Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / SỔ TAY

SỔ TAY

- Thanh Thảo — published 20/01/2018 20:35, cập nhật lần cuối 21/01/2018 00:19


Sổ tay


THANH THẢO



LTS – Mấy ngày qua, nhà thơ Thanh Thảo đã liên tiếp gửi cho chúng tôi ba bài viết, xin gộp lại dưới tựa đề thích hợp : SỔ TAY. Đây là những ghi chép theo dòng thời sự (chuyện đất đai, Đoàn Văn Vươn, vụ án Đinh La Thăng...), hay đúng hơn, những cảm xúc của một nhà thơ. Chúng tôi đăng trọn vẹn, không chỉ vì quyền tự do phát biểu, mà còn vì quý trọng những tình cảm của tác giả. Tất nhiên, cảm xúc không phải là quan điểm, càng không phải là quan điểm của Diễn Đàn về vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh & PVC. Có cần nhấn mạnh không : vụ án với tất cả những tình tiết bi hài của nó đã (được dùng để) che lấp một vụ án nghiêm trọng hơn nhiều. Đó là vụ án tất cả những "tập đoàn", "tổng công ti" và khu vực "doanh nghiệp Nhà nước" (và những cơ sở kinh tài của "Đảng",  quân đội và công an) mà thời gian hai chục năm qua đã cho thấy rõ : đó là những cỗ máy cướp bóc đất đai, tài nguyên đất nước, biển thủ các nguồn tín dụng to lớn (mà nhiều thế hệ sẽ phải nai lưng trả nợ), tạo ra và củng cố một giai cấp địa chủ, tư bản đỏ, lưu manh và vô cảm. Đinh La Thăng trước khi ngã ngựa là một trong những kẻ điều hành cỗ máy đó, dù anh ta là con người như thế nào, dù trên anh ta còn những kẻ cầm quyền khác, mạnh mẽ và nham hiểm hơn, một đã phải (tạm?) về vườn "cố gắng làm người tử tế", một còn đang "chặt củi đốt lò", giả dạng như mình vô can. 


Đoàn Văn Vương và “ nhân dân hạng... ruồi ”


Hôm nay, chợt đọc một bài báo rất hay trên báo Nông nghiệp Việt Nam viết về Đoàn Văn Vươn và Luật đất đai, lên google tìm lại bài thơ mình viết năm nào về người nông dân chịu oan khuất này. Đây là bài thơ ấy :

thanh thảo


                    GỬI ĐOÀN VĂN VƯƠN


cứ nói mãi về cánh đồng Nọc Nạn
nhưng đây là Tiên Lãng
cứ nói mãi về oan trái bất công
nhưng đây là Đoàn Văn Vươn
vì sao nông dân lại thành kẻ thù của chính quyền ?
vì sao người chăm chỉ làm ăn lại thường gặp nạn ?
vì sao phải bắn súng hoa cà hoa cải ?
vì sao phải “chống người thi hành công vụ” ?
nếu Đoàn Văn Vươn cam chịu
mất đầm tôm mất tất
rồi mất nhiều năm tham gia đội quân khiếu kiện
thì biết bao giờ mới sửa Luật đất đai ?
thôi thà gióng lên hồi chuông
bằng vài tiếng súng hoa cải bụp xẹt
chẳng chết ai, chỉ khiến dăm chiến sĩ tét đít
và người cả nước bừng tỉnh
sao lại thế này ?
chẳng phải Đảng ta chiến đấu cho quyền lợi nông dân ?
chẳng phải chính cương đầu tiên là “Người cày có ruộng” ?
ông Trường Chinh đâu có ngờ một ngày Tiên Lãng
người cày mất ruộng người khai phá đầm nuôi tôm mất
người cắm cờ mừng có ruộng năm xưa thành người mất ruộng ở Văn Giang
và những ông Cò Tây lại mang dáng hình lãnh đạo công an đất Cảng
“một trận đánh hiệp đồng rất đẹp”
cứ như bác đang nói chuyện giải phóng Hoàng Sa ?
đánh đẹp thế này
chắc Trung Quốc chạy mất dép ?
Đoàn Văn Vươn thân yêu
dẫu biết ở đời nhiều oan trái
nhưng khi nhìn bên trong túp lều rách của vợ con em
thấy chăn màn quần áo sách vở xếp ngay ngắn dưới đất
anh tin một điều rất thật
những đứa trẻ sẽ nên người
nên người, bất chấp mọi cảnh ngộ
đó mới là điều đáng kể
nên người, dù bị tròng vào cổ “tội giết người”
đó mới là điều đáng kể

                                                      01/04/2013


Vậy mà 5 năm qua rồi. Đoàn Văn Vươn đã ra tù và làm lại những gì từng bị người ta nhẫn tâm phá hoại, trong đó có chính cuộc đời mình. Và đây là Đoàn Văn Vươn hôm nay, vẫn một nông dân chân chất, lành hiền, nụ cười thật thà, hai tay cầm hai con vịt biển “nhà giồng được”. Luật đất đai sau 5 năm vẫn vậy, giờ nghe nói đang lấy ý kiến nhân dân để sửa đổi. Cũng chưa biết thế nào. Nhưng khi đất đai vẫn là “sở hữu toàn dân” một cách không thể hình thức hơn, thì trong xã hội vẫn cứ xảy ra phân biệt: nhân dân “ngoại hạng” (kiểu bóng đá “ngoại hạng Anh”), nhân dân “hạng gà” và cuối cùng, là nhân dân “hạng…ruồi”. Khốn thay, số nhân dân hạng ruồi này lại chiếm tỉ lệ rất cao trong tổng dân số, và họ là thành phần dễ bị tổn thương nhất, mỗi khi nhân dân “ngoại hạng” lại “địa ốc đứng lên”. Vâng, địa ốc đứng lên, quê hương tan rã. Việt Nam lại thêm tỉ phú USD, và biết bao nhiêu Đoàn Văn Vươn lại bị đẩy vào đường cùng. Số phận cũng không hơn gì hai con vịt trên tay người nuôi vịt hiền lành này.

20.1.2018


Nhập cuộc


Có những bài thơ được viết ra cho một giai đoạn, thậm chí cho một sự kiện hay một con người. Nó có thể không sống lâu hơn một bài báo. Nhưng tôi chấp nhận. Có thể làm những bài thơ “thuần túy”, những bài thơ cách tân, những bài thơ duy mỹ, nhưng cũng phải biết làm những bài thơ trần trụi như kiểu bài Gửi Đoàn Văn Vươn. Nhà thơ, nhất là nhà thơ ở Việt Nam, không thể đứng ngoài cuộc. Còn nhập cuộc như thế nào, là theo cách riêng của từng người. Tôi tuyệt đối không theo phong trào, bất cứ là phong trào gì. Nhưng tôi có thể làm thơ hay lên tiếng vì một sự kiện nào đó, một câu chuyện nào đó, như vụ xử tù Đinh La Thăng chẳng hạn. Tôi nhớ nụ cười của Thăng, đó là nụ cười cởi mở và không biết giữ gìn, nụ cười của một người tốt bụng chứ không phải của một lãnh đạo. Lãnh đạo thì phải ‘cười nhạt bắt tay lỏng”, còn chú Thăng này thì bắt tay thật chặt, cười thật to, đúng là một tay giang hồ hào hiệp. Người như thế chỉ nên sống lang thang, ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà. Thăng đúng là như vậy. Nhưng còn một cái nữa. Người như thế mà làm lãnh đạo thì dễ nguy lắm. Nguy cho anh ta, chứ không hề nguy cho ai. Thậm chí, nhiều người còn được hưởng lợi từ mẫu người ấy, nhất là những người “trong hệ thống”. Những người trong hệ thống được hưởng lợi những gì từ Đinh La Thăng thì tôi không biết, nhưng tôi còn nhớ, qua bạn bè ở Huế kể, ngày Thăng được luân chuyển về làm phó bí thư thường trực tỉnh Thừa Thiên-Huế, chính Thăng đã chủ động đến thăm Tết gia đình anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, và đã tặng anh Tường, chị Dạ một bộ vi tính loại để bàn( hồi đó chưa biết laptop là gì) loại xịn nhất, với giá 40 triệu đồng-một số tiền rất lớn lúc bấy giờ. Cũng chỉ vì tình cảm quí mến văn nghệ sĩ, chứ không cầu mong anh Hoàng Phủ Ngọc Tường giúp lại gì mình. Rất may, hay rủi, là cả vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường đều không biết dùng vi tính, đúng là văn nghệ sĩ thứ thiệt, chỉ biết dùng bút viết. Bây giờ thì tới viết bằng bút cũng không được nữa, do bệnh tật.

Tính cách đó của Đinh La Thăng khiến tôi thấy vui. Và tôi cho đó là một đức tính rất tốt. Xác định chơi với văn nghệ là chơi cho vui, không tốn không kém, nhưng được lợi gì thì chẳng ai dám chắc.

Bây giờ, ngồi đọc lại những dòng chữ của những người từng ở thủy điện sông Đà, những dòng chữ thấm đầy nước mắt và sự hàm ơn với con người nhiệt huyết, giàu đức hy sinh ấy, tôi có cảm giác người ta đã xử tù một anh hùng, chứ không phải một lãnh đạo. Một anh hùng của nhân dân mãi mãi thuộc về nhân dân, còn một lãnh đạo thuộc về ai thì tôi không biết. Hình ảnh Thăng là hình ảnh một chàng trai tuổi hai mươi lăn xả vào cống hiến, bất chấp mọi rủi ro có thể đến với mình. Không chỉ cống hiến, còn biết lo cho người khác, biết sống vì người khác.

Tôi chợt nhớ tới nhà văn - liệt sĩ Nguyễn Thi. Bây giờ thì Nguyễn Thi đã được phong anh hùng, đã được tôn vinh như một nhà văn yêu nước tiêu biểu. Nhưng mấy ai biết, khi xung phong xuống chiến trường Sài Gòn Tết Mậu Thân, Nguyễn Thi đã muốn lao vào lửa đạn để…chết. Ông đã không thể chịu nổi cảnh sống và cách sống thiếu tình người, thiếu trung thực và hay ‘đấu tố” ở chiến khu. Đi xuống chiến trường để chết, đó là Nguyễn Thi, tên thật là Nguyễn Ngọc Tấn. Và ngay trên đường Minh Phụng của Sài Gòn, trước quân thù, trước cái chết, Nguyễn Thi đã rút súng ngắn và hô to: “ Ai là đảng viên, theo tôi!” Trời ơi! Nếu lúc đó có tôi ở sau ông, dù không là đảng viên, tôi cũng sẽ theo ông ngay tức khắc, không hối tiếc. Đảng đã được hưởng lợi quá nhiều từ tiếng hô đó của một nhà văn đang lao vào chỗ chết. Một nhà văn không hề muốn làm anh hùng, thậm chí, không muốn sống nữa.

Nhập cuộc là như thế, phải chăng ? 

20.1.2018


Kiên nhẫn và chịu đựng


Tôi viết những dòng này trong một lúc thật buồn.

Còn nhớ, cách đây 7 năm, trước tình trạng bệnh tim bẩm sinh trẻ em lan rộng tại Quảng Ngãi, mà bệnh nhân hầu hết thuộc những gia đình rất nghèo, không có tiền chữa bệnh, trong khi chi phí phẫu thuật hay can thiệp tim bẩm sinh lại rất cao, tôi và vài người bạn đã quyết định thành lập quĩ trợ giúp mổ tim bẩm sinh cho trẻ em, quĩ mang tên Vì những trái tim bé bỏng. Khi mọi thủ tục pháp lý đều đã làm xong, mới nghĩ tới “thủ tục đầu tiên” là “tiền đâu?”. May quá, mở hàng cho quĩ này là một tập đoàn Hoa Kỳ đang hợp tác làm việc với Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tên tập đoàn là Quad. Ông Chủ tịch tập đoàn, năm ấy đã ngót 80 tuổi, là một người vạm vỡ, mạnh mẽ và nhân hậu. Ông Chủ tịch khi biết sự ra đời của quĩ nhân đạo này, đã quyết định ủng hộ 5000 USD, coi như số tiền tươi “mở hàng”. Cùng với một số người ủng hộ khác, chúng tôi đã nhờ Quĩ Bảo trợ trẻ em Quảng Ngãi giúp cho việc sàng lọc trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh thuộc gia đình nghèo và đưa tới các bệnh viện để quĩ Vì những trái tim bé bỏng tài trợ tiền can thiệp mổ tim.

Trong một lần tập đoàn dầu khí Việt Nam vào làm việc với tỉnh Quảng Ngãi, tôi đã nói với anh Đinh La Thăng, Chủ tịch tập đoàn, về quĩ mổ tim bẩm sinh, và nhờ anh Thăng giúp vận động ủng hộ cho quĩ, cũng là ủng hộ cho trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh Quảng Ngãi. Tôi đã hết sức bất ngờ, khi chỉ trong vòng 5 phút, anh Thăng đã huy động từ 4 Cty trực thuộc tập đoàn “ngay và luôn” số tiền 2 tỉ đồng ủng hộ quĩ mổ tim. Anh Thăng đã mời 4 tổng giám đốc lên sân khấu, và mời tôi lên nhận sự cam kết ủng hộ của họ. Chỉ ít ngày sau, quĩ mổ tim bẩm sinh Vì những trái tim bé bỏng đã nhận đủ số tiền 2 tỉ đồng. Nhờ mở đầu có số tiền lớn như vậy, chúng tôi đã kêu gọi và nhận được thêm rất nhiều sự ủng hộ từ những doanh nghiệp và người hảo tâm. Sau 7 năm, quĩ đã tài trợ 100% cho 200 ca mổ tim bẩm sinh trẻ em nghèo Quảng Ngãi, với số tiền lên tới nhiều tỉ đồng. Quĩ vẫn đang hoạt động tích cực, và số trẻ em nghèo may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần của bệnh tim bẩm sinh sẽ còn tiếp tục tăng lên, trong đó có rất nhiều em thuộc các dân tộc miền núi Quảng Ngãi.

Bây giờ thì anh Đinh La Thăng đã nói lời sau cùng trước tòa để nhận một bản án tù, điều mà anh chưa bao giờ nghĩ tới. Và cả tôi cũng vậy.

Anh Đinh La Thăng là một người hồn nhiên và có lòng tốt bẩm sinh. Tôi nhận ra điều này qua những việc anh làm, qua thái độ và cử chỉ của anh, chứ không phải qua những lời ngợi ca “có cánh” của truyền thông những năm tháng ấy. Tôi còn có cảm giác, anh Thăng là người hồn nhiên nhưng không khôn ngoan. Tôi nhận ra điều này vì tôi cũng là người hồn nhiên và không khôn ngoan, hoặc là tôi từ chối sự khôn ngoan.

Trong lần gọi điện sau cùng khi Thăng đã về làm phó ban kinh tế Đảng, tôi chỉ biết nói đúng một câu : “ Em hãy kiên nhẫn.” Có lẽ tôi đã linh cảm điều chẳng lành cho Thăng, một người ít tuổi hơn tôi và chắc chưa từng gặp những thăng trầm như tôi. Nhưng bây giờ thì Thăng đã hơn hẳn tôi về sự trải nghiệm. Tôi chưa ở tù, nên chưa bao giờ dám nói ở tù là sướng cả.

Năm ngoái, tôi đã viết và in một bản trường ca mang tên Người khiêng võng. Nhân vật chính của trường ca này là Lê Đại Cang, một đại thần của triều Nguyễn — Minh Mạng, đã hai lần từ đại thần bị cách chức xuống làm người khiêng võng cho quan. Đó là một người rất đặc biệt đã khiến tôi hết sức ngưỡng mộ. Vào một lúc nào đó, tôi sẽ gửi cho Thăng tập trường ca này. Chắc lúc bấy giờ, Thăng sẽ có nhiều thì giờ để đọc và suy ngẫm. “ Trong tù không rượu cũng không bia / Cảnh đẹp đêm nay chẳng muốn dìa (về – tiếng Nam Bộ) / Tù ngắm trăng soi ngoài cửa sổ / Trăng trèo song sắt ngắm…lia thia ”.

Ở tù cũng giống như lia thia trong chai nước. Vậy thì thêm một chữ nữa : chịu đựng. Mong em chịu đựng và kiên nhẫn.

Không ai đoán trước được tương lai. Vậy thì hãy chịu đựng và kiên nhẫn. Và hãy sống từng phút từng giây, ngay trong hiện tại này.
                                               

                                                       18/01/2018

THANH THẢO

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us