Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Anh Nguyễn Ba không còn nữa

Anh Nguyễn Ba không còn nữa

- Nguyễn Xuân Xanh — published 26/03/2022 10:54, cập nhật lần cuối 26/03/2022 10:54



ANH NGUYỄN BA KHÔNG CÒN NỮA


Nguyễn Xuân Xanh


Nhận được tin anh Nguyễn Ba qua đời ngày 21.3 lúc 20g tại thành phố Hannover, đêm qua tôi cứ trằn trọc nghĩ đến anh ấy mà thấy vô cùng thương tiếc. Anh Ba là một con người rất đặc biệt. Anh sinh ngày 21 tháng 12 năm 1938 tại Thừa Thiên Huế. Anh đỗ tiến sĩ toán tại Đức. Anh là con người “thuần khiết” trong cuộc sống cá nhân, cũng như trong tình yêu anh dành cho đất nước. Tôi có dịp quen anh ấy có lẽ từ 1968 trở đi, hơn nửa thế kỷ trước, trong giai đoạn khởi tạo phong trào ở Đức. Từ thành phố Heidelberg, tôi thường lái chiếc Volkswagen 2000 cũ – xe mua để hoạt động – đi hơn 300km lên vùng thành phố Göttingen, nơi anh Quỳnh Quế sống để trao đổi với hai anh về tình hình Việt Nam. Chiến tranh đang hồi rất ác liệt. Tìm hiểu về Việt Nam lúc đó mới nhen nhúm trong một số ít sinh viên Việt Nam từ miền Nam, nhưng ngần ấy đã đủ để bị ghép vào cái “tội dị giáo” và “đáng sợ” rồi, trong khi dư luận Đức thì tràn ngập những cuộc hội thảo, biểu tình sôi động – về chính đất nước Việt Nam.


Anh Ba đã qua nhiều năm trước tôi, đã “established”, và đi làm trong đại học hay Institut về toán ứng dụng. Anh ấy lúc nào cũng rất lịch sự, niềm nở, tỏa sáng niềm vui và vô cùng khiêm tốn đối với mọi người. Anh sống rất khắt khe với bản thân, rất nguyên tắc, rất đạo đức, nhưng với bạn bè thì anh rất chan hòa. Lúc đó gia đình anh có 3 người : ngoài anh có chị Eva, và cháu Huyền Trân. Về sau có thêm hai cháu Chí Thanh và Trị Thiên. Vào căn hộ anh mới thấy cuộc sống của anh Ba là rất giản dị. Nhà không có gì trang trí đặc biệt, giống như gia đình “nghèo”, mặc dù anh có thể sống sung túc hơn. Nhưng bù lại, bao nhiêu tiền của anh dành dụm là để đóng góp cho trong nước. Mỗi năm anh gửi về vài đợt, và mỗi đợt vài ngàn DM, một số tiền rất lớn lúc bấy giờ. Lương của một tutor (chấm và giảng bài) như tôi nhận được trong đại học lúc đó khoảng hơn DM 400, nhưng đủ sống cuộc đời sinh viên “vương giả”.


Tổ quốc luôn luôn ở trong trái tim anh. Anh là con người sống rất lý tưởng, sống vì đất nước, “mình vì mọi người”. Anh ít bàn về lý thuyết, mà thể hiện lòng yêu nước bằng những hành động cụ thể và thiết thực. Từ 1971 tôi lên sống ở thành phố Bielefeld, từ đó qua Hannover hơn 100km để sinh hoạt hội đều đặn với anh và các bạn, cho đến năm 1980 tôi chuyển lên Berlin thì không còn liên lạc với anh Ba nữa. Mỗi người mỗi nỗi lo riêng. Các anh chị em trong phong trào cũng thế. Đó là giai đoạn “chiến đấu thầm lặng”, không còn tiếng súng, hay những cuộc xuống đường để giúp định hướng nữa, mà mỗi người phải tự tìm cho mình con đường tồn tại riêng trong không khí im lặng đó. Hội không còn là mái ấm tích cực như xưa nữa. Những gì anh em sinh viên đã dày công xây dựng trước 1975 đã bị “cuộc cách mạng đáng ghét” trong nước, để dùng từ của Rosa Luxemburg, làm cho nhạt nhòa. Bỗng chốc, “cả đám chúng tôi trở thành lũ người mồ côi không tổ quốc”.


Nhưng tôi biết, anh Ba vẫn là người yêu nước như ngày nào, dù cho không còn những ngọn gió thổi lửa mạnh mẽ trong lòng anh như xưa. Anh bị thất vọng, cũng như bao nhiêu người trong phong trào thất vọng, về tình hình quá đỗi phũ phàng diễn ra trong nước.


nb


Đây là tấm ảnh của anh Ba trong một biểu tình chống chiến tranh mà tuần báo Der Spiegel đăng trong một bài báo ngày 28, tháng 7, năm 1969, nhân cuộc đàn áp đầu tiên đối với một số sinh viên miền Nam Việt Nam lần đầu tiên xảy ra, trong đó có anh Ba, gây xôn xao trong dư luận Đức. Người Đức quan ngại, số sinh viên “dị giáo” này cũng có thể bị bắt cóc trở về Sài gòn như một số chính khách Hàn Quốc trước đó. Biểu ngữ anh Ba cầm : “Chấm dứt ném bom Việt Nam”.


Tôi xin thắp nén hương cho người bạn quá cố mà tôi hằng mến phục và đã may mắn cùng nhau đi được một đoạn đường dài. Xin rải những nụ hoa hồng tươi thắm trước quan tài anh, như đường hoa mà đáng lẽ tổ quốc thân yêu dành tặng anh cho tình yêu cao cả của anh đối với đất nước. Anh Ba có thể có nhiều đóng góp hơn sau 1975, nếu tình hình cho phép, cũng như đối với tất cả mọi anh em trong phong trào. Anh là người rất yêu những khám phá mới trong khoa học, thích kể cho anh em nghe, và luôn luôn muốn áp dụng chúng cho đất nước. Lửa nhiệt tình hầu như không bao giờ tắt trong anh.


Đối với Albert Einstein, “sự phân biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo tưởng dai dẳng cứng đầu”. Sự ra đi của một con người sẽ không xóa đi cuộc đời và những lý do để tưởng nhớ nó nếu đó là một cuộc đời đáng sống và đầy ý nghĩa. Anh Nguyễn Ba có một cuộc đời như thế.

Xin nhờ các bạn sống ở Hannover cho tôi gửi lời chia buồn đến chị Eva, người vợ hiền suốt đời chia sẻ cuộc sống thanh đạm, và thủy chung với lý tưởng của anh, cũng như xin gửi lời chia buồn đến các cháu Huyền Trân, Chí Thanh và Trị Thiên về sự mất mát to lớn của người bố rất gương mẫu.


Chân thành,

Nguyễn Xuân Xanh

TP Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 3, 2022.


 


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss