Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Văn hoá - Kinh tế từ góc nhìn của một nhà thơ

Văn hoá - Kinh tế từ góc nhìn của một nhà thơ

- Thanh Thảo — published 04/07/2009 22:00, cập nhật lần cuối 05/07/2009 09:44

VÀI NÉT VỀ VĂN HOÁ KINH TẾ VIỆT NAM
TỪ GÓC NHÌN CỦA MỘT NHÀ THƠ

 

 thanh thảo


Một nhà thơ có thể nói được gì về kinh tế ? Kể cũng khó trả lời câu hỏi với ít nhiều hoài nghi này, nếu không hỏi lại: thế nhà thơ có phải ăn hàng ngày không nhỉ ? Nếu câu trả lời là có, thì nhà thơ cũng có quyền nghĩ mình phải kiếm miếng ăn như thế nào, và mình sẽ ăn miếng ăn đó ra sao ?
Không chỉ với nhà thơ, mà với mọi con người, nhiều khi cách ăn ra sao quyết định cho việc kiếm miếng ăn như thế nào. Cách ăn là văn hoá, còn kiếm miếng ăn là kinh tế. 

Có nhiều cách ăn khác nhau cho những miếng ăn giống nhau hay khác nhau. Người Hàn Quốc có cách ăn không nhấc cái bát khỏi mặt bàn, người Việt Nam thì ngược lại, họ thường một tay bưng bát cơm còn một tay cầm đũa (“ Bát cơm mồ hôi nước mắt/Bay còn giằng khỏi miệng ta/…” - thơ Nguyễn Đình Thi) để đưa cơm vào miệng. Sự tương đồng và dị biệt của văn hoá ở những quốc gia hay dân tộc khác nhau có thể khiến cách làm kinh tế hay sự phát triển kinh tế ở những quốc gia ấy có những nét khác nhau. 

Việt Nam mới chính thức bước vào nền kinh tế thị trường cách đây chưa lâu, sau rất nhiều thập niên sống trong nền kinh tế chỉ huy mà ở Việt Nam gọi là “kinh tế bao cấp” - nghĩa là nhà nước “bao cấp” cho người dân từ sổ mua gạo tới lượng thịt hay đường sữa hàng tháng. Đó là nền kinh tế trong điều kiện đặc biệt: chiến tranh, nhưng mãi sau hoà bình hàng chục năm nó mới bắt đầu được xoá bỏ. Thực chất, đó không phải là một nền kinh tế theo đúng nghĩa, vì hàng hoá sản xuất không được tự do lưu thông, không có cung và cầu, không tiếp thị không quảng cáo và cũng chẳng có tăng trưởng kinh tế như cách mà cả thế giới quan niệm và tính toán. Chính cách vận hành kinh tế ấy đã đưa đất nước Việt Nam sau cuộc chiến tranh với Mỹ rơi xuống tận đáy của đói nghèo và cùng kiệt.

Nhưng hiện tại, kinh tế thị trường ở Việt Nam vẫn là “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” - một định nghĩa khá tù mù, nhưng có ý rằng nền kinh tế ấy vẫn không hoàn toàn phát triển tự do và chịu sự chi phối theo đúng những qui luật kinh tế, mà ở mặt này mặt khác nó vẫn chịu sự can thiệp theo cung cách chỉ huy của nhà nước. Các “tập đoàn kinh tế” của nhà nước được tổ chức mô phỏng hình thức những “chaebol” của Hàn Quốc, nhưng khác nhau từ vốn tư bản ban đầu. Vốn của các “chaebol” là của những gia đình tư bản lớn ở Hàn Quốc, còn vốn của những “tập đoàn kinh tế” Việt Nam xuất phát hoàn toàn là vốn của nhà nước. Tham vọng của các “tập đoàn kinh tế” này rất lớn, đó là chỗ dựa cho sự phát triển kinh tế của đất nước, là nơi đóng góp nhiều nhất cho ngân sách quốc gia, và là “chỗ ẩn trú cuối cùng” một khi có khủng hoảng kinh tế. Nhưng sau một thời gian phát triển ban đầu, hầu hết các “tập đoàn kinh tế” của nhà nước đều làm ăn không hiệu quả, thậm chí thua lỗ, hoặc “lãi giả lỗ thật”. Sau đó thì nhà nước cho phép các tập đoàn thành lập các “Cty con” của mình để về danh chính ngôn thuận là kinh doanh năng động hơn, nhưng về một phía “ngầm” là có thể dễ bề “cổ phần hoá” nghĩa là tư nhân hoá từ trong lòng các tập đoàn nhà nước. Rồi sẽ tới một lúc nào, khi quá trình cổ phần hoá và tư nhân hoá các “Cty con” hoàn tất, các Cty ấy đều lên sàn chứng khoán, thì trong thực tế những tập đoàn kinh tế nhà nước hùng mạnh sẽ dần dần được “tư nhân hoá từ bên trong”. Và lúc đó, sẽ xuất hiện những “chaebol gia đình” như ở Hàn Quốc, với phần chi phối lớn nhất thuộc về những “nhóm gia đình” hay “nhóm lợi ích” có thế lực nhất. 

Bắt đầu từ thế lực chính trị và mục đích cuối cùng là thế lực kinh tế, hoặc là sự kết hợp giữa hai thế lực ấy: quyền lực và kinh tế. Với cách vận hành kinh tế nhìn từ các tập đoàn kinh tế nhà nước như thế này thì văn hoá-kinh tế chi phối nó là sự pha trộn giữa văn hoá phong kiến theo kiểu “cha truyền con nối” và văn hoá tư bản, giữa sự khẳng định những thứ bậc, đẳng cấp và dòng tộc theo kiểu phong kiến với sự lạnh lùng tính toán vì mục đích lợi nhuận trên hết của chủ nghĩa tư bản thời sơ khai mà Marx từng chỉ ra cách đây hai thế kỷ. Với sự tích tụ tư bản phối hợp lẫn lộn nhiều khi bát nháo giữa “tư bản hoang dã” và “tư bản tài chính” nên rất khó xác định văn hoá kinh tế thuộc dòng “chính thống” ở Việt Nam hiện nay là như thế nào. 

Nhưng từ góc nhìn của một nhà thơ, tôi rất khó công nhận “chất văn hoá” của vận hành kinh tế loại này, hoặc nếu ta cho cách làm kinh tế theo kiểu dựa vào những mối quan hệ nhiều khi rất phức tạp của các cá nhân và nhóm quyền lực, sự chi phối của những nhóm lợi ích đối với vận hành kinh tế đó cũng là một mẫu hình của “văn hoá-kinh tế”(?). 

Bây giờ ở Việt Nam người ta không thực hành kinh tế chỉ huy theo kiểu cũ, kiểu của “thời kỳ bao cấp” nữa, nhưng cũng không hẳn tuân theo những qui luật tự nhiên của kinh tế thị trường với tất cả sự phức hợp nhưng luôn công khai và minh bạch của nó. Những nhóm lợi ích khác nhau, những trung tâm quyền lực khác nhau, những lối vận hành kinh tế theo những đường biên mờ nhòe giữa bóng tối và ánh sáng, giữa yêu cầu minh bạch nhưng trong thực tế luôn là những “phi vụ” không rõ ràng theo kiểu “bắt tay dưới bàn” đã chi phối nền kinh tế Việt Nam nếu nhìn từ góc độ kinh tế nhà nước thông qua các tập đoàn nhà nước. 

Nhưng Việt Nam hiện nay không chỉ có kinh tế nhà nước, không chỉ những tập đoàn kinh tế nhà nước mới làm kinh tế, mà còn có hoạt động sôi nổi và rộng khắp của kinh tế tư nhân, của “nền kinh tế nhân dân”. Mỗi người nông dân khi biến những nông phẩm mình sản xuất được thành hàng hoá, thì họ đều trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào nền kinh tế thị trường, đều được hưởng lợi hay chịu rủi ro từ nền kinh tế hàng hoá đó. Cũng như mỗi gánh hàng rong của những người nghèo bán rong trên các phố phường những thành phố lớn, mặc dù họ đang bị những qui định những chỉ thị của nhà nước hạn chế hay xua đuổi, nhưng họ vẫn tìm mọi cách để tồn tại, và chính họ đã làm nên một “nền kinh tế hàng rong” vận hành với tất cả những đặc sắc văn hoá Việt của nó. Dĩ nhiên, mỗi người nông dân trồng lúa hay trồng cây ăn quả, mỗi gánh hàng rong bán những món ăn dân dã những thực phẩm tươi sống của những người bán hàng nghèo khổ có gốc gác từ nông thôn ấy là vô cùng nhỏ bé trong một nền kinh tế thị trường mênh mông, nhưng sự hiện diện của nó bất chấp mọi rào cản mọi trở ngại lại khiến cho hoạt động kinh tế Việt Nam trở nên sống động, năng động. Cũng như sự phát triển mạnh mẽ của những doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay, vượt qua những khó khăn và thiệt thòi mà họ đang gặp phải, lại làm nên nét văn hoá khó phai nhoà và thể hiện tất cả những tính cách ưu việt và hạn chế của người Việt khi tham gia vào kinh tế thị trường. Nếu cách tham gia giao thông nhiều khi tưởng như rất hỗn loạn của người Việt Nam ở những thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn đã khiến du khách nước ngoài nhiều lúc phải choáng váng và sợ hãi, thì cách vận hành của “kinh tế thị trường nhân dân” ở Việt Nam cũng khiến nhiều nhà kinh tế nước ngoài phải ngạc nhiên vì rất khó đánh giá nó dựa vào những tiêu chí kinh tế phổ quát. Bởi vì nó độc đáo cả mặt tích cực và tiêu cực, nó “hỗn loạn” theo kiểu những hình thái “vận động fractal”, có vẻ vô trật tự nhưng thực ra nó lại đang tìm kiếm những hình thái trật tự mới, và quan trọng nhất, nó được người dân chấp nhận. 

Văn hoá Việt Nam từ bao đời nay vẫn bắt nguồn từ “văn hoá làng”, nhưng khi “văn hoá làng” ấy bắt buộc phải hội nhập vào “thế giới phẳng” của nền kinh tế toàn cầu, thì nó đã và sẽ bộc lộ tất cả những nét riêng biệt làm nên bản sắc cũng như những tiêu cực, lệch pha, “không giống ai” theo nghĩa lạc lõng của nó. Nhưng cũng như những người tham gia giao thông trên các đường phố, nền “kinh tế nhân dân” ở Việt Nam cũng liên tục bộc lộ những tiêu cực và liên tục tự điều chỉnh để có thể “lạng lách” đi lên trong sự chật chội nhiều khi thái quá và những con đường nhiều khi nhỏ hẹp quá dẫn đến quá tải hay ách tắc. Đó chính là “điểm sáng văn hoá” của nó. 

Ở Việt Nam bây giờ còn rất phổ biến một “hình thái văn hoá kinh tế mới”, đó là “văn hoá phong bì”. Nhiều người, đặc biệt là giới quan chức hay những người lãnh đạo rất thích thứ “văn hoá” này, dù ngoài mặt họ luôn phản bác nó. Đó là tục lệ biếu tiền hay vật phẩm quí hiếm đắt tiền dưới hình thức quà tặng và được cho vào những chiếc phong bì bình thường, hoặc dấu trong “vỏ bọc” là những món quà tặng rẻ tiền. Nhưng “văn hoá phong bì” khi chuyển tới những người dân bình thường thì lại là những ứng xử nhiều khi rất văn hoá như quà mừng đám cưới, tiền phúng điếu đám ma, hay những món quà mừng nhân hàng xóm hoặc bạn bè khánh thành nhà mới. Tất cả đều được thể hiện dưới hình thức những phong bì bên trong đựng tiền. Ngay loại hình “văn hoá phong bì” này cũng mang tính nước đôi: vừa tiêu cực lại vừa tích cực. Thì văn hoá Việt Nam là vậy, nó thường “chín bỏ làm mười”, thường “bỏ quá cho nhau” và cũng thường không rạch ròi. Yếu tố tình cảm, nhân nghĩa, vị tha thường xen vào và nhiều khi thành những “hạt nhân văn hoá” trong văn hoá ứng xử của người Việt. Khi làm kinh tế, người Việt cũng đưa cách ứng xử văn hoá này vào.                  

 

 thanh thảo

                                   ( Bài viết cho “Tạp chí châu Á” của Hàn Quốc)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us