Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / "Văn hoá" và "Dân tộc"

"Văn hoá" và "Dân tộc"

- Đỗ Kh. — published 05/01/2009 01:00, cập nhật lần cuối 21/01/2009 23:45



Chuyện văn hoá của
một bộ phận (nhỏ) dân tộc

Đỗ Kh.


Dư luận trong nước xôn xao và dư luận ngoài nước thì châm biếm khi mới đây Hội phố hoa ở Hà Nội bị vặt lá vặt cành (xem bài báo Tuổi Trẻ), sau khi hội Hoa đào Sakura năm ngoái trơ trụi mà mếu máo trước gió đông (VietNamNet). Lý do tại sao thì để các nhà văn hoá phân tích, riêng tôi chỉ có một chuyện kể để đóng góp, ăn theo cho có lộc đầu xuân.

Vào cuối tháng 5.1975, sau một chuyến hải hành 18 ngày, một ngàn rưởi người tị nạn chúng tôi từ Việt Nam đến cảng Phú Sơn (Busan), Nam Hàn và được đưa đến một trường trung học cũ được chính quyền dùng làm trại tạm trú. Trong số này, phần rất lớn là Hàn kiều ở miền Nam và thân nhân người Việt của họ được Nam Hàn mang về nước (A, thế là ở miền Nam chuyện lấy chồng Hàn quốc đã đi trước cả nuớc ngày nay những 30 năm !) Khoảng 200 hay 300 người trong số tị nạn không có liên hệ chính đáng gia đình gì với Hàn kiều và là thành phần nhờ quen biết hay là chạy chọt với lại sứ quán.

Vì là một trong những thông dịch làm việc với ban quản lý trong việc lập hồ sơ lý lịch và kiểm kê tài sản, tôi được biết rõ các thành phần trại viên, chí ít là các thành phần tôi phiên dịch phỏng vấn. Không nói đến Hàn kiều và gia quyến, số 200-300 được di tản gồm 40-50 hộ. Trong số đó, 11 hay 13 chủ hộ là bác sĩ (1 vị là cựu giám đốc một bệnh viện lớn nhất nước, 1 vị khác là giám đốc một trung tâm y tế quốc gia), 4 hay 5 chủ hộ là luật sư, một số doanh gia, tư chức, một phi công Hàng không Việt Nam chẳng hiểu vì sao lại phải đáp tàu biển, một chức sắc lớn của Hội Thập Đỏ miền Nam, phía tôn giáo có một vị đại đức và ít nhất là một vị cha công giáo. Tuy nhiên, không có quân nhân, trừ một toán trên 100 hải quân đứng đầu là một đại tá đến trại về sau. Về học vị, có một số tu nghiệp, tốt nghiệp nước ngoài. Về tài sản, có hộ vội vã mang theo năm bảy chục cây vàng, đó là ông đi vệ sinh cũng xách theo một cái cặp da nặng lệch cả người. Có hộ cầm đi đuợc 100.000 USD, đó là gia đình luôn quây quần chung quanh một cái va ly khoá nắp. Các hộ có tài khoản ở nước ngoài, vì không cần phải kê khai với Hải quan Hàn quốc nên tôi không đuợc biết đích xác nhưng mà cũng có chứ chẳng phải không. Nói tóm lại, số 200-300 người tị nạn này tiêu biểu cho tinh hoa của xã hội dân sự miền Nam. Vào thời điểm đó, miền Nam chỉ có 1.000 bác sĩ , tức là một bác sĩ cho 18.000 người. Tại trại Phú Sơn, có 1 bác sĩ cho 130 người, nếu không kể Hàn kiều và gia quyến của họ, số bác sĩ hơi bị nhiều, 1 bác sĩ cho 20 người hay là 30, cứ 8 hộ hay 10 thì lại có 1 luật sư sẵn sàng mách luật.

Thành phần Hàn kiều và gia đình, một số nhỏ là nhân viên sứ quán, phần còn lại là công nhân kỹ thuật, tiểu thương... nghĩa là bình dân hơn tuy cũng là trên trung bình của miền Nam Việt Nam nhiều hơn là dưới. Như vậy, thành phần của trại Phú Sơn, nói tổng quát về văn hoá cũng như là mọi mặt ta có thể coi là trên trung bình xã hội của miền Nam vào thời đó.

Truớc hết, vị chức sắc của Hội Thập Đỏ được Hội Thập Đỏ địa phương trao cho nhiệm vụ phân phối quần áo cũ cho người tị nạn. Là người từng chu toàn việc này ở tầm vóc quốc gia thì đây là chuyện nhỏ. Không biết có phải là sử dụng kinh nghiệm tích luỹ được trong thời gian bà giữ chức vụ thiện nguyện và danh giá này khi (mới ngày hôm qua thôi) còn ở trong nước, bà thầm thì gọi khoảng mươi người thanh niên chúng tôi vào kho, khi tôi vào đến bên trong thì đã có sẵn các con bà. Đây là một cuộc họp hạn chế, có tính đoàn kết giai cấp của giới thượng lưu. Tôi tưởng là bà định tổ chức dạ vũ để gây quỹ giúp người nghèo khó thì bà bảo, đây quần áo, các cháu chọn lấy thứ nào thích và lấy bao nhiêu thì cứ việc lấy trước mọi người. Vậy là các bạn trẻ của tôi có kẻ áo trong áo ngoài, áo phông, áo gió áo choàng đầy đủ vào buổi tối trước ngày việc phân phát được lên lịch và loan báo cho quần chúng. Việc này có hại gì ai, đằng nào cũng là của... chùa.

Mấy hôm trước, lúc còn ở trên tàu, tôi có dịp chứng kiến một chuyện tương tự. Bí thư thứ nhất nhì hay là Lãnh sự của sứ quán Hàn quốc được giao phó nhiệm vụ phát chăn mền. Thay vì đi buôn sừng tê giác chẳng hạn (xem bài báo Lao Động) thì ông lại hăng say với nhiệm vụ này và phát cho mỗi người một cái. Đến lượt gia đình ông và gia đình bên vợ (người Việt), thì ông bị phu nhân kết tội ngay là lơ là bổn phận làm chồng, làm cha, làm rể vì mỗi người trong gia quyến cũng chỉ có được độc một cái chứ không phải là hai hay ba. Người ta lấy chồng, chỉ trông vào lúc họan nạn như thế này để được cái trải ra nằm lên và cái đắp, cái để dành nở mặt với người. Đây là lần đầu tôi chứng kiến cảnh cô dâu Việt bị chồng Hàn quốc bạc đãi. Quá uất ức, bà ôm con lao mình về phía lan can tàu toan nhảy xuống biển khiến tôi có công giữ chị lại. Tuy quyết liệt đến như vậy, anh chồng vẫn nghệt mặt ra mà giữ lập trường một người/một mền, coi ngu chịu không nổi. Thực ra, bà vợ giả vờ tự sát, tôi giả vờ cản lại thì nhà ngoại giao kia cũng có thể giả vờ đưa thêm cho bà nhạc một cái mền là xong chuyện, thảo nào bán đảo Triều Tiên mãi chẳng có hoà bình.

Trở lại trại thì một hội thiện nguyện, hình như là phu nhân các viên chức cao cấp hay hội phụ nữ Nam Hàn gì đó, đến trại thăm trẻ em và trao quà. Số trẻ em thì trong trại cũng lắm, nên đây là quà tập thể chứ không phải là quà cho mỗi em. Cũng nên nhắc lại, Nam Hàn vào năm 1975 là một quốc gia đang phát triển, chưa có thành quả gì trong lãnh vực phim bộ và màn hình mỏng, thời trang nhuộm tóc hay là điện thọai di động mà có nhiều nhà máy may mặc và giày dép, xuất khẩu công nhân xây dựng sang các nước Trung Đông và y tá, thợ mỏ sang Tây Đức1. Nhân viên y tế trong trại cô nào cũng lầm bầm Hoelderlin với lại ấy thế Musil. Ngay các cô người Việt làm vợ Hàn kiều ở trong trại, cũng có lắm truờng hợp bồng con chờ chồng đang làm hồ ở United Arab Emirates hay lái xe tải ở Saudi Arabia. Mức sống tại cả nước lúc đó còn khiêm tốn, suốt thời gian ở trại chỉ có hôm phu nhân tổng thống Phác Chính Hy đến viếng là mọi người được ăn thịt gà và phát cho 1 chai Coca, một đặc ân mà ngay cả người Hàn quốc cũng hiếm thấy và phải trầm trồ. Đóng dấu ngoặc này lại, thì quà cho trẻ em này, mấy cái xích đu con, xe đẩy bằng mủ và xe đạp ba bánh là một nỗ lực lớn để giúp trẻ em tị nạn thư giãn khiến hội phụ nữ thiện nguyện nói trên khi trao tặng hân hoan rầm rộ và hãnh diện ra mặt.

Buổi sáng tặng quà xong phần trình diễn, trẻ em vui chơi trên cầu tuột xích đu được báo chí thu hình đầy đủ, phái đoàn ra về thì đến trưa sân chơi mới này đã trống trơn không còn một thiết bị ! Theo thói quen tư duy của người Việt chúng ta ấy mà, tôi thoạt tưởng đây là cảnh dàn dựng một buổi để tuyên truyền, xong rồi thì thu hồi quà tặng lại nhưng không phải như vậy, oan cho nước chủ nhà. Ban quản trị trại cũng sững sờ, gọi tôi lên văn phòng để giúp cán bộ trại tìm hiểu.

Đến đây tôi phải tả về môi trường ăn ở của đồng bào tị nạn. Trại là một trường học cũ được dùng làm trại cấm, nghĩa là có công an gác ngoài và khách gia đình Hàn kiều đến thăm phải xin phép được vào, trại viên trừ biệt lệ nào đó không được ra bên ngoài ngắm cảnh hay là mua sắm, ngay cả lúc có đặc ân hết sức hiếm hoi này cũng có công an Hàn quốc luôn luôn đi kèm vì công an thì chế độ tướng lãnh của thời ấy rất sẵn (câu nói đùa là mỗi công dân Nam Hàn có một nhân viên của KCIA được chỉ định theo dõi đêm ngày). Bên trong trại, phần ăn mỗi bữa là khu vực nhà bàn, phần ở là các lớp học cũ. Bàn ghế không có, mỗi phòng học này chứa năm mười hộ, 50 hay 30 người, trải chăn bông ra dưới sàn mà ngủ. Đây là cảnh sinh sống tập thể, như trại lính hay là trại tù, phần tư hữu chỉ có vật dụng cá nhân mang theo từ Việt Nam nghĩa là mang theo trên người, nhiều lắm là mấy cái va li hay là mấy cái túi để gối đầu, cho dù bên trong có chứa vàng hay ngoại tệ thì cũng chỉ có vậy. Tôi muốn nói là không ai có TV, tủ lạnh (tuy một gia đình có mang theo một cái hộp đá, icebox kiểu pic nic dã ngọai của Mỹ, rất hiện đại và hình như dùng để đựng đá... quý). Tóm lại, không gian của mỗi hộ, là vài mét vuông trên sàn, không có vách liếp gì hết, chăn bông ‘nhà’ này trải ra bên cạnh chăn bông ‘nhà’ kia. Nói thêm, hoàn cảnh này là một hoàn cảnh tạm bợ, không phải tạm theo kiểu nhà Phật hay là nhà Trịnh, Ta nay ở tạm trần gian2, mà là tạm vài tháng vài tuần, mai kia theo đúng nghĩa đen, về chốn xa xăm… bên ngoài.

Nhưng đuợc lúc nào hay lúc ấy, và sống vội sống cuồng nên các phụ huynh tị nạn đã gỡ ngay xích đu, cầu tuột mang về buồng và bày ra ngay cạnh chỗ nằm xem rất... nên thơ, vì tôi thiếu từ để diễn tả. Thế này, giống như là nghệ thuật trình bày đương đại đang ồn ào Hà Nội ngày nay : một góc phòng trống, bốn cái chăn bông trải, hai cái hành lý Samsonite và một cái xích đu con hay một cái xe đẩy đồ chơi. Khi cán bộ trại đến từng phòng để hỏi lý lẽ của sự nghiệp tư hữu hoá và tự phát này thì nhận đuợc phản hồi rất là văn học tư tưởng chứ không phải là nghệ thuật, cái cầu tuột này tôi thấy trước. Nghe như là ở café La Pagode, Barthes hay là Beauvoir tôi thấy trước nên tôi mang về bày to đùng ở đầu giường tôi chứ không còn phải là của mọi người. Để cho con tôi chơi ! Rốt cuộc, việc công hữu gặp nhiều trở ngại và chống đối, các xích đu, cầu tuột, nhà chơi thì còn khắc phục được để ra sân trở lại nhưng các xe đạp ba bánh, xe con đẩy thì vô phương, các em sử dụng xong không để lại ngoài bãi mà mang về ga-ra ở đầu chỗ nằm trong buồng dưới sự hướng dẫn của phụ huynh, mấy bận như vậy thì công an Hàn quốc độc tài quân phiệt cũng phải chịu.

Cũng may là sân trường này không có cây xanh, chứ không hẳn đã có hộ bứng về trồng ở trong phòng. Đây không nói quá và là trường hợp khu resort ở Tuy Hoà, chỉ để lại những chiều mây vắt ngang lưng đèo 3 cho quần chúng của cả tỉnh (bấm ở đây).

 .



1 8.000 thợ mỏ và 11.000 y tá Nam Triều Tiên xuất khẩu lao động, Truth and Reconciliation Commission Korea.

2 « Ở trọ », Trịnh Công Sơn (qua giọng ca Khánh Ly)

3 « Chiều qua Tuy Hoà », Nguyễn Đức Quang

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss