Bạn đang ở: Trang chủ / KHKT / Sạt lở đất, khô hạn, lũ lụt và thủy điện - Giảm thiểu hệ luỵ của bão lũ

Sạt lở đất, khô hạn, lũ lụt và thủy điện - Giảm thiểu hệ luỵ của bão lũ

- Đặng Đình Cung — published 01/12/2020 22:23, cập nhật lần cuối 01/12/2020 22:23

Sạt lở đất, khô hạn, lũ lụt và thủy điện - bài 2 (*)


Giảm thiểu hệ lụy của bão lũ


ĐẶNG Đình Cung

Kỹ sư tư vấn



Chúng ta không thể tránh được lũ bão hàng năm. Các nhà khoa học của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change) dự báo sau này những thảm họa khí hậu như năm nay sẽ trở nên thường xuyên và mạnh hơn. Chúng ta không thể tránh được những hệ lụy đó.

Trong bài này chúng tôi xin trình bày một số việc phải làm để tác động của con người không làm cho những hệ lụy đó trầm trọng thêm.


Những công trình xây dựng


Nhà cửa, trường học, trạm y tế, trụ sở hành chính chúng ta sẽ xây lại vững chắc hơn, tiện nghi hơn. Chúng ta sẽ xây thêm cảng âu để cho nhiều thuyền hơn có thể lánh nạn...

Chúng tôi đồng ý với PGS–TS Phạm Hùng Cường và KTS Ngô Doãn Đức là phải xây những nhà chống bão1. Ngược với đề nghị của KTS Ngô Doãn Đức mỗi nhà xây một chòi chống bão, chúng tôi đề nghị mỗi xã xây một nhà chống bão tập thể. Tính tập thể cho phép kiểm tra số người chưa đến lánh nạn và lực lượng cấp cứu biết phải đến đâu cấp cứu. Nhà chống bão này sẽ có những tiện nghi và dịch vụ tối thiểu (lương thực, nước uống, tủ thuốc cấp cứu, trợ tá xã-hội, nhà vệ sinh,...) làm giảm khổ đau cho người lánh nạn. Ở Polynesia Thuộc Pháp những nhà chống bão tập thể này chứng minh là hữu hiệu.

Để thực hiện những công trình này thì chính phủ cần có một tổ đặc trách hội tập một số kiến trúc sư và dự án trưởng thuộc loại giỏi nhất nước. Tổ đặc trách sẽ được trang bị bởi những hệ mềm (software) thiết kế 3D và BIM (Building Information Modeling, Mô hình Thông tin Xây dựng)2. Những công cụ này dùng để thiết kế và lập hồ sơ xây dựng những công trình kể trên. Tổ sẽ thiết kế một công trình kiểu mẫu cho mỗi loại công trình. Mỗi mẫu bao gồm một lõi tối thiểu và một mô–đuyn mẫu dùng để xây thêm tùy nhu cầu cụ thể của địa phương. Các hồ sơ BIM đó sẽ được phát không cho các cá nhân và cơ quan địa phương có nhu cầu.

Để tôn trọng tự do sáng tác thì chính phủ không nên bắt buộc phải làm theo các mẫu tiêu chuẩn này mà chỉ khuyến khích thôi. Thực ra ở các nước giầu thì người ta đã tiêu chuẩn hóa như vậy rồi. Ở Bắc Mỹ hay ở Úc nhà ở của cả một khu phố đều xây theo cùng một kiểu. Từ đầu Cách mạng Công nghiệp ở Âu–Châu, những khu nhà cho công nhân các khu mỏ và các nhà máy lớn cũng được xây cùng một kiểu. Doanh trại, trường học, tòa thị chính,... xây ở Pháp, thời đầu Đệ tam Cộng hòa, đều xây theo cùng một kiểu. Nhiều công trình vẫn tồn tại được dùng cho tới nay.

Dùng kiểu mẫu tiêu chuẩn của chính phủ thì có một số điểm lợi :

  1. mỗi dự án tiết kiệm chi phí thiết kế và lập hồ sơ xây dựng,

  2. bên mua được bảo đảm sẽ có một công trình thích nghi với nhu cầu, với giá phải chăng và được thực hiện trong thời hạn tối thiểu,

  3. nhà thầu khó mà có thể ép giá, mưu toan đội giá sẽ bị phát hiện vì giá đã được định hướng và cập nhật trong hồ sơ BIM của chính phủ,

  4. nói chung thì có khả năng sau này chi phí thực hiện những công trình này sẽ giảm theo định luật hiệu ứng tay nghề (learning effect)3.


Trồng lại rừng


Xin cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã kiên nhẫn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về quản lý rừng ở nước ta4. Đề nghị bạn đọc tham khảo thêm bài phỏng vấn GS TSKH Nguyễn Ngọc Lung5 trong đó GS Lung giảng rõ hơn, lành mạch hơn, những gì chúng tôi đã đăng trong một bài trước đây6.

Ở xa đất nước, chúng tôi không biết việc chính phủ ngăn cản lâm tặc đốn rừng nguyên sinh có hiệu quả hay không. Đốn rừng trái phép là một tình trạng không có chất lượng (non–quality state) phải được thanh toán bằng những công cụ quản lý chất lượng. Người dân đang bức xúc về vấn đề này là một dịp để chính phủ quay một vòng PDCA (Plan–Do–Check–Act, Bố trí–Thi hành–Kiểm tra–Hành động) đánh giá việc làm của các Sở Kiểm lâm và tìm xem có gì cần được cải thiện hay không.

Phải trồng lại rừng là một đồng thuận hiếm hoi của Nhà nước, người dân và các nhà khoa học. Vấn đề là trồng lại loại rừng gì, trồng lại ở đâu và ai trồng lại.

Loại cây có thể dùng để trồng lại rừng tùy ở nhiều nhân tố như là khí hậu địa phương (micro–climate), địa chất, hệ thống nước ngầm, hướng mặt trời,... Những nhân tố đó có thể thay đổi từ một địa bàn sang một địa bàn khác diện tích nhỏ như một ngọn núi, một thung lũng. Quyết định trồng một loại cây duy nhất cho cả nghìn kilô–mét vuông mà không thử nghiệm trước không phải chỉ là một sai lầm kinh tế – kỹ thuật mà có thể gây thêm một hiểm-nguy môi trường nào đó mà hậu quả khó lường được. Thêm vào đó, để cố gắng tái tạo hệ sinh thái xưa, thì phải thả vào rừng những dã thú, những côn trùng trước kia sinh sống ở vùng đó.

Tạo hóa mạnh hơn con người. Nếu không có tác động của con người thì bất cứ nơi nào cũng sẽ trở lại tình trạng hoang dã như xưa. Vấn để chỉ là trong bao lâu thôi. Trồng lại rừng đã bị tàn phá là một công cuộc dài hơi. Chúng tôi xin đề nghị thứ tự ưu tiên là

  1. những nơi chủ quản nguồn nước (tỷ dụ như Tây Nguyên),

  2. những nơi có người sinh sống hay đã được quy hoạch để có người đến ở đó

  3. và vùng phụ cận những nơi đó.

Những nơi khác thì chúng ta có thể giúp rừng tái sinh mau hơn với công nghệ hiện có và bằng cách thả vào rừng những động vật đã sống ở nơi đó khi xưa hay sống ở những rừng nguyên sinh lân cận. Nếu bỏ mặc cho tạo hóa làm công việc của tạo hóa thì cũng không sao. Ở bên Mỹ họ quản lý rừng phòng hộ như vậy từ giữa thế kỷ XIX rồi.

Để trồng lại và bảo vệ rừng thì chính sách hay nhất là người dân tìm thấy lợi ích kinh tế ở việc này. Thế kỷ XVII thủ tường Pháp Jean Baptiste Colbert ra lệnh trồng rừng sồi để có gỗ đóng tầu. Ở Âu Châu, từ thế kỷ XVII cho đến đầu Cách mạng Công nghiệp, người ta trồng rừng để có than củi mà luyện thép. Khi các rừng đó trở thành rừng già có thể khai thác được thì chiến hạm được đóng bằng thép và sắt thép được sản xuất với than đá. Người ta bỏ mặc những rừng đã trồng và những vùng Bretagne, Lorraine, Nordrhien Westfalen,... bây giờ là những nơi được coi là rừng nguyên sinh. Ở Pháp có một xí nghiệp quốc doanh tên là Office National des Forets có chức năng quản lý rừng của Nhà Nước để bán gỗ, chỉnh trang cảnh quan cho ngành du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái và tư vấn tư nhân khai thác rừng của họ. Xí nghiệp quản lý một phần tư diện tích rừng của nước Pháp với doanh số xấp xỉ 850 triệu euro mỗi năm, có năm lãi, có năm lỗ, nhưng nói chung thì cân bằng thu–chi.

Nước ta có quyết định 327–CT của thủ tướng Võ Văn Kiệt "giao hoặc khoán một số diện tích [đất trồng, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước] phù hợp với khả năng lao động, vốn đầu tư để trồng mới hoặc quản lý, bảo vệ, chăm sóc và chuẩn bị khai thác"7. Ngoài mục đích trồng lại rừng, quyết định cũng có mục đích xóa đói giảm nghèo. Chúng tôi không thấy lý do gì để thay đổi chính sách này vì nó dựa trên nguyên tắc "người dân thấy có lợi ích kinh tế thì làm". Rất có thể đây là nhân tố đã làm cho diện tích rừng của ta tăng mau từ năm 1993, năm quyết định 327–CT bắt đầu có hiệu lực. Các bộ trưởng vừa đưa ra trước Quốc hội những thành tích ấn tượng làm cho nhiều người nghi ngờ. Chúng tôi xin để Quốc hội đánh giá tính trung thực của các số liệu đã được đưa ra.


Giảm và tránh sạt lở đất


Sạt lở đất là một hiện tượng tự nhiên. Dù không có tác động nào của con người thì đất đá vẫn sạt lở cho tới khi độ dốc của sườn núi bằng độ dốc cân bằng (equilibrium slope). Địa chất miền Trung vẫn còn non. Nhiều sườn núi vẫn chưa đạt độ dốc cân bằng và sạt lở đất sẽ tiếp tục không biết cho đến bao giờ. Con người gây thêm điều kiện sạt lở khi đốn rừng, xẻ núi và tạo ra những sườn núi và vách đá với độ dốc cao hơn là độ dốc cân bằng. Để tránh sạt lở thì phải gọt sườn núi tới độ dốc thích nghi rồi trồng cây để củng cố thêm.

Chúng ta phải công bố bản đồ những nơi nguy hiểm để cảnh báo người dân không nên đến đó ở, các xí nghiệp không nên xây dựng gì ở những nơi đó. Có vị nói phải có bản đồ chính xác đến 1/500. Những loại bản đồ này quá tinh vị với công dụng cảnh báo này. Một bản đồ 1/50.000 là đủ rồi. Với lực lượng chuyên gia điạ chất của ta thì việc này có thể làm được mau chóng vì

  1. chỉ cần có bản đồ những nơi có người đang sinh sống hay đã được quy hoạch để có người đến ở đó và vùng phụ cận những nơi đó,

  2. chúng ta đã có sẵn nhiều bản đồ 1/50.000 hay với tỷ lệ nhỏ hơn (tỷ dụ bản đồ của pháo binh thời chiến tranh).

Gọt một sườn núi cho đến độ dốc cân bằng thì có thể đắt hơn là củng cố sườn núi đó hay là xây một kè chống đỡ. Có nhiều phương pháp củng cố. Chúng tôi xin giới thiệu kỹ thuật PNEUSOL cuả KS TS Nguyễn Thành Long8. Nếu giải pháp với kỹ thuật PNEUSOL có giá trị ngang hàng với một giải pháp khác thì chúng tôi xin đề nghị chọn giải pháp PNEUSOL vì hai lý do :

  1. Khi củng cố một sườn núi hay xây một kè chống đỡ thì người ta đào đất ở gần đó để lấy vật liệu xây dựng. Làm như thế thì lại có thêm sườn núi hay vách đá phải củng cố để tránh sạt lởi. Để tránh việc này nhiều khi người ta phải mang vật liêu từ xa, một việc làm tốn kém. Với kỹ thuật PNEUSOL thì vỏ lốp được dùng làm vật liệu củng cố.

  2. Chúng ta là một nước xuất khẩu lốp xe hàng đầu trên Thế giới9. Vỏ lốp đã qua sử dụng là một vật khó phá hủy chỉ có thể chất đống ở sân sau hay ở một nơi kín đáo. Người ta sẵn sàng trả công để mình thu lại những vỏ này và xử lý thay cho họ. Nếu chúng ta thu hồi những vỏ lốp đã bán cho khách hàng thì họ sẽ thích mua mới hàng của mình hơn. Với kỹ thuật PNEUSOL thì chúng ta lồng những vỏ lốp đã qua sử dụng vào kinh tế tuần hoàn (carbon economy)10. Những hãng bán đồ cơ điện cũng không làm gì khác khi họ thu lại để xử lý ở nước ta những thiết bị gia dụng không còn dùng được nữa.


Thủy điện


Có ý kiến "các đập thủy điện đem lại lợi ích không bõ cho cái thiệt hại gây ra"11. Cũng có ý kiến ôn hòa hơn chỉ "dừng không bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện nhỏ dưới 3 MW"12.

Những ý kiến đó sai vì vấn đề là

  1. một dự án có tôn trọng an toàn của con người và toàn vện môi trường hay không,

  2. nếu tôn trọng thì dự án đó sẽ có tỷ số lợi nhuận cao hơn lãi suất dài hạn của ngân hàng hay không13.

Nếu có sạt lở đất, khô hạn và lũ lụt do một nhà máy thủy điện gây ra là tại vì ba khâu thiết kế, thực hiện và vận hành không đúng cách. Nếu xây dựng một nhà máy thủy điện (hay gì chăng nữa) mà xẻ núi với độ dốc sườn núi cao hơn độ dốc cân bằng thì có sạt lở đất. Nếu sau khi xẻ núi mà không trồng lại cây thì sườn núi sẽ trơ trọc với hệ lụy của rừng bị đốn. Nếu xây đập không vững thì đập sẽ vỡ (thường thì vỡ vào mùa mưa bão), thì có lũ chồng lũ. Nếu không tua–bin hết nước vào mùa khô để phải xả lũ vào mùa mưa thì sẽ hạn hán vào mùa khô và lũ chồng lũ vào mùa mưa. Thủy điện lớn hay nhỏ chảng có trách nhiệm gì vào những tai họa đó cả.

Cũng như với bất cứ cơ sở công nghiệp nào, chính phủ phải cương quyết cấm những dự án không bảo đảm an toàn của con người và toàn vẹn môi trường, ra lệnh chuẩn hóa những cơ sở sẵn có nhưng không bảo đảm hai điều đó.

Cấm một dự án thì dễ : một công văn của cơ quan chức năng. Thay đổi quy trình vận hành một cơ sở thì cũng dễ : tính lại với thuật toán vận trù cũ hay một thuật toán mới để tìm ra quy trình tối ưu, sau đó thì làm theo. Ngưng một nhà máy thủy điện không phải là một giải pháp. Dù làm gì chăng nữa thì những đồi núi trơ trọc, sườn núi bị xẻ với độ dốc quá cao vẫn còn đó. Nếu ngưng một nhà máy thì chỉ tránh được chủ nhà máy xả lũ vào mùa mưa. Vậy thà rằng để cho các nhà máy thủy điện hiện có tiếp tục vận hành trong khi chuẩn hóa những nhà máy không hợp chuẩn.

Nếu chủ nhà máy không hoàn tất lệnh chuẩn hóa trong một thời hạn vừa phải thì tòa án ra lệnh tịch biên nhà máy và tài sản khác của chủ nhân để chính phủ có tài chính mà tiếp tục chuẩn hóa.

Những giải phấp trên rất tốn kém và cần đến sự cương quyết của chính phủ. Nhưng chi cho gần cả triệu người sinh sống suốt dọc một phần dài của tổ quốc thì phải coi đây là một kích cầu theo học thuyết Keynes dùng để phục hồi một nền kinh tế đã bị lung lay bởi thiên tai và dịch COVID–19.


(*) Tiếp theo bài cùng tên nhưng không đánh số, đăng ngày 16/11, ở đây..

Đặng Đình Cung


Chú thích:


1 Bão lũ VN: Hai chuyên gia gợi ý mô hình nhà chống lũ cho Thủy Tiên
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54701478

2   BIM là một mô hình thông tin kỹ thuật số tập hợp các khâu thiết kế, thi công và vận hành các công trình. Trên thị trường có nhiều hệ mềm tự động hóa các khâu này, rất tiện ích và không quá đắt. Những hệ mềm này thông dụng ở các xí nghiệp xây dựng lớn và được các kỹ sư trong nước gọi khoác lác là hệ mềm trí tuệ nhân tạo.

3   Hiệu ứng tay nghề
http://vietsciences.free.fr/timhieu/khoahoc/kinhte/hieu-ungtaynghe.htm

Mời bạn đọc tham khảo thêm kỳ công những chiếc Liberty Ship mà Hoa–Kỳ đã đóng thời Đệ nhị Thế chiến.

4   Quốc hội, rừng, thủy điện nhỏ và lũ lụt
https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/quoc-hoi-rung-thuy-dien-nho-va-lu-lut-686112.html

5   Vì sao rừng nguyên sinh còn nguyên chỉ 0,25%?
https://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/vi-sao-rung-nguyen-sinh-con-nguyen-chi-025-3422788/

6   Sạt lở đất, khô hạn, lũ lụt và thủy điện (đã dẫn)

7   Quyết Định 327-CT – Về một số chủ trương, chính sách sử dụng đât trồng, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước
https://thukyluat.vn/vb/quyet-dinh-327-ct-su-dung-dat-trong-doi-nui-troc-rung-bai-boi-ven-bien-mat-nuoc-1992-95d6.html

8   Xin mời bạn đọc thông thạo Pháp ngữ tham khảo các tài liệu sau đây :

Nguyễn Thành Long : Le PNEUSOL
https://www.ifsttar.fr/fileadmin/user_upload/editions/lcpc/ERLPC/ERLPC-GT-LCPC-GT07.pdf

Luân án tiến sĩ của KS Nguyễn Thành Long  với một số thí dụ thiết kế
https://www.pneusol.eu.org/perso/3insa1C.pdf

Một thí dụ thực hiện cụ thể
Realisation d'un remplai en PNEUSOL allege en site de glissement de terain: Cas de la RN 85 - La Mure (Isere)
https://www.cfg.asso.fr/sites/default/files/files/cd-rom-2013/503-510.pdf

9   Doanh nghiệp xăm lốp nhận hai “cú đấm”
https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-xam-lop-nhan-hai-cu-dam-post244297.html

10   Phế liệu và công nghiệp xử lý
http://www.thesaigontimes.vn/163666/a.html

11   13 luật sư kiến nghị ‘phá bỏ ngay những thủy điện gây hại’
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam 37654601

12   Hậu quả lũ lụt miền Trung: Có hay không nguyên nhân từ thủy điện, phá rừng?
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-10-30/hau-qua-lu-lut-mien-trung-co-hay-khong-nguyen-nhan-tu-thuy-dien-pha-rung-94376.aspx

13   Đây là vấn-đề của chủ đầu-tư không liên quan gì đến đề tài của bài này

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss