Arthur C. CLARKE (1917-2008)
Arthur C. CLARKE :
2008, năm kết thúc
của cuộc viễn du không gian Odyssey
Hầu tước Arthur C. Clarke đã từ giã cõi đời vào mùa xuân 2008 ảm đạm, thọ 90 tuổi, để bước qua “cổng tinh tú”, như trước đây, vào năm 2001 của cuộc viễn du Odyssey trong không gian, nhà du hành vũ trụ David Bowman đã đưa chân quá bộ. Trong kí ức tập thể, AC sẽ được ghi nhớ là tác giả kịch bản cuốn phim bất hủ của Stanley Kubrick, nhưng đối với những người thực sự say mê thể loại văn học “SF” (Science Fiction), Arthur C. Clarke chiếm một vị trí quan trọng hơn nhiều : ông là người khổng lồ cuối cùng của dòng văn học “SF kinh điển”.

Arthur C. CLARKE (1917-2008) ảnh chụp tại nhà năm 2005 tại Sri Lanka
“SF kinh điển”
là gì ? Nếu phải nói giản lược
– do đó có phần phiến diện
và thiếu chính xác – thì có
thể tóm gọn như sau : nếu không
kể các nhà văn tiền bối đã
mở đường, như Jules Verne (trong Hại
vạn hải lí dưới đáy biển
hoặc Từ
Trái Đất đến Mặt
Trăng) hay Herbert G. Wells (trong Chiến tranh
giữa
các thế giới và Cỗ máy thời
gian), có thể nói thể loại này
đã ra đời trong những năm 1930 tại
Hoa Kì với những tập san « pulp »,
nghĩa là những tờ báo giá rẻ,
in trên giấy xấu, như Amazing
Stories hay Astounding
Stories. Cụm từ khá xấu xí
science-fiction (hư cấu khoa học) do Hugo Gernsback
(người Mĩ) tạo ra cũng vào thời
gian này. Khởi thuỷ, nó được
dùng để gọi tên loại văn
chương tư biện dựa trên khoa học
kĩ thuật để : hoặc tạo ra bối
cảnh cho những cuộc phiêu du miên viễn
(những « opera
không gian » mà
bộ phim Star Wars là điển hình trong
điện ảnh), hoặc để « ngoại
suy » thêu dệt nhưng vẫn ở
trong phạm vị « có thể có
thật » (tức là văn học « dự
tưởng khoa học », hay « SF
cứng » mà Clarke được coi là
bậc thầy). Tới những năm 70-80, những
cuộc khủng hoảng kinh tế – xã
hội liên tiếp dẫn tới khủng hoảng
lòng tin về « tiến bộ »,
khiến cho thể loại « SF
kinh điển »
với những « khái niệm »
như thám hiểm vũ trụ,
du hành
trong thời gian... từng bước nhường
chỗ cho thể loại SF « hiện đại »
hơn, với những chủ đề như quá
trình của xã hội, tiến trình
của loài người... Cố nhiên phải
nói tới Philip K. Dick, « người
biến đổi những vực thẳm nội
tâm », nhiều lần đã được
đưa lên màn ảnh (Blade
Runner, Total
Recall...) và không ít lần bị phản
bội. Bước sang thế kỉ 21, dường
như loại hình SF trở thành « chủng
loại đang mai một », hoặc vì
nó đã vắt kiệt những chủ
đề độc đáo (hiện thực
đã bắt kịp tưởng tượng),
hoặc là nó đã hoà nhập
vào dòng chảy chung của văn học : độc
giả của J.G. Ballard (tác giả Đế
chế mặt trời / Empire of
the Sun hay Crash,
do
Spielberg và Cronenberg dựng thành phim), mấy
ai biết rằng nhà văn này bắt đầu
sự nghiệp bằng những tác phẩm
« dự tưởng khoa học » ?
Còn cuốn The
Road (Con
đường) mới
đây của Cormack Mccarthy (giải thưởng
Pulitzer 2007) kể lại cuộc lữ du của
hai cha con sau một đại hoạ mà độc
giả cũng đoán là do vũ khí
hạt nhân, rõ ràng đó là một
chủ đề « SF » tiêu biểu.
Ta hãy trở lại Arthur C. Clarke. Sinh trưởng trong một gia đình cha làm kĩ sư, từ nhỏ, cậu Arthur đã mê say thiên văn học, đến mức thông thuộc cảnh quan Mặt Trăng hơn cả đường đất quê hương Somerset của mình. Đang học đại học khoa học thì Chiến tranh Thế giới lần thứ hai bùng nổ. Lợi dụng cơ hội trong quân đội, Clarke làm huấn luyện viên vô tuyến, sau đó tham gia những công trình đầu tiên về radar và những thử nghiệm về đáp xuống đất do điều khiển từ mặt đất. Chiến tranh chấm dứt, Clarke vào học King's College để thi tốt nghiệp, nhưng bị « ma văn chương » hớp hồn : viết những bài báo phổ biến khoa học, và hầu như cùng một lúc, sáng tác « SF ». Là tác giả những bài báo phổ biến khoa học đồng thời là chủ tịch Hội liên hành tinh của nước Anh, Clarke đã góp phần quan trọng hàng đầu trong việc truyền bá ý tưởng thám hiểm không gian vào cuối thập niên 40, đầu thập niên 50. Tên tuổi ông được ghi vào lịch sử kĩ thuật với bài báo nổi tiếng, viết năm 1945, nhan đề Wireless World (Thế giới vô tuyến) trong đó ông tiên đoán sẽ có những vệ tinh địa tĩnh (tức là những vệ tinh nằm trên mặt phẳng xích đạo, quay cùng vận tốc quay của trái đất, nên nhìn từ mặt đất, chúng như bất động). Chính vì thế mà sau này, Liên hiệp Quốc tế Thiên văn đã vinh danh ông bằng cách đặt tên quỹ đạo địa tĩnh 35 000 km là « Quỹ đạo Clarke ». Một tiên liệu khác về viễn thông (ít nổi tiếng bằng) là tiên liệu viết trong truyện ngắn năm 1960, I remember Babylon, trong nó tác giả coi thành Babylon trong Thánh Kinh như biểu tượng của « thôn làng toàn cầu » suy đồi, bị hủ hoá vì chìm ngập trong những hình ảnh bạo lực, dâm dục mà những công ti truyền thông siêu quốc gia không ai kiểm soát nổi ngày đêm tán phát bằng vệ tinh. Thực tế ngày nay cũng không xa tình huống ấy, tuy không hoàn toàn theo chiều hướng mà Clarke vạch ra : các xã hội buông tuồng mất hết kỉ cương chưa chết trong bạo lực và dâm ô, nhưng hiển nhiên là các xã hội toàn trị có đầy đủ lí do để e ngại mạng lưới internet và những cái « chảo » (ăngten parabôn) quái ác.
Câu chuyện siêu hình
Clarke không chịu
nhận danh xưng « nhà tiên tri ».
Ông thường nói : « Tôi
không
muốn làm nhà tiên tri mà làm
nhà thám hiểm. Tôi dự báo
những tương lai tiềm thể chứ không
muốn bói toán ». Trong khoảng
một trăm tiểu thuyết và truyện
ngắn đã mang lại danh vọng cho ông,
chúng ta (rất) hiếm thấy những lối
viết dễ dãi – như kiểu « chuyển
sang siêu không gian », « bấm
nút gia tốc siêu quang »... -- mà
những tác giả các loại « opera
không gian » như Star Wars
thường
lạm dụng. Trong tác phẩm của Clarke,
điểm xuất phát thường là
một tiên đề « có thể
chấp nhận được » (thậm
chí có thể thực hiện được)
đứng về mặt khoa học, rồi từ
đó tác giả suy diễn, ngoại suy
đến tận cùng các hệ quả.
Cái giá phải trả cho cách tiếp
cận « công nghệ học »
này là mạch tiểu thuyết dễ trở
thành khô khan, đó là khuyết
điểm mà ông không tránh khỏi.
Cuốn tiểu thuyết đầu tiên được
công bố (Prelude
to Space / Khúc
dạo đầu
cho không gian, 1951) kể lại quá tỉ mỉ
những chi tiết kĩ thuật về cuộc
chuẩn bị du hành trong không gian, khiến
người đọc có cảm tưởng
đang đọc tập tài liệu chuẩn
bị quảng cáo dụ dỗ khách hàng bay chuyến bay đầu đời. Còn một
trong mấy cuốn tiểu thuyết cuối cùng
của ông, The
Fountains of Paradise (Nguồn
nước
Thiên đường, 1979), khai thác khái
niệm « thang máy không gian »
làm bằng vệ tinh địa tĩnh nối
liền với Trái Đất bằng một
« sợi dây đơn hạt nhân ».
Độ bền của sợi dây có lẽ
là điều phịa duy nhất của tác
giả, ngoài ra toàn bộ cuốn truyện chẳng khác báo cáo của một
doanh nghiệp công nghệ. Khô khan đến
mức đó thì đọc loại
« opera không gian » còn đỡ
chán hơn... Có lẽ cũng ý thức
được nhược điểm ấy nên
về cuối đời, ông thường xuyên
viết chung với một đồng tác giả
: một người đưa ra khái niệm
cơ bản, người kia triển khai lớp
lang cốt truyện. Thí dụ bộ truyện
dài 6 tập Venus
Prime (Trạm
khởi hành
: Sao Kim, 1987), viết chung với Paul Preuss, kể
lại những cuộc phiêu lưu -- trong khuôn
khổ ràng buộc của phong cách « SF
cứng » -- của một nữ du hành
gia kiêm tuyệt thế giai nhân, đóng
căn cứ trên Sao Kim (mà tên Âu-Mĩ là hành tinh Vệ Nữ). Nếu phải
đơn cử tác phẩm hoàn bích,
kết hợp được tài ngoại suy
khoa học và dàn dựng tiểu thuyết,
thì có lẽ phải kể Rendez-vous
with
Rama (Cuộc
hẹn với Rama, 1972) : các nhà
thiên văn học đã phát hiện
một sao chổi mới, đặt tên là
Rama (tên một vị thần của Ấn Độ
giáo), nhưng khi « sao chổi »
tiến sâu vào thái dương hệ,
đội thám hiểm bay từ trái đất
mới nhận ra đó là một con tàu
vũ trụ khổng lồ, tỉ như con thuyền
Nô-ê, bị cái lạnh của không
gian liên tinh tú làm đông giá,
nhưng sẽ dần dần hồi sinh khi nó
bay gần tới mặt trời ; cuốn truyện
kể lại cuộc gặp gỡ ngắn ngủi
với tàn dư của một nền văn
minh xa lạ, trước khi Rama lại bay xa vào
cõi mênh mông...
Tới đây, những
người say mê Odyssey trong không gian chắc
đang tự hỏi liệu có gì liên
quan giữa con người viễn kiến thuần
lí như Descartes mà chúng tôi vừa
phác hoạ chân dung với « Năm
2001 », với những giây phút xuất
thần đầy chất thơ, những ẩn
dụ kỳ bí, những âm hưởng
siêu hình... Then chốt chính là đây
: siêu hình. Clarke thú nhận là thời
trẻ, cuốn sách đã làm ông
xúc động « một cách cơ
bản » là tác phẩm của Olaf
Stapleton, Last
and first men (Những
con người cuối
cùng và đầu tiên), kể lại
lịch sử hai tỉ năm của con người,
kinh qua mười tám nhân loại. Chính
« xúc động nền tảng »
này đã làm nảy sinh « ám
ảnh siêu hình » – mà ta
chớ nên lẫn lộn với tình tự
tôn giáo – khiến cho tác phẩm
của Clarke chứa đựng một chiều
kích tâm linh không thấy nơi các
tác giả « SF » khác. Bí
tích của sự Sáng Thế luôn luôn
cật vấn Clarke – khi ông lo sợ hay giả
vờ cười cợt : trong truyện ngắn
nổi tiếng, The
Star (Ngôi
sao, 1955), ông mô
tả vấn nạn lương tâm của một
linh mục Dòng Tên tháp tùng một
đoàn thám hiểm tìm ra một nền
văn minh đã chết trên một hành
tinh cháy thành vôi sau cuộc bùng nổ
của thái dương – một « nova »
mà sau khi tính toán, họ khám phá
ra đó chính là ngôi sao... Bethléem
(trong Kinh Thánh). Chẳng lẽ Tạo hoá
đã đốt cháy những gì mình
sinh ra để báo tin mừng cho những sinh
vật khác ? Trong Chín tỉ tên
gọi
của Thượng Đế (1967), những tu sĩ
Tây Tạng quay mãi bánh xe cầu nguyện
cũng mỏi tay, bèn quyết định sắm
một máy tính siêu đẳng để
tìm cho ra tên gọi chính thực của
Thượng Đế... và họ đã
thành công ! Còn « Câu truyện
lịch sử SF trường giang chưa bao giờ
kể » (1966) thì chỉ vỏn vẹn
mấy chữ : « Thượng
đế ra
lệnh : ngừng chương trình Sáng
Thế ! Thế là vũ trụ tiêu ma ».
Trước bí ẩn
của sự sống, nhất là trong những
truyện cực ngắn mà ông sáng
tác, Clarke viết với một giọng văn
khác lạ, chẳng hạn khi ông mô tả
một thứ dung nham thông minh trên Thuỷ
Tinh (The wind from the Sun
/ Gió từ Mặt trời,
1964), hoặc việc một nhà thám hiểm
« có gien biến cải » đã
khám phá rằng mình có thêm nhiều giác
quan mới để sống còn trong những
trận bão methan trên vệ tinh Titan của
Sao Thổ (Saturn
rising / Sao
Thổ mọc, 1961). Song
bí ẩn về Con Người mới là
nguồn cảm hứng, cật vấn nhà văn
một cách gần như kỳ bí. Trong
truyện ngắn đầu tay (The Sentinel / Người
lính canh, viết năm 1948, bị từ chối,
1951 mới xuất bản) kể chuyện tìm
thấy trên Mặt trăng một hiện vật
kì lạ, dường như ai đó, không biết từ thế giới xa lạ nào, đã
cố ý chôn giấu để một ngày kia loài
người phát hiện ra. Trong kiệt tác
Childhood's
End (Kết
cuộc tuổi thơ, 1953),
Clarke kể chuyện một giống người
thượng đẳng (Vương chủ)
bay tới
Trái Đất, tiếp quản mọi việc
trên thế giới, thiết lập nền hoà
bình toàn cầu và đưa xã
hội loài người tiến lên hạnh
phúc tưởng như vĩnh hằng –
tất nhiên cũng gặp sự kháng cự của một số người. Phải đến gần cuối
truyện, bí mật mới được tiết
lộ : Vương chủ
không phải là
chủ nhân gì, mà chỉ là những
người đầy tớ, một giống người
chuyên làm nhiệm vụ « đỡ
đẻ », theo dõi sự tiến hoá
của những chủng loại sinh vật thông
minh, đưa họ lên một trình độ
tiến hoá cao hơn, hấp thu được
một « siêu tinh thần » hoàn
vũ. Tên cuốn tiểu thuyết là Kết
cuộc Tuổi thơ, một tuổi thơ kết
cục trong sự kết liễu hoàn toàn
của Trái Đất già nua, trong sự
thủ tiêu toàn bộ nhân loại cũ.
Mỉa mai và ác độc hơn nữa :
các « Vương chủ »
thì
mãn đời vẫn phải sống kiếp
trẻ thơ, không bao giờ được
tiến lên trình độ tiến hoá
cao hơn.
Không biết huân tước Arthur C. Clarke đã tiến lên trình độ cao cấp nào, chỉ biết tác phẩm của ông, từ « Người lính canh » đến « Năm 2001 », qua « Kết cuộc Tuổi thơ », trước sau vẫn là một ám ảnh siêu hình, đặc điểm độc đáo của một nhà văn mà lẽ ra phải gọi là nhà văn « duy khoa học ». Một nhà văn mà thế kỉ này sẽ không còn gặp lại nữa, với cái đà « SF » còn lại hiện nay.
Đ. T.
Các thao tác trên Tài liệu