Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / "Yêu độn" thời nay

"Yêu độn" thời nay

- Bùi Trọng Liễu — published 21/05/2008 12:38, cập nhật lần cuối 23/05/2008 21:12


“ Yêu độn ” thời nay


Bùi Trọng Liễu


18 năm trước đây, tôi có viết bài báo mang tên “ Yêu độn ” (đăng trên Đoàn Kết số tháng 5/1990, xem nguyên bản dưới đây). Tôi trích đoạn mở đầu bài đó :

«  Một anh bạn sống trong nước tâm sự : Trong những năm tháng gian khổ, người Việt Nam đã phải “ ăn độn ”, cơm lẫn ngô, khoai, mì. Ngô, khoai, mì mà ngon, thì cũng nhiều người thích ăn tự nguyện ; chữ “ độn ” chỉ dùng trong trường hợp không ngon mà buộc phải ăn lẫn vào. Nhưng khó sống hơn nữa, là phải “ yêu độn ”, nghĩa là yêu nước phải ghép với yêu xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội nhân ái, thì nhiều người yêu tự nguyện ; nhưng đừng buộc người khác phải “ yêu độn ”, nghĩa là phải giả yêu một thứ chủ nghĩa xã hội nào đó để được yêu nước ».

Tất nhiên, ngày nay chuyện nói trên không còn là thời thượng nữa. Nhưng lại có những chuyện khác ; tôi tạm dẫn thí dụ của ngành giáo dục đào tạo.

Tôi vốn là một nhà giáo. Tôi mơ nghề này từ thuở còn thơ ấu, và đã chịu mọi khổ ải để đạt được mức độ hành nghề và đã thực sự hành nghề trong 40 năm. Vì thế mà tôi nghĩ là tôi đồng cảm với đa số nhà giáo trong nước, những thày cô đã chọn nghề này vì sứ mạng của nó. Nhưng khi một nền giáo dục đào tạo – thay vì “ bình thường ” như ở các nước đã phát triển hay ở một số nước đang phát triển – đang bị một khuynh hướng “ ưu tiên lợi nhuận ” áp đảo, thì sự yêu nghề giáo phải chăng cũng là một thứ “ yêu độn ” ? Các thứ  “ độn ” đây – buộc lòng phải “ nuốt ” để có thể hành nghề – là những tình trạng bất cập, thí dụ như : sự bất bình đẳng giàu nghèo trong việc học ; công tư lẫn lộn, học phí và các khoản “ phí ” khác nặng nề ; bạo lực trong trường học ; vệ sinh trong trường học ; bệnh thành tích ; sự buộc lòng nhà giáo phải tìm cách kiếm thêm để có thể nuôi mình và gia đình mình vì lương không đủ trong khi ngân quĩ của bộ giáo dục chưa được giải thích chi tiêu rõ ràng ; sự chịu đựng những ngôn từ và “ triết lý ” mà một số nhân vật chế biến ra để che đậy ý đồ của mình – như “ xã hội hóa ” giáo dục, kỳ thật ra để đẩy gánh nặng lên vai người dân ;  “ cổ phần hoá ” trường học ; giáo dục là hàng hoá (thuận mua vừa bán) ; có “ cầu ” (kỳ thật ra là muốn có bằng cấp mà không cần trình độ tương xứng) thì phải có “ cung ” ; sự tồn tại của sự “ học tại chức ” (và nếu “ bận ” thì gửi người học thay) cũng được phát bằng như hệ chính quy ; học giả bằng thật ; trường đại học mở tràn lan mặc dù chưa có đội ngũ nhà giáo tương xứng ; sự nhà giáo lương thiện đành chung sống trong đội ngũ của mình với những kẻ đạo văn, kẻ giả mạo bằng cấp, kẻ tiếm xưng, vv… (Tôi có phát biểu và viện dẫn chi tiết qua sách báo : nếu cần, xin mời mở xem trang mạng : buitronglieu).

Tôi không rõ đối với nhà giáo, về mặt cá nhân, “ yêu độn ” ngày nay có dễ hơn “ ăn độn ” thuở kinh tế khó khăn không ? Nhưng về mặt lợi ích của tập thể, của đất nước, của dân tộc nói chung, thì sự “ yêu độn ” này là nỗi đau xót cho nhà giáo lắm, nhất là khi đa số các gia đình học sinh – « muốn sang thì bắc phù kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy » – và dư luận nói chung, cũng chia sẻ sự đau xót này.

19-5-2008



Yêu độn

Bùi Trọng Liễu

(dưới bút hiệu Ng.V., đăng trên Đoàn Kết số tháng 5/ 1990)


Một anh bạn sống trong nước tâm sự : Trong những năm tháng gian khổ, người Việt Nam đã phải “ăn độn”, cơm lẫn ngô, khoai, mì. Ngô, khoai, mì mà ngon, thì cũng nhiều người thích ăn tự nguyện; chữ “độn” chỉ dùng trong trường hợp không ngon mà buộc phải ăn lẫn vào. Nhưng khó sống hơn nữa, là phải “yêu độn”, nghĩa là yêu nước phải ghép với yêu xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội nhân ái, thì nhiều người yêu tự nguyện; nhưng đừng buộc người khác phải “yêu độn’”, nghĩa là phải giả yêu một thứ chủ nghĩa xã hội nào đó để được yêu nước.

Lời tâm sự đó làm tôi băn khoăn. Cho nên tôi muốn trở lại dĩ vãng của thời đầu Cách mạng và những năm gần đó, như để tìm một sự an ủi rằng thuở đó, với cụ Hồ, không có dấu vết của sự ép buộc mọi người phải “yêu độn”, mà chỉ có sụ kêu gọi và đề cao lòng yêu nước, yêu dân tộc, yêu độc lập, tự do, bình đẳng , bác ái… và vì vậy, tôi trích linh tinh dưới đây một số lời phát biểu của Cụ hoặc lời chứng về Cụ thời đó.

I. (Trích “Thư gửi đồng bào Nam bộ”, 31-5-1946):
“[…] Năm ngón tay cũng có ngón dài ngón ngắn. Nhưng ngắn dài đều hợp nhau nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải công nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít nhiều lòng ái quốc. […]. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai sẽ vẻ vang”.

II. (Trích Người Bình Xuyên, của Nguyên Hùng ; Nxb CAND):

“ [1945…] Giữa lúc Sài Gòn đang chuẩn bị bảo vệ nền độc lập mới giành được thì từ chiến khu Đông Triều, khu trưởng Nguyễn Bình được lệnh của Bộ Tổng vào Nam thống nhứt các lực lượng võ trang của mấy chục nhóm. Công việc không phải dễ, nhưng Nguyễn Bình hăng hái ra đi vì tin tưởng nơiông cụbiết dùng người đúng chỗ. Phải là tay hảo hớn mới quy tụ được các bậc giang hồ mã thượng trong Nam […]” (1).


III. (Hồ chủ tịch trả lời các nhà báo tháng 1-1946) :

Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành ”.


IV. (Lời Hồ chủ tịch đề tặng (bằng tiếng Pháp) dưới một bức chân dung, năm 1946, khi thăm nước Pháp):

Ước vọng thiết tha nhất của nước Việt Nam là đi theo con đường của nước Pháp [Cách mạng] 1789, của cuộc Kháng chiến và Giải phóng [của Pháp 1940-1944] ”.


V. (Trích “Báo cáo về dự thảo hiến pháp" Hồ chủ tịch đọc ngày 18-12-1959):

“ […] Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà : có quyền làm việc; có quyền nghỉ ngơi ; có quyền học tập ; có quyền tự do thân thể ; có quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, biểu tình ; có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào ; có quyền bầu cử, ứng cử, vv...”.


VI. (Trích thư Hồ chủ tịch viết cho giám mục Lê Hữu Từ, 1-2-1947 (2)):

“ […] Trong Hiến pháp nước ta đã định rõ quyền tự do tín ngưỡng […], tôi tin rằng vị cố vấn (3) thân ái và đáng kính của tôi sẽ làm hết sức mình để tạo sự hiệp nhất giữa mọi người, không phân biệt tôn giáo, nhằm chống lại bọn ngoại xâm. Xin Đức Cha cầu Chúa ban phúc lành cho đất nước ta, để cuộc kháng chiến của chúng ta đạt thắng lợi ”.

(Trích thư Hồ chủ tịch viết cho giám mục Lê Hữu Từ, 2-3-1947):

“ […] Đường lối và mục đích của chính phủ nhằm ba mục tiêu sau đây : 1) Giải phóng nhân dân khỏi đói, khỏi rét (khổ sở) và khỏi dốt. 2) Đem lại cho nhân dân sự tự do, tự do sống, tự do tín ngưỡng. 3) Bảo vệ nền độc lập của tổ quốc. […] ”.

(Và linh mục Trần Tam Tỉnh luận (2)”:

Cụ Hồ Chí Minh có thành thật trong các thư Cụ viết, có thật tôn trọng tín ngưỡng, và tin tưởng người Công giáo chăng ? Không có một dấu hiệu nào cho phép trách được rằng [Cụ] nói dối. Suốt cuộc đời tham chính của [Cụ], Cụ Hồ là một người yêu nước trên hết mọi sự. […]. Các lời lẽ Cụ phê phán Giáo hội không bao giờ chạm tới khía cạnh Đức tin, nhưng chỉ nằm ở phạm vi các vấn đề cơ chế chính trị”.

VII. (Trích Hai mươi năm qua (1945-1964, việc hàng ngày) của Đoàn Thêm, nxb Nam Chi tùng thư, Sài Gòn, 1966):

- 17-10-1945, chánh phủ Hồ Chí Minh quyết định tổng tuyển cử vào ngày 23-12-1945.

- 18-12-1945, Việt Quốc (4) và Việt Cách (5) chống tổng tuyển cử. Ngày tuyển cử phải dời lại 6-1-1946.

- 18-12-1945, Hồ Chí Minh lại ký thoả ước mới với Việt Quốc và Việt Cách : hai đảng này sẽ không phản đối tuy không tham gia tổng tuyển cử ; Nguyễn Hải Thần sẽ làm phó chủ tịch chánh phủ ; bốn bộ dành cho Việt Minh, bốn bộ cho hai đảng đối lập ; trong Quốc hội tương lai, dành 20 ghế cho Việt Cách, 50 ghế cho Việt Quốc […].

- 6-1-1946, bầu cử Quốc hội. Trong 172765 phiếu bỏ tại Hà Nội, Hồ Chí Minh được 169222. Tất cả có 356 ghế. […].

- 23-2-1946, tướng Tiêu Văn (6), người vẫn bênh vực Việt Quốc và Việt Cách, bị triệu hồi về Tàu.

- 2-3-1946, Quốc hội nhóm họp. […]. Thành phần chánh phủ liên hiệp : chủ tịch Hồ Chí Minh, phó chủ tịch Nguyễn Hải Thần, […], cố vấn Vĩnh Thụy (7).

- 16-3-1946, cố vấn Vĩnh Thụy rời Hà Nội sang Trùng Khánh với một phái đoàn thiện chí (8).

(Trích Nhật ký một chặng đường của Lê Tùng Sơn, nxb Văn học, Hà Nội, 1978):

Thời gian [phái đoàn] ở Trùng Khánh độ hai tháng. Lúc ấy tình hình trong nước rất lộn xộn […]. Vì thế Bác điện cho Vĩnh Thuỵ, bảo để các thành viên trong đoàn về, còn [ông ta] thì ở lại Trung Quốc để chờ lệnh mới […]”.

Đoạn sau của cựu hoàng Bảo Đại thì ai cũng rõ.

Còn Nguyễn Hải Thần ? Sau Hiệp định sơ bộ Việt-Pháp 6-3-1946 ít lâu, quân đội Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch đang đóng ở Việt Nam rút về nước …”.

“ […] Tàn quân Việt Quốc chạy sang Trung Quốc […]. Nguyễn Hải Thần đến Lạng Sơn phải bỏ xe ô-tô lại, vợ chồng con cái bồng bế nhau. Vợ Thần (9) tiếc cuộc đời mệnh phụ, và chức vụ cao sang, [bà ta] chửi rủa Thần không tiếc lời : “ Trước kia mày chửi Trương Bội Công và Vũ Hồng Khanh là đầu cơ cách mạng, nhưng mày thì hơn gì ? Ông Hồ Chí Minh là nhà cách mạng chân chính, […], vậy có lý do gì để mày chống phá ? ”.

Năm 1947, Thần lại quay về Quảng Châu (10) sống bằng nghề bói toán. Sau khi Cách mạng Trung Quốc thành công, Thần viết thư cho chính phủ Trung Quốc tỏ vẻ ăn năn hối lỗi và xin về nước lập công chuộc tội. Bạn (11) hỏi ý kiến ta, Hồ chủ tịch đưa vấn đề ra trao đổi. Có ý kiến muốn đưa Thần về trị tội. Bác bảo đại ý : “ Tội của [ông ta] đáng xử lý. Nhưng nay [ông ta] đã già rồi, cũng chẳng làm gì được. Nên để [ông ta] ở bên đó và giúp đỡ [ông ta] sống qua ngày ”. Thần được giúp đỡ tiền gạo sống đến năm 1959 thì chết ”.

Nhắc lại dĩ vãng, tôi muốn giữ một hình ảnh về Cụ Hồ thời đó : một người đã kết hợp được nhân tâm, giành lại độc lập, hồi sinh cho tổ quốc Việt Nam, đã kêu gọi “ Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết ”, đã từng nói “ Trong mỗi người Việt Nam từ xưa vẫn thường có một người dân yêu nước ”, thời đó đã không ép buộc người khác phải “ yêu độn ”.

(19-5-1990, viết vào dịp kỉ niệm 100 năm ngay sinh Hồ chủ tịch)

(1) Trung tướng Nguyễn Bình, ủy viên quân sự Nam bộ thời đầu Kháng chiến lần thứ nhất.

(2) Nguồn : Thập giá và lưỡi gươm của linh mục Trần Tam Tỉnh, nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 1988.

(3) Giám mục Lê Hữu Từ (Phát Diệm) lúc đó là cố vấn của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

(2) Nguồn : Thập giá và lưỡi gươm của linh mục Trần Tam Tỉnh, nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 1988.

(4) Việt Nam Quốc dân đảng.

(5) Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội.

(6) Tướng trong quân đội Trung hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch, lúc đó đang đóng ở nước ta (từ vĩ tuyến 16 trở lên) để giải giáp quân Nhật, theo quyết định của hội nghị Potsdam.

(7) Cựu hoàng Bảo Đại.

(8) Phái đoàn do Hồ chủ tịch cử đi gặp Tưởng Giới Thạch. Trùng Khánh lúc đó là thủ đô của Trung Hoa Dân quốc.

(9) Bà này người Trung Quốc (?)

(10) Trung Quốc.

(11) Thời đó chỉ chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us