Bạn đang ở: Trang chủ / KHKT / Thiên tai và nhân tai. Vì an toàn của con người và toàn vẹn môi trường

Thiên tai và nhân tai. Vì an toàn của con người và toàn vẹn môi trường

- Đặng Đình Cung — published 19/11/2020 11:42, cập nhật lần cuối 19/11/2020 11:42

Thiên tai và nhân tai.
 Vì an toàn của con người
và toàn vẹn môi trường


ĐẶNG Đình Cung

Kỹ sư tư vấn



Năm 2013, ĐCSVN trưng cầu ý kiến về dự thảo Hiến pháp. « Nhóm 72 » quyên được 15.000 chữ ký kiến nghị bỏ điều 4 quy định "Đảng Cộng sản Việt Nam [...]  làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội"[1]. Nhưng 97 phần trăm đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua điều này. Cũng năm 2013 một quan chức hỏi chúng tôi về nạn vỡ đập và xả lũ. Chúng tôi đã viết một bài đăng trên một trạm trong nước bây giờ không còn nữa[2]. Đọc báo mạng trong nước không thấy có tin gì về những tác động nhằm thanh toán nạn vỡ đập và xả lũ thì cách đây hai năm, xốt ruột quá, chúng tôi đăng thêm một bài về xả lũ[3]. Bây giờ lại lưu truyền kêu gọi hỏi ý kiến về những văn kiện ĐCSVN sẽ trình ở đại hội sắp tới của họ. Chúng tôi không hiểu họ hỏi ý kiến để làm gì mà không làm theo hay không trả lời cho người ta biết tại sao không làm theo.

Khổ đau và mất mát của đồng bào miền Trung là lỗi tại chính phủ. Ở nước ta ai làm bất cứ gì thì cũng phải xin phép. Các vị đã cho phép thực hiện và đưa vào hoạt động các dự án thủy điện sinh ra những tai họa đó. Các vị tự bào chữa rằng "trên bảo dưới không nghe". Chúng tôi không hiểu vì sao những người có thể dùng xe ủi phá những quầy hàng lấn chiếm vỉa hè mà lại chịu để cho cấp thừa hành không tuân lệnh.

Trong bài này chúng tôi xin trình bày Báo cáo Bảo đảm An toàn của con người và Toàn vẹn môi trường, một công cụ để giúp chúng ta né tránh và đối phó với thiên tai và nhân tai. Như viết ở một bài trước[4], tất cả các công trình đều có tiềm năng gây ra những tai nạn sạt lở đất, hạn hán và lũ lụt chứ không phải chỉ riêng có thủy điện. Về cơ sở lý thuyết của báo cáo thì bạn đọc có thể tham khảo bài chúng tôi đã viết về an toàn của con người và toàn vẹn môi trường[5].

Từ thời Tiền sử ở Trung Bộ đã có hàng năm luân phiên hàng năm hai mùa mưa nắng, mùa mưa và dông bão gây ra sạt lở đất, hạn hán và lũ lụt. Địa hình có thể thay đổi, nhưng cây cỏ tự nhiên tái sinh duy trì rừng ở trạng thái nguyên sinh. Từ khi con người đến ở thì phải chịu hậu quả của những thiên tai đó. Tệ hơn, con người đã phá rừng, xẻ núi, ngăn sông để xây nhà xây cửa, khai khẩn tưới tiêu đồng ruộng, nuôi trâu bò gà vịt. Rừng không còn tái sinh hài hòa, nước không còn chảy tự nhiên theo các định luật của thủy lực học như xưa. Xâm phạm thiên nhiên này ngày càng nhiều và với quy mô lớn hơn đã làm cho lở đất, hạn hán vào bão lụt trở nên thường xuyên hơn và với cường độ mạnh hơn..

Để sống còn thì chúng ta không thể không xâm phạm thiên nhiên được. Nhưng ít ra thì chúng ta cũng phải tìm cách xâm phạm càng ít càng tốt, ở một mức mà an toàn của con người được bảo đảm và thiên nhiên vẫn còn được duy trì.

