Về chuyện mù chữ
Mù chữ và mù chữ chức năng
Nguyễn Văn Tuấn
Cách đây vài tháng, báo chí loan tin rằng nước ta hiện nay có khoảng 1,7 triệu người mù chữ. Phần lớn những người mù chữ là người dân tộc, người cư ngụ ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, v.v… Nhưng ngạc nhiên thay, Hà Nội lại dẫn đầu với 218.200 (có báo viết là 235.000) người mù chữ! Nay thì chúng ta biết rằng đó là sai số “cơ học”, vì người đánh máy vô ý thêm con số 2 trước số 18.200! Như vậy, Hà Nội có 18.200 người mù chữ mà thôi. Đúng là “sai con toán bán con trâu”!
Nhưng điều đáng bàn là một vị quan chức giáo dục tại Hà Nội cho rằng con số đó chẳng có gì bất thường, chẳng có ý nghĩa gì cả. Trả lời báo chí, bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội nói: “Với độ tuổi 15-35, chúng tôi đương nhiên phải theo dõi để hoàn thành trách nhiệm phổ cập giáo dục. Nhưng với độ tuổi trên 36, có thống kê được bao nhiêu người mù chữ thì cũng không sử dụng làm gì vì những đối tượng này không thuộc phạm vi ngành giáo dục ưu tiên, phải thường xuyên, cấp bách dạy dỗ”.
Đọc hai chữ “dạy dỗ” rất ư là bề trên của bà phó giám đốc làm tôi sốc, vì thông thường tôi chỉ nghe cha mẹ dạy dỗ con cái, chứ ít khi nào nghe ngành giáo dục “dạy dỗ” người dân. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi nghe hai chữ này từ một quan chức giáo dục. Tôi tự hỏi với hàng ngàn vụ bê bối của ngành giáo dục như hiện nay (và trong quá khứ) thì ngành giáo dục mà bà là đại diện có tư cách gì để “dạy dỗ” người dân. Tôi nghĩ ngược lại: ngành giáo dục mới cần được sự dạy dỗ của người dân mới đúng.
Quay lại con số 18.200 người mù chữ, bà phó giám đốc chẳng thấy có gì đáng chú ý, chẳng thấy có gì bất thường. Nói cách khác, đối với bà con số này vô nghĩa. Nhưng tôi thì thấy nó tương đối bất thường và có ý nghĩa. Bất thường là giữa thủ đô mà có đến gần hai vạn người mù chữ. Viết đến đây tôi nhớ đến một câu nói rất phổ biến trong xã hội: “con số thống kê cũng như một bộ đồ bikini; những cái nó biểu lộ thì thú vị đấy, nhưng những cái nó che dấu mới là quan trọng”. Tôi nghĩ phía dưới cái “bikini” của con số 18.200 còn có nhiều ý nghĩa liên quan đến quốc sách giáo dục.
Thứ nhất, nên nhớ rằng mù chữ ở nước ta ngày xưa được xem là một trong 3 loại giặc nguy hiểm (hai loại giặc kia là giặc đói và giặc ngoại xâm). Nay thì chúng ta không còn bị ngoại xâm, chúng ta cũng không đói, nhưng chúng ta vẫn còn … dốt. Như vậy, con số trên và con số gần 2 triệu người mù chữ cho thấy chúng ta vẫn còn một loại giặc mà cụ Hồ từng xem là nguy hiểm.
Thứ hai, mù chữ theo tôi có thể xem như là một căn bệnh. So sánh mù chữ với bệnh chắc chắn sẽ làm nhiều người ngạc nhiên, vì nó không hiển nhiên như là những bệnh liên quan đến sự rối loạn sinh học như ung thư hay AIDS, và vì chúng ta không thấy tác hại của mù chữ ở con người. Phần lớn những mù chữ giấu giếm triệu chứng trong sự xấu hổ, và do đó họ mang trong người một bệnh tâm lí, để đến tuổi trưởng thành họ không được ai giúp đỡ. Mù chữ còn mang tính ‘di truyền”. Trẻ em lớn lên trong gia đình mù chữ có nguy cơ mù chữ tăng gấp 2 lần so với trẻ em lớn lên trong gia đình biết chữ. Nghiên cứu giáo dục cho thấy những thanh thiếu niên đọc giỏi thường có cha mẹ hướng dẫn đọc ngay từ lúc còn bé. Ngoài ra, còn có số liệu cho thấy khi trình độ học vấn của cha mẹ tăng 1 năm thì tỉ lệ tử vong của trẻ em trong gia đình giảm 9%.
Thứ ba, tác hại của mù chữ đến nền kinh tế và thế hệ tương lai. Tác hại này thì ai cũng có thể nhận thấy dễ dàng. Người không may mắn bị mù chữ thường thiếu cơ hội tham gia lao động. Không tham gia lao động được nên họ phải tùy thuộc vào Nhà nước, hay có trường hợp có nguy cơ dính vào những vụ tội phạm. Ở Mĩ, 85% những người dính dáng vào tội phạm hình sự mù chữ hay có vấn đề về đọc và viết. Và, khi có cơ hội tham gia lao động thì họ cũng không có dịp được thăng tiến trong nghề nghiệp.
Mù chữ như tôi vừa bàn là không biết đọc viết, nhưng còn có hai loại mù khác nữa: đó là mù chữ chức năng (functional illiteracy) và mù số. Mù chữ chức năng nói đến những trường hợp “bệnh nhân” biết chữ nhưng thiếu khả năng đọc, viết, hiểu. Theo định nghĩa của giới tâm lí học, những người mang “bệnh” mù số (innumeracy) thường không có khả năng suy nghĩ và diễn giải ý nghĩa của con số trong cuộc sống hàng ngày. Người mù số không phân biệt được sự khác biệt giữa 2% và 0,02. Chẳng hạn như trong trường hợp xem xét số liệu qua nhiều năm như 15.000, 17.000, 18.000 và đến 218.000, nhưng người đọc không phát hiện sự bất thường và không có khả năng so sánh, đó là mù chữ chức năng. Theo cách hiểu này, bà phó giám đốc Sở GDĐT Hà Nội có thể liệt vào nhóm mù chữ chức năng và mù số.
Theo nghiên cứu của Mĩ, mù chữ chức năng và mù số ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế quốc gia, với thất thoát lên đến hàng tỉ đô la mỗi năm. Những thất thoát kinh tế thường do tai nạn, năng suất thấp, và sai lầm hàng ngày liên quan đến mù chữ chức năng và mù số. Cố nhiên, chúng ta có thể suy luận ra rằng làm quan chức lớn mà mù chữ chức năng và mù số thì tổn hại còn lớn hơn cho nước nhà.
H. L. Mencken từng nói rằng công dân trong một xã hội hiện đại cần phải học ba kĩ năng căn bản: chữ, số, và lí giải thống kê. Có lẽ đã đến lúc các quan chức giáo dục cần được trang bị những kĩ năng này trước khi lên tiếng dạy dỗ người khác.
Nguyễn Văn Tuấn
Các thao tác trên Tài liệu