Vui buồn chuyện xin visa
Vui buồn chuyện xin visa
Nguyễn Trường An
Tình cờ vô đọc lại một diễn đàn thân quen ngày xưa, chuyên trao đổi thông tin về phỏng vấn du học và visa, thấy bổi hổi bồi hồi nhớ lại một thời đã xa của mình ! Cũng là những cảm giác đó, tâm trạng đó, cũng là những hồi hộp, băn khoăn, trăn trở tựa như mới xảy ra đâu đây, hôm qua hay hôm kia gì đó, gần gũi lắm, vậy mà chớp mắt một cái đã năm, sáu năm rồi !
Vẫn còn nhớ ám ảnh những hàng người dài dằng dặc xếp hàng từ sáng sớm trước cổng Tổng Lãnh Sự Quán Mỹ (số 4, Lê Duẩn) để chờ phỏng vấn xin visa. Hầu như ai cũng hồi hộp, lo lắng lắm, vì cái bóng của một nước Mỹ giàu có, xinh đẹp và nhiều cơ hội thường đè nặng lên những đất nước còn đang phát triển. Đông đảo nhất là các bạn sinh viên xin visa đi du học. Ở đó, có một bức tường rất dài và kiên cố ngăn cách bên trong với bên ngoài, ngăn cách hành dinh của người Mỹ và những đương đơn người Việt, ngăn cách “ kẻ ban cho ” và “ người đi xin ”. Lại có những anh bảo vệ người Việt lượn tới lượn lui và mấy lớp cửa bảo vệ có hệ thống nhạy cảm với dị vật. Bên kia đường Lê Duẩn, những ông bố bà mẹ ngồi xổm dang nắng chờ tin con, có người ngồi bệt xuống vệ đường phe phẩy nón lá phành phạch cho đỡ nóng. Những đại lý vé máy bay mang giá ra đến tận nơi chào mời. Thế mới biết cái giấc mơ Mỹ nó cuồng nhiệt và mãnh liệt dường nào ! Thế mới biết một nỗi ám ảnh đã in sâu vào đầu thì năm, sáu năm vẫn chưa đủ để quên.
Những ô cửa phỏng vấn xếp xéo, được che chắn kiên cố bằng những lớp kiếng dầy và có khe hở đưa hồ sơ bên dưới. Hết tường cao rồi tới kiếng dầy, những khoảng cách sao mà lớn quá ?! Nhân viên visa ngồi chễm chệ bên trong, khuôn mặt ít khi vui vẻ, lần lượt họ giơ hộ chiếu và các số thứ tự tì lên mặt kiếng, rồi tự động các đương đơn đang đứng ngồi lê la ngoài kia tự để ý thấy và biết mình “ tới số ”. Thỉnh thoảng có ồn ào. Bà già lấy khăn rằn ri quệt nước mắt rồi ấm ức nói : Trời ơi ông Tây ơi tui già rồi tui nhớ con gái qua thăm rồi dzìa chớ tui ở bển mần cái giống gì ! Ông Tây không biết có hiểu gì không, chỉ phủi tay và gọi người kế tiếp. Có thằng nhỏ cố gắng trần tình những lời cuối cùng : Cô có thấy mẹ cô khóc bao giờ chưa ? Chắc cô không bao giờ muốn thấy, nhưng hôm nay cô làm tôi phải thấy mẹ tôi khóc. Rồi nó gấp hồ sơ lại gọn gàng và bước ra. Có cô bé nhỏ xinh, thắt bím dễ thương, học rất giỏi, nhưng không được visa, nó cứ đi lòng vòng ở bên trong không dám bước ra gặp người nhà. Hỏi sao em không ra để người nhà trông. Mặt cô bé đỏ gay : thà để ba trông lâu một chút còn hơn thất vọng sớm quá ! Có anh sinh viên vào phỏng vấn... lần thứ 5, tóc tai bù xù, áo bỏ ở ngoài nhếch nhác : Mẹ nó, tại ông già ép quá nên vô tiếp chớ lần này là lần chót, được hổng được cũng đéo sợ ! Chắc nhờ anh “ đéo sợ ” nên lần đó anh được visa.
Thưở đó, mình đã thiết tha được đi đến chân trời Tây phương đến cháy lòng, nhờ đó mà mình đã tiến bộ môn Anh văn một cách ngoạn mục. Còn nhớ hồi tự xin nhập học, mình đã email và tự gọi điện thoại sang trường ở Canada rất nhiều lần ! Thứ tiếng Anh bồi đó xem ra cũng hiệu quả vì mình luôn đạt được những điều mình yêu cầu, nhưng bây giờ mỗi lần lục và xem lại những lá thư mình viết ngày xưa, mình luôn tủm tỉm cười tự hỏi : Trời ạ, sao mình viết thế này mà người ta vẫn hiểu nổi ??? Có hôm nửa đêm cả xóm ngủ hết, mình lục đục dùng Internet gọi cho văn phòng tuyển sinh cách nửa vòng trái đất. Sáng ra ông Năm hàng xóm (giờ đã chết), thắc mắc hỏi mẹ : Ủa tối hôm qua nửa đêm sao dượng Năm nghe bên nhà con có ai nói tiếng Pháp hả ?
Rồi mình vào phỏng vấn ở Lãnh Sự Quán Canada. Không phải xếp hàng lê la nắng nôi như xin visa Mỹ nữa ! Họ có ghế nệm ngồi, có tivi xem, có máy lạnh, cung cách lịch sự và nhiều thiện chí với người Việt hơn, nhưng vẫn kín cổng cao tường, vẫn có lớp kiếng ngăn cách khi nói chuyện như người ta đi thăm tù. Sau 45 phút phỏng vấn, nhân viên bộ di trú quyết định cho mình visa. Tim mình muốn nhảy ra khỏi lồng ngực vì mừng, vậy là cuối cùng cũng được rồi, ngay thời khắc đó mình đã nhìn thấy con đường và số phận của mình thuộc về nơi nào. Buổi sáng đó chỉ có hai người phỏng vấn thành công, thời đó vẫn còn khó khăn và nhiều nghi hoặc, bây giờ nghe nói thư thả hơn xưa nhiều.
Một năm rưỡi sau mình về lại Việt Nam, sẵn dịp dắt bà ngoại lên nộp visa du lịch Canada, cảnh cũ người xưa vẫn vậy. Bà nhận hồ sơ hắc ám vẫn còn làm việc trong đó. Bả đe nẹt một ông già ở quê lên vì điền đơn sai, bắt lặn lội về quê bổ sung và điền lại : Tui đã nói với chú là cái này sai rồi, chú phải đi về làm lại ! Mặc cho ông già tóc bạc trắng đứng tẩn ngẩn tần ngần, có lẽ thắc mắc tự hỏi : Tại sao người Việt mà lại hung dữ với người Việt, tại sao tui chỉ muốn đi Canada thăm con trai mà làm khó quá ? Tới lượt bà cháu mình lên xin bổ sung hồ sơ, vẫn là kiểu nói trổng phách lối. Mình đập hồ sơ cái bộp : Cô ơi tại sao cô chỉ là một người Việt được làm cho cơ quan ngoại giao của Canada mà cô lại ăn nói như vậy với người lớn tuổi ??? Nghe mình lên tiếng cả căn phòng có vẻ cũng nín thở theo, bà ngoại run lẩy bẩy cứ kéo tay mình và xuống giọng xin lỗi : cháu nó nhỏ tuổi không biết chuyện cô thông cảm. Sau khi hoàn hồn, mụ bắt đầu đổi giọng “ tình nghĩa ” với bà ngoại mình, không thèm nhìn mình nữa. Mình nói ngoại yên tâm, không ai “ dìm ” hồ sơ của ngoại vì chuyện đó đâu, vì người phụ nữ đó chỉ là nhân viên nhận hồ sơ thôi, chuyện phải thì mình lên tiếng thôi ! Hồ sơ ngoại ít lâu sau được duyệt thật ! Chuyện chưa hết. Về nhà, mình viết một email gởi thẳng đến đương kim Tổng lãnh sự Canada để phàn nàn về cung cách tiếp khách của bà đó, ông tổng lãnh sự hồi đáp lại, cám ơn và bảo đảm sẽ giải quyết. Người Tây coi khinh người Việt thì đành đau lòng mà bất lực, nhưng người Việt bày đặt coi khinh lẫn nhau thì nhục nhã quá !
Với tất cả những người bạn trẻ đang rạo rực hoài bão lớn về một chân trời cơ hội như mình ngày xưa, mình xin chia sẻ và đồng cảm sâu sắc, xin chia vui với những thành công, và xin được ôm chặt vai đón những giọt nước mắt của kẻ thất bại. Có thể hôm nay bạn chưa lên đường được vì lý do khách quan hay chủ quan nào đó, nhưng đừng bao giờ quay lưng với ước mơ chính đáng của mình, đừng bao giờ nghĩ rằng một đất nước hùng mạnh hay một viên chức visa nào đó sẽ quyết định những ngày tháng phía trước của bạn, sẽ có thẩm quyền khiến cho người Việt chúng ta khi nào lắng nghe hoặc khi nào mở miệng nói. Hãy nói những điều chính đáng phải nói, dù thành hay bại, vì một tấm visa không thể có giá trị hơn lòng tự trọng của bản thân.
Nguyễn Trường An
Các thao tác trên Tài liệu