Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / "TÂM" và "TẦM"

"TÂM" và "TẦM"

- Bùi Trọng Liễu — published 20/04/2009 15:57, cập nhật lần cuối 20/04/2009 15:57


Chữ “ tâm ” và chữ “ tầm”


Bùi Trọng Liễu



Từ một thời gian nay, khi đề cập đến những tiêu cực xảy ra trong xã hội nước ta, người ta thường dùng hai chữ “ tâm ” và “ tầm ”. Quả là hai từ rất gọn, chẳng cần giải thích, ai cũng hiểu. Và tôi cũng bị lây trong việc dùng hai từ này. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt tầm quan trọng của hai từ này trong lĩnh vực vi mô hay lĩnh vực vĩ mô (ý tôi muốn nói khi chúng đụng đến phạm vi cá nhân hay đụng đến phạm vi liên quan đến tập thể).

Đầu tháng 3-2009 vừa qua, trong một bài báo của tôi đăng trong nước (1), tôi đã dùng chúng. Do tờ tạp chí đăng bài của tôi là tạp chí giấy, không đưa lên mạng, nên chắc ít người biết tới, nay tôi xin trích lại đây vài câu. Tôi đã viết :

Ở những nước tiên tiến, những đề án như xây dựng nhà máy điện hạt nhân, khai thác quặng mỏ, xây dựng khu vực kinh tế này nọ, đều được nghiên cứu kỹ về mọi mặt, từ vấn đề đào tạo nhân sự, lợi ích cho tập thể, môi trường, thời điểm phù hợp, địa lợi, nhân hòa để giữ được đoàn kết các dân tộc đa và thiểu số cần thiết cho an ninh quốc gia, cho thống nhất, độc lập tự chủ. Vậy mà cũng còn xảy ra những bất trắc. Huống hồ một nước chưa có kinh nghiệm xây dựng, vì bỏ qua một vài tham số nên dễ lấy quyết định nhầm, đó là tại sự « không có tầm ». Còn vì lợi ích cá nhân hay lợi ích của một tập đoàn quyền lợi, mà quyết định bừa, thì đó là tại sự « không có tâm ». […]

Mặt khác, thích phô trương hoành tráng, không phải là tự hào dân tộc. Những hoành tráng, rừng vàng biển bạc, núi sông hùng vĩ, hay được phô ra, chẳng qua là do thiên nhiên ưu đãi mà có; những cái đó không phải do sức người mình xây dựng nên ; nếu không tô điểm thêm, thì cũng không nên đào bới hủy hoại, tiêu xài do lợi ích nhất thời của một nhóm người. Cũng nên dành dụm cho những thế hệ mai sau, khỏi phải kéo cày trả nợ.

Hiện nay, không phải là không có những lời cảnh báo từ một số người tâm huyết. Nhưng những lời cảnh báo đó, có được nghe thấy hay không; sự này cũng phụ thuộc vào người có trách nhiệm có « tâm » và có « tầm » không.


Nhân dịp này, tôi xin nhắc lại một câu chuyện cũ. Vào những năm cuối của thập niên 50 thế kỉ trước, thời còn tồn tại triều đại nhà Ngô của ông Diệm, lúc ông Nguyễn Khắc Viện còn ở Pháp, ông có đôi câu đối dán ở quán ăn Maubert, còn gọi là quán “cụ Hồ”. Đôi câu đối đó là :

Bán rượu, bán chè, không bán nước,
Ăn cơm,    ăn phở,  chẳng ăn n
gô.

Tuy không phải lúc nào cũng đồng ý với mọi ý kiến của ông Viện, tôi hoàn toàn tán thưởng đôi cấu đối đó, mà chắc nhiều kiều bào ở Pháp còn nhớ.

Mới rồi, tôi có đọc đâu đó một đôi câu đối “ nhái ” (plagier) ông Viện như sau :

Bán đất,   bán nhà,     đừng bán nước,
Đớp dầu, đớp quặng, chớ đớp ngô.

Tôi vốn lơ đãng, nên thường quên ghi nguồn, nhưng sự quên nguồn này để dẫn cho chính xác, cũng chẳng quan trọng.

Nếu đem so sánh, thì về từ ngữ, đôi câu đối của ông Viện chơi chữ rất hợp. Còn về nội dung thì đôi câu đối của ông Viện là chuyện cũ xảy ra đã nửa thế kỉ, triều đại Ngô Đình đã chấm dứt và hình như là đó một lời nguyền (2) cho bản thân ; đôi câu đối nhái là chuyện thời sự, và có vẻ mang dáng dấp của một lời nhủ vị tha.

Ý hẳn tác giả của đôi câu đối e người ta không có “ tâm ”. Tôi vốn ưa giảm khinh, nên nghĩ rằng, trừ một số người tham tới mức không còn “ tâm ”, chuyện sai lầm trong quyết định thời nay, thường là do người không có “ tầm ”.





(1) Hồn Việt số 21, tháng 3-2009. bài Vô tư : một hậu quả của Giáo dục ? ” , và Vietsciences đăng lại trên mạng ngày 25-3-2009.

Cũng trong bài này, tôi đã viết :

Có « tâm » hay không, là do giáo dục hạ tầng ; có « tầm » hay không, là do giáo dục đào tạo thượng tầng. Nói kỹ hơn, học tập sao cho con người biết tôn trọng những giá trị đạo đức cơ bản, đó là từ thuở còn thơ, đâu có phải chỉ có hô khẩu hiệu, báo cáo thành tích và hơn thế nữa, đâu chỉ tập cho quen xỉ vả để đấu tranh giai cấp như một thời đã qua. Khi đã lớn, học tập chuyên môn mà lơ là, chín bỏ làm mười, nhân nhượng về trình độ, thì khi vào đời ở vị trí của mình thì không thể hoàn thành trách nhiệm. Thí dụ như về những đề án kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, hiểu biết khiếm khuyết thì dễ bỏ sót một số tham số, nên quyết định sai.

(2) Tôi dùng từ “ nguyền ”, theo nghĩa “ nguyện ” : tự nhủ, cam kết sẽ làm đúng như vậy. Thí dụ như Đại Nam quốc sử diễn ca, khi viết về Hai bà Trưng: “Chị em nặng một lời nguyền”.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us