Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / 55 năm ngược dòng

55 năm ngược dòng

- Nguyễn Ngọc Giao — published 14/07/2009 21:07, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21
Linh mục Phạm Hân Quynh


 

Linh mục Phạm Hân Quynh,
55 năm "ngược dòng"

Nguyễn Ngọc Giao

chanzung
Linh mục Phạm Hân Quynh (2006), ảnh N.N.G.

Đọc bài  phỏng vấn linh mục Laurenso Phạm Hân Quynh của báo LA CROIX (xem toàn văn trên Diễn Đàn), tôi vừa mừng vừa thấy tiêng tiếc. Mừng vì thấy "ông già" vẫn giữ nguyên phong độ ở tuổi 83 (nghe nói năm ngoái ông phải ngồi xe lăn). Tiêng tiếc vì phóng viên ngừng ở những câu hỏi đó, ở những câu trả lời luôn luôn thẳng thắn, điềm nhiên, nhưng hơi ngắn. Bởi vì con người của vị linh mục này, con đường mà ông trải qua từ 55 năm nay, quả là phong phú và đầy ý nghĩa. Trải nghiệm của ông là một nguồn cảm hứng, suy tư không phải chỉ cho người Ki tô giáo, mà cho mọi người quan tâm đến vận mệnh của dân tộc. Tôi được may mắn gặp ông từ năm 1989, khi ông trở lại Paris lần đầu tiên sau 35 năm. Có lẽ nhờ được bạn thân của ông là ông Nguyễn Mạnh Hà giới thiệu, nên linh mục không ngần ngại nói chuyện thẳng thắn trong các cuộc gặp năm ấy, và không ngần ngại trả lời những câu hỏi tọc mạch của tôi. Ngẫm lại, 1989 là một năm khá đặc biệt. Đó là năm kỉ niệm lần thứ 200 Cách mạng Pháp. Nhân dịp này, nhà sử học Trần Văn Giàu được mời sang Pháp. Về sau tôi mới được biết trước đó chỉ mới mấy tháng, ông mới được "giải oan" những nghi án nội bộ năm 1945, và mới được phép xuất ngoại, lại là đi thăm nước "chính quốc" đã trục xuất ông năm 1930, sau cuộc biểu tình của sinh viên học sinh Việt Nam trước phủ tổng thống Pháp (điện Elysée). Lần ấy, ông Giàu đã nhận trả lời phỏng vấn có ghi hình và ghi âm, và trả lời những câu hỏi của tôi về trách nhiệm nếu có của ông trong cái chết của những nhà lãnh đạo trốt-kít Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm... nhưng với điều kiện là chỉ được công bố sau ngày ông từ trần hoặc khi nào ông cho phép. Với linh mục Phạm Hân Quynh, năm 1989 cũng như trong hai lần gặp năm 2006, tôi không đặt yêu cầu phỏng vấn. Vì vậy, những ý kiến và lời nói mà tôi sẽ kể trong bài viết này, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với linh mục và bạn đọc.

Phạm Hân Quynh sinh năm 1926 tại Bùi Chu, Phát Diệm. Sau khi học tiểu chủng viện ở trong nước, ông được gửi sang đại chủng viện Des Carmes tại Paris, cùng khoá với Jean-Marie Lustiger, là người sau này sẽ trở thành hồng y và tổng giám mục Paris. Ông là một trong số không nhiều những linh mục Việt Nam được đào tạo chính quy, không những về giáo lí, thần học, mà về cả kiến thức chung. Hiểu biết của ông về hình học và lượng giác học sau này sẽ giúp ông "kết bạn" với những cán bộ huyện có nhiệm vụ canh chừng ông trong gần ba mươi năm ông bị quản chế : họ cũng phải lo kĩ thuật nông nghiệp, mà không được đào tạo, đo đạc cũng đại khái, cha Quynh chỉ cần căng dây, đo chiều dài hai cạnh AB và AC, rồi đo góc A, là tính được diện tích tam giác ABC  một cách chính xác (½ AB.AC.sinA)..., rồi từ đó đo được diện tích của bất luận thửa ruộng nào.

quynhtre
Tu sĩ Quynh năm 1952

Tôi gọi Phạm Hân Quynh là người suốt đời đi "ngược dòng" : cách đây đúng 55 năm, khi Hiệp định Genève vừa kí kết (đêm 20 rạng sáng ngày 21 tháng 7-1954), Giáo hội Việt Nam chủ trương di cư, đại tá Edward Lansdale thì cho in hình Đức Mẹ xập xoè khều ngón tay kêu gọi giáo dân đi Nam, thì ông vội vã rời bỏ Paris, nơi ông vừa thụ phong linh mục, bay về Sài Gòn, đi ngược làn sóng di cư, ra Hà Nội, khuyên can hàng ngũ giáo phẩm. Lời can gián của ông chắc cũng không mấy kết quả, nếu ta nghĩ tới con số giáo dân di cư sau này sẽ làm hậu thuẫn cho chế độ Ngô Đình Diệm. Chỉ biết, ông đã quyết định ở lại. Thời gian đầu, tình hình có những dấu hiệu lạc quan : theo đề nghị của ông Nguyễn Mạnh Hà, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã thoả thuận lập một ban liên lạc giữa chính quyền và giáo hội để giải quyết những vấn đề chắc chắn sẽ đặt ra. Linh mục Quynh được giám mục Hà Nội (Trịnh Như Khuê) cử làm đại diện giáo hội trong Ban liên lạc. Nhưng chỉ nửa năm sau, người ta thấy linh mục Phạm Hân Quynh được gửi về một thôn xóm hẻo lánh vùng quê Hải Phòng.

Tôi hỏi linh mục : ai quyết định cho cha đi đày như vậy, chính quyền hay giáo quyền ? Ông cười hóm hỉnh : "Cả hai !". 

Hàng giáo phẩm Việt Nam thời ấy, nhất là giáo phẩm miền Bắc, cực kì phản động, phong kiến (và, phải nói thêm, có óc nô lệ nữa). Tất nhiên các vị đó làm sao chịu được một linh mục có đầu óc "công đồng Vatican II" bảy, tám năm trước khi giáo hoàng Gio-an XXIII triệu tập công đồng ? Phạm Hân Quynh sống trong lòng giáo hội Công giáo Pháp vào những năm đầu thập niên 1950. Đó là thời kì mà giáo hội bừng tỉnh sau những năm Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, thời kì mà nhiều chức sắc đã thoả hiệp, nếu không nói là tích cực cộng tác với chính quyền Pétain và quân đội Đức. Thời kì mà không ít linh mục trẻ muốn "sống đạo" bên cạnh người lao động, ngày ngày đi làm công nhân ở các nhà máy (đó là những "linh mục - công nhân" (prêtres-ouvriers) năm 1954 bị giáo hoàng Pi-ô XII cấm). Và, cũng như nhiều người Công giáo đã sống những ngày mùa thu 1945, ông thiết tha với sự nghiệp độc lập. Ông đã chọn "sống đạo" giữa lòng dân tộc, bên cạnh những người lãnh đạo cuộc kháng chiến, là những người cộng sản. Nhưng (đa số) những người Cộng sản Việt Nam giữa thập kỉ 1950, khổ một nỗi, đã "quán triệt" chủ nghĩa Mao hơn là biện chứng của Marx : trong con mắt của họ, một linh mục tiến bộ và thực sự "sống đạo" như Phạm Hân Quynh xem ra lại nguy hiểm và "khó xử lí" hơn những ông linh mục cổ truyền "trời con" (nhất là thứ linh mục mà người ta có thể tìm thấy hay bày ra một vụ xì-líp phụ nữ trong phòng riêng). Tôi chợt nhớ tới cuốn tiểu thuyết Cha và con và... của Nguyễn Khải, ra đời năm 1974. Cùng với Chu Văn (trong Bão biển) và Đất mặn), Nguyễn Khải đã "thâm nhập" vùng quê Công giáo trong các tác phẩm Xung đột..., nhưng những nhân vật linh mục "phản diện" trong đó đều là loại "phản động cổ điển". Với Cha và con và... Nguyễn Khải đã 'phát hiện' ra mẫu linh mục "công đồng Vatican II" (tôi cũng không rõ tinh thần Vatican II có vào tới "pháo đài" Công giáo miền Bắc trước năm 1975 hay không) và thay đổi cách nhìn của anh về Công giáo, trước khi anh tiếp cận những linh mục tiến bộ ở miền Nam. Điều tôi muốn nói ở đây, là năm 1974, khi cuốn Cha và con và... xuất hiện, Nguyễn Khải suýt bị đánh vì tội "ăn phải bả Công đồng Vatican II". "May sao là có vụ tổng tiến công năm 1975, người ta quên đi", sau này anh nói với tôi như vậy.

Trở lại linh mục Phạm Hân Quynh giữa thập niên 1950. Dễ hiểu là "cả hai quyền lực" (quyền lực phản động của Giáo hội và quyền lực giáo điều của Đảng cộng sản) đã "nhất trí" quyết định cách li linh mục, cho ông về một thôn Xuân Hoà (xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) hẻo lánh.

Cuộc đổi mới năm 1986 đã kết thúc những năm Phạm Hân Quynh bị quản chế. Năm 1989, ông được phép xuất ngoại, sang Pháp. Năm 2006, sang Pháp trở lại, rồi sang Mĩ... Nhưng con người ấy, cho đến ngày hôm nay, vào tuổi "gần đất xa trời" (trong trường hợp này, có lẽ phải nói ngược lại, "xa đất gần trời"), tôi có cảm tưởng ông vẫn tiếp tục đi ngược dòng. Cũng dễ hiểu, khi mà Đảng cộng sản đã tự đánh mất mình và Giáo hội Công giáo dường như đang say sưa với những sự phô trương vật chất.

Tôi còn nhớ, năm 1989, tôi có hỏi ông : từ bao giờ ông thấy cán bộ đảng tin nhảm, mê tín như ai ? Ông kể ngay từ năm 1981, ông đã chứng kiến hành vi của một ông huyện uỷ trưởng ban tuyên huấn, ở gần một ngôi đền thờ Đức Thánh Trần. Gia đình ông cán bộ không may ốm đau nhiều, có người chết vì tai nạn hay bệnh tật. Có "thầy" giải thích : cơ quan của ông trông sang đền thờ Đức Thánh mà ông không bao giờ lễ bái nên tất nhiên là bị "thánh vật". Thế là ông trưởng ban tuyên huấn huyện cho luộc con gà sống, trang trọng bày trên mâm. Nhưng ở thời diểm 1981, ông không thể công khai lạy thánh, chỉ dám hé mở cổng cơ quan, bày mâm xôi gà sau cánh cửa, và ông bắt toàn bộ nhân viên dưới trướng, sắp hàng sau khe cửa, nhìn sang bên kia đường, xì xụp khấn vái thánh Trần.

Năm 2006, gặp lại linh mục Quynh, tôi không hỏi về "tình hình tư tưởng Đảng ta" nữa. Chuyện ấy đã hai năm rõ mười. Ông tổng bí thư thì tin phong thuỷ tới mức phạm tội văn hoá với hoàng thành Thăng long, các ông bà uỷ viên trung ương thì cúng bái đủ mọi thứ thánh thần, song song với việc phong bì cho người sống để bảo đảm "cơ cấu khoá tới" hay "hạ cánh an toàn". Tôi chỉ hỏi về tình hình Giáo hội, vì trước đó tôi được gặp lại anh Diễm Châu ở giữa Sài Gòn. Diễm Châu Phạm Văn Rao "bị" xuất ngoại năm 1983, hai mươi hai năm sau mới trở lại đất nước. Tôi tình cờ gặp anh khi anh chu du từ bắc vào nam suốt hai tháng trời. Được biết anh có về Bùi Chu Phát Diệm, tôi hỏi cảm tưởng của anh. Diễm Châu lắc đầu, bi quan. Không phải vì giáo hội bị bức hại nữa, mà vì giáo hội đang huênh hoang, kiêu ngạo trong những cuộc rước kiệu, phô trương, xây nhà thờ... Nghe Diễm Châu, tôi hơi bất ngờ. Tôi biết anh nói thực, nhưng vẫn tự hỏi tâm hồn nhà thơ của anh có quá nhạy cảm với vài sự loè loẹt bề ngoài chăng ? Gặp lại linh mục Quynh năm 2006, tôi vội kể lại lời anh Diễm Châu và hỏi linh mục nghĩ sao. Ông cũng xác nhận nỗi lo của Diễm Châu. "Giáo hội không cần tiền hay đất đai, mà cần xây dựng lại tâm hồn Ki tô giáo". Tôi không ghi chép lời cha Quynh bữa ấy, nhưng gặp lại ý ông trong cuộc phỏng vấn của báo La Croix.

NNG

 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss