạn. Cộng đồng, như một thực thể quyền lực mà các nhà "chuyên chính tự phong" cỡ Nguyễn Chí Thiện, Đỗ Thái Nhiên et al vọng tưởng, thì cũng chỉ là thế : một sự vọng tưởng.
Quay trở lại chuyện Trần Trường một chút, bất kể mọi khó khăn do các cuộc biểu tình của cộng đồng gây nên, đòn độc triệt hạ Trần Trường lại là bàn tay của pháp luật Mỹ, đặt vào cái yếu huyệt làm ăn phạm pháp của chính anh ta.
Và có lẽ cái mũi dùi "ca ngợi Bin Laden và khủng bố", mà trí tuệ siêu việt cỡ ông Đỗ Thái Nhiên có thể nặn ra được, cũng không đi ra ngoài ác tâm muốn đưa cổ các anh chàng VW vào gọng kềm của luật sắt "chống khủng bố" của chính quyền Bush. Nhìn vào bề sâu, đây là một chiêu sắt máu mới mà nhóm diệt VW muốn thiên hạ – vì những xúc động bị điều kiện hoá – hè nhau đem ra để "ăn thịt" đám em cháu của chính họ, những Lê Vũ và Etcetera. Những công dân Hoa Kỳ trẻ tuổi ở báo VW, có lẽ không thể nào dốt nát hơn những người đang giương nanh vuốt để triệt họ, có chịu xuôi tay thọ nạn hay không thì tư cách và bản lĩnh của họ sẽ trả lời. Dù sao, với ông Đỗ Thái Nhiên đầy "mưu lược", ta cũng nên có một lời khen : "giỏi gớm !"
Người ta đang cố tạo ra một quyền lực chuyên chính của đám đông – trong danh xưng là cộng đồng – bằng cách đặt nhóm báo VW ở vị trí đối lập (hay kẻ thù, kẻ xúc phạm) của đám đông. Qua hành động này, người ta đã không chịu hiểu hai điều : Nền dân chủ đích thực sẽ có bổn phận ngăn ngừa thứ áp chế này lên trên thiểu số ; và, thứ hai, đám đông không phải là đàn cừu ngoan hiền và dại dột mà các nhà chuyên chính Bolsa vẫn còn (ngầm coi nhẹ) trong đầu. Chính hành động phản dân chủ của họ càng làm cho đám đông – vốn thầm lặng – chán ngán thêm, cho dù dư luận có bất bình cung cách hành nghề của nhóm VW, hay không.
Tóm lại, cái quyền lực áp chế, đe nẹt và khủng bố kia là không có thật. Vì nó không phù hợp với cơ cấu và định chế chính trị của Hoa Kỳ. Cho dù, ở một thời điểm như hiện nay, thế lực cầm quyền vẫn tìm mọi cách để vô hiệu hoá các định chế dân chủ lâu năm của nước này; để chiếm đoạt dần dân quyền của chính nhân dân Hoa Kỳ (ông Đỗ Thái Nhiên có thể dùng câu này để đi chỉ điểm tác giả bài này là "chống Mỹ", như ông đã muối mặt để làm với nhóm VW).
*
Đã nói thế, tưởng cũng cần nhìn nhận sự khác biệt giữa quyền lực và thế lực.
Cộng đồng người gốc Việt ở Mỹ có những thế lực nhất định của nó. Ngoài số dân đáng kể (trong bản đồ dân số địa phương), còn có một mức độ thành đạt do những nỗ lực từng được ca ngợi về học hành, chuyên môn nghề nghiệp và làm ăn kinh doanh. Sự đóng góp của nhóm sắc tộc này vào xã hội Hoa Kỳ chỉ có triển vọng gia tăng chứ không thể suy giảm. Những thế hệ sau càng thâm nhập vào sinh hoạt dòng chính của xã hội, cùng với các nhóm sắc tộc bạn, họ càng thấu hiểu hơn và chia sẻ nhiều hơn trách nhiệm của mình (cho dù, ở thời điểm này, một số trong bọn họ, vì còn phải bám gấu áo "cộng đồng" để xin cơm, xin phiếu, nên sẵn sàng nói điều họ không tin, hứa điều họ biết sẽ bị chính họ bước qua). Trên chỗ đứng đó, ngay trong vấn đề ứng xử và quan hệ với quê hương gốc là Việt Nam, cộng đồng cũng có cái thế riêng của nó. Củng cố và làm tăng trọng cho thế lực này một cách đúng đắn, cộng đồng sẽ có thể giành được cho mình những tiếng nói và vai trò tích cực hơn nữa, không chỉ trong sinh hoạt chính trị xã hội Hoa Kỳ và trong các vấn đề phát triển của Việt Nam.
Nhưng, trước tiên, cộng đồng cần nhận thức và ứng xử sao cho phù hợp với định chế và tinh thần dân chủ nền tảng của xã hội mình đang sống. Do vấn đề quá to tát, chỉ xin nói riêng về một điểm có liên hệ mật thiết đến chuyện đang ỳ xèo ngoài chốn Bolsa : Đó là ý niệm về những nhóm có quan tâm (hay quyền lợi) đặc biệt ở Mỹ (special interest groups).
Dù muốn hay không, sự hình thành và cùng tồn tại (không nhất thiết là bình đẳng hay hoà thuận) của các nhóm như thế đã là một hiện thực của cấu trúc xã hội - chính trị Hoa Kỳ đương thời. Cộng đồng người Việt gốc Mỹ, cho đến giờ, đã cho thấy không vượt ra ngoài thực tế ấy. Với những thay đổi toàn cầu hay cục bộ hiện nay, sự phân hoá của cộng đồng ra thành nhiều nhóm có quan tâm đặc biệt khác nhau là tất yếu. Ngoa ngoắt, chột dạ, hay nổi khùng vì sự phân hoá này là cố tình phủ nhận thực tế. Từ đó, năng lực và tài nguyên sẽ bị phung phí vào những cuộc đụng độ quái đản như ta đang thấy. Tác động tiêu cực là việc phô bày cái ý thức thấp kém về dân chủ của một số người khá (thích) "nổi" của cộng đồng.
