Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Thư Melbourne

Thư Melbourne

- Tâm Như — published 11/11/2007 21:17, cập nhật lần cuối 11/11/2007 21:36
...bao giờ những ngày lễ hội VN ở đây sẽ được mang tính cách quốc gia để cạnh tranh với các lễ hội quốc gia khác cho dân tộc Việt Nam ở hải ngoại được nở mày nở mặt với đời.


Thư Melbourne


 Tâm Như 



Chủ nhật vừa rồi, trời rất đẹp. Melbourne đã bắt đầu những lễ hội mùa xuân và vừa qua một tuần lễ hội lớn. Mùa Melbourne Cup, cả thành phố nhộn nhịp với các trận đua ngựa. Trong vòng một tuần lễ, hết Derby Day, Cup Day, Oaks Day lại Stakes Day với các bà các cô áo váy mùa xuân rực rỡ, nón đủ màu đủ kiểu và những con ngựa đua kiêu hãnh trên sân. Đã hơn 140 năm, cả nước vẫn nghỉ làm để theo dõi cuộc đua ngựa hào hứng ngày Melbourne Cup.... Ngày lễ đã đi qua, đến chủ nhật, Melbourne xả hơi nhẹ nhõm, ăn chơi cũng có lúc mệt mỏi cần thư giãn nghỉ ngơi ...

Buổi sáng ra Docklands, một khu vực ở bờ sông Yarra, với những cao ốc đã và đang xây dựng, những dãy hàng ăn uống xa xỉ của khu Harbour City, vào đậu xe, thấy tính giá Flat rate $5 vì là ngày lễ hội. Hơi lấy làm lạ vì không biết lễ hội gì nữa, đi vào mới thấy là ngày hội của Indonesia.  Sân khấu ngoài trời với vài tiết mục văn hóa nhỏ, vài gian hàng ăn, trong khu vực triển lãm là những gian hàng lưa thưa. Các thanh thiếu niên Indonesia rất kiêu hãnh mặc chiếc áo thun với một dãy hàng chữ của các công ty bảo trợ, đó là những công ty làm ăn với Indonesia. Buổi sáng người còn thưa thớt nhưng không hiểu đến chiều và tối thì thế nào...

Chợt chạnh lòng nghĩ đến các lễ hội của công đồng Việt Nam ở đây. Người rất đông, hàng quán, sinh hoạt rất phong phú nhưng làm thế nào có được những bảo trợ như vậy, tiền đậu xe bớt một cách đáng kể, lại có cả xe bus free chạy từ trung tâm thành phố đến khu vực Dockland. Phải chăng chỉ tại chúng ta chỉ là một đám di dân chứ không phải là một quốc gia. Nghĩ thật đau lòng trong khi dân tộc Việt Nam đã hơn 4000 năm văn hiến mà những lễ hội văn hóa của Việt Nam chỉ được tổ chức trong những qui mô nhỏ thuộc phạm vi người Việt tại Úc. Nếu người Việt chúng ta là một, một lễ hội văn hóa VN được tổ chức qui mô với tư cách quốc gia, mang tầm vóc quốc tế, các công ty lớn đang làm ăn với VN sẽ thi nhau bảo trợ, và sẽ được cả sự hỗ trợ từ phía chính phủ Úc, cộng thêm với sức mạnh của cộng đồng Việt Nam ở đây thì những ngày lễ hội văn hóa của Việt Nam sẽ lớn đến chừng nào. Nhưng lúc đó chắc chắn cộng đồng VN ở đây chắc sẽ lại ra sức biểu tình chống đối. 

Cách đây ít lâu, chỉ có vài ca sĩ qua hát, vài anh hề từ Việt Nam sang trình diễn, cả cộng đồng đã thi nhau biểu tình chống các "tay sai của chính quyền cộng sản"... Không hiểu những ca sĩ, nghệ nhân đi hát vì miếng cơm manh áo tội tình gì đây, sao lại khoác cho những nguời này những danh từ quá đao to búa lớn ....

Vậy thì bao giờ những ngày lễ hội VN ở đây sẽ được mang tính cách quốc gia để cạnh tranh với các lễ hội quốc gia khác cho dân tộc Việt Nam ở hải ngoại được nở mày nở mặt với đời.  

Chẳng lẽ chỉ vì một nhóm tham nhũng, tư bản đỏ trong nước đủ để làm hư đi cả một văn hóa tốt đẹp của mấy chục triệu dân đã mấy ngàn năm văn hiến. Các dân tộc khác có lẽ đang ăn mừng vỗ tay trước sự chia rẽ của người Việt hải ngoại và người Việt trong nước vì đã làm méo mó đi khuôn mặt đẹp đẽ của Việt Nam nói chung. Làm sao cho các em bé Việt Nam sinh sống và lớn lên ở hải ngoại có thể ngửng cao mặt tự hào mình là người dân Việt, và không bao giờ chối bỏ gốc gác Việt Nam của mình. Có lẽ các bậc cha mẹ ở đây nên suy nghĩ và làm cách nào để con em chúng ta sẽ rất tự hào vì chúng là dân Việt chứ không hoài ám ảnh cái danh xưng tị nạn và ôm ấp mãi những hận thù....

Đã hơn ba mươi năm, dòng suối chảy xuôi đã đổ bao nhiêu nước ra biển lớn, sao hận thù vẫn còn mãi làm vẩn đục những dòng sông con suối... 


 Tâm Như

11.11.2007


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us