Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Từ "Giải liêm chính Việt Nam" tới phiên họp Quốc hội

Từ "Giải liêm chính Việt Nam" tới phiên họp Quốc hội

- Nguyễn Hữu Vinh — published 04/12/2007 10:45, cập nhật lần cuối 05/12/2007 09:00


Nguyễn Hữu Vinh



“ Giải Liêm Chính - Việt Nam ” ?



Một tin vui mà không khỏi chạnh buồn. Một bà già thường dân nhưng sắp được nhận giải thưởng danh giá ở nước ngoài. Bà là Lê Hiền Đức, 75 tuổi, nhận giải thưởng Liêm chính của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI)1.


Suốt hơn nửa thế kỷ qua, trong những cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, giặc dốt, giặc đói ..., chúng ta đã có không biết bao nhiêu danh hiệu, giải thưởng cho những con người dũng cảm, tận tụy. Họ dẫu cùng đồng đội hy sinh giữa mặt trận, hay âm thầm chết trong lao tù, nhưng vẫn không hề thấy cô độc. Họ cùng những người thân, dù không nhắm đến những danh hiệu, giải thưởng, nhưng qua đó, mọi mất mát đau thương cũng đã được đền đáp, sưởi ấm phần nào.


Và nay, chúng ta đang lâm vào một cuộc chiến, cuộc chiến với “ giặc nội xâm ”, cũng vô cùng gian nan, ác liệt. Chưa bàn tới những “ vũ khí ” được trang bị có những gì, chỉ nghĩ tới nguồn động viên tinh thần thôi cũng đủ thấy lo. Ví như năm kia, ở Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh, có sáng kiến lập quỹ Chống tham nhũng2. Có được món tiền nho nhỏ, nhưng không thấy ai dám/được (?) nhận. Rồi câu chuyện như đi vào dĩ vãng. Kinh nghiệm ở Singapore3 Nhà nước đã chủ động thành lập nên quỹ này. Còn ở ta, bao nhiêu cơ quan, tổ chức của Nhà nước với bao nhiêu lời kêu gọi hô hào, thậm chí cả những cuộc họp hành, thăm viếng để học hỏi kinh nghiệm ... thật tốn kém, vậy sao nhiều quá những con người với những tấm gương xả thân chống lũ giặc nội xâm, họ không được tôn vinh bằng những danh hiệu, chưa nói tới phải được che chở và bù đắp thiệt thòi ? Mới đây thôi, vụ Tổng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp bị bắt, “ ô dù ” lớn, Thủ tướng phải chỉ đạo tới mấy lần, vậy mà có người từ lâu đã “ đơn thương độc mã ” đứng ra đấu tranh, tố cáo. Người đó rồi sẽ được/mất gì đây 4 ? Chẳng rõ !


Nhân dân và những nhà tài trợ quốc tế sẽ nhìn vào hiện tượng này để đánh giá quyết tâm thực sự của Đảng và Nhà nước chống tham nhũng.


Giải thưởng Liêm chính cũng sẽ như một lời nhắc nhở từ bên ngoài để người Việt tự nhìn lại mình.



Đính chính của tác giả

Như tin Tuổi Trẻ đưa ngày 4/12/2007 thì bà Đức sẽ nhận giải thưởng Liêm Chính của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International). Nhưng theo tin hôm nay (5/12), cũng trên Tuổi Trẻ, thì chính xác là bà Đức được vào vòng chung kết để xét trao giải thưởng này.

Điều đáng suy ngẫm ở đây là việc bà được đề cử trao giải lại do sự tình cờ bởi một nhân viên của Tổ chức này. Vậy, muộn còn hơn không, liệu sẽ có một cuộc vận động bởi các cơ quan, tổ chức trong nước để bà “ thắng cử ” hay không ? Chẳng phải chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm vận động mang tính “ tiếp thị hình ảnh Việt Nam ” rồi sao (như đăng cai Thi Hoa hậu chẳng hạn) ? Hình ảnh một Viêt Nam đang gắng xông vào cuộc chiến chống tham nhũng đâu phải là ... xấu ?



1 Tuổi Trẻ ngày 4/12/2007

2 VietNamNet ngày 28/12/2005

4 Pháp luật TPHCM ngày 3/12/2007, Người tố cáo tổng giám đốc TCTVTNN.


Phong độ nhà tổ chức



Trên một chuyến xe khách tốc hành đường trường, người cầm lái là “ cầm ” cả sinh mạng bao người. Nhưng dễ gì có được người cầm lái giỏi, phụ lái, “ lơ xe ” tốt nếu như thiếu vai trò của một người hiểu biết để tổ chức, chọn lựa. Từ đó mà suy ra rằng trên chặng đường đi tới của cả một đất nước, người nắm công tác cán bộ cho bộ máy nhà nước quan trọng, khó khăn tới nhường nào, đâu phải chỉ như cầm vô lăng hay quán xuyến “ nội tình ” trên một cỗ xe. Vậy ta thử ghé mắt vào cái “ nghiệp ” này, chỉ qua kỳ họp thứ hai Quốc hội Khoá XII, để luận bàn và hiểu thêm đôi chút.

Trong phần chất vấn bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Dương Trung Quốc đã hỏi “ Việc không sử dụng những người ngoài đảng, để cả những người Việt Nam sinh sống ở hải ngoại có phải là sự lãng phí nguồn nhân lực của quốc gia ? Phải chăng tất cả người ngoài đảng, tức là đại đa số dân ta đều thiếu năng lực và phẩm chất lãnh đạo ? ”. Thì ông bộ trưởng trả lời rằng : “ Bộ Nội vụ không trình văn bản nào có nội dung quy định tiêu chuẩn là đảng viên mới được bổ nhiệm chức vụ. Nếu người ngoài đảng đạt tiêu chuẩn về trình độ thì vẫn đề bạt, bố trí, sắp xếp1. Xin bàn :

1. Nếu có chuyện Bộ Nội vụ “ trình văn bản ” như ông nói thì quả là đã vi phạm pháp luật, thậm chí Hiến pháp. Vậy nên lối trả lời đó thật không thích hợp chút nào trên diễn đàn Quốc hội, nó thể hiện lối tránh né những thực tế hiển nhiên mấy chục năm nay trên khắp cả nước về công tác cán bộ, mà không loại trừ có thể chính ông cũng “ bị ” rơi vào trường hợp đó, tức là coi trọng cái “ hồng ” (mà ngày càng thiếu “ thước đo ” chính xác, nên mới lòi ra vô số vị “ đỏ vỏ đen lòng ”) nhưng lại coi thường cái “ chuyên ”, nên bộ máy vận hành mới kém, sai lầm, tốn kém cho dân, cho nước mới vô kể.

2. Như tiêu đề bài báo này khơi gợi, qua nhiều năm cải tiến nghị trình Quốc hội, việc trả lời chất vấn là góp một phần thể hiện và tạo dựng cái “ phong độ ” – trình độ các nhà lãnh đạo. Họ không thể chỉ đăng đàn để loay hoay tìm cách chống đỡ “ búa rìu ” dư luận cử tri qua các câu hỏi trực tiếp của các vị đại biểu. Cao hơn hẳn, họ cần nhân đó gửi tới toàn dân thông điệp của riêng mình, thay mặt Chính phủ để nói về ngành mình, sẽ phải làm gì cụ thể để thay đổi những tình thế bế tắc, sai lầm... Vậy nên trong trường hợp này, ông bộ trưởng Nội vụ đã không làm được việc đó. Chỉ thấy ở ông lối tránh né “ tỉnh rụi ” đến lạ thường.

Tiếp đến, khi đại biểu Lê Văn Cuông hỏi thẳng về tình trạng “ chạy chức, chạy quyền ” thì nhà tổ chức của chúng ta đã ... “ nhờ đại biểu chỉ ra trường hợp cụ thể ai bỏ tiền ra chạy chức chạy quyền để chúng tôi cùng với địa phương cùng xử lý2.

1. Thật lạ về kiến thức của ông bộ trưởng. Ông là người hiểu hơn ai hết về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan lập pháp, tư pháp, hành pháp, vậy mà dường như ông đang muốn “ lôi kéo ” đại biểu Quốc hội cùng ông làm thay công việc của cơ quan tố tụng ? Đại biểu Quốc hội đâu phải làm và dễ làm cái việc phát hiện này, và đâu kịp tới tay ông để xử lý những kẻ “ chạy chức chạy quyền ”. Đúng luật tố tụng hình sự thì họ sẽ phải bị tố cáo trước hết tới cơ quan tố tụng, rồi xộ khám, trước khi ông (được) kịp “ ra tay ”. Mới thấy cái “ lợi bất cập hại ” ở lối trả lời tưởng như “ khôn khéo ” của ông.

2. Là một người dân bình thường, chỉ qua báo chí và tận mắt chứng kiến quanh mình, cũng đủ khả năng nhận biết, suy luận về tệ nạn “ chạy chức chạy quyền ” khi mà ngày càng đầy dẫy những quan chức từ cấp xã cho tới tận trung ương ngày nay năng lực yếu kém nhưng lại sống cuộc sống quá ư vương giả. Họ còn không cần che đậy như những năm bao cấp nữa. Không lẽ ông bộ trưởng không có cái khả năng suy luận tối thiểu này, hay lại cần phải biết nhiều thêm nữa những cán bộ cấp vụ, cụ, bộ, tỉnh lần lượt vào tù thì mới khỏi đòi hỏi đại biểu Quốc hội chưng ra bằng chứng để công nhận cái tệ nạn này và hứa với họ những giải pháp cụ thể để chống lại nó ? Ấy vậy mà vị đại biểu Quốc hội này cũng đã kiên nhẫn viện dẫn tới hai ví dụ giúp ông bộ trưởng thấy những dấu hiệu của nạn “ chạy chức chạy quyền ” giờ đã trắng trợn dễ nhận biết đến thế nào. Và lại xin trở lại cái mong muốn về “ phong độ ” nhà tổ chức, trong những trường hợp tương tự, ông cần thể hiện rằng ông đã, hoặc sẽ “ ra tay ” bằng biện pháp gì mới mẻ, chứ không thể cứ đọc ra vanh vách tên, số, ngày tháng các thông tư, nghị định... là xong.

Còn nhiều nữa những điều đáng nói, nhưng đã xác định là chỉ “ ghé mắt ” thì người viết xin dừng ở đây ; tạm để chúng ta cùng hình dung ra, lo lắng mà chưa đến độ quá thất vọng, về cái chuyến xe của cả nước trong tay những nhà tổ chức, hoạch định chính sách cán bộ như vậy thì sẽ đi tới đâu, với bao nhiêu những tổn thất, hư hao dọc đường và bao giờ nó mới lết được tới đích.

Nguyễn Hữu Vinh


1 Lao Động ngày 20/11/2007, bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn.

2 VietNamNet ngày 19/11/2007, Tuyển công chức giỏi : Không phải việc riêng của Bộ Nội vụ

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss