Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Đánh đu với mãi võ Sơn Đông HÀN PHI QUANG

Đánh đu với mãi võ Sơn Đông HÀN PHI QUANG

- Thanh Thảo — published 30/10/2008 19:57, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21
hồi kí



Đánh đu với mãi võ Sơn Đông
HÀN PHI QUANG 

THANH THẢO

Có một buổi chiều cuối năm 1979, tôi đạp xe rong ruổi mấy phố phường Qui Nhơn. Mới về định cư ở thành phố này chưa lâu, nên mỗi buổi chiều đạp xe một mình rong chơi là cái thú của tôi. Chiều ấy, khi ngang qua bùng binh – thực ra là một bãi đất hoang trống trải – trước nhà ga hàng không Qui Nhơn, tôi chợt thấy người ta xúm đen xúm đỏ. Tưởng có chuyện ân oán giang hồ gì, tôi tính đạp xe đi luôn, thì thình lình nghe một tràng vỗ tay nồng nhiệt và kéo dài, trên bãi đất trống mọi người đứng cả lên cứ như vừa nghe xong một huấn thị hoành văn tráng, tôi khoái quá vội tấp xe vào. 

Giữa vòng người, một chàng trai vóc nhỏ thó, trang phục tuyền đen, đang vừa nhảy nhót vừa rao giảng. Anh ta nói giọng Nam Bộ, nhưng không hẳn, vì nghe trong giọng nói nhiều màu sắc ấy có cả giọng miền Trung, cả giọng Bắc, cả giọng lơ lớ Ba Tàu. Anh rao giảng… thuốc cao, hẳn rồi, loại thuốc trị bá bệnh, hoá giải bá chứng, uống đâu khỏi bệnh đó, hẳn rồi, đặc biệt là thuốc của anh cầu chứng tại toà, bán một biếu một, mại zô à ! Anh đi một vòng, tới trước mặt tôi lễ phép mời mua thuốc. Dù chưa được xem màn biểu diễn của anh, do chưa tới lượt, nhưng cách nói năng vừa lôi cuốn vừa lễ phép của anh chàng mãi võ Sơn Đông này khiến tôi có cảm tình. Tôi mua (và được biếu thêm) 2 gói thuốc của anh, chưa biết dùng vào việc gì, vì trừ bệnh… đói và thiếu… chất cay, lúc đó tôi không có bệnh nào cả. Khối người như tôi, chẳng có bệnh gì nhưng ham vui, mê mải xem các màn biểu diễn của anh chàng Sơn Đông mãi võ, đã mua thuốc của anh ta. Mua thật nhiều. Kịp tới màn biểu diễn tiếp. Chàng trai, sau một khúc dạo đầu, vận nội công, đã bất ngờ vung một vỏ chai bia “Con Cọp” loại 610 ml đập mạnh vào đầu mình. Choang ! Có một cái vỡ tan. Không phải cái đầu, mà là cái vỏ chai. Khiếp ! Nhưng phục ! Không phải ai trên cõi đời này cũng dễ tính đập vỏ chai bia vào đầu mình, cũng nghĩ một cách đơn giản là đầu mình thì cứng hơn vỏ chai. Màn biểu diễn đập vỏ chai đã gây ấn tượng hết sức tích cực tới người xem. Bằng chứng là sau đó, anh chàng Sơn Đông bán được một cơ số thuốc vượt trội. 

Cứ thế, trong buổi chiều hôm ấy, tôi đã chứng kiến hai lần chàng mãi võ đập vỏ chai bia vào đầu mình. Những mảnh vỏ chai vỡ vụn văng tung toé, còn cái đầu húi cua của anh chàng thì như đanh rắn lại, bình thản. Tôi đã mang những ấn tượng đẹp ấy kể lại với bạn tôi, nhà thơ Từ Quốc Hoài. Ông nhà thơ nói năng lúng búng này cũng tỏ ra háo hức muốn xem thử màn biểu diễn đậm chất “rock”, tôi nói, chiều mai, cứ đi với tôi tới bãi đất hoang, sẽ thấy ngay à !

Tối hôm ấy, đang ngồi vơ vất ở căn phòng 12 mét vuông của mình, chợt xô cửa xông vào… một bóng áo đen. Ơ ! Anh chàng mãi võ lúc chiều ! Anh ta đứng trước tôi, vòng tay cung kính : “ Em xin chào đại ca ! ”. Tôi bất ngờ nhưng cảm thấy lâng lâng… sướng : “ Em ngồi đây ! ” Anh chàng mãi võ vẫn đứng trong tư thế cung kính : “ Em từ trong Nam ra, ở Sài Gòn các đại ca Chim Trắng, Diệp Minh Tuyền vẫn nhắc tới anh hoài. Khi em ra đây, các ảnh nói phải ghé anh nhậu chơi. Vậy em xin phép ! ”. Nói đoạn, chàng mãi võ quay ngoắt phi thân xuống cầu thang gác tù mù của khu tập thể. Năm phút sau, anh bay lên lễ mễ những nem chua chả rán và chai rượu thuốc. Anh em đối ẩm, rượu vào lời ra, bỗng : “ Em xin phép đọc bài thơ giang hồ của em, mong đại ca chỉ giáo ! ”. Bài thơ ấy hơi dài, tôi chỉ nhớ một câu : “ Sơn Đông mãi võ giang hồ khách”. Tôi khen bài thơ được, có hào khí kẻ giang hồ. Lại nâng ly. Kẻ giang hồ xưng tên Hàn Phi Quang, tôi nghĩ đây có lẽ là bút danh hay danh xưng trên giang hồ của anh, nhưng như thế cũng là đủ để tin nhau, kết bạn với nhau. 

Những ngày sau, tôi và Từ Quốc Hoài là khách thường trực của Hàn thi sĩ nơi bãi đất hoang, chúng tôi đến để cổ vũ, để đóng vai “ mồi ” tự nguyện cho chàng mãi võ bán thuốc. Tôi có cái hên, là cứ tới quán cà phê hay quán nhậu nào liên tục, là quán ấy khách đông như nêm. Bãi đất hoang này cũng vậy, từ những chiều tôi tới, Hàn thi sĩ đập chai bia mỏi… đầu, bán thuốc mỏi tay. Chúng tôi trở thành bạn thật giản dị. Hàn thi sĩ, từ chiều hôm sau ấy, đều đặn mời tôi và Từ thi sĩ đi uống bia ở quán nem chợ Huyện đường Lê Hồng Phong sau mỗi “ sô ” diễn. Bia Sài Gòn, mồi hàng hiệu, bạn hiền, còn gì hơn ! Một lần, giữa cuộc nhậu, Hàn thi sĩ chợt tâm sự : “ Mai em mời hai đại ca tới gác trọ em chơi, cho vợ chồng em được hầu tiếp nhị vị ”. Vợ chồng ? Tôi cứ nghĩ, ai chứ anh chàng này thì chung thân độc thân mới phải đạo, cớ sao còn có vợ, lại mang vợ kè kè theo bước giang hồ đầy bấp bênh của mình ? Vì nói thực, tôi biết không phải lúc nào chàng mãi võ Sơn Đông này cũng bán được thuốc. Có buổi chiều, anh đập vỏ chai bia muốn bể cái đầu, người xem vỗ tay rất lâu, nhưng tới khi bán thuốc thì chả ai buồn mua cả ! Khó nhọc lắm, chứ không dễ ăn !

Có một ngày, khi cơ số thuốc dự trữ đã cạn, Hàn mãi võ nhỏ nhẻ nói với tôi : “ Mai em xin nhờ căn phòng đại ca một buổi.” Hỏi làm chuyện gì, Hàn nói : “ Em mang ít thuốc tới để vô gói.” Sáng hôm sau, đợi vợ tôi đi làm, Hàn thi sĩ lễ mễ khuân một bao tải thuốc tới phòng tôi, nhà tập thể cạnh bến xe. Hai đứa tôi bò ra sàn gạch, kẻ vô gói thuốc, người ịn dấu “ cầu chứng tại toà ”. Dĩ nhiên cái dấu khoai lang Hàn mãi võ đã chuẩn bị sẵn, mực in loè nhoè màu đỏ lấy từ một lọ mực đỏ. Thấy tôi có vẻ nghi ngại, Hàn mãi võ động viên : “ Đại ca yên tâm đi, thuốc này em mua ở một hiệu thuốc bắc danh tiếng tại Qui Nhơn đây thôi. Toa thuốc em có sẵn, chỉ mua những thứ thuốc bổ rẻ vô hại. Em còn một toa thuốc “ trật đả hoàn ” bí truyền do ông thầy Tàu mãi võ trao lại, nếu đại ca bị trẹo tay sái chân cứ uống là khỏi ”. Chúng tôi cứ thế hì hục “ làm thuốc ” cả buổi sáng, được một bao tải nặng. Buổi chiều, Hàn mãi võ ra bãi đất trống múa may, đập chai bia vào đầu và bán thuốc. 

Buổi tối mấy anh em chúng tôi lại đi nhậu. Rồi chúng tôi tới nhà trọ thăm vợ chồng thi sĩ mãi võ vào một buổi chiều ngây ngấy. Anh chàng mãi võ bình sinh tự tin và bặm trợn là thế mà khi cùng vợ ra chào đón chúng tôi, trông anh ta lại có vẻ bẽn lẽn nai tơ rất… chú rể mới. Vợ anh ta, trông còn rất trẻ, bụng đã lum lúp, chắc có mang tới tháng thứ 4 hay 5 gì rồi, mạnh dạn ra chào chúng tôi. Trông cô ta còn bản lĩnh hơn cả anh chàng mãi võ. Mà đúng là chú rể mới, có điều, chẳng cưới xin, tân hôn hay vu qui nào. Hàn mãi võ kể lể với chúng tôi khi vợ anh chạy xuống phố mua rượu và mồi nhậu: “ Nói thiệt với hai đại ca, con vợ em đây nguyên là vợ…ai đâu. Em lên Pleiku biểu diễn, gặp cô ta đang cơn khó, bị bồ đá, vất vơ vất vưởng, lại bụng mang dạ chửa, em bèn an ủi và rước nó đi với em luôn ”. Vậy là chú em “ hốt ổ trứng gà ” có kèm theo gà con sắp nở, nói theo kiểu miền Nam. 

Trên đường về, tôi và Từ thi sĩ tấm tắc với nhau : cu mãi võ này vậy mà quá nhân hậu. Người như thế không làm thơ mới lạ, chứ làm thơ cũng là chuyện thường. Hoá ra, chúng tôi đã nghĩ đúng. Sau này, khi gặp lại vào nửa năm sau, Hàn mãi võ đã trình chúng tôi xem hai bài thơ mới làm ở Hà Nội. Bài thứ nhất viết về mùa đông Hà Nội, tôi chỉ nhớ được ba câu đầu : “ Nhiều lúc ta muốn chửi thề một tiếng / Địt mẹ cái xứ gì lạnh giá như băng / Khi rét phải ăn gừng ăn ớt thay chăn / ”… Là người miền Nam, nhưng Hàn thi sĩ đã “ nhập gia tuỳ… ngôn ” rất nhanh. Câu chửi thề đúng giọng Bắc, viết năm 1980 thì ba câu thơ ấy quá ấn tượng, không biết nếu đọc được liệu giáo sư Hoàng Ngọc Hiến có xếp nó vào “ ô ” thơ hậu hiện đại ? Và những nhà thơ trẻ “ hậu hiện đại ” bây giờ sẽ nghĩ gì khi đọc ba câu thơ ấy ? Tuy chẳng tiền hiện đại hậu cổ lỗ mẹ gì nhưng nó đúng là thơ thứ thiệt mà chỉ kẻ giang hồ phương Nam khi trải qua cái rét Hà Nội thời bao cấp mới cảm nhận và có cách ứng xử thế được. “ Ăn gừng ăn ớt thay chăn ”, không phải ăn chim câu quay hay gà tần đâu nhé ! Bài thơ thứ 2, Hàn thi sĩ mới đọc một lần là tôi nhớ luôn cả bài. Có lẽ vì đây là bài thơ viết theo theme Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác, nhưng khác bài thơ của cố nhà thơ Viễn Phương mà Hoàng Hiệp đã phổ nhạc. Bài thơ ấy như vầy :

ĐÊM QUA LĂNG BÁC

Đêm con say tít mù qua Lăng Bác
Đường Hùng Vương nhấp nhô như sóng
Trời Ba Đình nổi cơn giông bão
Nhưng con biết Bác vẫn nằm yên giấc
Trong hòn núi đá kia
Sau hai cái bóng trắng ngả nghiêng

Hà Nội 1980

Xin thưa, đây là thơ của một thường dân nghĩ đến Bác nhớ thương Bác khi tình cờ đi qua Lăng Bác trong một đêm mà chủ thể làm thơ đang ở trạng thái không bình thường “ Đêm con say tít mù qua Lăng Bác ”. Vì đang trong trạng thái bất thường như thế nên anh ta nhìn cái gì cũng khác với nguyên trạng : “ Đường Hùng Vương nhấp nhô như sóng ”, ai cũng biết, đại lộ Hùng Vương đoạn trước Lăng Bác bằng phẳng cỡ nào rồi, nhưng với người say, khi anh ta lảo đảo thì : “ Trời Ba Đình nổi cơn giông bão ”, mặc dù trời Ba Đình đêm ấy quá bình yên. Người làm thơ đã tả đúng cảm giác mất thăng bằng, không định vị của người say. Vậy mà : “ Nhưng con biết Bác vẫn nằm yên giấc ”. Chỉ lòng kính yêu Bác Hồ là vẫn định vị, vẫn thăng bằng chuẩn mực trong anh, dù khi ấy anh nhìn thấy : “ Hai cái bóng trắng ngả nghiêng ”. Ai cũng biết, hai người lính gác trước Lăng tư thế và cách đứng của họ như thế nào. Thông cảm cho người say, nhưng yêu hơn nhà thơ thường dân Nam Bộ này khi giữa trạng thái mất thăng bằng như thế anh vẫn cảm nhận bằng tình yêu, lòng tôn kính với Bác Hồ “ Con biết Bác vẫn nằm yên giấc ”. Tôi đã đọc nhiều bài thơ viết về tình cảm các nhà thơ khi viếng Lăng Bác, nhưng nói thực, chưa bài thơ nào khiến tôi xúc động một cách thật thà như khi đọc bài thơ ngắn này của một nhà thơ – mãi võ, một “ công dân hạng hai ” như cách nhìn của xã hội đối với họ và nghề nghiệp của họ. Một nghề nguy hiểm, nhiều khi toé máu. Từ những cảm nhận khác nhau về nghề mãi võ và số phận thi sĩ, sau khi đánh bạn với Hàn Phi Quang nhiều ngày, tôi đã viết được bài thơ Người mãi võ Sơn Đông vào năm 1980. Đây là một trong những bài thơ tôi ưng ý nhất, xin chép lại hầu bạn đọc :


NGƯỜI MÃI VÕ SƠN ĐÔNG

 

Sơn Đông mãi võ giang hồ khách
Hàn Phi Quang

 

1

như những chiếc vòng bỗng móc chặt vào nhau
anh đã móc đời mình với hiểm nguy với manh áo chén cơm với
tiếng cười những cặp mắt hân hoan với
nỗi sợ đứng tim từng giây phút

những thanh gỗ xoay tít
âm nhạc vỏ chai đập vào đầu
nổ hàng vạn chấm sao

hãy giữ thăng bằng
vì chúng ta đều đang đi trên giây
hãy rũ bỏ
thật nhẹ mình

vừa tung lên khoảng không những quả bóng màu sặc sỡ
vừa thản nhiên huýt gió

2

có bao nhiêu con đường dẫn về minh triết
anh đã chọn con đường nguy hiểm nhất
dang tay đi giữa đỉnh cao và vực sâu
nói không ngừng những điều nhàm chán
rồi thốt nhiên im lặng

như thi sĩ anh đã rao bán đức tin dầu cù là thuốc ban nóng hiệu con bìm bịp
những niềm vui hiếm hoi dễ dãi
những thần dược rẻ hơn tô bún bò
khiến ta bừng tỉnh trước khổ đau


3

lên đường !
là ngọn gió không nhà chen chúc trong toa tàu đen đũi
là trái banh từ bàn chân định mệnh

lên đường !
thành phố bến xe công viên những vồ vập hững hờ cùng một lúc
nụ cười nở giữa những toà nhà lam nham sỏi cát
nụ cười như bông hoa quái ác dính cứng vào miệng anh
chiếc mặt nạ đã hoá thành da thịt

lên đường !
theo bốn mùa xoay chuyển

ghé lại nhiều ga xép
và luôn luôn trễ giờ

Qui Nhơn 1980

(Rút trong tập Thanh Thảo 70,

Nhà xuất bản Hội nhà văn 2008)


Ghi chú : Xin cảm ơn cô Thu Uyên – người phụ trách chương trình truyền hình Như chưa hề có cuộc chia ly, một chương trình đầy nhân ái đang được hàng triệu người Việt Nam cả trong nước và ngoài nước quan tâm theo dõi và chia sẻ. Nhờ gợi ý của Thu Uyên khi tôi có ý nguyện muốn tìm tung tích Sơn Đông mãi võ Hàn Phi Quang, tôi đã viết được đoạn gọi là “ hồi ký ” này. Dẫu biết bây giờ, hồi ký đang là mốt, đang loạn cào cào châu chấu bao nhiêu là hồi ký các kiểu, nhưng tôi vẫn gồng mình viết cái hồi ký này chỉ với một nguyện vọng là tìm lại được tung tích một đứa em giang hồ, một người bạn mãi võ và bạn thơ đã thất lạc từ năm 1981. Tôi cũng đã thông báo chuyện này với nhà văn Trung Trung Đỉnh – một người đã từng đánh bạn với Hàn Phi Quang qua các nẻo giang hồ ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc và Hà Nội trong những tháng ngày đói khổ phải đi bán thuốc cao kiếm sống. Anh Đỉnh đang bắt tay viết, cũng lại một đoạn hồi ký mà tôi biết sẽ đặc biệt ly kỳ hấp dẫn, toàn chuyện thật 100 %. Tất cả, chúng tôi xin gửi tới chương trình của cô Thu Uyên với mong muốn duy nhất: tìm lại được người bạn Hàn Phi Quang (dĩ nhiên không phải tên khai sinh). Xin cảm ơn !

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Dấu Ấn Ký Ức: Trí thức Việt trên đất Pháp 18/05/2024 13:00 - 19:00 — Trung tâm văn hoá Việt Nam tại Pháp (Centre Culturel du Vietnam en France), 19 rue Albert, Paris 75013
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Rencontre avec Alain Ruscio 28/05/2024 18:00 - 20:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville - 79 rue Nationale, Paris 13e
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss