Bạn đang ở: Trang chủ / KHKT / Đọc " Vũ trụ huyền diệu "

Đọc " Vũ trụ huyền diệu "

- Nguyễn Xuân Xanh — published 30/06/2008 00:39, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21
...càng đọc càng thú vị, như cuộc săn tìm phân tử có liên quan đến sự sống, nghe lỏm tín hiệu của các nền văn minh trong dải Ngân hà, lang thang đi tìm những thế giới khác, những ngọn hải đăng trong vũ trụ, vũ trụ sơ sinh…. Cuối cùng tác giả bàn đến những vấn đề rất thời sự, như vấn đề năng lượng thế giới, hiệu ứng nhà kính... Cuốn sách cũng mô tả cuộc hành trình thứ hai thú vị: hành trình khoa học của chàng trai từ Hải Phòng bên trời Tây, 50 năm liền “lang thang” không những trong vũ trụ mà còn ở những đài thiên văn nghiên cứu hiện đại nhất của thế giới...


ĐỌC “VŨ TRỤ HUYỀN DIỆU”
của GS Nguyễn Quang Riệu, Paris



Nguyễn Xuân Xanh



bia-vu-tru

Vũ trụ vào thời xa xưa là nơi trú ngụ của nhiều loại thần linh huyền bí của con người. Nhưng với Kepler, Galilei đến Newton của thế kỷ 17-18 con người đã biết vũ trụ vận hành như thế nào. Các thần linh như phải “dời chỗ” đi xa hơn. Thuyết tương đối của Einstein thế kỷ 20, và những kỹ thuật quan trắc trong ngành thiên văn ngày càng tinh xảo và chính xác đã mở ra những viễn ảnh của một cuộc “chinh phục” thế giới ngày càng quy mô. Con người đã nhìn được cả chiều dài 13.7 tỉ năm lịch sử với big bang ban đầu, và hướng về những tiên đoán tương lai hằng trăm tỉ năm sắp đến, có lẽ cho đến ngày tận cùng của vũ trụ, trong nỗ lực muốn hiểu biết thấu đáo sự cấu tạo, vận hành, và tiến hóa của vũ tru, để biết tương lai và vận mệnh của chính hành tinh mình.

Con người chinh phục thế giới phần lớn cũng để tìm một tương lai mở rộng, và cả một lối thoát cho chính mình trước những nguy cơ có thể bị diệt vong. Trên bậc thang vũ trụ, sự sống là vô cùng ngắn ngủi và mong manh, có thể bị xóa sổ một lúc nào không biết, do chính con người tạo ra, hay do tai nạn vũ trụ, như sự va chạm với một thiên thạch, sự lắc lư của trục quả đất khiến những cuộc thay đổi khí hậu toàn cầu đe dọa sự sống, hoặc do một supernova không xa lắm nhận chìm hành tinh chúng ta trong bể quang tuyến X, hủy diệt tất cả sinh loài. Định mệnh của nhân loại cuối cùng nằm ở các vì sao, không phải qua chiêm tinh bói toán, mà bằng khoa học. Và “thuộc địa hóa” không gian là mệnh lệnh, để tìm một mảnh đất khác giống trái đất để “di truyền”. Carl Sargan bảo rằng con người “quá quý giá” để chỉ giới hạn vào một hành tinh thôi.


*


Cuốn sách thiên văn “Vũ trụ huyền diệu” của tác giả Nguyễn Quang Riệu, Giáo sư kỳ cựu tại Đài Thiên văn Paris, và Giải thưởng Viện Hàn Lâm Pháp, chính là sự mô tả những cuộc hành trình khám phá kỳ thú này của con người vào vũ trụ, với tất cả những kỳ quan của nó ngày càng trải rộng ra trước mắt người đọc. Càng đọc càng thích thú, càng hồi hộp, nức lòng trước những thành tựu ngày càng to lớn. Thế kỷ 21 được xem là thế kỷ khám phá vũ trụ trên quy mô lớn.

Một trong những phát hiện gây phấn chấn nhất là sự phát hiện tình cờ bức xạ phông năm 1964 (của Arno Penzias và Robert Wilson). Bức xạ này có hệ quang phổ giống hệt như trường hợp của vật đen, đối tượng nghiên cứu đã từng dẫn Max Planck đến khám phá thuyết lượng tử năm 1900. Nó củng cố thêm thuyết big bang: vũ trụ ban đầu là một khối vật chất nổ và cháy đỏ để hình thành vũ trụ hôm nay! Người ta (bằng vệ tinh COBE) đã “chụp ảnh” được mặt mũi của vũ trụ tại thời điểm 380.000 năm, nghĩa là lúc vũ trụ còn trẻ con so với tuổi 13.7 tỉ năm bây giờ. Người ta ví đó là “bộ mặt ông trời” lúc còn sơ sinh.

Rồi đến khám phá tàn dư của những vụ nổ sao khủng khiếp. Con người chết đơn giản, nhưng một vì sao chết rất phức tạp, có thể gây kinh hoàng cho vũ trụ. Vào cuối đời, các ngôi sao hao mòn vật chất, không cưỡng lại được lực hấp dẫn của nó nên sụp xuống và ném cái vỏ đi vào vũ trụ dưới dạng một trận cuồng phong, với tốc độ hàng vạn cây số giờ, phần còn lại biến thành sao trắng lùn cô đặc. Nếu ở gần đó có một vì sao đồng hành, nó sẽ “xơi tái” anh kia luôn, và trở thành nặng hơn giới hạn cho phép (giới hạn Chandrasekhar), nên phải tiếp tục sập xuống để cuối cùng nổ tung để trở thành ‘sao siêu mới’ sáng chói! Vụ nổ để lại một cái lõi vật chất là nơtron, có đường kính rất nhỏ nhưng cực kỳ nặng, tuy chưa đủ cô đặc để trở thành lỗ đen. Đây là những “chú lùn độc hại” của vũ trụ. Nếu quả đất vô phước ở gần đó thì sẽ vĩnh viễn bị xóa sổ. Gần đây người ta khám phá ra một sao nơtron “nham hiểm” lang thang gần quả đất, sao Calvera, “chỉ” cách chúng ta từ 250-1000 năm ánh sáng, đủ gần để làm đối tượng quan sát tiếp tục, và đủ xa để vô hại cho chúng ta. Rùng mình, nhưng cũng rất may.

Một trong những cuộc truy lùng vô cùng hấp dẫn hiện nay diễn ra trong cộng đồng vật lý thế giới, đó là việc tìm kiếm năng lượng và vật chất tối tràn ngập vũ trụ. Nó là gì? Té ra vật chất “sáng” của vũ trụ mà chúng ta có thể quan sát được, và là một phần đã làm nên chúng ta, chỉ chiếm bằng 5% của vật chất vũ trụ thôi không hơn không kém; số 25% còn lại là vật chất tối và số 70% kia là năng lượng, cũng tối luôn. Vũ trụ là một căn nhà tối vô hình khổng lồ, mà con người như những vi sinh vật vô cùng nhỏ trong đó. Nhưng những thứ tối này lại dường như có hoạt động tích cực vào sự vận hành của vũ trụ mà chúng ta chưa biết đến. Và người ta tính toán, dường như nó có liên quan đến cái gọi là “hằng số vũ trụ” của Einstein, cái mà ông đã bỏ đi và cho là “sự ngu ngốc lớn nhất đời tôi” nhằm để giữ cho vũ trụ được cân bằng chống lại hấp lực. Nếu ví toàn bộ vũ trụ là một cái trứng, thì vật chất thấy được, nếu gom lại, giống như cái tròng đỏ vô cùng nhỏ so với cái tròng trắng vĩ đại vô hình bao quanh. Quy luật tác động của nó là gì trong vũ trụ, điều đó đang được nghiên cứu sôi nổi.

sao choi

Sao chổi Tempel 1 bị con người bắn từ trạm phi thuyền tự động để nghiên cứu và tập tự vệ.

Các sao chổi vừa là đối tượng nghiên cứu khoa học để hiểu sự hình thành hệ mặt trời, sự sống trên trái đất, nhưng vừa là một mối đe dọa cho hành tinh chúng ta. Tháng 7 năm 1994 hơn 20 mảnh sao chổi Shoemaker-Levy nối đuôi nhau như những toa tàu, bắn phá hành tinh Mộc trong suốt một tuần lễ liền, giải phóng một năng lượng tương đương với hàng trăm nghìn quả bom nguyên tử! May là không phải trái đất chúng ta. Loài khủng long được xem như bị diệt chủng bởi một sao chổi lớn đâm vào trái đất. Tháng 7, năm 2005 phi thuyền Deep Impact của NASA đã bắn một trạm tự động nặng 400 kg lao thẳng vào sao chổi Tempel 1 để tìm hiểu cấu tạo vật chất của lõi nó, và cũng là để học cách tự vệ.

Đó chỉ là vài đề tài điểm qua trong vô số số đề tài trong cuốn sách vô cùng thú vị của GS Nguyễn Quang Riệu, càng đọc càng thú vị, như cuộc săn tìm phân tử có liên quan đến sự sống, nghe lỏm tín hiệu của các nền văn minh trong dải Ngân hà, lang thang đi tìm những thế giới khác, những ngọn hải đăng trong vũ trụ, vũ trụ sơ sinh…. Cuối cùng tác giả bàn đến những vấn đề rất thời sự, như vấn đề năng lượng thế giới, hiệu ứng nhà kính, dự báo thời tiết trong thời băng tan, nước biển dâng lên, đạo lý trong khoa học, tôn giáo và khoa học, triển vọng, thiên văn học phương Đông, và Việt Nam.

Vũ trụ vẫn không mất đi vẻ huyền bí của nó, mà còn huyền bí hơn khi con người càng hiểu nó. Nhìn vào đó con người thấy mình quá nhỏ bé, và tự hỏi ai đã tạo vũ trụ kì bí này và bằng định luật nào. Cái huyền bí của thần linh được thay thế bởi cái huyền bí của các định luật vũ trụ. Einstein vì thế đã cho rằng ông không hề mất tính tín ngưỡng, mà lại càng có tính tín ngưỡng vũ trụ trước những trải nghiệm khoa học huyền bí. Suốt 30 năm ông đi tìm bản đồ bí mật của “Ông già” – nhưng không thành công, để rồi các thế hệ sau nối tiếp lên đường tìm kiếm.


*


Cuốn sách cũng mô tả cuộc hành trình thứ hai thú vị: hành trình khoa học của chàng trai từ Hải Phòng bên trời Tây, 50 năm liền “lang thang” không những trong vũ trụ mà còn ở những đài thiên văn nghiên cứu hiện đại nhất của thế giới: Pháp, Đức, Thụy Điển, Nhật, Mỹ, Chilê,…. Ông đã ghi chép các quan sát tinh tế, chính xác trong khoa học cũng như về xã hội, văn hóa, cảnh vật xung quanh của nơi ông đến làm việc, không kém phần thi vị văn chương, như muốn để kể lại cho các thế hệ sau biết để cùng chia sẻ và tiếp nối. Ông rời quê hương rất sớm, trước khi đỗ tú tài, vào năm 1950, nhưng ông luôn luôn trau dồi và tỏ ra am hiểu văn hóa đất nước, và văn hóa phương Đông. Tiếng Việt ông sành không thua người Việt Nam trong nước. Cố GS Nguyễn Văn Đạo đã có nhận xét về ông: “Có thể nói vắn tắt về ông như một nhà khoa học uyên bác, đồng thời là một con người rất nhân hậu, luôn luôn sống, nghĩ về mọi người, luôn luôn gần gũi với người dân, gắn bó với quê hương đất nước, luôn luôn giữ gìn được cốt cách phương Đông và ý thức dân tộc”.

Cuốn sách Vũ Trụ Huyền Diệu là một tài sản tinh thần quý giá cho thế hệ trẻ Việt Nam của một Việt kiều đã sống trên năm mươi năm ở nước ngoài nhưng vẫn còn trái tim đập mạnh cho đất nước. Nó cũng là một đóng góp vào giáo dục cho Việt Nam để khơi nguồn cảm hứng và tình yêu khoa học, yêu khám phá thiên nhiên, tinh thần học hỏi cái mới không mệt mỏi. Đây không phải là quyển sách thứ nhất. Ông đã cho xuất bản trước đó nhiều quyển về thiên văn bằng tiếng Việt: “Vũ trụ, phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại”, “Lang thang trên dãi ngân hà”, “Bầu trời tuổi thơ”… và nhiều tư liệu giáo dục, bài báo khoa học phổ thông về thiên văn khác. Tất cả vì tình yêu đất nước và lòng yêu mến khoa học thiên văn. Từ năm 1990 nghĩa là rất sớm ông đã có những đóng góp quý báu vào việc xây dựng ngành thiên văn của Việt Nam.

Cuốn sách Vũ Trụ Huyền Diệu của GS Nguyễn Quang Riệu phải thuộc về Tủ sách của Tuổi Trẻ Việt Nam.


Nguyễn Xuân Xanh

TP Hồ Chí Minh, tháng 6/08

Một phiên bản rút gọn của bài này đã
đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật, ngày 19.6.08.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss