ĐẤT TRỜI QUÊ HƯƠNG
ĐẤT
TRỜI QUÊ HƯƠNG
Nguyễn Xuân Xanh
Bốn trăm năm thiên văn học, tính từ năm 1609 khi Galilei hướng chiếc viễn vọng kính lên bầu trời để quan sát vũ trụ để khám phá sự vận hành và hình thành của vũ trụ, cũng như năm Kepler hoàn tất việc chứng minh quỹ đạo của các hành tinh là hình ellip xung quanh mặt trời, và một trăm năm mươi năm thuyết tiến hóa của các chủng loài tồn tại trên trái đất, tính từ năm 1859, lúc Charles Darwin hoàn tất thuyết tiến hóa của ông qua cuốn sách cột mốc “Nguồn gốc của các loài”. Cả hai có một mục đích chung: đi tìm lại quê hương của con người, một phần trên mặt đất và một phần trong vũ trụ, để hiểu hiện tại và tương lai hơn.
“Hành tinh quê hương” của con người trước đe dọa của sự hủy diệt bởi chính nó. Con người cùng với trái đất mỗi ngày 24 giờ du hành một đoạn đường dài hơn 2.5 triệu cây số xung quanh mặt trời, chưa kể sự du hành của hệ mặt trời trong vũ trụ. Chúng ta không hề cảm nhận được sự kỳ diệu ấy; bầu không khí vẫn đứng yên, không hề bị ảnh hưởng chút nào từ chuyển động nhanh như tên bay ấy. Ngoài màu xanh nước biển của hành tinh ra, vũ trụ là một màu tối đen vô cùng tận, trừ những vì sao lấp lánh ở xa. Con người như sống trong một bào thai mầu nhiệm của bà mẹ vũ trụ, và cuộc sống của muôn loài được che chở một cách mầu nhiệm. Nhưng “con người thông minh” - homo sapiens - có thể hủy diệt nó trong vài thập kỷ tới. |
Không hiểu được sự tiến hóa của trời và đất, con người không thể nào là những đứa con của tạo hóa, không bao giờ trưởng thành và hoàn thiện để làm “người” cả. Chúng ta không phải chỉ sinh ra trên mặt đất, mà còn được sinh ra ở trên trời. Con người từ thời Cổ đại đã cảm nhận không thể nào hoàn thiện mình mà không biết về trời, cũng giống như nhà nghiên cứu lịch sử khoa học Pháp Alexandre Koyré đã viết về sự hình thành và trưởng thành của ngành vật lý, ngành cốt lõi của các khoa học tự nhiên: “Vật lý học mới không phải chỉ được sinh ra trên mặt đất; nó được sinh ra ngang bằng trên trời. Và cũng chính trên trời mà nó đã đạt sự trưởng thành của nó.” Phải hiểu cái huyền diệu của Trời và Đất, về sự hình thành, tiến hóa và cấu tạo, để hiểu cái huyền diệu mà con người đang sống trong đó và có ý thức trân trọng thế giới từng phút từng giây, như sự huyền diệu đang diễn ra xung quanh ta hằng mỗi đơn vị nano thời gian.
“Cây đời” của Darwin nói lên sự hình thành của con người và các loài. Ông diễn tả: “Từ cuộc chiến đấu của thiên nhiên, từ đói khổ và chết chóc, đã trực tiếp nảy sinh ra cái cao nhất mà chúng ta có thể hình dung được: sự sinh ra các sinh vật luôn luôn trội hơn, hoàn thiện hơn. Đó quả là một cái gì cao cả trong cái nhìn về cuộc sống, rằng Tạo hóa đã thổi cái mầm của tất cả sự sống quanh ta vào một ít hình thái hoặc một hình thái duy nhất, và rằng, trong khi hành tinh này quay tròn theo định luật cố định của lực hấp dẫn, thì từ một cái ban đầu đơn giản như thế đã hình thành vô số hình thái đẹp nhất và kỳ diệu nhất.” Trái đất và cuộc sống của muôn loài trên đó quả là mầu nhiệm. Nhưng con người có nguy cơ phá hủy sự mầu nhiệm ấy. |
Con người là sản phẩm tuy không hoàn hảo của tạo hóa, nhưng rất độc đáo và vô giá. Chúng ta mang trong người không những các ‘vết xưa’ của cuộc tiến hóa trên mặt đất, mà còn mang những dấu vết của tiến hóa vũ trụ hằng tỉ năm trước. Từ đâu có các nguyên tố sắt trong cơ thể chúng ta, nếu không phải từ các vụ nổ supernova? Làm sao để có một hành tinh như trái đất của chúng ta có những điều kiện thuận lợi cho sự nảy nở và phát triển của sự sống: ở một khoảng cách vừa phải đối với mặt trời, để khỏi bị nóng cháy hay băng giá; có một trọng lượng vừa phải để giữ được bầu khí quyển bền vững; quay với tốc độ vừa phải xung quanh trục của nó để bề mặt nó không bị nóng cháy hay băng giá bởi ánh sáng mặt trời? Con người gần như là một sản phẩm “độc nhất vô nhị” trên quả đất như Stephen J. Gould, nhà động vật học và địa chất học tên tuổi của Harvard đánh giá:
Con người không phải là sản phẩm cuối cùng của một sự tiến bộ có thể nhìn thấy trước được của sự tiến hóa, mà là một kẻ đến sau ngẫu nhiên vũ trụ, một nhánh nhỏ xíu của cái bụi rậm sum suê không thể tưởng được của sự sống, mà, nếu mọc lại một lần thứ hai từ hạt giống, thì gần như chắc chắn rằng bụi rậm ấy sẽ không cho ra nhánh này một lần nữa, hay nói chung, chẳng cho nhánh nào với một tính chất chúng ta gọi là ý thức.
Con đường nhận thức là một cuộc mạo hiểm khám phá kỳ thú thu hút biết bao trí tuệ của bao đời, nhưng không phải lúc nào cũng bằng phẳng, và lúc nào cũng được trải bằng vinh quang cho họ. Các thế lực quyền uy bao giờ cũng muốn kéo bánh xe lịch sử lại. Tư duy của họ đã bị buột chặt vào “hệ quy chiếu” đứng yên của môi trường thô thiển họ đang sống, nói theo ngôn ngữ của thuyết tương đối. Họ lấy hệ quy chiếu trên mặt đất để thay thế hệ quy chiếu trên mặt trời, cho phù hợp với sự ngạo mạn của họ muốn lấy con người làm trung tâm vũ trụ và bá chủ của vạn vật. Cho đến khi họ bị giật mình bởi những khám phá khoa học làm rung chuyển hệ quy chiếu của họ. Các hành tinh không phải quay xung quanh trái đất trên các đường cong epicycle với các thắt nút như Ptolemy đã nhìn thế giới từ quả đất, mà các hành tinh quay trên các quỹ đạo ellip xung quanh mặt trời! Đó là cuộc cách mạng Copernicus. Thời gian và không gian của hệ quy chiếu trên mặt đất là khác với thời gian và không gian của hệ quy chiếu trên mặt trời. Đó là cuộc cách mạng của Einstein. Con người không phải là được cho trước như hình dáng nó có hôm nay, mà là sản phẩm của một cuộc tiến hóa trường kỳ của thiên nhiên, và có cùng nguồn gốc và “bà con” với các loài khác. Đó là cuộc cách mạng của Darwin. Và con người còn tiến hóa nữa, chưa biết về đâu, tiến hóa với công cụ sắc bén hai lưỡi mà nó đã tạo ra trong hơn hai nghìn năm: tri thức - dưới sự sử dụng của con người qua cái được gọi là “cơ chế kinh tế thị trường”.
Cuộc đối đầu giữa Galileo Galilei, người lèo lái chiếc xe cách mạng khoa học nhằm thoát ra tư duy thời Trung cổ một bên, và thế lực nhà thờ, quyền uy mạnh nhất bấy giờ bên kia, nhằm đánh sập chiếc xe khoa học mới được xây lên, và đánh ngã người lèo lái nó. Nhưng sau bản án lịch sử ô nhục 1633 cho Galilei chiếc xe của cuộc cách mạng ấy vẫn lăn bánh mạnh mẽ, càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết với cả một đạo quân cách mạng ngày càng đông đảo lèo lái nó. Galilei gục ngã, như để “chịu tội” cho khoa học, chúng ta xin nghiêng mình cám ơn, như chúa Jesu cũng đã từng chịu tội cho nhân loại, về cái tội “ăn phải trái cấm” của Thượng đế. Nhưng hệ quy chiếu lấy cái ta làm trung tâm lần lượt bị sụp đổ, sau Galilei đến Newton, rồi Darwin, rồi Einstein, để nhường chỗ lại cho các hệ quy chiếu khách quan hơn, “bình đẳng” hơn của khoa học hiện đại trong một một bầu trời thông thoáng hơn.
Năm 2009 UNESCO đã kêu gọi thế giới kỷ niệm hai sự kiện quan trọng đó: 400 năm thiên văn học và Galileo Galilei, và 150 năm thuyết tiến hóa và Charles Darwin (200 tuổi). Nhóm chủ biên Chu Hảo, Nguyễn Quang Riệu, Trịnh Xuân Thuận, Nguyễn Xuân Xanh và Phạm Xuân Yêm đã kêu gọi các nhà khoa học, nghiên cứu Việt Nam trong và ngoài nước tham gia vào Kỷ Yếu kỷ niệm hai sự kiện lớn trên. Kết quả là hai tập Kỷ yếu, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học. Ngoài những bài khoa học như của Gs Jürgen Renn (Berlin), Pierre Darriulat (Hà nội), Thérèse & Pierre Encrenaz (Paris), C. Cézarsky (Paris), Trịnh Xuân Thuận (Virginia, Giải UNESCO Kalinga 2009), Nguyễn Quang Riệu (Paris), Phạm Xuân Yêm (Paris), Cao Huy Thuần (Paris), Bùi Văn Nam Sơn (TP Hồ Chí Minh), Trương Văn Tân (Melbourne),…, còn có một đóng góp đặc biệt của Thiền sư Matthieu Ricard về Khoa học và Thiền định. Đã quá giờ rồi con người phải tư duy lại hạnh phúc trên trái đất này, trước sự phá hủy hành tinh một cách đáng sợ bởi sự ích kỷ của con người. Con người chỉ là những cái “Gen ích kỷ” như Richard Dawkins nói hay sao, hoặc con người còn mang trong người quá nhiều “phần tử sâu bọ” như Nietzsche nói hay sao?
Xin mời các bạn hãy đến với hai số Kỷ yếu 2009 để ghé mắt sâu vào lòng vũ trụ, ngược thời gian về cõi big bang, hay vào thế giới “cát bụi” đã hình thành chúng ta, gặp lại những người “anh hùng” bốc lửa như Galilei, hay trầm tĩnh như Darwin nhưng mỗi tư duy là một tia chớp, hay hướng mắt về cuộc truy tìm các hạt cơ bản của vũ trụ đang diễn ra với quy mô chưa từng thấy tại trung tâm CERN đề quyết định cấu trúc của vũ trụ.
Nguyễn Xuân Xanh
Diễn Đàn : Số Xuân Canh Dần năm nay, chúng tôi hân hạnh giới thiệu hai Kỷ Yếu Khoa Học kỷ niệm hai sự kiện mầu nhiệm trong đời sống loài người. Năm 2009 là năm cả thế giới kỷ niệm lần thứ 400 từ khi Galilei chĩa viễn vọng kính quan sát bầu trời, và lần thứ 150 từ khi tác phẩm "nguồn gốc muôn loài" của Darwin ra đời. Bài Đất trời quê hương này của Nguyễn Xuân Xanh, chủ biên của hai tập kỷ yếu cùng với các nhà khoa học khác : Chu Hảo, Nguyễn Quang Riệu, Trịnh Xuân Thuận và Phạm Xuân Yêm, nói lên tầm quan trọng của hai sự kiện này. Và do đó các nhà nghiên cứu Việt Nam ở Việt Nam và trên thế giới đã tận tình hưởng ứng. Không những thế Kỷ Yếu còn được sự đóng góp của nhiều nhà Khoa Học thế giới. Sự phong phú và sâu sắc của những đóng góp đa dạng, (mà khi lược qua hai mục lục phụ đính ở cuối bài này bạn đọc thấy ngay) chỉ có thể được tiếp thu một cách lâu dài, nhàn nhã, chậm rãi mở các trang sách để mở rộng hiểu biết và suy tư cùng các tác giả. Vì vậy sáu bài được đưa lên báo mạng trong số xuân này (trong số đó hai bài của Nguyễn Quang Riệu và Phạm Xuân Yêm đã được các tác giả thu gọn gửi Diễn Đàn) chỉ là để mời bạn đọc khai vị.
400 thiên văn học & Galelio galelei
MỤC LỤC
Lời nói đầu |
Nguyễn Xuân Xanh |
9 |
Cuộc cách mạng của
Galilei và sự chuyển |
Jürgen Renn |
23 |
Bước tiến mới trong vật lý tia vũ trụ |
Pierre Darriulat |
51 |
Vũ trụ: từ buổi bình minh đến thời đại nảy sinh sự sống |
Nguyễn Quang Riệu |
73 |
Nhà khoa học lang thang trên Dải Ngân hà |
Nguyễn Đức Phường |
121 |
Không-Thời gian ký sự Từ
Galilei đến |
Võ Văn Thuận |
129 |
Địa Trục, Thiên Hà |
Phạm Xuân Yêm |
153 |
Nước ở ngoài hệ Mặt trời |
Thérèee Encrenaz |
189 |
Observations from Space at submillimeter wavelength open a new window on the Universe |
Pierre Encrenaz & Gérard Beaudin |
205 |
The International Year of Astronomy 2009 in Asia: bringing a rich past into the modern world |
Catherine Cesarsky, Pedro Russo, Kevin Govender, Lee Pullen |
211 |
Phát triển ngành thiên văn ở Việt Nam |
Nguyễn Đức Phường |
221 |
Vài điều về cách sử dụng
ngôn từ trong |
Đặng Vũ Tuấn Sơn |
235 |
Và con người đã tạo ra vũ trụ |
Trịnh Xuân Thuận |
245 |
Khai sinh của một ngôi sao |
Nguyễn Lương Quang |
261 |
Từ αβγ tới vũ trụ học chính xác |
Mike Turner |
285 |
Năm quốc tế thiên văn 2009 với Việt Nam |
Nguyễn Đình Noãn |
295 |
Galileo Galilei và “Eppur si muove” |
Nguyễn Xuân Xanh |
301 |
150 năm thuyết tiến hoá & Charles Darwin
MỤC LỤC
Lời nói đầu |
Nguyễn Xuân Xanh |
11 |
Tiến hoá như một sơ đồ lý giải |
Bùi Văn Nam Sơn |
27 |
Một số thông tin từ các
quan điểm chung của |
Cao Chi |
61 |
Cái mũi của Darwin |
Cao Huy Thuần |
99 |
Sinh vật lạ giữa chúng ta |
Paul Davies |
125 |
Khởi đầu là sự ngẫu nhiên |
Hà Dương Tuấn |
139 |
Lượng tử của sự chọn lọc tự nhiên |
Seth Lloyd |
169 |
Ảnh hưởng của Darwin đến tư tưởng hiện đại |
Ernst Mayr |
183 |
150 năm thuyết tiến hoá
– Từ Darwin đến |
Nguyễn Đức Hiệp |
197 |
150 năm thuyết tiến hoá |
Trang Quan Sen |
235 |
Thuyết tiến hoá sau Darwin |
Nguyễn Ngọc Hải |
241 |
Darwin thời thanh thiếu niên |
Nguyễn Xuân Xanh |
261 |
Đôi điều suy ngẫm về
cuộc đời, sự nghiệp |
Phạm Thanh Hổ |
275 |
Vốn là thú, ta... |
Phan Huy Đường |
295 |
Khoa học thần kinh và thiền định |
Matthieu Ricard |
313 |
Khoa học thần kinh và đạo Phật |
Trịnh Nguyên Phước |
321 |
Nguồn gốc đơn giản hơn của sự sống |
Robert Shapiro |
367 |
Mô phỏng sinh học: biến
phân tử thành |
Trương Văn Tân |
381 |
Charles Darwin, người
thầy vĩ đại của nhiều |
Võ Quý |
417 |
Đồng tiến hoá ở côn trùng trong điều kiện nhiệt đới Việt Nam dưới ánh sáng của học thuyết Darwin |
Vũ Quang Côn |
431 |
Nhìn lại quá trình giảng dạy học thuyết tiến hoá ở bậc trung học phổ thông ở Việt Nam |
Phạm Văn Lập |
443 |
Hơi thở của sự sống |
Peter Ward |
461 |
Chọn lọc tự nhiên và bệnh ung thư |
Carl Zimmer |
469 |
Các thao tác trên Tài liệu