Tiếc cho Hàn Sinh bị nấu
Tiếc cho Hàn Sinh bị nấu
Bùi Trọng Liễu
Trong một thời gian rất dài, ta và Trung quốc là nước đồng văn. Lại nghe nói rằng 70% từ tiếng Việt mượn âm của vùng Trường An thời Đường thời Tống. Văn học ta thuở xưa dùng rất nhiều điển tích Tàu, cho nên “nhắc” (1) chuyện Tàu cũng không phải là quá lố.
Câu chuyện Hàn Sinh (2) là như thế này (theo Sử ký của Tư Mã Thiên, bản dịch của Nhữ Thành, nxb Văn Học Hà nội 1988):
Sau khi Tần Thuỷ hoàng chết, người con thứ là Hồ Hợi theo mưu kế của hoạn quan Triệu Cao, bức tử người anh là thái tử Phù Tô, rồi lên ngôi tức là Tần Nhị Thế. Vì chính sách nhà Tần quá khắc nghiệt, dân chúng oán hận. Khoảng năm 209 trước Công nguyên, Hạng Vũ (người đất Sở, sau là Tây Sở Bá vương) và Lưu Bang (người đất Bái, sau là Hán Cao tổ) khởi binh, diệt được nhà Tần (khoảng năm 206 trước Công nguyên). Lẽ ra đã có lời giao ước: ai mang quân vào trước lấy được đất Quan Trung (nơi có kinh đô Hàm Dương của nhà Tần, sau gần đó cũng có kinh đô Trường An, nay là Tây An) thì được làm vua nơi ấy. Lưu Bang vào trước, nhưng ít quân hơn Hạng Vũ, nên phải chịu lép vế nhường cho Hạng Vũ. Nhưng đấy không phải là chuyện chính mà tôi muốn nói, chuyện tôi muốn nói là đoạn sau đây.
Sau khi đã đem binh vào thành Hàm Dương, giết vua Tần Tam Thế (đã đầu hàng), đốt cung A Phòng, thu của cải châu báu, gái đẹp, Hạng Vũ muốn đem quân về phía đông. Có Hàn Sinh khuyên Hạng Vũ rằng : “Đất Quan Trung bốn phía có núi sông che chở, đất đai phì nhiêu, có thể đóng đô ở đấy để xây dựng nghiệp bá”. Hạng Vũ không nghe. Hàn Sinh thất vọng, trở ra, nói lén : “Người ta nói rằng người nước Sở giống như con khỉ đội mũ người ; quả thực là đúng”. Hạng Vũ biết được, sai bắt Hàn Sinh bỏ vào vạc dầu mà nấu cho chết.
Câu chuyện này tuy ngắn, nhưng có thể rút ra mấy điều :
Trước hết, có nguồn cho rằng Hàn Sinh ngụ ý nói con khỉ bắt chước hình thức, đội mũ (và mặc “lễ phục” (?)) như người, nhưng chỉ chốc lát thì bản chất của nó cũng sẽ lộ ra, về tri thức khỉ vẫn chỉ là khỉ. Câu nói đó rất là nặng. Người Pháp có câu “L’habit ne fait pas le moine” (dịch thoát nghĩa là: “Bộ áo thày tu chẳng có thể biến người mặc thành tu sĩ được” cũng na ná ý nghĩa như câu nói của Hàn Sinh, nhưng nhẹ nhàng hơn về cách phát biểu. Xưa, ta cũng có hai câu : “ Nhác trông ngỡ tượng tô vàng ; Nhìn ra mới biết chẫu chàng ngày mưa” (3) – mà ngày nay có thể không mấy ai nhớ – còn nhẹ nhàng hơn nữa. Nhưng tiếng ta thời nay thì cũng có nhiều từ liên quan đến cái ý của Hàn Sinh : đồ nhái, đồ lừa để phô trương kỷ lục, bằng cấp dỏm, danh hiệu tiếm xưng, ngồi nhầm lớp, đứng nhầm lớp, ngồi nhầm ghế, vv.
Thứ nhì là, theo người xưa, lời khuyên của Hàn Sinh là hợp lý. Taị Hạng Vũ không nghe, cho nên đó là một trong những nguyên nhân Hạng Vũ bị thua trong vụ Hán Sở tranh hùng, rốt cục phải tự tử chết. Cũng có ý cho rằng Hạng Vũ vốn là người dũng mãnh, phá thì giỏi, nhưng xây dựng thì kém, cho nên lúc đầu thì thắng, sau thì thua (4).
Thứ ba là, Hàn Sinh, sống ở thời đó, chỉ vì cái lời khuyên nơi đóng đô thôi, mà bị nấu. Giá như sống ở thế kỉ 21 này, thì thiếu gì chuyện để khuyên can, mà chẳng lo bị nấu. Chẳng phải là vì thời nay không có những thể chế độc đoán hơn thời xưa. Nhưng thời nay có những phương tiện kỹ thuật truyền thông mà thuở xưa không có, thí dụ như muốn phát biểu ý kiến, hay hay dở, thì đã có những trang mạng ; bình thường thì cứ ký tên thật, gặp cảnh éo le, thì ký bút hiệu hay nặc danh, chẳng sợ ai nấu.
Vì thế mà tôi tiếc cho Hàn Sinh, chẳng những vì bị nấu, mà còn vì lời khuyên can không được nghe.
Bùi Trọng Liễu
(1)Tôi dùng chữ “nhắc” là vì tôi cũng đã kể vài đoạn trong các cuốn sách của tôi. Ai muốn biết thêm chi tiết, xin mời mở đọc trong trang mạng : http://www.buitronglieu.net
(2)Có nguồn cho rằng, theo sách Tiền Hán thư, thì người thuyết khách này là Hàn Sinh, còn theo sách Hán Sở Xuân Thu thì người này là Thái Sinh. Nhưng tên gọi không phải là vấn đề chính.
(3)Tôi không biết tình hình con chẫu chàng ngày mưa nó như thế nào. Nhưng cũng thể là nó cùng ý với hai câu ví thưở xưa: [Thuở mới cưới (?)] “Gái có chồng như rồng gặp mây. Trai có vợ như cò bợ gặp mưa”.
(4)Thời tranh hùng, có lúc Hạng Vũ bảo Lưu Bang : Mấy năm nay thiên hạ xao xuyến khốn khổ vì hai chúng ta ; nay quyết một phen sống mái, không nên làm khổ nhân dân thiên hạ nữa. Lưu Bang trả lời: ta chỉ đấu trí, không thèm đấu lực. Rốt cục là cái trí thắng cái lực, chứ cũng chẳng phải vì nhân nghĩa gì hơn nhau.
Các thao tác trên Tài liệu