Khi cần "dàn chào" ông Phan Văn Khải, hay ông Nguyễn Minh Triết của chế độ CHXHCN VN, những người tổ chức và khích động ở Mỹ dư biết đối tượng vận động của họ là các nhóm nào. Tương tự, phía nhà cầm quyền VN và cơ quan đại diện ngoại giao của họ ở Mỹ dư biết họ có thể tiếp xúc và mời mọc những nhóm nào, và để bàn chuyện gì. Hãy nhìn bên trong và bên ngoài cuộc tiếp tân ở Dana Point (CA). Phía Hoa Kỳ cũng không làm khác. Khi TT Clinton cần gặp những nhóm người Việt trước khi ông ta sang thăm Việt Nam, nhân viên của ông biết cần mời những ai tương đối "thân thiện và ôn hoà" trong cộng đồng. Để "tỏ thái độ" với Việt Nam và "xoa dịu dư luận" ở Mỹ, chính quyền Cheney-Bush biết rõ họ nên gặp những nhóm nào. Và, nếu phải trần trụi một chút, xin nói : ngay cả những kẻ (có chức) hiện đang dùng những Nguyễn Chí Thiện, Đỗ Thái Nhiên – như những anh "đội cải cách", hay tệ hơn, những kẻ "tố điêu" được lôi ra từ trong quần chúng – cho vở diễn đánh VW, khi cần giải quyết các loại quan hệ khác (kể cả với nhà nước Việt Nam) họ cũng có những nhóm khác để quay sang, để tựa vào, như họ vẫn đang làm. Thật ra, đây cũng chỉ là những loại "bí mật bật mí" của cộng đồng thôi.
Rõ ràng, để giải quyết vấn đề và ứng xử với tình thế, mọi phe phái đều đã dựa trên thực tế để vận dụng các nhóm quan tâm rất khác nhau trong cộng đồng.
Cho nên, sẽ không thể (và không cần) có một thứ "trùm", một thứ "anh cả" hay "bố già", thường gặp trong các tổ chức mafia hay băng đảng, mưu toan cầm trịch cả cộng đồng. Mơ tưởng một dàn đồng ca cộng đồng, của bất kỳ phe nào, đều là ảo tưởng. Một lý do thật thực tế : lằn ranh của một nhóm sắc tộc là một lằn ranh văn hóa và truyền thống riêng, trong khi về thực tế, trên rất nhiều phương diện, cộng đồng sắc tộc có thể hoà tan hẳn vào trong xã hội dòng chính.
*
Nhìn nhận sự khác biệt giữa các nhóm, cố gắng thông hiểu và hợp tác với nhau trong những chừng mực có thể được, để mang lại được những lợi ích các bên cùng quan tâm, sẽ là cách duy trì và phát triển cộng đồng. Các thế lực thật sự của cộng đồng cũng sẽ từ đó mà ra. Thế lực này sẽ không đến từ sự phân tán, bị xé nát vì bất dung nhau, càng không đến từ các nỗ lực tru diệt nhau đầy vô vọng và ngu xuẩn của những cá nhân hay một vài nhóm nhỏ. Tính chất đa dạng sẽ được thể hiện qua sự chấp nhận khác biệt trong các (nhóm) quan điểm, rồi từ đó có được một phổ ý kiến, lập trường và hành động khả dĩ tìm được một mức độ đồng thuận nào đó. Đây là một việc làm không dễ, nó đòi hỏi nhiều trí tuệ và (nhất là) nhiều tấm lòng, nếu quả thật có những tấm lòng dành cho một quê hương gốc còn nhiều trắc trở, tệ hại và rối ren.
Nói cụ thể : đừng kêu gào chuyện dân chủ đa nguyên ở đâu xa, cho mệt. Hiểu và thích nghi với một nền dân chủ đa nguyên (của Mỹ) ngay trong sân nhà mình là một bắt đầu tốt. Nền nếp dân chủ ngay trong sinh hoạt của chính cộng đồng tự nó sẽ là một bài học đẹp. Các nhà chuyên chính tập sự, nửa mùa hoặc cuối mùa xin hãy lẳng lặng leo xuống cái ngai bằng giấy bồi (lời hỏi lại của thầy cò Zidol: cái ngai bồi bằng giấy ?) của mình. Hãy đặt chân các vị xuống mặt đất, để nhìn và hiểu chính cộng đồng mình. Không làm bậy cũng đã là một đóng góp, thưa các đại lãnh tụ. Quyền sống của kẻ khác không nằm trong tay đã bắt đầu run rẩy của các vị đâu, đừng nhọc lòng hò hét, y uông vô ích.
Thêm nữa, lớp người trẻ hơn, dù thế nào, luôn vẫn là lớp sóng sau ; chuyện đúng sai, thành bại của họ sẽ do chính họ làm và nhận lãnh trách nhiệm trước công luận rộng rãi và đủ sáng suốt. Những vấn đề, những khác biệt, vẫn luôn tồn tại, tiến bộ sẽ biểu hiện (hay không) ở cung cách giải quyết và ứng xử với các vấn đề ấy giữa các khuynh hướng trong cộng đồng. Theo một cách thế dân chủ hơn.
Nguyễn Tam Hữu
(07-2007)
Các thao tác trên Tài liệu