Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / AMAL ALAMUDDIN CLOONEY, CÔ LÀ AI ?

AMAL ALAMUDDIN CLOONEY, CÔ LÀ AI ?

- Trần Đán — published 28/05/2024 11:15, cập nhật lần cuối 28/05/2024 20:49


AMAL ALAMUDDIN CLOONEY, CÔ LÀ AI,
LUẬT SƯ NHÂN QUYỀN ĐÃ TƯ VẤN CHO CÔNG TỐ YÊU CẦU TOÀ ÁN HÌNH SỰ QUỐC TẾ RA LỆNH TRUY NÃ CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO CỦA ISRAEL VÀ HAMAS ?


Trần Đán

Thu thập và viết lại từ nhiều nguồn


Ngày 20/5/24 một tin làm chấn động thế giới : Công tố trình đơn lên Tòa án hình sự quốc tế yêu cầu ra lệnh truy nã 2 nhà lãnh đạo Israel (thủ tướng Netanyahu và bộ trưởng quốc phòng Gallant) và 3 nhà lãnh đạo Hamas (thủ lĩnh Hamas ở Gaza Sinwar, chỉ huy trưởng các lực lượng quân sự Deif, đứng đầu bộ chính trị Haniyee) về những vi phạm nhân quyền như tội diệt chủng, tội chống loài người và tội ác chiến tranh. Tòa án được công nhận bởi 120 nước, 7 nước chống (gồm Trung Quốc, Iraq, Israel, Libya, Qatar, Mỹ, Yemen) và 21 nước không bỏ phiếu. Thực thi lệnh của toà tuỳ vào mỗi nước nhưng có khả năng gây khó khăn cho sự đi lại của họ.


Trên trang mạng Clooney Foundation for Justice, cô Amal Alamuddin Clooney giải bày : “Tôi phục vụ trong ban cố vấn này vì tôi tin vào sự thượng tôn pháp luật và vì tôi muốn bảo vệ sinh mạng thường dân. Các luật lệ bảo vệ thường dân đã có từ hơn 100 năm nay và nó áp dụng cho tất cả các nước trên thế giới bất kể nguyên do tranh chấp. Là một luật sư về nhân quyền, tôi không bao giờ chịu chấp nhận tính mạng của đứa trẻ này có giá trị hơn của đứa trẻ kia, cũng như thủ phạm nào đó đứng ngoài vòng pháp luật. Do đó tôi ủng hộ bước đi lịch sử của Công tố viên của Toà Án Hình Sự Quốc Tế nhằm đem lại công lý cho các nạn nhân bạo lực tại Israel và Palestine.”


aac


Cô Amal Ramzi Alamuddin sinh ra tại Beirut, nước Lebanon năm 1978. Cha là một giáo sư và mẹ là một phóng viên. Năm lên 2 tuổi gia đình cô định cư tại Luân đôn để tránh nội loạn trong nước. Cô có bằng luật tại ĐH Oxford (Anh) và New York University (Mỹ). Chuyên sâu của cô là luật hình sự quốc tế rồi chuyển sang luật nhân quyền quốc tế. Cô đóng vai trò quan trọng trong nhiều vụ xử do các tòa án nhân quyền quốc tế. Về sau cô được mời giảng dạy tại ĐH Luật Colombia ở NY.


Cô đại diện cho các nạn nhân thường dân trong các hành động diệt chủng nổi tiếng sau đây :

-    Bộ tộc Yazadi (tại Iraq) do nhóm khủng bố ISIS

-    Bộ tộc Rohingya do nhóm quân phiệt Myanmar

-    Thường dân Ukraine do chính phủ Nga đánh bừa bãi vào các khu dân cư

-    Bộ tộc Darfuri do nhóm phiến quân Janjaweed tại Sudan

-    Thường dân trong các bang Kosovo, Croatia, và Bosnia  trong liên bang Yugoslavia cũ do cựu tổng thổng Milosevic

-    Bộ tộc Armenia do đế quốc Thổ cũ (chính quyền Thổ nhĩ kỳ vẫn từ chối công nhận có vụ diệt chủng trong Thế chiến thứ I)


Cô cũng tham gia bênh vực cho các ký giả bị xử tội vì viết những bài phanh phui tội phạm của chính quyền :

-    Cô Maria Ressa (Philippines) , được giải Nobel Hòa Bình năm 2021 vì tranh đấu cho quyền tự do phát biểu.

-    Hai ký giả của hãng Reuters người Myanmar bị kết án vì bài viết phơi bày các cuộc thảm sát người Rohingya.

-    Một nữ phóng viên người Azerbaijan tố cáo tổng thống và vợ tội tham nhũng.

Cô đặc biệt quan tâm đến các vụ bạo hành, hãm hiếp phụ nữ trong tù hay trong chiến tranh.

Cô từng được đặc cử làm cố vấn cho Toà án công lý quốc tế thuộc Ủy hội quốc tế, Toà hình sự chuyên trách và Toà án nhân quyền Châu Âu.

Cô biên cả thảy 3 quyển sách trong đó có “Quyền tự do ngôn luận trong luật quốc tế”, “Quyền được xử công bằng trong luật quốc tế” và “Tòa án đặc biệt cho Lebanon: điều luật và thực hành”. Cô đăng nhiều bài vở hay được nhắc đến tên trong nhiều tạp chí luật. Ngoài ra cô còn nhận được nhiều ban khen từ các ban của Ủy hội quốc tế, và các tổ chức tranh đấu nhân quyền.

Năm 2014 cô kết hôn với diễn viên George Clooney, người đã khen cô là “kẻ chuyên nghiệp” trong cuộc tranh đấu cho nhân quyền, “còn tôi chỉ là kẻ nghiệp dư.” Hai người lập ra Clooney Foundation for Justice.

TRẦN ĐÁN


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us