Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Sài Gòn bây giờ

Sài Gòn bây giờ

- Thiên Hương — published 15/05/2007 12:59, cập nhật lần cuối 15/05/2007 14:12
Thành phố càng ngày càng đông, sức sống ngần ngật nhưng có vẻ như quá tải. Nhịp độ tăng trưởng quá nhanh nhưng không cân xứng. Các cửa hàng dịch vụ, nhà hàng, các khu ăn chơi mọc lên như nấm nhưng con số các trường công lập, các nhà thương công hình như không nhiều thay đổi. Nhiều người giàu quá giàu nhưng vẫn rất nhiều người còn quá nghèo. Cái giàu lộ rõ, cái nghèo chìm hơn nhưng mênh mang như những tiếng thở dài.

   
Sàigòn bây giờ…

 

Thiên Hương

 

Tôi mới về thăm Sàigòn, mới trở về một khung trời thân thương nhưng sao nhiều lúc thấy mình lạc lõng trước những đổi thay và có những lúc thấy mình hoang mang. Dù không có dịp đi nhiều, gặp gỡ nhiều, chỉ nhìn những gì đang diễn ra trước mắt, tầm nhìn rất hạn hẹp nhưng cũng đủ để có những câu hỏi và những suy tư.

 
Tiền nhà đất ở Sài gòn mắc khủng khiếp, mới vài năm giá đã vọt lên gấp mấy lần. Thiên hạ đổ xô mua nhà ở những khu cao cấp, giá nhà cửa ở những khu này đụng tới là nói đến hàng tỷ, những căn ở Phú gia lên đến vài triệu đô là chuyện thường tình ở huyện. Mấy tháng gần đây, thiên hạ trúng cổ phần nên lại càng chen nhau mua nhà và đẩy giá nhà đất ở những khu cao cấp lên cao gấp năm bảy lần so với vài năm trước đây. Có gan làm giàu, nên một số người cầm cố nhà cửa mua chứng khoán, trúng đậm và đẩy giá nhà đất tăng vọt. Nhưng cũng có nhiều người tán gia bại sản vì giá chứng khoán đi xuống.

Có căn nhà đường Đồng Khởi rao bán với giá 1 tỉ đồng cho 1m2 (khoảng hơn 60 ngàn đô Mỹ một mét vuông). Nhìn vào giá nhà đất cao hơn New York và Tokyo ắt hẳn thấy dân Việt nam mình là dân giàu ... nhất thế giới.

Có vẻ như là ai dính vào nhà đất cũng giàu, vì thế quí vị quan viên chia nhau mua đất ở những vùng xa xôi rồi vẽ lên một bản đồ qui hoạch, đưa đất của mình vào những vùng trọng điểm, thế là thắng to, tiền lại đẻ ra tiền. 

Nhưng cũng có những người mua nhà đất ở quận 2, khu sẽ xây dựng trung tâm mới cho thành phố hay mua đất ở quận 7, quận 9 ở SG hiện nay dở khóc dở cười vì không đuợc phép bán mà cũng không được phép xây dựng, cứ treo đó để chờ … qui hoạch. 

Nhịp độ xây dựng trong thành phố nhanh đến chóng mặt, các khu cao ốc xây dựng khắp nơi giá vài trăm ngàn đô một căn khá phổ biến. Nhưng cũng có những cao ốc xây dựng đã lâu vẫn đìu hiu buồn tênh. Ba căn cao ốc Thuận Kiều ở Quận 5 cao ngất ngưởng nhưng đến đêm lại tối thui đèn đóm vì không có người ở. Người dân ở đây ví cao ốc này như ba cây nhang, vì bị một cái huông nào đó nên chẳng mấy người mua hay thuê. Có lẽ vì đời sống quá chộn rộn nên người dân bây giờ dựa vào bói toán và mê tín trong mọi việc. 

Bởi vậy, với nhà đất, ai nổi thì cứ nổi, ai chìm cũng cứ chìm, bảy nổi ba chìm chín cái lênh đênh ....

 
Các nơi ăn uống mọc lên tứ tung ở Sàigòn. Nhiều khu ăn uống lớn như một khu công nghiệp. Vào các khu Bình Qưới, Thanh đa, các Làng Nướng, các khu ăn uống ở khắp nơi trong thành phố thấy người ta ăn nhậu mà phát sợ. 

Các tiệm café quanh hồ con Rùa luôn đầy ứ người, các tiệm café sân vườn, các quán ca nhạc mở khắp nơi. Sàigòn càng ngày càng nhiều thêm các tiệm thẩm mỹ và massages để phục vụ khách nước ngoài và Việt kiều. v.v… Nhìn các cửa hiệu sầm uất quá sẽ thấy dân mình sao giờ giàu quá thể. Nhưng nếu nghĩ một cửa tiệm như vậy chỉ có một ông chủ là giàu còn bao nhiêu là nhân viên phục vụ mà các nhân viên phục vụ này đa số có mức sống dưới trung bình. Mà đó còn là những người may mắn vì có công việc thu nhập còn khá, còn biết bao nhiêu người bán rong ngoài chợ, những ngưòi lao động chân chính, họ nghèo, rất nghèo ...

Mà còn rất nhiều người nghèo thật. Trên các con đường vẫn còn cảnh các người bán rong trên phố chạy tơi tả khi công an dẹp lòng lề đường. Những cô bé bưng những thau xôi nhỏ, những người bán bún, bán trái cây vội vã chạy khi thấy bóng công an từ xa. Nếu bị giam hàng, mất vài trăm ngàn tiền phạt, phải vay nóng, số nợ cứ tăng lên, lãi mẹ đẻ lãi con lại ra bày hàng bán với số thu nhập dưới trăm ngàn một ngày. Một bà bán trái cây than, bà muốn mua vé số may ra trúng mà đổi đời chứ khổ quá, mà vé số cũng mắc nên không dám mua.

Lúc mới 75, trong các lớp tập huấn chính trị, các giảng viên chỉ trích chế độ cũ cho tổ chức cờ bạc công khai trá hình dưới hình thức xổ số kiến thiết quốc gia vào thứ ba mỗi tuần. Bây giờ thì hình như không tỉnh thành nào không có xổ số. Một ngày xổ số không biết đến mấy lần nữa. Nhưng nhờ vậy mà cũng giúp được một lực lượng đông đảo những người bán vé số. Trong số những người bán vé số này có cả những cụ già lọm khọm, những người ngồi trên xe lăn, chống nạng và rất nhiều những đứa bé chỉ trên dưới mười tuổi…

Số lượng taxi ở Sàigòn cũng gia tăng rất nhanh. Cả chục hãng taxi cạnh tranh nhau cùng với các taxi ngoài luồng. Thường người ta vẫn thích đi taxi của các hãng vì đồng hồ chạy giờ được tin tưởng hơn. Rất nhiều người lái taxi từ các tỉnh thành, vùng quê khác đến. Trong các nhà hàng, các tiệm cũng vậy. Thanh niên và các lao động chính trong gia đình có khuynh hướng rời thôn quê đổ về các thành phố lớn nơi có nhiều cơ hội kiếm sống hơn. Như vậy lấy ai xây dựng nông thôn? Những người sống ở quê trông vào tiền gửi về của người thân làm ở thành phố. Những người này thường sống thành nhóm, chia phòng ở và dành dụm gửi tiền về nuôi gia đình ở quê, có người cả mấy năm không thể về thăm nhà. Như thế, cuộc sống kinh tế của gia đình họ khá hơn, nhưng về tinh thần sẽ ra sao khi gia đình chẳng được niềm vui sum họp.

Có những người ở quê giàu lên nhờ cứ cắt đất ra mà bán dần, tiêu xài thoải mái, xây nhà, mua xe, mua máy móc, chưng diện, v.v... Nhưng rồi họ sẽ tiến tới đâu khi không còn đất để bán và các món tiền này cũng hết đi. 

Tôi có dịp về thăm một lô đất của người bạn ở vùng ven Sàigòn, cũng mừng vì những ngôi nhà nhỏ trên những lô đất gần đấy đã có vẻ bớt rách nát. Những người sống ở đó giờ đây ăn mặc cũng khá tươm tất, đã có da có thịt không gầy gò như vài năm trước. Nhưng hỏi ra mới biết lao động chính trong gia đình là những đứa bé 5, 7 tuổi. Tối tối các cô cậu bé tí này đi trộm mủ cao su ở những rừng cao su gần đó đem về cho cha mẹ bán. Đời sống gia đình nhờ thế mà khá lên. Căn bản không có, cái gốc không có, cái ngọn sẽ tươi được bao lâu?

Rất nhiều cửa hàng ở Sàigòn thấy mở cả ngày mà số lượng bán buôn thật ít ỏi. Giá thuê mặt bằng lại quá mắc, rồi rất nhiều chi phí khác sẽ khiến cho các chủ cửa hàng này cầm cự được bao lâu. Hiện nay các siêu thị, các cửa hàng tổng hợp bắt đầu mọc lên như nấm. Vào các cửa hàng này không sợ mua hớ, chất lượng cũng đảm bảo hơn nên sẽ là một mối đe dọa lớn cho các tay buôn và cửa hiệu nhỏ. Có lẽ vì thế nên dạo này giá nhà mặt tiền đã hơi chựng xuống.

Vào các quán ca nhạc, một vài quán đông khách, nhưng cũng có những quán vào các tối trong tuần số khách loe hoe đếm trên đầu ngón tay, tiền sở hụi nặng quá các người chủ sẽ chống chỏi được bao lâu. 

 
Có những người đang giàu và sẽ giàu mãi lên nhưng với đa số dân, đời sống kinh tế chật vật, bảo hiểm y tế không có, nếu gặp một biến cố nào, khi đau ốm cuộc sống gia đình sẽ ra sao. Đi vào một tiệm gội đầu, nhìn các cô gái gội đầu và massages cho khách mà thấy ngậm ngùi. Gương mặt các cô cúi xuống, những ngón tay nhỏ bé nắn bóp những cánh tay to lớn của những người khách ngoại quốc, cam chịu đến não lòng. 

Thành phố càng ngày càng đông, sức sống ngần ngật nhưng có vẻ như quá tải. Nhịp độ tăng trưởng quá nhanh nhưng không cân xứng. Các cửa hàng dịch vụ, nhà hàng, các khu ăn chơi mọc lên như nấm nhưng con số các trường công lập, các nhà thương công hình như không nhiều thay đổi. Nhiều người giàu quá giàu nhưng vẫn rất nhiều người còn quá nghèo. Cái giàu lộ rõ, cái nghèo chìm hơn nhưng mênh mang như những tiếng thở dài.

Sài gòn bây giờ càng ngày càng muôn mặt, nhưng buổi sáng vẫn rộn rã với hình ảnh các học sinh, sinh viên mắt sáng trong tươi vui đến lớp, hàng đoàn người xe tấp nập, và … những chùm phượng đỏ đã bắt đầu nở trên cao, những cành hoa điệp vẫn còn vàng óng và một số đường phố vẫn rợp bóng lá me xanh. Cuộc sống vẫn còn đầy niềm tin và hi vọng, có đúng không…

  

Thiên Hương 

 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss