Bạn đang ở: Trang chủ / KHKT / Sạt lở đất, khô hạn, lũ lụt và thủy điện - Khắc phục tai họa và xây dựng tương lai

Sạt lở đất, khô hạn, lũ lụt và thủy điện - Khắc phục tai họa và xây dựng tương lai

- Đặng Đình Cung — published 02/12/2020 21:00, cập nhật lần cuối 01/12/2020 22:28

Sạt lở đất, khô hạn, lũ lụt và thủy điện - bài 3


Khắc phục tai họa và xây dựng tương lai


ĐẶNG Đình Cung

Kỹ sư tư vấn



Trong bài này chúng tôi xin bàn về một số việc cần làm ngay để khắc phục tai họa lở đất, khô hạn, lũ lụt và thủy điện xảy ra năm nay ở nước ta, đặc biệt ở miền Trung, và vài phương án phòng bị những thảm họa này.


Khắc phục tai họa năm nay


Mùa bão đã qua từ một tuần qua. Các cơ quan Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, các nhà từ thiện coi như là đã hoàn thành nghĩa vụ cấp cứu.

Những việc tiếp theo là làm sao để người dân trở lại đời sống bình thường trước Tết Nguyên đán :

  1. tiêm chủng mọi người,

  2. phân phát quần áo, chăn chiếu, nồi niêu và các đồ gia dụng khác,

  3. dựng những lều tạm trú để các nạn nhân có nơi trú ẩn trong khi chờ xây lại xong nhà cửa,

  4. tái lập hệ thống viễn thông và giao thông vận tải,

  5. khởi động những bộ lọc nước và phát điện di động để cung cấp nước sạch và điện cho dân,

  6. mở lại những trạm y tế, trường học, chợ và cơ quan hành chính,

  7. sửa chữa và tái khởi động những cơ sở sản xuất,

  8. phân phát lương thực cho nông dân cho tới mùa gặt tới và cho ngư dân cho tới khi có thể ra khơi đánh bắt cá,

  9. tìm cho bằng được tất cả các thi hài nạn nhân để các gia đình an táng theo lễ nghi

  10. không để cho cháu bé nào thiếu quà Giáng sinh và thiếu quần áo mới Tết Nguyên đán tới.

Sự giúp đỡ này phải đồng đều và dựa trên nơi thường trú của nạn nhân bất chấp thành phần xã hội của người nhận (có công với cách mạng, chức vụ trong chính quyền, thuộc diện này diện nọ,...).

Như viết ở một bài trước, sạt lở đất, khô hạn, lũ lụt là những hiện tượng tự nhiên mà biến đổi khí hậu, do con người gây ra, làm cho mỗi năm mỗi thường xuyên hơn trầm trọng hơn1. Thủ phạm là cả nhân loại từ khi Cách mạng Công nghiệp bắt đầu chứ không chỉ riêng người Việt Nam mình. Nhưng thủ phạm trực tiếp đã làm cho hệ lụy trầm trọng thêm là :

  1. những chủ dự án đã đốn rừng, xẻ núi để xây dựng công trình của họ hay để trồng cây công nghiệp,

  2. những chủ nhà máy thủy điện đã phải xả lũ vì, trước mùa mưa, đã không tua–bin hay trút hết nước đến mức nước chết trong hồ,

  3. những chủ nhà máy thủy điện có đập bị vỡ trong mùa mưa và những nhà thầu đã xây đập này.

Họ phải bị xử lý như sau :

  1. về thương đau của những người bị thương, gia đình những người chết và thiệt hại vật chất thì chính phủ đại diện bên bị hại kiện các thủ phạm theo điều 360 (trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ) và điều 361 (thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ) của Bộ Luật Dân sự,

  2. nếu có người chết thì chính phủ khởi tố các thủ phạm theo điều 129 (vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp) của Bộ Luật Hình sự,

  3. nếu không có tử vọng, thương vong và thiệt hại vật chất nhưng nếu thủ phạm đã nhận được lệnh của một cơ quan địa phương mà không thi hành thì chính phủ phạt hành chính tùy theo hậu quả tiềm tàng của nguy cơ.

Để tránh nạn cá lớn bắt nạt cá bé và phung phí chi phí mỗi người kiện riêng lẻ thì chính phủ khởi kiện nhân danh tất cả các nạn nhân theo trình tự tương tự như trình tự class action bên Mỹ. Chính phủ cũng nên khuyên mỗi ai đừng hành động riêng lẻ (khuyên chứ không cấm!). Cơ sở bồi thường là những khổ đau và thiệt hại vật chất của Nhà Nước và người dân trên vùng ảnh hưởng của công trình gây ra tai nạn, không phân biệt ai là nạn nhân trực tiếp ai không2. Sau khi tòa án tuyên mức bồi thường thì chính phủ thu bồi thường ngay cho mỗi bị hại chứ không chờ thủ phạm thanh toán.


Hướng về tương lai


(a) Chỉ thị Soveso

Quốc hội vừa sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường. Khi viết bài này (ngày 26 tháng 11, 2020) thì chúng tôi chưa thấy đăng trên trạm thông tin của chính phủ. Dựa trên phiên bản năm 2014 thì chỉ thấy có điều 109 ("Ứng phó sự cố môi trường") nói về an toan của con người và chỉ nói về ứng phó thôi chứ không nói đến phòng ngừa. Trên danh sách các luật thì chúng tôi không thấy có Luật về An toàn của Con Người.

Sinh mạng của người dân là quý báu. Chúng tôi xin Quốc hôi cho ra một Luật về An toàn của Con Người. Ngoài việc thể hiện trách nhiệm bảo hộ dân của Nhà Nước, luật này cũng có tác động tích cực vào phát triển kinh tế, công nghiệp và công nghệ.

Vào thập niên 1970 của thế kỷ trước, trước đe dọa của sản phẩm Nhật Bản, vừa rẻ vừa có chất lượng, các chính phủ Âu Châu đã áp đặt bảo đảm chất lượng vào các xí nghiệp. Sau khi kháng cự mãnh liệt, các ngành ô–tô, ngành điện cơ, hậu cần,... đã tuân theo và đã thấy tiến bộ về công nghệ trong khi giá thành sản xuất giảm. Các xí nghiệp không làm theo đã phá sản vì cạnh tranh không nổi.

Năm 1976, sau tai nạn một nhà máy sản xuất chất diệt cỏ ở Soveso (Italia), Hội đồng Âu Châu đã áp đặt các xí nghiệp thuộc các ngành hóa học nhạy cảm về an toàn của con người và toàn vẹn môi trường (sau đây chúng tôi gọi tắt là xí nghiệp nhạy cảm) phải bảo đảm hai điều đó sẽ được tôn trọng. Áp đặt đó được biết đến dưới tên là Chỉ thị Soveso (Soveso Directive). Trong hồ sơ xin phép hoạt động thì phải có một tài liệu gọi là "Báo cáo Bảo đảm An toàn và Toàn vẹn" (Report on Safety and Integrity Assurance)3.

Một lần nữa các xí nghiệp than vãn giá thành sẽ tăng, sẽ không thể cạnh tranh nổi trên thị trường quốc tế, sẽ giải thể nhân viên,... Nhưng những xí nghiệp nhạy cảm đã tuân thủ chỉ thị đã nhận thấy họ tiến bộ về công nghệ và làm ăn có lãi nhiều hơn. Thấy vậy các xí nghiệp ít nhậy cảm cũng lục đục làm theo. Phong trào này gọi là "trách nhiệm xã hội doanh nghiệp" (Social Accountancy) bây giờ lan ra các ngành không phải là ngành hóa học của Chỉ thị Soveso.

Nếu chính phủ ta áp đặt một chính sách tương tự như Chỉ thị Soveso, nhưng cho tất cả các ngành công nghiệp nặng thì hiệu quả kinh tế và công nghệ cũng sẽ tương tự như wor Âu Châu. Chúng tôi xin nhấn mạnh đến tính cấp bách của việc làm này tại vì :

  1. nếu chính phủ hành động càng sớm thì các xí nghiệp của ta sẽ hiện đại hóa càng sớm để hưởng lợi ;

  2. với Hiệp định RCEP chúng ta vừa ký thì các nước láng giềng sẽ ồ ạt đến đầu tư vào những ngành nhậy cảm để khai thác những thiếu sót của ta về an toàn của con người và toàn vẹn môi trường ; họ sẽ mang FDI để mua sinh mạng của dân ta và biến nước ta thành bãi rác của họ ;

  3. mặt khác, CPTPP và EVFTA chúng ta đã ký sẽ vô dụng vì các xí nghiệp Tây Âu sẽ ngại giao thương với các xí nghiệp của ta không chia xẻ những giá trị đạo đức của họ4.

(b) Đại học và các đề tài nghiên cứu khoa học

Năm 1959, sau một trận mưa lớn, đập Malpasset vỡ, 50 triệu mét khối nước tràn xuống tỉnh Frejus, hạt Var, Đông Nam nước Pháp, làm cho 423 người chết chưa kể những người bị thương và những thiệt hại vật chất. Thanh tra kỹ thuật kết luận rằng tai nạn xẩy ra vì móng hai bên đập tựa vào những mảng đá không vững. Hóa ra, cho tới khi báo cáo thanh tra được công bố, ngành xây dựng chưa bao giờ quan tâm đến sức bền của địa chất trên địa bàn và xung quanh các công trình. Từ đó trước khi xây gì thì người ta khảo sát địa chất ở những nơi đó. Và cũng từ đó mà sinh ra môn cơ học địa chất (rocks mechanics) và môn địa vật lý (geophysics) áp dụng cho ngành xây dựng.

Chúng tôi xin đề nghị ba trường Đại học Bách khoa của nước ta, mỗi trường mở một lớp thạc sĩ kỹ sư về cơ học địa chất và một lớp về địa vật lý áp dụng cho ngành xây dựng5. Thêm vào đó, mỗi trường nên có phòng thí nghiệm nghiên cứu về những đề tài này.

Chúng tôi cũng xin đề nghị các trường đại học nông lâm tăng cường nghiên cứu cơ bản (fundamnental research) về

  1. những thảo vật mọc trong các rừng nguyên sinh còn lại, và những động vật sống ở những rừng đó,

  2. những cây có thể dùng để trồng lại rừng thích nghi với điều kiện tự nhiên địa phương và khả năng khai thác kinh tế những rừng đó,

  3. những động vật có thể thả vào rừng tái sinh hay nhân tạo để các rừng đó mau chóng giống như rừng nguyên sinh.

Trước khi dừng bút, chúng tôi xin bầy tỏ sự ngưỡng mộ của chúng tôi đối với nữ ca sĩ Thủy Tiên đã quyên được tới 178 tỷ đồng (khoảng 8 triệu USD, bằng ba lần viện trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á) trong vài ngày6. Thành tích này cho thấy xã hội dân sự năng động hơn hữu hiệu hơn các tổ chức tùy thuộc ĐCSVN.

Không những thế, những khó khăn Thủy Tiên đã gặp với chính quyền địa phương khi đi phát trợ cấp đã bắt buộc chính phủ phải thú nhận một thói quen gọi là "dân nuôi" : cường hào địa phương tịch thu tiền quà của người nhận với lý do là phải chia đồng đều cho mỗi người, ăn chặn một phần rồi mới phân phát cho dân7. Cho tới nay, các tổ chức từ thiện phải chấp nhận "tục lệ" đó để người họ muốn giúp nhận được tài trợ dù đã bị cắt xén, một số tổ chức quốc tế phản đối, rút lui và phát tán cảm nhận xấu của họ về nước ta. Nhờ Thủy Tiên mà tướng Lê Chiêm đã phải "cảnh tỉnh và chấn chỉnh ngay đối với cán bộ cơ sở, kể cả lực lượng vũ trang"8. Còn thủ tướng thì đã ra lệnh sửa lại nghị định 148/2007/NĐ CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện9 và kêu gọi chính quyền địa phương không "gây khó khăn cho những người hảo tâm"10.

Một tiến bộ bất ngờ trong việc thừa nhận xã hội dân sự và công cuộc chống tham nhũng.


(*) Tiếp theo bài 2, ở đây.


Đặng Đình Cung


Chú thích :


1 Sạt lở đất, khô hạn, lũ lụt và thủy điện
https://www.diendan.org/khoa-hoc-ky-thuat/sat-lo-dat-kho-han-lu-lut-va-thuy-dien

2   Khi xưa trong vụ kiện Chất độc Da Cam, các hãng tham gia vào sản xuất chất độc này đòi mỗi nạn nhân phải chứng minh là nạn nhân trực tiếp của chất độc của họ chứ không phải tại vì không may bị khuyết tật do xác suất tự nhiên. Một người có một chút lý trí không thể chấp nhận điều kiện này được. Vì thế mà các tổ chức từ thiện giúp đỡ tất cả các người khuyết tật nào bất chấp nguồn gốc của khuyết tật.

3  Thiên tai và nhân tai. Vì an toàn của con người và toàn vẹn môi trường
https://www.diendan.org/khoa-hoc-ky-thuat/thien-tai-va-nhan-tai-vi-an-toan-cua-con-nguoi-va-toan-ven-moi-truong

4   Xin đừng tưởng tư bản Tây Âu đạo đức. Họ chịu áp lực của phong trào tẩy chay những xí nghiệp không tôn trọng an toàn của con người và toàn vẹn môi trường.

5   Hình như môn địa vật lý áp dụng cho ngành dầu khí thì đã có rồi. Nhưng áp dụng cho ngành dầu khí và áp dụng cho ngành xây dựng là hai môn hoàn toàn khác nhau.

6   Thủy Tiên ‘giải trình’ 178 tỉ cứu trợ miền Trung, 2 vợ chồng ca sĩ góp thêm gần 3,7 tỉ
https://tuoitre.vn/thuy-tien-giai-trinh-178-ti-cuu-tro-mien-trung-2-vo-chong-ca-si-gop-them-gan-3-7-ti-20201123215443513.htm

7   Nhận cứu trợ lũ lụt 500 ngàn, bị thôn thu lại 400 ngàn
https://tuoitre.vn/nhan-cuu-tro-lu-lut-500-ngan-bi-thon-thu-lai-400-ngan-1194472.htm

8   Tướng Lê Chiêm nói gì về việc 'cán bộ chia lương khô cứu trợ làm quà?'
https://thanhnien.vn/thoi-su/tuong-le-c

9   Thủ tướng yêu cầu sửa quy định gây tranh cãi về quyên góp hỗ trợ vùng thiên tai
https://tuoitre.vn/thu-tuong-yeu-cau-sua-quy-dinh-gay-tranh-cai-ve-quyen-gop-ho-tro-vung-thien-tai-20201023190515122.htm

10  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không gây khó khăn cho các nhà hảo tâm
https://viettimes.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-khong-gay-kho-khan-cho-cac-nha-hao-tam-post139619.html

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss