Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Sự thật không chỉ đánh thức lòng trắc ẩn

Sự thật không chỉ đánh thức lòng trắc ẩn

- Huy Đức — published 03/10/2007 10:04, cập nhật lần cuối 03/10/2007 10:04
Sự thật, nhà báo và chế độ báo chí

Sự thật không chỉ
đánh thức lòng trắc ẩn

HUY ĐỨC

Sáng 29-9, khi đọc lời xin lỗi, ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải Hồ Nghĩa Dũng được bố trí ngồi bên dòng chữ “Sự Cố Cầu Cần Thơ”. Thỉnh thoảng, ống kính VTV rời ông, chuyển từ phòng thu ra hiện trường; mới thấy, cho dù ngôn từ chính thức có gọi là gì thì vụ sập cầu Cần Thơ vẫn thực sự là “Thảm Họa”. Thông tin có những lý lẽ vô cùng mạnh mẽ. Sự thật, dù sớm hay muộn, luôn có mặt để làm nốt những sứ mệnh mà cuộc sống này cần.

Thảm họa được các phương tiện thông tin, không chỉ có báo chí chính thức, miêu tả một cách có trách nhiệm, đã đánh thức sự quan tâm của toàn xã hội. Gia đình các nạn nhân có lẽ cũng phần nào cảm thấy bớt lẻ loi. Câu chuyện của họ làm chúng tôi nhớ tới gương mặt của các gia đình nạn nhân mà chúng tôi chứng kiến trong vụ thảm sát Đầm Be, 16 năm trước.

Năm 1991, khi một lực lượng lớn công nhân người Việt Nam đang thực hiện một hợp đồng khai thác gỗ ở Đầm Be, Campuchia, thì bị tập kích. 92 người Việt Nam bị giết một cách hết sức dã man. Khi đó, chúng tôi đang công tác ở báo Tuổi Trẻ. Tôi và phóng viên Tâm Chánh đã gặp được những nhân chứng chạy thoát ngay sau khi họ vừa đặt chân về tới TP HCM. Sau đó, cùng với các thân nhân của những người bị nạn, chúng tôi là hai nhà báo duy nhất, có mặt tại một vùng sát Biên giới Campuchia- Tây Ninh để thu thập thông tin về cuộc thảm sát này.

Vào thời điểm ấy, Khmer Đỏ chưa hoàn toàn tan rã, nhưng không biết ai mới thực sự là thủ phạm của cuộc thảm sát. Tôi nhớ, trời mưa rả rích. Một bóng xe từ Biên giới về cũng làm thân nhân của các nạn nhân nhổm dậy. Họ chỉ mong, vợ nhận được xác chồng, con nhận được xác cha. Nhưng, tin tức vẫn cứ bằn bặt, nói chi đến sự trợ giúp tiền bạc, nói chi đến thưa kiện. Sổ tay của chúng tôi chi chít những dòng chữ, nhưng, không có một thông tin nào được xuất hiện trên báo. Khi ấy, chúng ta chưa có internet, khi ấy chưa có các bloggers năng nổ. Chúng tôi bó tay còn các nạn nhân thì cam chịu. Họ lầm lũi với đau thương, không có ai chia sẻ một lời.

Không có gì có thể bù đắp những mất mát mà những thảm họa như sập cầu Cần Thơ mang lại. Tuy nhiên, có sự tham gia của truyền thông, xã hội sẽ được đánh thức tới mọi tiềm năng. Không chỉ là con số nhiều tỷ đồng cứu trợ đã được quyên góp. Lòng trắc ẩn của toàn xã hội đã được khơi dậy. Không chỉ có sự bi thảm đã được mô tả. Những dấu hiệu vô trách nhiệm cũng đã được phanh phui. Không chỉ là câu chuyện cây cầu sập. Cuộc sống của một vùng Châu thổ với bao số phận nổi trôi cũng đã được trình bày.

Khi mà truyền thông có thể tham gia tích cực, xã hội sẽ nhanh chóng có mặt bên những đồng bào gặp nạn. Người dân và các tổ chức thiện nguyện sẽ gánh đỡ vai trò cứu trợ. Để các tổ chức chính trị xã hội như Mặt trận, Liên Đoàn Lao động, Hội Nông dân… có thể giúp người dân đương đầu với các vấn đề lớn hơn như tranh chấp, nếu có, giữa gia đình nạn nhân và các nhà thầu; như hình thành những chính sách, hầu đổi thay tình hình kinh tế xã hội ở những vùng như thế; hoặc giúp có những giải pháp căn bản để tai hoạ, dù xảy ra ở đâu, thì gia đình các nạn nhân cũng không trở nên bế tắc. Người dân chờ đợi ở các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan nhà nước, sự quan tâm lớn hơn là những hoạt động lạc quyên, cứu trợ. Những việc mà các tổ chức xã hội thuần tuý khác có thể chia sẻ, gánh giùm.

Truyền thông, trong khả năng ngày nay, cũng làm chúng ta ngạc nhiên khi nghe ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải nói: “Đến khoảng 10 giờ tôi mới nhận được thông tin thứ hai là 10 người chết. Tin ban đầu nói sập dàn giáo và 4 người chết”.

nagai
nguồn : REUTERS

Vào lúc 8 giờ 40 ngày 26-9, trên Diễn Đàn Cần Thơ Online, những thông tin đầu tiên đã được post lên. Lúc 9 giờ 38 phút, Vnexpress nói rõ: “Sập cầu Cần Thơ, hàng chục người thiệt mạng”. Trước và sau đó, Tuổi Trẻ và Thanh Niên online cũng đã đưa tin. Dù Văn phòng Bộ không có ai đọc báo, thì một cú điện thoại từ Cần Thơ ra cũng không thể mất tới 2 giờ. Nếu không phải để chống chế với việc Bộ Giao thông Vận Tải không huỷ bỏ một phiên họp để đến ngay với các nạn nhân, thì rõ ràng, cách tổ chức thông tin của một cơ quan nhà nước như vậy là rất cần phải chấn chỉnh. Trong những sự kiện gây xúc động dân chúng như thảm hoạ cầu Cần Thơ, càng tổ chức thông tin kịp thời, minh bạch, càng có được niềm tin và sự hỗ trợ nhiều hơn của dân chúng.

Ngay từ ngày đầu xảy ra vụ sập cầu, cho dù bị cách ly khỏi hiện trừơng, các nhà báo Việt Nam cũng đã đeo bám quyết liệt để có những thông tin, hình ảnh kịp thời về thảm họa và những nỗ lực của các lực lượng cứu nạn. Không chỉ vì những trắc ẩn trước những thân phận con người. Các nhà báo đang cố gắng để làm tốt những gì mà xã hội chờ đợi.

Bức ảnh chụp cảnh nhà báo Nhật, Kenji Nagai, sau khi bị bắn vẫn cố ngã bằng lưng để bảo vệ những hình ảnh mà ông ghi được trên đường phố Myanma, được truyền đi trong những ngày này, thực sự là một biểu tượng có tác động khích lệ. Không có một sứ mệnh nào của nhà báo có thể cao cả hơn là tìm kiếm và công bố sự thật. Chỉ trong một xã hội tiến bộ, các nhà báo mới có thể tiếp cận tốt hơn với sự thật. Và, trong một xã hội mà nhân dân có cơ may tiếp cận được với càng nhiều sự thật, xã hội ấy sẽ càng nhân bản hơn.

Huy Đức

NGUỒNOsin's Blog ngày 1-10-2007

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us