Ở các trường quản-trị cấp cử nhân thì các thầy cô dậy rằng trước khi thực hiện một dự án thì chủ đầu tư phải viết hai báo cáo : báo cáo khả thi kỹ thuật và báo cáo khả thi tài chính. Ra ngoài đời thì cấp trên sai viết thêm một báo cáo gọi là "Báo cáo Bảo đảm An toàn của Con Người và Toàn vẹn Môi trường" (Report on Safety for People and Integrity of Environment Assurance) thường được gọi tắt là "Báo cáo Bảo đảm An toàn và Toàn vẹn" (Report on Safety and Integrity Assurance).

Báo cáo Tác động Môi trường của chính phủ thì không đủ vì thiếu vế an toàn của con người. Ở nước ta nhiều khi báo cáo này được viết và trình lên cơ quan hữu trách cho có lệ trên một trang giấy hay sao chép lẫn nhau[6]. Sổ tay Chất lượng (Quality Manual), để xin chứng chỉ ISO 9001, hay Sổ tay Chất lượng, An toàn và Môi trường (Quality, Safety and Environment Manual, QSE Manual) là những tài liệu mô tả chính sách quản trị một cơ sở đã có sẵn và đang vận hành. Báo cáo Bảo đảm An toàn và Toàn vẹn đầy đủ hơn vì đề cập đến bảy điểm cho mỗi rủi ro đã được xác định :

(i) đã có biện pháp ngăn ngừa các rủi ro trở thành hiện thực,

(ii) đã có biện pháp đối phó nếu các rủi ro thành hiện thực,

(iii) có quy trình kiểm tra định kỳ các biện pháp (i) để bảo đảm tính hữu hiệu thường trực của chúng,

(iv) có quy trình kiểm tra định kỳ các biện pháp (ii) để luôn luôn sẵn sàng can thiệp khi tai nạn tiềm tàng xảy ra,

(v) nhân viên có trách nhiệm ngăn ngừa, đối phó và kiểm tra được đào tạo thích nghi và có kỹ năng nghiệp vụ, được thao luyện thường xuyên để duy trì kỹ năng nghiệp vụ,

(vi) các thiết bị ngăn ngừa, đối phó và kiểm tra có chức năng thích nghi, được kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ để luôn luôn sẵn sàng dùng được khi cần đến,

(vii) các quy trình ngăn ngừa, đối phó và kiểm tra được xét lại định kỳ và sửa đổi để thích hợp với biến đổi của cơ sở sản xuất hay công trường xây dựng và tiến bộ của công nghệ.

Nhìn thấy thì có vẻ rườm rà nhưng thực tế thì không phải vậy. Báo cáo để thực hiện một nhà máy điện nguyên tử hay một khu công nghiệp hóa học thì có thể là một pho sách chứa trong hai ba DVD. Nhưng báo cáo để thực hiện một khu thương mại thì có thể dày hai trăm trang giấy. Liệt kê những việc phải làm để sơ tán dân nếu một đập dưới một mêga–watt bị vỡ thì có thể vắn tắt. Nhưng cần phải chi tiết và cụ thể hơn nếu một khán đài sân vận động sụp. Bề dày của báo cáo cũng không tùy ở quy mô của công trình mà còn ở tính nhạy cảm của mỗi rủi ro đã được xác định. Nếu một hồ thủy điện được xây ở một nơi hẻo lánh và được điều khiển từ xa bằng vô tuyến hay qua mạng Internet thì mục "(ii) đã có biện pháp đối phó nếu các rủi ro thành hiện thực" có thể chỉ vỏn vẹn ở câu "Không có người sinh sống hay qua lại nơi đó" (nhưng phải viết câu đó trong báo cáo để chủ dự án xác nhận trách nhiệm của mình). Nhưng một hồ thủy điện lớn hay nhỏ xây ở thượng nguồn một khe núi có thể biến thành ống dẫn lũ bùn mà ở dưới có một khu dân cư sầm uất thì mục (ii) kể trên phải nêu rõ kế hoạch di dân với đầy đủ chi tiết về các phương tiện chuyên chở có thể được điều động khẩn cấp.

Trước khi thực hiện một dự án thì Báo cáo Bảo đảm An toàn và Toàn vẹn phải được trình lên cơ quan hữu trách để được chuẩn y theo tiêu chuẩn an toàn của con người và toàn vẹn môi trường ở mức có thể chấp nhận được.

Có người nói rằng họ không làm như thế để tiết kiệm, nước ta nghèo, ông sống ở ngoại quốc từ lâu bày đặt những trò môi trường xanh, an toàn của con người,... để làm gì. Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ lý luận này. Việt kiều hay không thì sinh mạng và tài sản của người dân vẫn là cao quý nhất. Thêm vào đó, quan tâm đến chất lượng, an toàn của con người và toàn vẹn môi trường thì lợi nhiều hơn là hại.

Xin dẫn chứng nạn xả lũ từ các hồ thuỷ điện.

Chúng tôi nặn óc cũng không hiểu vì sao mà một số chủ nhân nhà máy thủy điện xả lũ đúng lúc người dân ở mạn xuôi bì bõm với lụt. Có người lại còn thách thức chính quyền địa phương bơm nước vào hồ trước bão[7]. Để chờ khi bão hoành hành thì đổ lũ lên đầu dân hay sao ? Biết bao nhiêu mất mát về sinh mạng và tài sản chúng ta tránh được nếu các hồ thủy điện không xả lũ.

Khi xả lũ thì nước không qua một tua–bin là nước đã không được dùng để sản xuất điện. Đây là một sự phí phạm. Nếu một hồ thủy điện có đủ dung tích để chứa tất cả nước chảy từ mạn ngược trong suốt một mùa mưa và tất cả khối nước đó đã được tua–bin vào mùa khô thì mức nước sẽ đạt mức ngọn vào cuối mùa mưa và nhà máy không cần phải xả lũ nữa. Tất cả nước hứng được từ mạn ngược đều được dùng để sản xuất điện, không phung phí một giọt nào. Nếu vì một lý do gì đó mà chưa kịp tua–bin hết nước thì phải trút hết nước trong hồ ngay trước mùa mưa để tránh cho người dân sống ở mạn xuôi phải chịu lũ chồng với lũ. Còn nếu vì một lý do gì khác nữa mà phải xả lũ trong mùa mưa thì phải trút nước trước khi bão áp vào đất liền chứ không chờ nước trong hồ lên đến mức ngọn[8].

Theo lời dạy "còn nước còn tát" của các Cụ thì các nhà máy thủy điện phải tiếp tục tua–bin cho tới khi không còn một giọt nước nào ở trên mức nước chết cả. Lý do là nguồn năng lượng để sản xuất thủy điện trời cho trong khi phải mua nhiên liệu để sản xuất nhiệt điện. Sản xuất được kilô–watt thủy điện nào thì bớt phải sản xuất kilô–watt đó bằng nhiệt điện. Nếu tất cả các nhà máy thủy điện đều chạy theo quy định "còn nước còn tát" thì giá thành trung bình của điện trên quy mô quốc gia sẽ tối thiểu.

Khi các xí nghiệp trong ngành ô–tô bị áp đặt phải bảo đảm chất lượng, an toàn của con người và toàn vẹn môi trường thì họ đã rà xét lại thiết kế của mỗi linh kiện và họ khám phá ra nhiều kỹ thuật chế tạo nhiều linh kiện có thể giản dị hơn, bền vững hơn, sản xuất đỡ tốn kém hơn,... Kết quả là chúng ta chưa bao giờ có những chiếc ô–tô đẹp, tiện nghi, với giá rẻ so với sức mua như ngày nay.

Ngành điện nguyên tử rất phức tạp thế mà giá điện vẫn cạnh tranh được với các ngành điện khác là nhờ liên tục tìm cách cải thiện an toàn của con người và toàn vẹn môi trường. Nhân các nghiên cứu cải thiện đó mà người ta khám phá ra những giải pháp vừa hữu hiệu vừa gọn và rẻ. 

Sau tai nạn nhà máy Soveso sản xuất thuốc diệt cỏ[9] năm 1976 thì Hội đồng Âu Châu ra Chỉ thị Soveso (Soveso Directive) áp đặt các cơ sở nhạy cảm về an toàn của con người và toàn vẹn môi trường phải có biện pháp ngăn ngừa và biện pháp đối phó với một tai nạn.

Các xí nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn là khi mới bị áp đặt bảo đảm chất lượng. Bây giờ và cũng như thời đó, họ đã rà xét lại từng hạng mục, từng thiết bị một để xem có thích-nghi với Chị thị Soveso hay không và họ cũng tìm thấy có những hạng mục và những thiết bị có thể giản dị hơn, bền vững hơn, chế tạo và vận hành đỡ tốn kém hơn. Từ vài năm nay đã có nhiều xí nghiệp Soveso (xí nghiệp phải tuân theo chỉ thị Soveso) đã vươn lên mạnh. Trước những thành tích đó, các xí nghiệp không Soveso cũng bắt đầu làm theo. Một dấu hiệu thú vị là các ngân hàng tin tưởng vào những xí nghiệp đó, cho họ vay với những điều kiện hào phóng. Người ta gọi phong trào đó là "Trách nhim Xã hi Doanh nghip" (Social Accountancy)[10].

Khi các Cụ nói "cái khó ló ra cái khôn" là vậy đó.

Những thiệt hại chỉ trong mùa bão năm nay thôi đã vượt xa những lợi nhuận, "tiết kiệm", cắt xén,... khi đốn rừng xẻ núi và thiết kế, thực hiện và vận hành không đúng cách các công trình thủy điện. Chính phủ ta cũng cần phải áp đặt các dự án, trong đó có các dự án thủy điện, bảo đảm an toàn của con người và toàn vẹn môi trường. Từ kinh nghiệm của Chỉ thị Soveso thì đây cũng là một ngõ đưa nước ta vào câu lạc bộ các cường quốc công nghệ tiên tiến.


 Đặng Đình Cung


Chú thích:


[1] Thông báo của nhóm Soạn thảo và Ký tên Kiến nghị 72 về Sửa Đổi Hiến pháp
https://chuteuyeuquy.blogspot.com/2013/05/toan-van-kien-nghi-72-uoc-gui-en-tung_20.html

[2] Nhưng bài vẫn còn đăng trên một số trạm khác tỷ dụ trạm boxitvn.org
Để thanh toán nạn vỡ đập và xả lũ
https://boxitvn.blogspot.com/2013/12/e-thanh-toan-nan-vo-ap-va-xa-lu.html

[3] Hãy thương hại đồng bào tôi hỡi các ông thủy điện ơi
https://www.diendan.org/viet-nam/hay-thuong-hai-dong-bao-toi-hoi-cac-ong-thuy-dien-oi

[4] Sạt lở đất, khô hạn, lũ lụt và thủy điện
https://www.diendan.org/khoa-hoc-ky-thuat/sat-lo-dat-kho-han-lu-lut-va-thuy-dien

[5] An toàn của con người và toàn vẹn môi trường
http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/an-toan-cua-con-nguoi-va-toan-ven-moi-truong

[6] Chúng tôi khám phá cách hành xử này trên các báo trong nước nhân tai nạn Formosa và nhân các tai nạn môi-trường khác.

[7] Thừa Thiên Huế cưỡng chế một nhà máy thủy điện xả nước trước bão số 13
https://dantri.com.vn/xa-hoi/thua-thien-hue-cuong-che-mot-nha-may-thuy-dien-xa-nuoc-truoc-bao-so-13-20201114171423089.htm

[8] Ở đáy hồ có một ống tháo nước để có thể trút hết nước mà kiểm tra tính bền vững của đập và lớp bọc địa–kỹ thuật (geotechnic cover) dưới lòng hồ vẫn toàn vẹn. Phải trú nước qua ống tháo đó chứ không xả nước vì mực nước chưa tới mức ngọn, nơi có luồng xả lũ. Có người nói với chúng tôi rằng hồ của họ không có ống tháo nước. Như vậy có nghĩa là họ sẽ không kiểm tra định kỳ tính bền vững của thân đập hay là họ sẽ kiểm tra bằng tàu ngầm không người lái.

[9] Thuốc diệt cỏ này chứa dioxin như Chất độc Da cam mà quân đội Mỹ đã thải ở Việt Nam từ 1961 đến 1971. Dioxin là một chất độc gây ung thư cho người bị nhiễm và khuyết tất cho con cháu của những người đó.

[10] Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp
đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn phiên bản giấy cuối hè 2013 và được đăng lại ở địa chỉ
http://quantri.vn/post/details/3978-trach-nhiem-xa-hoi-doanh-nghiep

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss