Hợp tác khoa học ở Việt Nam: cơ hội và kinh nghiệm
Hợp
tác khoa học
ở Việt Nam:
cơ hội và
kinh nghiệm
Nguyễn Văn Tuấn
Đối với cá nhân tôi, năm 2010 vừa qua là một năm bận rộn nhất so với những năm trước đây. Những chuyến đi công tác bên Việt Nam có lịch trình kín mít từ ngày đặt chân xuống máy bay đến ngày lên máy bay rời Việt Nam. Nhưng đó là những bận rộn có ý nghĩa, vì qua đó mà mình góp một chút ít công sức cho khoa học bên nhà. Báo chí và nhiều bạn có nhã ý hỏi tôi chia sẻ những kinh nghiệm trong hợp tác nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Thấy câu hỏi cũng đáng để bàn, tôi viết bài sau đây thuật lại “hành trình” hợp tác với các đồng nghiệp trong nước, và rút ra vài bài học chung để chúng ta cùng suy nghĩ cho tương lai.
“Câu chuyện” bắt đầu từ một bài báo trên tập san Science hơn 15 năm trước. Lúc đó, Science dành một số đặc biệt để nói về sự trỗi dậy của các nền khoa học trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng trong loạt bài đó, không có một chữ nào -- dù là chữ “Vienam” -- dành cho Việt Nam. Thấy chuyện bất bình thường, tôi viết một lá thư ngắn (loại phản hồi theo kiểu Letter to the Editor) để nhắc nhở họ rằng Việt Nam vẫn còn đó, chưa biến mất trên bản đồ thế giới, và vẫn đóng góp cho khoa học quốc tế. Sau khi bình duyệt, Science chấp nhận đăng lá thư. Ngoài ra, tổng biên tập Science còn gửi cho tôi một lá thư riêng, trong đó ông giải thích rằng sở dĩ Việt Nam không được nhắc đến trong loạt bài đó là vì ban biên tập không tìm được những bài báo nào đáng kể từ Việt Nam, và cũng chẳng ai ở Việt Nam sẵn sàng liên lạc để trả lời những phỏng vấn cả. Lúc đó, tôi tò mò tìm hiểu trong thư viện y khoa toàn cầu (PubMed) thì chỉ thấy <300 bài báo khoa học từ VN suốt từ thập niên 1960s đến 1990s. Đó là một con số cực kì khiêm tốn. (Cần mở ngoặc ở đây để thêm rằng ngày nay, mỗi năm, Việt Nam công bố được khoảng 300 đến 400 bài báo khoa học liên quan đến ngành y sinh học). Từ đó, tôi và một vài đồng nghiệp cùng chí hướng đã muốn làm một cái gì đó để giúp đỡ bên quê nhà trong lĩnh vực nghiên cứu y học.
Khác với nhiều bạn ở nước ngoài, tôi “làm quen” với nhiều đồng nghiệp trong nước qua những bài viết mang tính khoa học phổ thông, và qua những công trình nghiên cứu của tôi công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế. Do những lí do mang tính kí ức cá nhân, tôi rất quan tâm đến vấn đề chất độc da cam. Kết quả của nỗi “quan tâm” đó là hàng loạt bài báo liên quan đến chất độc da cam, và sau này tổng kết thành một cuốn sách do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản. Cuốn sách sau này in lại bên Mĩ và dịch sang tiếng Pháp và in lại bên Paris (Pháp). Ngoài ra, tôi còn viết có lẽ hàng trăm bài viết liên quan đến nhiều đề tài khoa học, giáo dục, xã hội. Một số đồng nghiệp trong nước cũng biết tôi qua những công trình khoa học liên quan đến loãng xương trong nhiều năm, và có liên lạc để hỏi thăm, tư vấn qua email. Qua cuốn sách, những bài báo phổ thông và công trình nghiên cứu, tôi có cơ duyên làm quen với nhiều bạn bè, một số sau này trở thành học trò và đối tác trong nghiên cứu khoa học ở trong nước.
Quá trình hợp tác khoa học giữa tôi và các đồng nghiệp trong nước đã diễn ra hơn 15 năm, và qua 3 giai đoạn chính. Giai đoạn đầu, tôi tìm hiểu tình hình nghiên cứu y khoa ở trong nước, và nhận dạng ra những ưu khuyết điểm cũng như định hướng cần thiết. Giai đoạn 2, chúng tôi tổ chức những seminar và workshop để huấn luyện về phương pháp khoa học. Giai đoạn 3 là hợp tác thực hiện những nghiên cứu qui mô vừa và lớn, và công bố bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Qua thời gian hợp tác trên, tôi có thể chia sẻ một số bài học và kinh nghiệm cùng các bạn quan tâm.
Từ nhận dạng những vấn đề…
Nghiên cứu y khoa ở Việt Nam là một trong những lĩnh vực khoa học năng động nhất. Tuy nhiên, đại đa số những công trình nghiên cứu y khoa ở Việt Nam chỉ công bố trên các tập san trong nước, mà chất lượng vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Chẳng hạn như trong năm 2004 các nhà khoa học Việt Nam công bố 1111 bài báo y học, trong số này chỉ có khoảng 100 (tức 9%) bài xuất hiện trên các tập san quốc tế. Số liệu thống kê bài báo khoa học trên các tập san quốc tế cho thấy trong thời gian 1996 – 2005, số bài báo khoa học liên quan đến ngành y sinh học chiếm khoảng 23% trên tổng số bài báo khoa học từ Việt Nam, cao hơn các ngành “truyền thống” như toán (khoảng 11%) hay vật lí (13%). “Y sinh học” ở đây bao gồm các chuyên ngành nhỏ hơn như y học lâm sàng, miễn dịch học, bệnh nhiệt đới, y tế công cộng, v.v… Do đó, nếu chỉ tính về số lượng công bố quốc tế, ngành y sinh học đứng đầu trong tất cả các ngành khoa học ở Việt Nam.
Tuy nhiên, con số trên không nói nên một thực trạng là phần lớn các nghiên cứu y sinh học Việt Nam do người nước ngoài làm chủ. Khi chọn số bài báo khoa học trong thời gian 2000-2001, chúng tôi phát hiện rằng trong số 164 bài báo y khoa được công bố trên các tập san quốc tế, có đến 159 bài (97%) là do người nước ngoài hoặc là tác giả đầu hoặc là tác giả chính chịu trách nhiệm cho công trình nghiên cứu. Tỉ lệ "ngoại lực" này cho các ngành khác là 80%. Thật ra, người có số bài báo y khoa nhiều nhất của Việt Nam là một người nước ngoài chứ không phải là người Việt ! Thật ra, hợp tác quốc tế là cần thiết, nhưng hợp tác như thế nào để đảm bảo "chủ quyền" trí tuệ thuộc về Việt Nam đòi hỏi một bản lĩnh và cách làm việc hoặc thương lượng hợp lí.
Một thực trạng khác là chất lượng nghiên cứu y khoa của Việt Nam vẫn còn thấp hơn trung bình. Phần lớn những công trình y khoa xoay quanh các chủ đề mang tính mô tả, công nghệ thấp, và mô hình nghiên cứu rất đơn giản. Có lẽ chính vì thế mà đại đa số (trên 95%) những bài báo y khoa từ Việt Nam chỉ công bố trên những tập san có hệ số ảnh hưởng (impact factor) thấp hơn hoặc bằng 3. Cần nói thêm rằng những tập san có ảnh hưởng lớn trong ngành y có hệ số ảnh hưởng cao hơn 6, thậm chí 50. Vì công bố trên những tập san có hệ số ảnh hưởng thấp, nên không ngạc nhiên khi chỉ số trích dẫn của những công trình này cũng thấp (tính trung bình khoảng 3 trích dẫn sau 5 năm).
Các nhà nghiên cứu Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm nghiên cứu và công bố bài báo khoa học. Khó khăn đầu tiên và có thể nói là lớn nhất là chúng ta vẫn còn thiếu các chuyên gia tầm vóc quốc tế, và vì thế khó có thể chọn đề tài nghiên cứu sao cho theo kịp với tiến bộ của y học trên thế giới. Qua những công trình nghiên cứu y khoa ở Việt Nam (như luận án tiến sĩ, bài báo khoa học đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước) người ta có thể nhận ra sự vụn vặt và tủn mủn trong các đề tài nghiên cứu, những đề tài mà thế giới chẳng quan tâm hay rất ít quan tâm đến. Tuy nhiên, cũng có nhiều người trẻ có ý tưởng tốt, nhưng không có kinh phí thực hiện ý tưởng mình. Cần nói thêm rằng, nhà tài trợ (kể cả cơ quan chính phủ) khó mà cấp kinh phí nghiên cứu nếu nhà nghiên cứu trẻ chưa chứng tỏ mình có khả năng làm nghiên cứu, và thế là một vòng tròn luẩn quẩn khó có lối ra cho cá nhân người có ý tưởng tốt nhưng không có kinh phí để làm. Điều này dẫn đến một nghịch lí là người không có khả năng làm nghiên cứu có giá trị thì nhận được tài trợ, còn người có khả năng làm thì không được kinh phí để thực hiện ý tưởng của mình !
Qua làm việc với các đồng nghiệp trong nước, tôi còn nhận ra họ gặp phải hai trở ngại lớn khi làm nghiên cứu : đó là vấn đề phương pháp khoa học và tiếng Anh. Đại đa số các đồng nghiệp Việt Nam không có cơ hội tiếp cận với các phương pháp khoa học hiện đại, nên họ chưa biết thực hiện ý tưởng ra sao, hoặc khi thực hiện xong thì kết quả khó diễn giải. Một số khác thì được học qua vài lớp tập huấn căn bản về nghiên cứu y khoa (phần lớn là dịch tễ học cơ bản), nhưng vì những lớp học này cũng không có hệ thống, nên họ cũng chưa phát huy được khả năng của mình. Có lẽ đây chính là lí do tại sao các nghiên cứu y khoa ở Việt Nam quá đơn giản, đơn điệu, và không có giá trị khoa học cao. Thêm vào đó, đại đa số các bác sĩ gặp khó khăn trong việc hiểu và diễn giải bằng tiếng Anh, nên họ khó tiếp cận y văn quốc tế một cách có hệ thống. Một số khác tuy có khả năng tiếng Anh, nhưng chỉ dừng lại ở mức độ giao tiếp (tức nói hay dịch), chứ chưa đủ khả năng để viết một bài báo khoa học nghiêm chỉnh.
Những nhận xét trên của tôi được đúc kết từ nhiều năm quan sát và theo dõi. Thật vậy, chúng tôi đã bỏ ra một thời gian dài để theo dõi và phân tích các nghiên cứu từ Việt Nam, và đã "phát hiện" ra những ưu thế cũng như nhược điểm trong nghiên cứu y khoa trong nước. Từ những nhận xét trên, tôi tự hỏi mình phải và có thể làm gì để góp một tay vào việc thay đổi tình hình theo chiều hướng tích cực hơn. Qua liên hệ cá nhân đồng nghiệp với nhau, chúng tôi đặt ra những chương trình làm việc nhỏ, bắt đầu từ những seminar chuyên đề, đến workshop về phương pháp, và sau đó là thực hiện những nghiên cứu y khoa có chất lượng cao.
Đến hợp tác từng bước
Bắt đầu từ những năm giữa thập niên 1990, tôi kết hợp với các đồng nghiệp trong nước thực hiện những seminar nhỏ (hiểu theo nghĩa chỉ giới hạn trong khoảng 30 đến 100 người). Những seminar này chủ yếu giới thiệu một số định hướng nghiên cứu mới trong chuyên ngành. Phần lớn seminar được thực hiện từ những chuyến về thăm nhà mang tính cá nhân, nhưng một số seminar do các công ti dược có nhã ý bảo trợ mà không kèm theo một điều kiện nào. Qua những buổi nói chuyện và trao đổi như thế, chúng tôi có thể xác định được định hướng nghiên cứu thích hợp cho Việt Nam. Thích hợp ở đây hiểu theo nghĩa có thể làm được trong điều kiện còn thiếu thốn về thiết bị, tiền bạc, và môi trường y học ở trong nước cho phép.
Mãi đến giữa thập niên 2000 chúng tôi mới có khả năng thực hiện những workshop về phương pháp và chuyên đề. Bắt đầu từ năm 2004, với sự giúp đỡ về mặt tổ chức từ các đồng nghiệp trong nước, tôi và đồng nghiệp thực hiện những workshop về phương pháp nghiên cứu, di truyền học, và loãng xương tại nhiều trung tâm nghiên cứu từ Bắc chí Nam. Những workshop này thường có từ 70 đến trên 200 người tham gia, và kéo dài từ 3 đến 10 ngày. Tính đến nay, chúng tôi đã thực hiện được hơn 20 workshop như thế ở những trung tâm như Bộ môn Nội tiết (Đại học Y Dược TPHCM), Đại học Y Hà Nội, Viện Nhi trung ương, Đại học Bách Khoa TPHCM, và nhiều bệnh viện cấp trung ương đến cấp tỉnh, kể cả một số tổ chức phi chính phủ. Càng ngày workshop của chúng tôi trở nên có hệ thống hơn và chuyên sâu hơn. Học viên được kiểm định trình độ trước và sau khi học, và thực hành trong lớp học. Những năm sau này, chúng tôi cố đặt ra tiêu chí "outcome" là sau 12 tháng mỗi workshop phải có ít nhất là một bài báo khoa học đăng trên các tập san y khoa quốc tế. Thật ra, trong thực tế, chỉ có một số học viên có thể thực hiện được tiêu chí trên, vì phần lớn là nghiên cứu sinh và mục tiêu của họ là tiếp thu kiến thức và kĩ năng trước khi làm nghiên cứu. Nhìn qua những phát triển cá nhân, chúng tôi có thể nói rằng những workshop như thế đã góp một phần nhỏ vào việc nâng cao kĩ năng nghiên cứu cho một số đồng nghiệp trong nước.
Từ các workshop, tôi nghĩ đã đến lúc có thể hợp tác thực hiện những nghiên cứu y khoa ở Việt Nam. Chúng tôi hợp tác với những học viên đã từng tham dự những seminar và workshop của chúng tôi trong quá khứ. Ngoài ra, tôi cũng tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh cấp tiến sĩ (qua Viện Karonlinska ở Thụy Điển). Về đề tài, chúng tôi tập trung vào những đề tài thiết thực ở Việt Nam nhưng có tầm ảnh hưởng quốc tế và có thể thu hút sự chú ý của giới y khoa quốc tế và những tập san có uy tín cao. Về hình thức, chúng tôi làm theo 2 phương thức là cố vấn và trực tiếp tham gia. Trong phương thức thứ nhất, chúng tôi chọn ra đề tài, cố vấn cho các đồng nghiệp về chọn thiết kế nghiên cứu thích hợp, mô hình thử nghiệm và đo lường, phân tích dữ liệu, và viết bài báo khoa học và công bố quốc tế. Trong phương thức thứ hai, chúng tôi trực tiếp tham gia cùng đồng nghiệp từ khâu ý tưởng đến công bố quốc tế. Chúng tôi nghĩ rằng qua 2 hình thức hợp tác như thế, các đồng nghiệp trong nước dần dần tiếp cận với những định hướng mới trong chuyên ngành, những phương pháp chuẩn, và làm quen với "văn hóa" công bố quốc tế, kể cả làm quen với những qui ước và qui định của các tập san y khoa quốc tế.
Trong thời gian khoảng 10 năm qua (chủ yếu là 5 năm qua), chúng tôi đã công bố được 14 công trình nghiên cứu "thuần Việt" trên các tập san y khoa quốc tế. Một số công trình được công bố trên các tập san số 1 trong chuyên ngành. Một công trình còn được một giáo sư Anh viết xã luận khen ngợi. Có nghiên cứu được hiệp hội chuyên môn của Mĩ liệt kê vào "hot research" (chủ đề nghiên cứu nóng). Trong số 14 bài báo, có 5 bài liên quan đến loãng xương và tiểu đường gây được tiếng vang lớn, được giới truyền thông quốc tế chú ý và đăng tải. Một số tác giả được các đài truyền hình và báo chí phỏng vấn. Ngoài phần lớn những công trình liên quan đến chuyên ngành chính của chúng tôi (loãng xương và nội tiết), chúng tôi còn giúp các đồng nghiệp công bố những công trình liên quan đến dịch hạch và chất độc da cam. Một số đồng nghiệp đã bắt đầu "có tên tuổi" trên trường quốc tế qua những nghiên cứu có chất lượng cao và gây tác động. Trong vài năm sắp tới, số bài báo khoa học sẽ tăng cao hơn sau khi những công trình nghiên cứu qui mô mà chúng tôi đang hợp tác sắp hoàn tất. Chúng tôi hi vọng những công trình này sẽ góp một phần nhỏ nhằm nâng cao vị thế của y học Việt Nam lên một tầm vóc cao hơn trên trường quốc tế.
Và những kinh nghiệm …
Qua nhiều
năm hợp tác với các đồng
nghiệp trong nước, tôi cũng rút ra
vài kinh nghiệm. Những kinh nghiệm này
chủ yếu liên quan đến việc tìm
đề tài thiết thực, đối tác,
phương tiện khoa học, vấn đề
tài trợ cho nghiên cứu, và phản
biện.
Vấn đề ý tưởng. Nghiên cứu khoa học phải bắt đầu bằng một ý tưởng, và từ ý tưởng mới chuyển thành giả thuyết và câu hỏi nghiên cứu. Kinh nghiệm của tôi cho thấy nhiều đồng nghiệp rất thiếu cập nhật thông tin và ít khi nào phát biểu câu hỏi nghiên cứu một cách cụ thể. Phần lớn những thông tin họ có được là từ sách giáo khoa (có khi đã lạc hậu), hay các bài báo từ những tác giả không có uy tín cao hay những tập san "linh tinh". Còn câu hỏi nghiên cứu thường quá đơn giản cứ như là bài tập cho học sinh, có khi chẳng có liên quan gì đến lâm sàng mà chỉ làm cho có "nghiên cứu", hoặc phạm vi quá hẹp chẳng có giá trị khoa học gì đáng kể. Có khi ý tưởng của tôi không tương đồng với ý tưởng của thầy cô của nghiên cứu sinh (và thầy cô không chịu làm cách khác), nên không thể nào thực hiện được. Do đó, phải tốn rất nhiều thì giờ để "chỉnh sửa" những ý tưởng như thế thành một dự án có tính khoa học và khả thi cao.
Tìm đối tác. Tìm được đối tác nghiên cứu là điều rất quan trọng. Nhiều lần đề nghị ý tưởng với đồng nghiệp, tôi thường nhận được hồi đáp lịch sự, đại khái như "ý tưởng hay lắm, nhưng khó thực hiện vì còn nhiều khó khăn." Có người kì vọng rằng chúng tôi sẽ đem tiền và phương tiện về Việt Nam để nghiên cứu (như nhiều đồng nghiệp ngoại quốc khác), và họ thường hỏi họ sẽ được hưởng lợi gì hay bao nhiêu. Cố nhiên, câu trả lời của chúng tôi là "ba không" : không tiền, không phương tiện, và không học bổng. Chúng tôi chỉ có "ba có" : có tâm, có ý tưởng, và có kĩ năng. Có khi ý nguyện mang tích tích cực nhưng được vài đồng nghiệp diễn giải theo nghĩa "tiêu cực", cho rằng chúng tôi đang gặp trở ngại ở nước ngoài hay sắp mất việc nên mới tìm về Việt Nam để cứu vãn tình thế ! Chúng tôi không quan tâm đến những hồi đáp và suy nghĩ như thế, mà chỉ muốn chứng minh bằng việc làm thực tế. Chúng tôi nghĩ rằng cần phải có đối tác có tấm lòng với khoa học nước nhà, chịu dấn thân và hi sinh thời gian vì tri thức, và có khả năng làm nghiên cứu. Ở nước ta, tìm được những cá nhân như thế không dễ chút nào. Thế nhưng qua nhiều seminar và workshop, chúng tôi cũng có được nhiều đồng nghiệp hội đủ những tiêu chuẩn trên để đạt được những kết quả vừa trình bày.
Vấn đề thiết bị và phương tiện. Một khó khăn lớn ở Việt Nam là thiếu thiết bị hiện đại để thực hiện những nghiên cứu quan trọng và có chất lượng cao. Để làm những nghiên cứu "nóng" trên thế giới như nghiên cứu cơ bản hay di truyền học đòi hỏi nhiều thiết bị phân tích và chuyên viên lành nghề mà Việt Nam vẫn còn thiếu rất trầm trọng. Do đó, chúng tôi chọn những đề tài vừa mang tính thiết thực cho lâm sàng và y tế công cộng, nhưng vừa có hàm lượng khoa học cơ bản để vượt ra ngoài phạm trù của những nghiên cứu đơn giản mà nhiều người ở Đông Nam Á hay thực hiện. Cũng có khi chúng tôi chọn những kĩ thuật phân tích sinh hóa ít tốn kém hơn, nhưng vẫn đảm bảo độ chính xác và độ tin cậy có thể chấp nhận được đối với cộng đồng khoa học quốc tế.
Vấn đề tài trợ cho nghiên cứu. Một trong những yếu tố làm nhiều đồng nghiệp trong nước nản chí là vấn đề kinh phí. Họ không biết xin tài trợ từ đâu, và ngay cả biết nguồn thì vẫn rất ngại với việc "bôi trơn" vốn đã trở thành phổ biến ở trong nước. Gần đây, sự ra đời của Quĩ Nafosted đã tạo ra một "sân chơi" bình đẳng và minh bạch cho giới làm khoa học, nhưng những người có khả năng thật sự, có công bố quốc tế tốt và chưa có bằng tiến sĩ thì không đủ điều kiện để xin tài trợ từ Quĩ ! Đành rằng nghiên cứu thực nghiệm thường đòi hỏi kinh phí khá cao, nhưng không phải công trình nào cũng đắt tiền cả. Tôi đã cố gắng thuyết phục nhiều đồng nghiệp như thế. Tình trạng thiếu kinh phí dẫn đến một hiện tượng rất đáng quan tâm là nhiều nghiên cứu được thực hiện trên bệnh nhân mà tiền xét nghiệm đều do bệnh nhân chi trả và họ chẳng biết rằng họ là đối tượng của công trình nghiên cứu !
Vấn đề phản biện và hành chính. Nhiều đồng nghiệp trong nước rất ngại phản biện và hành chính, không phải vì họ không có khả năng chuyên môn, mà vì qui trình phản biện không mang tính khoa học. Hiện nay, qui trình phản biện dựa vào bình luận của một số "chuyên gia" trực tiếp (trước mặt tác giả) và không cho tác giả cơ hội để phản hồi. Những chuyên gia này có khi thiếu cập nhật thông tin, thậm chí không am hiểu về lĩnh vực họ nhận xét, nên cũng gây ra vài khó khăn và đặt tác giả trong tình huống trớ trêu. Tuy nhiên, cũng khó mà có được một hội đồng chuyên nghiệp ở Việt Nam. Thật vậy, một giáo sư ở trong nước đã nghỉ hưu từng nói với người viết rằng ông rất "sợ" phải xin tài trợ từ các cơ quan khoa học Việt Nam, vì ông phải đương đầu với một hội đồng phản biện mà trong đó người ta không am hiểu về vấn đề chuyên môn, chưa từng công bố quốc tế, thậm chí chưa từng làm nghiên cứu nghiêm chỉnh, mà họ có quyền phán xét và quyết định đơn của ông. Đó là một qui trình rất thiếu tinh thần khoa học. Thêm vào đó là thủ tục hành chính hết sức máy móc và nặng nề (như báo cáo giữa kì và những qui định rất "lạ lùng" chỉ có ở Việt Nam) làm cho giới nghiên cứu khoa học nản lòng. Có khi một công trình nghiên cứu đã công bố trên tập san y khoa quốc tế, nhưng cơ quan địa phương lại đòi hỏi phải qua "nghiệm thu" !
Khó khăn vẫn còn, nhưng cơ hội thì rộng mở. Theo tôi, Việt Nam là một môi trường cho những dự án khoa học rất tốt, và nếu biết khai thác thì trong tương lai, Việt Nam sẽ đuổi kịp, thậm chí vượt qua, những nước trong vùng về mặt nghiên cứu khoa học. Cái lợi thế của Việt Nam là chúng ta có những chuyên gia gốc Việt ở nước ngoài có trình độ khoa học cao, có uy tín lớn, và sẵn lòng đóng góp cho quê nhà. Cái khó khăn chính là cơ chế (tôi rất ghét chữ này, nhưng thú thật chưa tìm ra chữ nào tốt hơn !) để người Việt trong và ngoài nước có thể hợp tác vì mục tiêu chung. Những ai quen biết với cách làm khoa học ở ngoài sẽ khó "hội nhập" với cách làm ở trong nước, và ngược lại, nhiều đồng nghiệp trong nước thì chưa quen với cách làm việc ở nước ngoài, nên thỉnh thoảng gây ra nhiều hiểu lầm đáng tiếc và dẫn đến gãy vỡ.
Bất cứ một hợp tác nào cũng đem lại nhiều thành quả cho hai bên. Đối với tôi, những hợp tác trong thời gian qua ở trong nước là một phần quan trọng (có lẽ quan trọng nhất) trong những việc tôi làm cho và ở Việt Nam. Những việc làm đó cũng là một phần có ý nghĩa trong sự nghiệp cá nhân tôi. Tất cả những hợp tác trên đều thực hiện với tư cách cá nhân và liên hệ cá nhân. Cá nhân tôi không có bất cứ một "appointment" chính thức nào với bất cứ một trung tâm khoa học nào ở Việt Nam. Đối với các đồng nghiệp trong nước, tôi nghĩ những công trình trong quá khứ là những cơ hội để tiếp cận những ý tưởng và phương pháp mới, cũng như cơ hội để đóng góp vào y văn quốc tế. Tuy rằng những nghiên cứu được thực hiện ở Việt Nam, nhưng ý nghĩa thì mang tầm quốc tế, và vì thế những nghiên cứu đó cũng góp một phần rất khiêm tốn để nâng cao vị thế của y học Việt Nam trên trường quốc tế. Việc đã làm vẫn chưa đủ, nên trong tương lai chúng tôi có ý nguyện làm nhiều hơn nữa và thiết thực hơn nữa, qua những workshop và dự án nghiên cứu qui mô hơn. Tôi hi vọng trong tương lai với những nỗ lực mới sẽ nâng cao vị thế của y học Việt Nam cao hơn nữa.
Nguyễn Văn Tuấn
Ghi thêm: Những thành tựu tôi vừa trình bày, nếu có thể xem đó là “thành tựu”, không thể có được nếu không có sự đóng góp và giúp đỡ của các đồng nghiệp trong nước. Tôi muốn nhân dịp này bày tỏ lòng cảm ơn đến các bạn đó. Có hàng trăm người tôi muốn cảm ơn, nhưng có lẽ tôi chỉ nên nhắc đến những bạn mà tôi làm việc nhiều năm qua và biết rằng các bạn ấy sẽ không phiền lòng nếu tôi nêu tên (theo vần thứ tự): Ngô Đức Anh, Nguyễn Hoàng Dũng (Đại học Bách khoa TPHCM), Phạm Văn Đởm (Bệnh viện Kiên Giang), Phạm Văn Hậu (Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên), Nguyễn Thị Thanh Hương (Đại học Y Hà Nội), Nguyễn Thy Khuê (Đại học Y Dược TPHCM), Hồ Phạm Thục Lan (Bệnh viện 115 và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch), Tạ Thị Tuyết Mai (Bệnh viện Nhân dân Gia Định), Nguyễn Văn Minh Mẫn (Đại học Bách khoa TPHCM), và Nguyễn Đình Nguyên (Viện nghiên cứu y khoa Garvan).
Nguồn:
Bài tác giả gửi cho Diễn Đàn. Một bản thu ngắn của bài đã được đăng
trên Tia Sáng.
Các thao tác trên Tài liệu