Bạn đang ở: Trang chủ / Miên mật

Miên mật

- Mạch Nha — published 31/10/2021 23:00, cập nhật lần cuối 01/11/2021 22:34

Số đặc biệt Diễn Đàn 30 tuổi


Miên Mật


Mạch Nha


Đời sống của chúng ta bây giờ xoay quanh hơi thở. Lãng nhách! Hổng thở sao sống! Xưa nay vẫn vậy, đâu chỉ bây giờ! Dạ phải, có điều xưa kia hơi thở muôn loài có vẻ nhịp nhàng như lẽ thường chứ không điêu linh như thời nay. Xưa kia tuyệt vời ấy là bao giờ ? Trăm năm trước? Mười năm trước? Hai năm trước?

Đại hạn Covid khởi phát cuối 2019 và lộ nguyên hình tác yêu tác quái dữ dội từ đầu 2020 đến giờ, tức gần hai năm rồi. Hai năm trời lận đận, nhân loại cùng hụt hơi. Bệnh nhân Covid ná thở đã đành, bác sĩ, y tá, nhân viên y tế cũng bở hơi tai. Mà nói cho cùng đâu chỉ có bệnh nhân Covid mới khổ thân, bệnh nhân bất cứ bệnh tật nào khác cũng đều có thể có lúc phải đương đầu với vấn đề thiếu dưỡng khí như hen suyễn, nhiễm trùng, ung thư, tim mạch, chấn thương, stress…Và nói cho cùng đi nữa thì đâu chỉ có ngành y tế mới thở dốc vì đại dịch, kinh tế cũng ứ hự.

Chúng ta hộc xì bơ từ nhiều năm nay vì phải hít thở khí bẩn, ăn uống nhiễm tạp, tắm giặt bằng nguồn nước ô nhiễm và bột giặt, xà bông chứa hoá chất độc hại. Ô nhiễm từ lòng biển ô nhiễm lên, từ bụng cá ô nhiễm ra ; rác phương Tây đổ về phương Đông, hoá chất phương Đông tràn ngập phương Tây. Chạy đâu cho thoát! Đó là Covid và ô nhiễm. Còn burn-out nữa chi ! Xưa kia tuyệt vời, ông cố ông sơ mình làm gì biết căn bệnh thời đại này! Khánh kiệt vì áp lực công việc, khánh kiệt vì tốc độ đời sống công nghiệp, đờì sống điện tử. Nguy hiểm của nó không dễ nhận ra như Covid hay ô nhiễm song thuộc loại tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi cho nên ngày càng nhiều người kể cả thanh niên sức vóc đã phải gõ cửa thiền hay tìm yoga học thở trước khi bị Buồn bã-Lo âu-Trầm cảm hạ gục.

Paris. Cuối tháng 10, 2021. Giữa tuần. Mặt đường sáng sớm ngổn ngang rác bị gió tốc ra từ các thùng rác công cộng và cành cây bị giông quật gãy. Tôi hổn hà hổn hển sau cái khẩu trang phập phà phập phồng vì phải rượt theo ba chiếc buýt liền tù tì để tìm đường đến hãng. Chiếc nào chiếc nấy đông nghẹt người vì một số tuyến xe lửa nối Paris và các vùng phụ cận bị đứt đoạn do cây đổ vắt ngang đường rày sau đêm bão về từ biển Manche. Gọi Uber cũng như không, phương tiện giao thông công cộng nhiễu loạn, thiên hạ xoay sở bằng xe nhà, đường lớn đường nhỏ đều thắt nút như nhau.

Trên một trong những chiếc xe buýt ngột ngạt ấy, một thiếu nữ đột ngột ngồi thụp xuống, kéo khẩu trang ra thở lấy thở để. Tôi cúi xuống hỏi : « Có sao không vậy? Có cần xuống xe không?» Cô bé cỡ tuổi con gái tôi, lắc đầu quầy quậy : « Con bị ngộp. Nhưng xuống xe thì sẽ trễ giờ đến trường. » Tôi bèn co bớt một cẳng lên cho nó có thêm chút khoảng không mà thở.

Cuối tuần, messenger qua Sydney thăm Hạnh. Làn hơi Hạnh yếu và câu chuyện bị đứt quãng nhiều lần vì những cơn ho thành tiếng. Chúng tôi nói chuyện sức khỏe và đời sống của nhau. Rồi giữa khò khè, Hạnh nhắc anh Dũng. Anh Dũng phong độ, anh Dũng hay cười, anh Dũng 30 năm trước vẫy gọi tôi đi theo, anh chỉ cho cách kiếm cơm. Thời ấy Việt Nam mở cửa thị trường, tưng bừng đón Mỹ trở lại. Sinh viên nghèo như chúng tôi được đàn anh chỉ vẽ, kéo nhau đi dịch nóng, dịch nguội, tiền bạc rủng rỉnh, hoan hỉ vô cùng. Hạnh thều thào sau một tràng ho lớn : «Anh ấy mất rồi. Đang khỏe mạnh bình thường thì dính Covid rồi đi luôn. Mà Sàigòn lúc anh ấy đi giới nghiêm chặt lắm, đám tang coi như không có.» 

Hạnh không phải là người đầu tiên tôi trò chuyện tiếng được tiếng không giữa những trận ho cào phổi. Anh Dũng không phải là ngườì đầu tiên tôi hay tin ra đi đột ngột vì Covid. Mà tôi vẫn thấy xót thương như mỗi một lần trước đó.

Mùa hè năm nay ở Pháp gần như vắng mặt. Khí hậu đã lớn tiếng tuyên bố sự «trở mặt» rõ rệt của nó. (Ai biểu !) Nắng hè chập chờn, khan hiếm bao nhiêu thì giông bão xuất hiện thường xuyên bấy nhiêu. Thứ mưa giông nhiệt đới chợt đến chợt đi, nhiều khi mang theo sấm sét đánh đổ cây, làm sập nhà. Thương có một vì nó làm nhớ Việt Nam mà ghét tới mười.

Mấy năm trước, một bữa sáng trời lạnh, chúng tôi theo vài người bạn ra quán No Name, quận 13 ăn hủ tiếu. Không nhớ ai đã bắt đầu mà mọi người xúm nhau tán chuyện chè bắp. Thử đặt cho chén chè vừa nấu xong cái tên gì dễ thương để mùa đông bớt dễ sợ … Đẩy đẩy đưa đưa một hồi ra bốn chữ Hơi Thở Mùa Đông.

Gần một tiếng đồng hồ chôn chân trong cái bụng buýt đầy hơi mấy chục mạng lèn nhau chật ních, muốn lôi cái smartphone ra lướt cũng khó lòng đó, tôi đã tìm cách thoát ly thực tại bằng việc vận công từ rún lên, đều đặn hít vô hai hơi, thở ra một hơi. Hơi vô, hơi ra gì cũng bị cái khẩu trang chặn đường, nhưng vẫn cố hít thở để đánh lạc hưởng ý nghĩ tiêu cực. Thêm nữa, tôi tìm đối tượng để tơ tưởng, may ra đối tượng đáng yêu ấy giúp mấy sợi dây thần kinh đang căng thẳng của tôi sinh ra chút Dopamine làm tăng oọc-môn yêu đời (Nói quá ! Đỡ chán đời, may ra).

Chén chè bắp nấu lá dứa, chan nước cốt dừa vừa múc ra chén, làn khói thơm chợt ẹo bên này chợt lượn bên kia giống bé Tim, con gái tôi đang thử áo trước gương. Tôi cần bám vào Hơi Thở Mùa Đông ấy. Tôi cần làn khí hiền lành, ấm áp, trinh trắng ấy. Tôi không chắc cô bé phải ngồi thụp xuống để kéo khẩu trang ra hớp hơi kia biết món chè bắp và yêu nó như tôi để khuyên cô thử chỉ nghĩ đến nó mà quên đi nỗi khổ hiện tại nhưng tôi biết Hạnh ngày xưa thích ăn hàng và nấu ăn rất giỏi. Hay là Hạnh nè, lúc nào phải một mình chống chỏi với hơi thở, Hạnh thử nghĩ đến mùi thơm bao trùm gian bếp của một chén chè vừa múc ra bát, một ổ bánh vừa mới nướng xong xem có thấy nhẹ người hơn không…

Quên nữa, khi Hạnh hỏi về công việc của tôi, tôi chỉ nói cái ngành Supply Chain này nó hành tôi mệt hết hơi. Nếu lần sau Hạnh bớt ho, tôi sẽ kể Hạnh nghe nhiều hơn. Ví dụ như chuyện tôi phải đi kiểm containers lạnh đúng vào tháng này năm ngoái, khi tin tức gây chấn động thế giới về 39 người Việt Nam đi chui đường bộ từ Việt Nam qua Châu Âu, tới Anh quốc thì bị chết cóng, chết ngạt trong thùng xe vì tay tài xế quyết định vặn nhiệt độ container xuống độ âm, hòng qua mắt cảnh sát tuần tra. Nỗi ám ảnh mỗi khi phải bước vào cái thùng sắt tròm trèm 2 mét bề ngang, 12 mét bề dọc tối mịt, lạnh thấu xương đó đeo theo tôi ròng rã. Vừa thấy đỡ đỡ gần đây thôi thì bùm, mười mấy người Việt vì muốn vượt khỏi các chốt kiểm soát ở Sài Gòn, đi chui về miền Trung mà trốn trong thùng xe tải, chấp nhận giao phó mạng sống cho một tay tài xế học thói sát nhân chỉ bằng một cái nút nhấn, chuyển container từ độ dương qua độ âm hòng vượt chốt kiểm soát. Và liên miên sau đó là các tin tức tương tự : «Trốn trong xe chở gia súc để qua chốt kiểm dịch », «Tài xế giấu bồ trong thùng phuy để vượt chốt kiểm dịch vào Hải Phòng », «Phát hiện bốn người trốn trong xe thùng luồng xanh tại Hà Nội »… mọc như cỏ gặp mưa khắp các trang báo điện tử trong nước.

Chui, trốn, bí, nghẹt… Nơi ấy tôi thương, nơi này tôi sống, đời sống 2021 đó!

Abba trở lại với chúng ta năm nay sau mấy chục năm vắng bóng vẫn chưa có bài hát nào, ca từ nào giản dị mà chính xác như câu ấy trong bài Happy New Year ngày xưa : « Oh, yes, man is a fool. And he thinks he’ll be okay. Dragging on, feet of clay, nerver knowing he’s astray, keeps on going anyway... » (Đúng là như vậy đó, con người là một thằng điên. Chân lấm bùn, chân lạc bước, mà cứ cắm đầu đi hoài và cho rằng như vậy là ổn!)  

Supply Chain. Thời Covid, mắc xích đứt loẻng xoẻng, huyệt mạch toàn cầu chỗ tắc nghẽn, nơi toang hoác! Xếp lớn đi họp về ngắn gọn với xếp nhỏ: «No more schema.» (diễn tuồng không tích). Xếp nhỏ đốc công xuống dưới: «The show must go on, guys.» (Vẫn phải tiếp tục múa thôi, mấy em). Mấy em nhìn nhau, khẩu trang bọc nửa mặt, chỉ thấy « smoke gets in your eyes. » Xì khói !

Thôi thì chúng ta cùng cố lên chứ biết sao. Ráng giữ hơi chờ ngày cuộc đời bớt ngộp, ngồi lại với nhau hít hà chén chè bắp thực chứ không phải chè bắp ảo và thở phào ờ héng, cái gì rồi cũng qua.


 

Mạch Nha

2021, ngày cuối tháng 10

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Kỷ yếu 30 năm
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us