Bạn đang ở: Trang chủ / KHKT / Năng lượng, phát triển bền vững và Việt Nam

Năng lượng, phát triển bền vững và Việt Nam

- Đặng Đình Cung — published 10/07/2008 08:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21


Năng lượng, phát triển bền vững
và Việt Nam


ĐẶNG Đình Cung

Kỹ sư Tư vấn



Phát triển bền vững là một chiến lược phát triển kinh tế xã hội nhằm thỏa mãn nhu cầu hiện nay mà không làm nguy hại đến khả năng những thế hệ sau đáp ứng được nhu cầu của họ. Một vế của chiến lược bền vững là cung ứng và tiêu thụ năng lượng. Làm gì để vẫn còn có thể tiếp tục cung ứng năng lượng khi những nguồn năng lượng không tái tạo sẽ cạn và tiêu thụ năng lượng ra sao để không vi phạm đến môi trường tự nhiên ?

Trong một bài trước, chúng tôi có trình bày một số yếu tố đóng góp vào giải đáp vấn đề này1. Trong bài này chúng tôi xin phân tích vị trí chiến lược của ngành năng lượng Việt Nam. Từ phân tích đó, chúng tôi xin phác họa một mô hình chiến lược cung ứng và tiêu thụ năng lượng để Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững.

Những số liệu chúng tôi dẫn chứng và dùng để tính và vẽ các họa đồ trong bài này do EIA, IEA, UNEP, WEC, APERC và TCTK cung câp2. Chúng tôi cập nhật kinh nghiệm cá nhân về năng lượng từ những sách giáo khoa mới được xuất bản, từ những thông số kỹ thuật do ADEME và IFP cung cấp3 và, chủ yếu, từ báo cáo "2007 Survey of Energy Resources" cuả WEC4.

Các sách báo chuyên môn dùng nhiều đơn vị năng lượng khác nhau. Để tiện việc so sánh và để dùng một đơn vị nhiều người biết đến và quen dùng, trong bài này chúng tôi chuyển những số liệu đã được công bố sang đơn vị TWh (Têra watt giờ, một triệu kWh) hay kWh (Kilô watt giờ) thường dùng trong ngành điện.


PHẦN 1 – PHÂN TÍCH CHIẾN LƯỢC


Điểm mạnh


Những nguồn năng lượng


Ưu điểm chính của Việt Nam là chỉ số độc lập năng lượng cao. Năm 2005, chỉ số này là 158 phần trăm, gấp đôi chỉ số trung bình của tất cả các nước Châu Á và Châu Đại Dương (bảng 1). Từ 1996 đến 2005, mỗi năm chỉ số đó tăng trung bình 1,5 điểm % nhờ mỗi năm sản xuất tăng trung bình 8,7 % và tiêu thụ chỉ tăng trung bình có 7,1 phần trăm.


Bảng 1 : Sản xuất và tiêu thụ năng lượng cơ bản
của Việt Nam và của một số quốc gia Châu Á và Châu Đại Dương
(Tính từ số liệu của EIA, 2005)


Tiêu thụ Sản xuất Chỉ số
độc lập

(TWh)

(%) 

(TWh)

(%) 

(%) 

Ấn Độ

4 749

3,8

3 438

2,9

72

Australia

1 610

2,6

3 290

3,9

204

Đài Loan

1 318

3,8

142

0,1

11

Hàn Quốc

2 719

3,1

440

6,1

16

Indonesia

1 571

4,2

2 730

2,3

174

Malaysia

746

4,4

1 142

3,2

153

Nhật Bản

6 615

0,7

1 202

0,3

18

Philippines

392

2,7

144

7,6

37

Thailand

1 063

4,0

515

6,0

49

Trung Quốc

19 663

6,3

18 531

5,7

94

Việt Nam

359

7,1

568

8,7

158

Châu Á và
Châu Đại Dương

43 403

4,2

33 750

4,4

78

Ghi chú :

1. Sản xuất và tiêu thụ tính cho năm 2005
2. Chỉ số độc lập về năng lượng tính cho năm 2005
3. Tăng trưởng trung bình hàng năm tính từ 1996 đến 2005.


Ưu điểm này được tăng cường bởi điều kiện tự nhiên thuận lợi.

1. 38 % nguồn năng lượng cơ bản là năng lượng tái tạo. So với 13 % trung bình của thế giới, đây là một tỷ lệ rất lớn. Ở dạng cơ bản, chất đốt rắn tái tạo và rác dồi dào hơn dầu thô và than đá (bảng 2). Nguồn năng lượng này cung ứng hơn một nửa năng lượng khả dụng của Việt Nam.


Bảng 2 – Sản xuất, cung ứng và và tiêu thụ năng lượng
(Tính từ số liệu của IEA, 2005)


Cơ bản
(TWh)

Cung ứng
(TWh)

Khả dụng
(TWh)

Than

211

95

70

Dầu thô

226

5

0

Sản phẩm dầu

0

139

139

Khí

72

57

1

Thủy năng

21

21

0

Chất đốt rắn tái tạo và rác

279

279

270

Điện

0

0

46

Tổng cộng

809

597

526


2. Với hơn 3 400 km bờ biển và nhiều sông với lưu lượng nước lớn, khả năng xây nhà máy nhiệt điện của Việt Nam có thể coi là vô tận. Một nhà máy nhiệt điện, cổ điển hay hạt nhân, cần đến nhiều nước để làm nguội bộ ngưng và cũng cần đến một bến cảng chuyên dụng để tiếp nhận nhiên liệu. Một nhà máy nhiệt điện phải được xây ở bờ biển hay bờ một sông lớn và, nếu có thể, ở một nơi có thể xây bến cảng. Đa số người Việt Nam sống gần bờ biển hay bờ sông. Tải điện từ những nhà máy nhiệt điện đến nơi tiêu dùng không tốn kém mấy.

3. Tiềm năng kinh tế của thủy điện (tính với giá năng lượng năm 2005) là 78 TWh mỗi năm. Việt Nam mới khai thác chưa tới phần tư tiềm năng kinh tế đó và non 15 % tiềm năng kỹ thuật (bảng 3). Tiềm năng kinh tế đó mỗi ngày mỗi tăng với gia tăng của giá năng lượng trên thị trương quốc tế. Trong vòng vài năm nữa những nhà máy đang lắp đặt thêm sẽ nhân đôi sản lượng thủy điện. Đây là tỷ số tăng trưởng cao nhất thế giới.


Bảng 3 – Tiềm năng và công suất của thủy năng (WEC, 2005)

Tiềm năng (TWh/năm)

Lý thuyết

300

Khả thi kỹ thuật

123

Khả thi kinh tế

78

Sản lượng (2005)

18

Công suất (GW)

Hiện có

4,2

Đang lắp đặt thêm

7,8

Dự trù lắp đặt thêm

4,6


4. Nông nghiệp sinh ra nhiều phụ phẩm và phế liệu có thể dùng làm nguồn năng lượng sinh học. Việt Nam là một nước xuất khẩu nông nghiệp có tầm vóc lớn và nông nghiệp Việt nam tăng trưởng khoảng 4 % mỗi năm. Trong số những chất đốt rắn thì Việt Nam có nhiều củi gỗ, phế liệu những nhà máy chế biến gỗ, phế liệu nông phẩm và rác đô thị. Thêm vào đó, bờ biển dài cho phép lập nhiều trại trồng rong làm nguyên liệu để sản xuất nhiên liệu sinh học.

5. Tiềm năng của năng lượng gió có thể dự đoán là rất lớn vì Việt Nam ở vùng gió mùa thổi và bờ biển dài với đáy biển nông cho phép lập nhiều trang trại phong điện (wind power farm). Nếu lắp đặt những trại phong điện ở ngoài khơi thì giảm được ô nhiễm thẩm mỹ và ô nhiễm âm thanh. Những quạt phong điện sẽ hoàn vốn mau hơn trung bình những nước khác nhờ đáy biển nông và gió ở ngoài khơi thổi đều dặn suốt năm.

6. Những nguồn năng lượng tái tạo khác chưa được khai triển nhưng tiềm năng cũng có nhiều dấu hiệu lạc quan :

    *  những hệ thống dùng bản mặt trời để hấp thụ năng lượng mặt trời sẽ hoàn vốn mau hơn những nước khác nhờ mặt trời chiếu đều đặn quanh năm,

    *  dọc bờ biển miền Trung có một luồng nước ngầm có thể chạy những tuabin khai thác năng lượng biển,

    *  những suối nước nóng tự nhiên trên khắp lãnh thổ là dấu hiệu một nguồn năng lượng từ lòng đất tiềm tàng quan trọng.

Tất cả những tiềm năng này cần được xác định chính xác hơn.


Tiêu thụ năng lượng


Cơ cấu năng lượng tiêu thụ ở Việt Nam thuộc loại thân thiện với môi trường :

    *  hơn một nửa năng lượng khả dụng là năng lượng tái tạo (bảng 2 và hình 1),

    *  tổng cộng 80 % điện lực được sản xuất từ thủy năng và khí đốt (hình 2), hai loại năng lượng dùng để sản xuất điện ô nhiễm môi trường ít nhất.


Image1

Hình 1 – Tiêu thụ năng lượng chia theo nguồn năng lượng
(Tính từ số liệu của IEA, 2005)



Image2

Hình 2 – Tiêu thụ năng lượng để sản xuất điện chia theo nguồn năng lượng
(Tính từ số liệu của IEA, 2005)


1. Theo EIA, năm 2005, tổng công suất những nhà máy điện của Việt Nam là 11,3 MW sản xuất 51,3 TWh. Từ mười năm nay, công suất tăng trung bình 9,4 % mỗi năm và sản lượng điện tăng 7,1 % mỗi năm. Những tỷ số tăng trưởng này lớn hơn gấp hai lần trung bình các nước Châu Á và Châu Đại Dương (bảng 4).


Bảng 4  Sản xuất và tiêu thụ điện
của Việt Nam và một số quốc gia Châu Á và Châu Đại Dương
(Tính từ số liệu của EIA, 2005)


Tiêu thụ

Sản xuất

Công suất
lắp đặt

(TWh)

(%) 

(TWh)

(%) 

(GW)

(%) 

Ấn Độ

489

4,1

662

4,7

138

3,6

Australia

220

3,4

237

3,4

49

2,3

Đài Loan

202

5,8

210

5,6

37

5,3

Hàn Quốc

352

5,6

366

5,5

62

7,1

Indonesia

105

6,2

120

6,3

23

3,7

Malaysia

79

6,0

82

5,3

24

8,4

Nhật Bản

974

0,6

1 025

0,6

248

1,9

Philippines

47

4,9

54

4,3

16

4,7

Thailand

118

4,4

125

4,1

26

5,6

Trung Quốc

2 197

8,7

2 372

8,6

442

7,1

Việt Nam

45

12,3

51

11,3

11

9,4

Châu Á và
Châu Đại Dương

5 075

5,2

5 589

5,2

1 150

4,7

Ghi chú :

1. Sai biệt giữa sản xuất và tiêu thụ là do xuất hay xuất nhập khẩu điện và mất điện trên đường dây tải điện.
2. Sản xuất, tiêu thụ và công suất lắp đặt tính cho năm 2005.
3. Tăng trưởng trung bình hàng năm tính từ 1996 đến 2005.


2. Đốt khí tự nhiên thải ít bụi và ít khí có hiệu ứng nhà kính hơn là đốt than và sản phẩm dầu. Theo thống kê của IEA, năm 2005, Việt Nam sản xuất 72,1 TWh khí tự nhiên trong đó 56,0 TWh đã được dùng để sản xuất 20,6 TWh điện. Nhờ dùng tuabin khí với chu trình kết hợp hiệu suất năng lượng đạt 37 phần trăm, hơn hiệu suất trung bình của thế giới một chút.

3. Than Việt Nam chủ yếu đào từ vùng mỏ Quảng Ninh. Đây là loại than anthracit, nghĩa là một loại than có hàm lượng năng lượng cao. Hiện nay chính phủ không cho xuất khẩu than để dành than chạy những nhà máy nhiệt điện. Vì những nhà máy đã được xây trong thời gian gần đây nên thụ hưởng công nghệ CCT (Clean Coal Technology, Công nghệ Than Sạch), ít ô nhiễm hơn những nhà máy cũ của các nước láng giềng.

4. Hầu như tất cả lưu vực các sông Việt Nam đều có thể được quy hoạch thành thang thủy lợi. Đây là phương pháp tối ưu việc cung ứng nước cho thủy điện cũng như cho các nhu cầu của nông nghiệp, giao thông, du lịch, giải trí,.... Trên phương diện kinh tế, điện của giờ cao điểm được tích trữ dưới dạng nước được bơm lên những hồ tích năng và, vào những giờ thấp điểm, nước ở trong những hồ tích năng đó sẽ được quấy ráo để sản xuất điện trở lại.


Điểm yếu


Khuyết điểm lớn nhất của ngành năng lượng Việt Nam là sự phung phí tài nguyên năng lượng và khả năng tài chính để đầu tư vào những cơ sở sản xuất năng lượng.


Những nguồn năng lượng


1. Chất đốt rắn tái tạo và rác tổng cộng hơn một nửa lượng năng lượng khả dụng đã được tiêu thụ. Nhưng tỷ lệ đó biểu hiện một nước lạc hậu người dân đốt củi, than củi và phế liệu của nông nghiệp để nấu thức ăn và dùng vào vài sinh hoạt khác. Rừng cây bị phá để có củi và than củi. Những phế liệu nông nghiệp bị đốt thay vì dùng làm phân bón tự nhiên.

2. Điện là nguyên do chính của những khó khăn hiện nay của Việt Nam về năng lượng :

    *  nhầm lẫn công suất, tính bằng mêga watt, và năng suất, tính bằng têra watt giờ mỗi năm, của một dự án nhà máy điện,

    *  không tính hay tính sai tỷ số lợi nhuận trước khi thực hiện những dự án,

    *  không dự trù khả năng cân bằng cung ứng với biến đổi của nhu cầu ở mỗi thời điểm.

Những mêga watt đo khả năng sản xuất điện ở một thời điểm nào đó còn những têra watt giờ đo lượng điện đã được cung ứng. Hai nhà máy điện, đặc biệt hay nhà máy thủy điện, cùng công suất không nhất thiết có cùng một năng suất. Cộng những công suất để dự báo lượng điện sẽ được cung ứng dẫn tới thiếu hụt giữa thực tế và dự báo.

Xây một nhà máy thủy điện thì sau này sẽ có điện gần như miễn phí. Nhưng so với một nhà máy nhiệt điện thì nhu cầu vốn đầu tư cho một đơn vị công suất của một nhà máy thủ điện cao hơn và thời gian để hoàn tất công trình cũng lâu hơn. Kết quả là một nhà máy nhiệt điện hoàn vốn mau hơn, vốn hoàn lại đó có thể dùng để xây dựng một công trình khác. Như thế, một hệ thống nhà máy nhiệt điện có thể tăng trưởng mau hơn là một hệ thống thủy điện. Chúng tôi không đi sâu hơn vào phương pháp tính tỷ số lợi nhuận để tuyển lựa giữa những dự án khác nhau.

Một nhà máy thủy điện có thể phản ứng trong vòng vài phút để phát điện hay ngưng phát điện, một nhà máy nhiệt điện cần đến vài giờ và một nhà máy điện hạt nhân cần đến vài ngày. Vì thế người ta thường dùng thủy điện để cân bằng mạng phân phối điện chứ ít khi dùng để sản xuất lượng điện cơ sở. Thêm nữa, lượng mưa có thể biến đổi từ mùa này sang mùa khác, từ năm này sang năm khác. Dùng thủy điện làm cơ sở thì những mùa hạn hán, những năm mưa ít sẽ thiếu điện.

Vì ba sai lầm đó mà Việt nam đang thiếu điện và thiếu vốn để xây những công trình sản xuất điện.

3. Thay vì có một chính sách năng lượng phù hợp với hoàn cảnh kinh tế và thiên nhiên, Việt Nam chạy theo thị hiếu đương thời với những dự án phiêu lưu hay, ít ra, lãng phí tiền của và công lao của người dân. Sau đây là một số thí dụ :

    *  quyết định xây nhà máy điện hạt nhân mà không đào tạo trước nhân lực kỹ thuật và nâng cao dân trí về an toàn công nghiệp5,

    *  kêu gọi đầu tư vào những công trình quang điện và phong điện mà không tính rằng những nguồn điện đó chưa khả thi về phương diện kinh tế6,

    *  đặt chỉ tiêu sản xuất nhiên liệu sinh học mà chưa nghiên cứu hiệu ứng đến môi trường và sử dụng đất dành cho nông nghiệp7,

    *  thay vì xây hạ tầng cho đường thủy và đường sắt, có khả năng vận tải lớn và tiêu thụ ít năng lượng, thì tiếp tục ưu tiên xây những hạ tầng cho vận tải bằng xe ôtô, với khả năng vận tải kém hơn, tốn kém về năng lượng hơn lại vừa lấn chiếm hơn nhiều đất có thể dùng vào việc khác8.

4. Những dự án đã đưa vào thi công bị chậm trễ vì nguồn tài trợ không được dự trù đủ và vì cán bộ cũng như công nhân thiếu kỹ năng nghiệp vụ9. Không những thế mà những tổng công ty quốc doanh phung phí tài chính ngắn hạn vào những khoản đầu tư không liên quan gì đến mục địch kinh doanh của công ty : khách sạn, ngân hàng, viễn thông,...10. Một thị trường phát điện cạnh tranh được thành lập như là một phép mầu sẽ mang lại những kilô watt giờ hiện đang thiếu11.


Tiêu thụ năng lượng


Theo thống kê của EIA, Việt Nam sử dụng 27.400 BTU (8,0 TWh) để sản xuất một đôla Mỹ GDP (Gross Domestic Product, Tổng Sản Lượng Quốc Nội). Cường độ tiêu thụ năng lượng này gần gấp hai lần Hàn Quốc, gấp ba lần rưỡi Pháp, gấp ba lần Hoa Kỳ, quốc gia nổi tiếng là phung phí năng lượng. Từ một chục năm nay, cường độ tiêu thụ năng lượng trên thế giới giảm trung bình 0,5 % mỗi năm. Cường độ này ở các nước Châu Á và Châu Đại Dương cũng giảm theo nhịp đó. Nhờ tiến bộ công nghệ, các nước công nghiệp giảm cường độ tiêu thụ năng lượng mau hơn. Từ mười năm nay, mỗi năm cường độ này giảm 0,6 % ở Hàn Quốc, 1,0 % ở Pháp và 2,2 % ở Hoa Kỳ. Việt Nam là một trong số ít những quốc gia có cường độ tiêu thụ năng lượng gia tăng (hình 3). Trung Quốc có cường độ tiêu thụ năng lượng cao hơn nhiều và cường độ tiêu thụ năng lượng đó tăng từ năm 2000 cho tới nay. Nhưng Trung Quốc không phải là một kiểu mẫu để noi theo.


Image3

Hình 3  Tiêu thụ năng lượng để sản xuất một nghìn USD
(Tính từ số liệu của IEA)


1. Thống kê của IEA cho thấy nguyên nhân của sự lãng phí này. Trung bình trên thế giới, năng lượng khả dụng được chia đồng đều cho công nghiệp, giao thông vận tải, tiện nghi nhà ở và những sử dụng khác. Những sử dụng khác chủ yếu là các ngành lọc dầu và hóa chất, hai ngành sản xuất công nghiệp. Thương mại và dịch vụ công cộng là những hoạt động sản xuất dịch vụ. Các nước có chính sách kinh tế nghiêm chỉnh ưu tiên dành năng lượng cho sản xuất sản phẩm và dịch vụ. Thí dụ, Hàn Quốc dành 87 % năng lượng cho sản xuất, Pháp ba phần tư. Ở Việt nam thì 60 % năng lượng dùng cho tiện nghi nhà ở và không sinh lợi gì (hình 4).


Image4

Hình 4 Tiêu thụ năng lượng theo ngành
(Tính từ số liệu của IEA, 2005)


2. Nhận xét này thể hiện rõ hơn với phân bố tiêu thụ điện (hình 5). Ở Pháp, một nước khuyến khích sử dụng điện trong những áp dụng gia dụng và dịch vụ nhờ có nhiều nhà máy điện hạt nhân, 35 % điện dùng cho tiện nghi nhà ở. Ở Hàn Quốc chỉ có 14 % . Ở Việt Nam thì 42 % điện dùng cho tiện nghi nhà ở thay vì dùng để sản xuất sản phẩm và dịch vụ. Tiêu thụ điện tăng gấp rưỡi lần tăng trưởng của kinh tế mà lại chủ yếu ít dùng cho sản xuất. Mọi chuyện diễn ra như điện lực ở Việt Nam là một xa xỉ phẩm được cấp cho người có tiền mua những thiết bị cơ điện nội thất chứ không phải là một nhân tố sản xuất.


Image5

Hình 5 – Tiêu thụ điện theo ngành
(Tính từ số liệu của IEA, 2005)


3. Theo TCTK, từ 1990 đến 2005, lượng hàng luân chuyển tăng 9,4 % mỗi năm, cao hơn tăng trưởng trung bình của tổng sản lượng quốc nội chừng 1,5 điểm % (hình 6).


Image6

Hình 6  Thị phần và tăng trưởng những phương tiện giao thông vận tải
(Tính từ số liệu của TCTK, 2005)


Nhưng thống kê chi tiết cho thấy, ngược lại với xu hướng các nước công nghiệp tiên tiến đang tìm cách giảm tỷ số lượng hàng vận chuyển bằng đường bộ :

    *  ngành đường sắt và đường sông gia tăng ít hơn tăng trưởng của tổng sản lượng quốc nội,

    *  và ngành hằng hải chỉ tăng có 10 % mỗi năm ít hơn tăng trưởng 14 % mỗi năm của ngoại thương mà hàng ngoại thương thì chủ yếu được luân chuyển bằng đường biển.

Tỷ số tăng trưởng lớn của ngành hàng không không có ý nghĩa vì lượng hàng luân chuyển bằng phương tiện này không đáng kể. Nhưng cũng là một nguồn gia tăng nhu cầu năng lượng. Đặc biệt, không có lý do gì phải lập một công ty hàng không giá rẻ (low cost airline) nội địa như Pacific Airlines để sinh ra một thị trường đi lại bằng đường hàng không12.

4. Chính sách đô thị với nhiều cao ốc và trung tâm thương mại gây ra tiêu thụ năng lượng và ùn tắc giao thông nhiều hơn là những khu nhà ít tầng với những cơ sở thương mại bán lẻ kế bên. Ùn tắc giao thông gây ra tiêu thụ sản phẩm dầu một cách vô ích và gây ra ô nhiễm khí quyển tới độ xâm phạm tới sức khỏe của cư dân. Ùn tắc mỗi năm mỗi trầm trọng hơn vì :

    *  những cao ốc và trung tâm thương mại làm tăng nhu cầu đi lại bằng cơ giới,

    *  dân số những thành thị lớn tăng làm cho nhu cầu giao thông tăng và số xe vận tải vào nội thành để tiếp tế cư dân cũng tăng.

5. Nhà riêng cũng như chung cư mới xây thường không theo những quy tắc của kiến trúc khí hậu sinh học truyền thống. Đặc biệt, nhiều nhà không được cách nhiệt, không tự nhiên thông gió và không có bộ phận chắn nắng. Những nhà như vậy, đặc biệt những cao ốc, cần rất nhiều năng lượng để bảo đảm một tối thiểu về tiện nghi.


Thời cơ


Thời cơ rất thuận lợi cho Việt Nam hợp tác quốc tế trong mọi lãnh vực tài chính, khảo sát tài nguyên, phát triển công nghệ hạt nhân và nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

1. Việt Nam đang xuất siêu năng lượng và giá năng lượng cao hiện nay tham gia vào những cố gắng kiềm chế nhập siêu của toàn bộ ngoại thương. Từ khi gia nhập WTO (World Trade Organization, Tổ chức Mậu dịch Quốc tế), xí nghiệp nước ngoài ồ ạt đăng ký đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Một số lớn vốn này có thể được hướng vào những dự án sản xuất và nghiên cứu triển khai cung ứng và sử dụng năng lượng hợp lý.

2. Nhiều nước bạn muốn Việt Nam tham gia vào những dự án năng lượng của họ. Những mỏ hydrô cácbua ở Trung Đông đã bị các cường quốc công nghiệp và các hãng dầu lớn dành hết rồi. Nhưng vẫn còn nhiều quốc gia thuộc Liên Xô cũ và một số nước khác đang tìm đối tác thân thiện để vừa khai thác chung tài nguyên của họ vừa trao đổi kinh nghiệm cải cách kinh tế xã hội. Với thành tích hơn hai chục năm chính sách Đổi Mới Việt Nam là một đối tác lý tưởng.

3. Uy tín quốc tế của Việt Nam sẽ giúp khai triển những kế hoạch về năng lượng trên quy mô quốc tế. Việt nam đã được kết nạp vào WTO, được bầu vào Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc,... Với những hiệp ước NPT (Nuclear Non Proliferation Treaty, Hiệp ước Chống tăng sinh vũ khí hạt nhân) và hiệp ước Bangkok (Southeast Asia Nuclear Weapon Free Zone Treaty, Hiệp ước Đông Nam Á là Vùng không có vũ khí hạt nhân)13 và những hiệp ước khác Việt Nam đã ký, không còn ai phủ nhận Việt Nam cương quyết khai triển năng lượng hạt nhân với mục đích duy nhất là củng cố hoà bình. Chính sách "làm bạn với mọi người" tạo cơ hội hợp tác quốc tế trên mọi mặt thương mại, kỹ thuật cũng như khoa học liên quan đến năng lượng hạt nhân. Với uy tín đó Việt Nam đã và đang được IAEA, các tổ chức quốc tế khác và các xí nghiệp siêu quốc gia trợ giúp khai triển những nhà máy điện hạt nhân tương lai.

4. Nông nghiệp và năng lượng là nhu cầu cốt yếu của nhân loại. Hai ngành này sẽ là trung tâm của những cuộc cách mạng công nghệ sắp tới. Những công trình nghiên cứu triển khai cần đến nhiều vốn, những bước tiến nhảy vọt sẽ không xảy ra thường xuyên và những công nghiệp năng lượng sẽ không biến chuyển mau chóng như công nghệ thông tin. Với triển vọng nguồn năng lượng không tái tạo một ngày nào đó sẽ cạn, nhiều vốn đang được đổ vào những dự án khai triển ứng dụng cũng như những dự án nghiên cứu cơ bản liên quan đến sản xuất, tiết kiệm và tiêu thụ năng lượng. Nhờ đó các nước đang nhoi lên, như Việt Nam, vẫn còn cơ hội tham gia vào những dự án nghiên cứu triển khai về năng lượng của thế giới.


Đe dọa


Đe dọa chính là những nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút khỏi Việt Nam, vì hiện nay thiếu điện và rủi ro trung hạn sẽ thiếu năng lượng. Nguyên do là Việt Nam đã không đầu tư đúng lúc để theo kịp tăng trưởng kinh tế. Vài năm nữa, những dự án công nghiệp nặng đang đưa vào thực hiện sẽ tiêu thụ nhiều năng lượng và nguy cơ thiếu năng lượng sẽ trầm trọng hơn.


Năng lượng hóa thạch


Mặc dù sản xuất năng lượng cơ bản khiêm tốn, Việt Nam vẫn còn xuất siêu về năng lượng vì nhiều nguyên nhân. Công nghiệp Việt Nam có tăng trưởng nhưng chưa đạt trình độ để tiêu thụ hết năng lượng sản xuất. Những ngành công nghiệp biến chế khoáng sản thành sản phẩm trung gian (luyện kim, hóa chất, lọc dầu, ximăng,...) là những ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng nhiều nhất và gây ô niễm khí quyển nhiều nhất. Ở Việt Nam, những ngành này chưa quan trọng mấy. Những ngành công nghiệp chủ lực là những ngành dùng nhiều nhân công với hàm lượng năng lượng thấp. Những dự án đầu tư và kêu gọi đầu tư vào những ngành phân hóa học, lọc dầu hay luyện kim sẽ là nguy cơ thay đổi tình trạng xuất siêu năng lượng này trong vài năm tới.

Theo bảng 5 trích từ thống kê của WEC dựa trên trữ lượng đã được chứng minh và nhịp khai thác năm 2005 thì tối đa 33 năm nữa là không còn tài nguyên năng lượng hóa thạch nữa. Khí tự nhiên còn có thể khai thác được trong hơn 90 năm nữa nhưng tài nguyên dầu mỏ và than sẽ cạn trong vài năm tới. Nếu kể thêm tăng trưởng của nhu cầu năng lượng thì tình hình này nguy cập.



Bảng 5 – Trữ lượng những năng lượng không tái tạo (WEC, 2005)

Năng lượng

Dầu thô
(Mt)

Khí
tự nhiên
(Gm3)

Than đá
(Mt)

Uranium
(Kt)

Trữ lượng

413

365

150

5(*)

Khai thác

19

4

35

?

Số năm khai thác còn lại

22

91

4

?

(*) Với giá thị trường 130 USD/kg



Theo bảng 5 quy ra đơn vị TWh thì trữ lượng năng lượng hóa thạch hiện nay của Việt Nam tổng cộng 9.900 TWh. Nếu Việt Nam không có chính sách năng lượng độc đáo nào và, với giả thuyết :

    *  sản lượng thủy điện đã đạt tiềm năng kinh tế, 78 TWh mỗi năm,

    *  nhờ trao đổi những loại năng lượng với các nước khác,

    *  nhờ biến đổi công nghiệp, có thể chuyển từ loại năng lượng hóa thạch này sang loại năng lượng hóa thạch khác,

    *  nhu cầu năng lượng cơ bản sẽ tăng 7,1 % mỗi năm như trung bình từ mười năm trước,

    *  sản xuất năng lượng cơ bản sẽ tăng 8,4 % mỗi năm như trung bình từ mười năm trước

thì sẽ có hai thời điểm trữ lượng năng lượng hóa thạch sẽ cạn hết tùy ở chính sách tiếp tục xuất khẩu năng lượng hay không.

Nếu Việt Nam ngưng ngay xuất khẩu năng lượng mà chỉ khai thác tài nguyên để thoả mãn nhu cầu nội địa thì chậm nhất 11 năm nữa là Việt Nam sẽ tiêu thụ hết trữ lượng năng lượng hóa thạch đã được chứng minh. Mười một năm nữa kể từ năm 2005 sẽ là năm 2016. Năm đó, nhịp độ khai thác và tiêu thụ năng lượng cơ bản sẽ là 756 TWh. Nếu Việt Nam tiếp tục xuất khẩu năng lượng theo nhịp trung bình từ mười năm nay thì chỉ 5 năm nữa là sẽ nhập siêu năng lượng. Năm năm nữa kể từ năm 2005 sẽ là năm 2010. Năm đó nhịp độ khai thác năng lượng cơ bản sẽ là 837 TWh với nhịp độ tiêu thụ nội địa là 504 TWh.

Những giả thuyết dùng cho hai kịch bản này là những giả thuyết thuận lợi nhất cho Việt Nam. Tuy nhiên những dự báo bi quan này chưa tính đến

    *  những cố gắng để tiết kiệm năng lượng,

    *  mỏ dầu mới được khám phá thêm ở vùng Hải Sư Trắng,

    *  bể than dưới mặt đất tỉnh Quảng Ninh và dưới đáy biển Vịnh Hạ Long,

    *  và một mỏ than rất lớn ở đồng bằng Bắc Bộ14.


Thủy năng


1. Tỷ trọng thủy điện gần một nửa là quá cao. Tình trạng này sẽ trầm trọng hơn với những dự án sẽ đưa vào vận hành trong vài năm nữa. Vấn đề là lượng nước mưa biến động từ năm này qua năm khác và từ mùa này qua mùa khác làm cho lượng điện được sản xuất nhờ những hồ chứa cũng biến động theo.

2. Những công trình thủy lợi là một đe dọa đến an toàn dân chúng sống ở hạ lưu những hồ chứa. Dù thiết kế và xây cất kỹ đến đâu chăng nữa, một đập thủy lợi vẫn có rủi ro bị vỡ. Một thang thủy lợi gia tăng xác suất rủi ro này. Chúng tôi chưa được biết tin chính quyền trung ương hay chính quyền địa phương thông tin dân chúng về cách ứng xử khi có sự cố và tổ chức những khóa thao luyện cứu trợ và sơ tán dân chúng khi có sự cố đập bị vỡ.


Năng lượng hạt nhân


Chúng tôi lấy giả thuyết nhu cầu điện sẽ tăng 7,8 % mỗi năm từ nay cho đến 2035. Đây là một tỷ số thực tế bao gồm tăng trưởng kinh tế, những cố gắng về tiết kiệm năng lượng, ngành đường sắt chuyển sang sử dụng điện và các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều điện hơn15. Chúng tôi thêm giả thuyết một khoản điện hạt nhân 1.000 MW có thể cung ứng 7,50 TWh mỗi năm và khoản 1.500 MW có thể cung ứng 11,25 TWh mỗi năm.

1. Với hai giả thuyết đó thì năm 2015 nhu cầu điện sẽ là 108,7 TWh, tăng thêm 7,9 TWh so với năm trước. Một phần tăng trưởng nhu cầu của năm đó có thể được đáp ứng bởi một lò phản ứng 1.000 MW sản xuất 7,5 TWh mỗi năm kể từ năm đó. Nếu cứ tiếp tục xây nhà máy điện hạt nhân để đáp ứng gia tăng nhu cầu điện của mỗi năm tối đa bằng điện hạt nhân thì đến năm 2035, khi nguồn cung ứng năng lượng hóa thạch đã có xu hướng giảm, nhu cầu điện sẽ là 488 TWh và Việt Nam đã phải xây 19 lò phản ứng 1.000 MW và 18 lò phản ứng 1.500 MW, sản xuất tổng cộng 345 TWh mỗi năm, nghĩa là 71 % nhu cầu điện của năm đó. Tỷ lệ này tương đương với tỷ lệ điện hạt nhân hiện nay của Pháp, quốc gia có tỷ lệ điện hạt nhân cao nhất thế giới. Tỷ lệ này chưa bao hàm những lò hơi cổ điển có thể được thay thế bằng lò hơi hạt nhân.

Tỷ số tăng trưởng nhu cầu điện bằng 7,8 % mỗi năm là một ước tính dài hạn cho tới năm 2030/2040. Từ mười năm nay tỷ số đó bằng 12,3 nhưng, từ nay cho tới năm 2015, khó mà có thể xuống dưới 10,0 % mỗi năm. Với nhu cầu điện bằng 10,0 % mỗi năm thì năm 2010 đã có đủ nhu cầu bội thêm để khởi động một nhà máy hạt nhân rồi.

Để có điện hạt nhân năm 2015 thì phải đã bắt đầu xây nhà máy năm 2010 và đã phải bắt đầu đào tạo nhân lực kỹ thuật muộn nhất phải bắt đầu từ năm 2000. Nhưng lịch trình đó chỉ đủ để Việt Nam có điện từ năng lượng hạt nhân thôi. Để đi vào kỷ nguyên năng lượng hạt nhân mà vẫn bảo đảm được độc lập công nghệ và an toàn của dân chúng thì Việt Nam phải sửa soạn nâng cao dân trí và đào tạo nhân lực kỹ thuật chậm nhất từ hai chục năm trước, nghĩa là từ năm 1995. Vì đã không sửa soạn như vậy, cho tới ngày những dòng này đang được viết, những nhà lãnh đạo đã phải hoãn lại năm năm thời điểm sản xuất điện hạt nhân lần đầu tiên, nghĩa là tới năm 2020.

2. Sản xuất điện chỉ là một khâu của chu trình nhiên liệu hạt nhân. Trước đó có khâu làm giàu uranium và sau đó thì có khâu xử lý nhiên liệu đã bị phóng xạ. Chỉ có vài nước trên thế giới nắm được công nghiệp của hai khâu này. Những nước sản xuất điện hạt nhân khác đều phải chịu yêu sách của những nước đó. Khi quyết định sản xuất điện hạt nhân thì chính sách của Việt nam về hai khâu làm giàu uranium và xử lý nhiên liệu đã bị phóng xạ chưa thấy được nêu rõ. Với một vài lò phản ứng cung ứng non 10 % nhu cầu điện thì hai vấn đề này không quan trọng mấy. Nhưng, chỉ vài năm sau, với một phần điện hạt nhân đáng kể trong nguồn cung ứng năng lượng, độc lập chính trị của quốc gia Việt Nam sẽ bị đe dọa nếu không giải quyết ổn thỏa toàn bộ chu trình nhiên liệu hạt nhân.

Kinh nghiệm dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất, những khó khăn khi khởi động nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng hay việc tắt một nhà máy nhiệt điện để bảo hành ngay giữa mùa khô cho thấy trình độ quản lý công nghiệp của cán bộ Việt Nam chưa cao mấy. Đọc báo mạng không thấy có chương trình đạo tạo cụ thể gì ngoài việc mời các công ty thiết kế nhà máy hạt nhân đến chào hàng và gọi đó là những khóa đào tạo của họ16 và tuyên bố của nhân dân hai xã tỉnh Ninh Thuận ủng hộ việc xây nhà máy trên xã họ17.

3. Trừ khi Việt Nam đang tiến hành những chương trình đào tạo nghiêm chỉnh mà chúng tôi không được biết, kế hoạch rất khiêm tốn một lò phản ứng 1.000 MW sản xuất điện hạt nhân vào năm 2020 sẽ không thể thực hiện được và có nguy cơ gây ra một tai họa tương tự như ở Tchernobyl cách đây hai chục năm.


Cung ứng điện


Việt Nam có nguy cơ vốn đầu tư nước ngoài sẽ rút lui nếu không được bảo đảm cung ứng điện liên tục và với chất lượng tiêu chuẩn.

Cắt điện ở Việt Nam không còn là một đe dọa mà là một thực tế hàng ngày. Mặc dù công suất lắp đặt và sản lượng điện tăng mau gấp ba lần trung bình các nước Châu Á và Châu Đại Dương, nhu cầu điện không được hoàn toàn thỏa mãn. Từ mười năm nay nhu cầu điện tăng mau hơn là sản xuất tới 1,6 điểm phần trăm. Đây là một ngoại lệ nguy hiểm.

1. Người dân Việt Nam quen bị cắt điện. Như viết ở một phần trên, điện bị phung phí trong tiện nghi nhà ở. Cắt điện gia dụng chỉ gây phiền phức chứ không có ảnh hưởng kinh tế gì mấy. Ngoài những bệnh viện và những cơ sở quốc phòng, cắt điện ở những công sở, cũng không có ảnh hưởng kinh tế xã hội gì mấy. Ngược lại, cắt điện dùng trong sản xuất là một tai họa kinh tế chứ không chỉ là một thiếu hụt trong doanh thu của EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam).

Khi một cơ sở dịch vụ bị cắt điện thì làm giảm doanh thu cửa hàng của họ vì khách hàng sẽ đến ít hơn. Du khách nước ngoài sẽ ngại đến tiêu tiền, doanh nhân nước ngoài sẽ ngại đến tìm cơ hội làm ăn và tiếng tăm xấu về Việt Nam sẽ được quảng bá khắp nơi. Khi một cơ sở công nghiệp bị cắt điện trong một thời gian lâu thì chỉ có nước là ngưng sản xuất. Khi bị cắt điện bất chợt hay chu kỳ của dòng điện giảm xuống quá mức, dù chỉ trong một giây khắc, là những động cơ điện và những linh kiện điện tử bị hỏng. Những phiền hà đó gây thiệt hại lớn cho kinh tế.

2. Nhiều cơ sở dịch vụ và công nghiệp ở Việt Nam bây giờ có những ổ phát điện an toàn để đề phòng bị cắt điện. Nhưng những ổ phát điện an toàn chạy bằng những động cơ nhỏ tiêu thụ sản phẩm dầu, có hiệu suất năng lượng kém và ô nhiễm môi trường hơn là những tổ máy sản xuất điện lớn của mạng phân phối quốc gia. Trông cậy vào những ổ phát điện an toàn để ngành điện lực tiết kiệm đầu tư là một vi phạm đến phát triển bền vững và làm những doanh nhân Việt Nam cũng như doanh nhân nước ngoài không muốn đầu tư ở Việt Nam nữa.

3. Tình trạng không thể tăng nguồn cung ứng điện này còn ngăn cản Việt Nam khai triển những dự án cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững. Tỷ dụ dự án

    *  điện hoá ngành đường sắt sẽ không thể thực hiện được vì sẽ không có nguồn cung cấp điện,

    *  những xí nghiệp không thể chuyển đổi công nghệ để hiện đại hóa vì chuyển đổi công nghệ thường đi song song với chuyển từ tiêu thụ năng lượng hóa thạch sang tiêu thụ điện.


Kỳ II : Một mô hình chiến lược năng lượng

Đặng Đình Cung

1 Đề nghị độc giả tham khảo loạt bài "Năng lượng và phát triển bền vững" trên mặt báo này.

2 IEA (International Energy Agency, Cơ quan Năng lượng Quốc tế) là một bộ phận của OECD (Organization for Economic Co operation and Development, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế). Bộ phận này làm tư vấn cho 27 thành viên của OECD trong việc bảo đảm nguồn cung ứng năng lượng đáng tin cậy, phải chăng và sạch. Địa chỉ Internet : http://www.iea.org/Textbase/stats/index.asp/.

EIA (Energy Information Administration, Sở Thông tin Năng lượng) là một bộ phận của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ. Địa chỉ Internet : http://www.eia.doe.gov/iea/.

UNEP (United Nations Environment Program, Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc) là một bộ phận của Liên hiệp quốc. Địa chỉ Internet : http://www.unep.org/.

WEC (World Energy Council, Hội đồng Năng lượng Thế giới) là một tổ chức bao gồm gần một trăm quốc gia với mục đích xúc tiến việc cung ứng và sử dụng bền vững tất cả các loại năng lượng để mang lại nhiều lợi ích nhất cho mọi người. Địa chỉ Internet : www.worldenergy.org/.

APERC (Asia Pacific Energy Research Center, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Châu Á Thái bình dương) là một bộ phận của IEEJ (The Institute of Energy Economics Viện Kinh tế Năng lượng) Nhật Bản. Địa chỉ Internet : http://www.ieej.or.jp/aperc/index.html

TCTK (Tổng cục Thống kê) là một bộ phận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam. Địa chỉ Internet : http://www.gso.gov.vn/Default.aspx?tabid=217.

3 ADEME (Agence de l'Environnement et de la Maîtrise de l'Energie, Cơ quan môi trường và Tự chủ Năng lượng) là một bộ phận của chính phủ Pháp. Địa chỉ Internet : www2.ademe.fr.

IFP (Institut Français du Petrole, Viện Công nghệ Dầu Pháp) là một trường kỹ sư và một trung tâm nghiên cứu Pháp.

4 Báo cáo này đăng ở địa chỉ Internet
http://www.worldenergy.org/documents/ser2007_final_online_version_1.pdf.

5Năm 2020 ấn nút mấy lò phản ứng?” đăng trên Tia Sáng ngày 13 05 2008 và ở địa chỉ Internet
http://www.tiasang.com.vn/news?id=2693.

6nh Thuận: Xây dựng nhà máy điện sử dụng năng lượng gió” đăng trên Lao Động ngày 12 01 2008 và ở địa chỉ Internet
http://www.laodong.com.vn/Home/kinhte/2008/1/72827.laodong/.

7Phát triển nguồn năng lượng mới ở TPHCM Dồn sức cho xăng sinh học” đăng trên Sài Gòn Giải phóng ngày 06 04 2008 và ở địa chỉ Interrnet
http://www.sggp.org.vn/trithuccongnghe/2008/4/148235/

Quảng Ngãi: 1.600 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học” đăng trên Tuổi Trẻ ngày 19 04 2008 và ở địa chỉ Interrnet
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=253750&ChannelID=11/.

8 "Khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam" đăng trên Nhân Dân ngày 19 05 2008 và ở địa chỉ Internet
http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=38&sub=131&article=122288.

9 Về những bê bối của những dự án điện, “Thiếu điện có phải không biết trước?” đăng ở địa chỉ Internet
http://vietnamnet.vn/kinhte/2008/03/775207/

và, đặc biệt về những chậm trễ của tổ máy điện Uông Bí I bài “Dự án Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng hoạt động chậm trễ, vì sao?” đăng trên Nhân Dân ngày 12 04 2008 và ở địa chỉ Internet
http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=38&sub=131&article=119682

10 Khởi công xây dựng khách sạn Petrolimex Huế” đăng trên Nhân Dân ngày 26 04 2008 và ở địa chỉ Internet
http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=39&sub=66&article=120734

Đua xây cao ốc trên 'đất vàng' Hà thành” đăng ở địa chỉ Internet
http://www.vnexpress.net/GL/Kinh doanh/2007/11/3B9FC1B8/

và “EVN đầu tư ngoài ngành để cứu... lỗ (?!)” đăng trên Lao Động ngày 16 05 2008 và ở địa chỉ Internet
http://www.laodong.com.vn/Home/kinhte/2008/5/88750.laodong

11 "Hoàn thiện thị trường phát điện cạnh tranh" đăng trên Nhân Dân ngày 14 04 2008 và ở địa chỉ Internet
http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=38&sub=131&article=119782.

12 Chiến lược và mô hình kinh tế của Pacific Airlines diễn biến sôi động từ khi công ty được thành lập cách đây một chục năm. Cuối tháng năm 2008 xí nghiệp này sẽ đổi tên thành Jetstar Pacific.

13 Để nghị đọc giả tham khảo nguyên văn hiệp ước NPT ở địa chỉ Internet
V http://www.iaea.org/Publications/Documents/Infcircs/Others/infcirc140.pdf
và hiệp ước Bangkok ở địa chỉ Internet
httH://www.iaea.org/Publications/Documents/Infcircs/1998/infcirc548.pdf.

14Phát hiện mỏ dầu có trữ lượng lớn ngoài khơi Việt Nam” đăng ở địa chỉ Internet
http://vietnamnet.vn/kinhte/2004/04/60569/

"Triển khai hai dự án mỏ than đồng bằng sông Hồng" đăng ở địa chỉ Internet
http://www.thesaigontimes.vn/Home/thoisu/sukien/4822/.

15 Trong báo cáo "APEC Energy Demand and Supply Outlook 2006 Projection to 2030" đăng ở địa chỉ Internet
http://www.ieej.or.jp/aperc/2006pdf/Outlook2006/Whole_Report.pdf,
APERC chỉ phóng giả thuyết này đến năm 2030. Trong bài này, chúng tôi phóng tới năm 2035.

16 "Chuẩn bị nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân" đăng ở địa chỉ Internet
http://www.vtc.vn/congnghe/179846/index.htm.

17 "Người dân ủng hộ xây dựng nhà máy điện hạt nhân" đăng ở địa chỉ Interrnet
http://vtc.vn/xahoi/180502/index.htm


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss