Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Anh Riệu

Anh Riệu

- Vũ Ngọc Quỳnh — published 17/01/2021 10:00, cập nhật lần cuối 21/01/2021 20:10
Đính chính: ngày sinh của anh Riệu là 5/1/1932, chứ không phải 4/1/1932 như đã viết trong bản đầu.


Anh Riệu


Vũ Ngọc Quỳnh



Nguyễn Quang Riệu
Sinh ở Hải Phòng ngày 5/01/1932
Mất tại Paris ngày 5/01/2021

Tôi không quên ngày chủ nhật từ Hà Nội máy bay Aigle d’Azur hạ cánh trường bay Le Bourget, một thanh niên trạc hai mươi tuổi cầm cái hình của tôi đón tôi khi ra khỏi khu hành lý tiến tới tôi nói:” Tôi là Riệu, con ÔB Phúc Lai, được hai bác Cự Hải nhờ đến đón Quỳnh”. Hôm đó là đầu tháng 12 năm 1952, trời rất rét. Chúng tôi rời phi trường lúc tối rồi, lấy tắc xi đến thẳng tiệm Lưu Đình khu Contrescarpe ăn cùng một anh bạn anh Riệu mà sau này tôi không nhớ tên.

Sau anh Riệu dẫn tôi về Hôtel des Mines (nay vẫn còn), boulevard Saint-Michel, quartier de l’Observatoire, Paris 5e ngủ đêm đó. Sáng hôm sau người anh họ tôi đến khách sạn chào anh Riệu rồi cùng tôi đi tìm một khách sạn bình dân trong Quartier latin trú ngụ vài tuần, sau đó tôi vào nội trú Collège Sainte-Barbe ở quận 5 Paris vào học niên học còn lại.

Từ ngày gặp gỡ lần đó, có thể nói là chúng tôi đã gần gũi nhau trọn đời trong những vui buồn.

Anh Riệu là con người khoa học, chuyên về ngành thiên văn vô tuyến, gắn bó cuộc đời với nghề nghiệp, với quê hương đất nước, với gia đình và bạn bè, tất cả đều liên hệ mật thiết với nhau.

Tôi xin ghi lại vài điều tôi biết về anh Riệu.


Quê hương và đất nước


Anh Riệu hay nhắc về làng Lai Xá, quê hương của tổ tiên, huyện Hoài Đức, cách Hà Nội khoảng 15km về phía tây.

Đây là nôi của nghề nhiếp ảnh, người làng Lai Xá đã mở tiệm ảnh từ thời đầu thế kỷ 20, tại Hải Phòng, Hà Nội sau ở miền Trung, trong Nam, sang cả Lào, Cam Pu Chia, Thái Lan, Trung Quốc.

Làng nổi tiếng với tiến sỹ Nguyễn Văn Huyên, họa sĩ Nam Sơn tức Nguyễn Văn Thọ, cụ bà người làng Lai Xá.

Anh Riệu thân tình với con cháu hai cụ.

Những chuyến về

Ra đi khỏi nước từ lúc thanh niên, anh Riệu luôn luôn mong ước là phục vụ đất nước về ngành thiên văn. Hoài bão của anh là cùng các nhà khoa học Việt Nam tạo ra một bộ môn thiên văn học hiện đại với những người trẻ.

Anh về nước hơn một chục lần (bắt đầu từ năm 1976) để thực hiện hoài bão này, lần nào cũng đem theo tài liệu khoa học, thiết bị, máy hình để làm việc và thuyết trình với các đồng nghiệp, đặc biệt chú trọng đến giới trẻ mà anh mong đợi sẽ đem lại cho Việt Nam ngành thiên văn hiện đại.

Vài chuyến đi để lại nhiều ấn tượng cho tôi khi nghe anh kể lại.

Chuyến đi Phan Thiết năm có nhật thực toàn phần ở Việt Nam ngày 24 tháng 10 năm 1995, một hiện tượng chỉ 360 năm mới có một lần (1). Anh Riệu đem theo thiết bị giao thoa cùng rất đông người có mặt quan sát trực tiếp nhật thực toàn phần. Báo chí trong nước đã thuật lại sự kiện này, anh Riệu cũng kể lại trong sách của anh và trong những phỏng vấn.

Cuốn năm 2006, anh Riệu đã tổ chức một khoá học về vật lý thiên văn văn và môi trường, hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Paris 6 và Đài Thiên văn Paris.

Cùng đi với anh Riệu là những giáo sư Pháp đầu ngành trong lĩnh vực vật lý thiên văn: các Giáo sư Pierre Encrenaz, Jean-Michel Lamarre, Thérèse Encrenaz, Danielle Alloin, Jean Jouzel.

Đó là khoá học lần thứ 6 được tổ chức ở Hà Nội, nối tiếp những khoá học trước, bắt đầu từ năm 1996, mỗi khoá kéo dài khoảng chừng năm sáu ngày.

Khoá thứ 6 cuối năm 2006 là khoá long trọng nhất, có khoảng 80 học viên tham dự, gồm các sinh viên năm cuối của ĐHQGHN và một số cán bộ của ngành thiên văn và vật lý. Trong khoá thứ 6 này có hai tiến sĩ khoa học, đã được anh Riệu hướng dẫn luận án tiến sĩ, anh Trần Thế Trung và anh Đinh Văn Trung, đã tích cực tham gia.

Đó là một mốc quan trọng của anh Riệu trong đóng góp cho ngành thiên văn ở Việt Nam.

Một dự tính mà anh Riệu bỏ rất nhiều công lao để thực hiện, đó xây dựng Nhà chiếu vũ trụ ở Hà Nội (Planétarium). Anh đã vận động được giúp đỡ của CNRS, đã sang xưởng Zeiss bên Đức để kiểm tra các kính chiếu, về Hà Nội gặp các nhà chức trách để trình bày dự án. Công việc không thành, để lại anh ít nhiều nuối tiếc.


Đam mê nghề nghiệp


Anh Riệu chọn nghề thiên văn rất sớm, và sau khi học xong cử nhân khoa học ở Université de la Sorbonne, anh bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học và anh dành suốt đời nghiên cứu thiên văn trong C.N.R.S. (Trung tâm Quốc gia Khảo cứu Khoa học Pháp).

Đài Thiên văn Paris (Observatoire de Paris) là cơ quan anh làm việc, gồm có ba trung tâm:

- Observatoire Port-Royal, 61 avenue de l’Observatoire, 75014 Paris.

Đây là nơi có phòng làm việc chính của anh .

- Observatoire de Meudon, 5 place Jules Janssen, 92190 Meudon, nơi anh đến làm thường xuyên trong những năm hành nghề.

- Observatoire de Nançay dành riêng cho thiên văn vô tuyến, cách Paris 180km về phía nam, nơi anh Riệu đã đến từ năm 1960 sử dụng kính thiên văn có kích thước 200m trên 35m.

Tôi nhớ mỗi ngày anh Riệu đi bộ từ Place de Catalogne, Paris 14e qua boulevard Montparnasse đến Observatoire de Port Royal rồi làm việc ở đó suốt ngày.

Đây cũng là nơi anh tiếp đồng nghiệp quốc tế, bạn bè Pháp, Việt đến thăm đài thiên văn cổ kính lịch sử của Pháp, đã được sáng lập năm 1667, nay còn những kính thiên văn lớn và những dụng cụ đo lường vẫn còn hoạt động.

Tôi nhớ những chuyến đi Nançay, anh Riệu sửa soạn chương trình nghiên cứu đưa trước cho người trách nhiệm điều khiển các kính thiên văn. Anh đến đó làm việc ban đêm để quan sát tinh tú. Trong quảng trường rộng lớn có những ăng ten parabol khổng lồ, một đêm anh Riệu vấp vào một chướng ngại vật, té ngửa; đau chân quá anh đành bỏ chuyến làm việc lần đó.

Những chuyến đi xa

Anh Riệu đã đi rất nhiều nước ngoài, đến các trung tâm thiên văn lớn của các nước Đức, núi Sierra miền nam nước Tây Ban Nha, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Nhật và còn nhiều nước khác.

Ở mỗi nơi, anh cống hiến những khám phá của anh với các đồng nghiệp và một số trở thành bạn thân, sau này họ sẽ đến thăm vợ chồng anh ở Place de Catalogne.

Sách về vũ trụ

Anh Riệu viết nhiều sách về vũ trụ, phần đông bằng tiếng Việt, để gợi chú ý của người Việt về ngành khoa học này.

Tôi chú trọng hai cuốn trong những cuốn này:

- Vũ trụ phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại, NXBGD, năm 1995. Đó là cuốn sách cơ bản.

- Sông Ngân khi tỏ khi mờ- Les reflets du Fleuve d’Argent, NXBVHTT, 1998, một cuốn sách song ngữ với hai ngôn ngữ vừa chính xác vừa thơ mộng với nhiều hình đẹp.


Vài nét về gia đình...


Thân sinh anh Riệu là ông bà Phúc Lai, người làng Lai Xá, sống ở Hải Phòng sau ở Hà Nội.

Anh Riệu là con trưởng, sau đến anh Nguyễn Quang Quyền và anh Nguyễn Quý Đạo là con út.

Anh Riệu và anh Đạo sớm đi Pháp du học, anh Quyền sống ở Hà Nội và sau ở Sài Gòn.

Năm anh Riệu thành hôn với chị Vũ Minh Ngà, họ hàng và bạn bè có mặt tại Pavillon Honnorat, Cité Internatonale Universitaire de Paris mừng anh chị.

Họ dọn nhà nhiều nơi sau đó, từ rue de la Tombe-Issoire, Paris 14e, đến Rue Fallempin, Paris 14e, rồi đến nơi cư ngụ hiện nay, Place de la Catalogne, Paris 14e.

Tôi nhớ đã đến thăm anh chị ở rue Fallempin khi mẹ anh Riệu, bác Phúc Lai sang thăm con cháu. Lúc đó cháu Nguyễn Quang Tuấn, con trai duy nhất của anh chị Riệu, khoảng mười tuổi, ném máy bay giấy trong phòng khách dưới mắt trìu mến của bà nội. Bà cụ thật giản dị và kín đáo, mãi sau này tôi mới biết là xưa kia cụ dạy ở trường Đồng Khánh Hà Nội.

Chị Vũ Minh Ngà, người Hà Nội xuất thân trong một gia đình danh giá, một dược sĩ của Đại học Dược Paris, đã chọn lựa không hành nghề để chăm sóc chồng con. Những lúc anh Riệu đi công tác xa xôi hàng tháng có khi hàng năm, chị nhẫn nại cùng cháu Tuấn sống và chờ khi anh Riệu về và có khi anh về lại đến bàn giấy tiếp tục công việc dở dang.

Nguyễn Quang-Tuấn, người con trai quý của bố mẹ, sinh trưởng ở Pháp, nhưng sớm có nền văn hoá Việt Nam vững chắc.

Năm 1995, Quang Tuấn viết một bài tựa là

« S’il te plaît, dessine-moi un Viet Kieu »

Phỏng theo «  Le Petit Prince » của A. de Saint-Exupéry, đăng trong tạp chí Identité.

Với hành văn dí dỏm, Quang Tuấn nói về đa dạng của Việt Kiều, không có mô hình chuẩn nào cả.

Một nhận xét giá trị.

Quang-Tuấn lúc đó 16 tuổi.

Sau này Quang Tuấn học H.E.C., trường Cao đẳng Thương Mại Paris, hành nghề về ngân hàng và thương mại.

Anh em

Hai người em anh Riệu đều là những nhà khoa học danh tiếng, anh Nguyễn Quang Quyền, giáo sư Y khoa trong ngành cơ thể học, anh Nguyễn Quý Đạo là giám đốc nghiên cứu tại C.N.R.S trong ngành hoá học.

Anh Quyền mất trong một tai nạn giao thông ở Sài Gòn để lại thương tiếc cho gia đình và bè bạn.


... và Bạn hữu


Anh Riệu là người đôn hậu, niềm nở với người chung quanh, khiêm tốn trong phong cách, gần xa ai nấy đều quý mến.

Thời niên thiếu ở Hải Phòng, anh quen anh Nguyễn Đình Lan, anh Phạm Văn Biểu.

Khi tản cư về Sơn Tây, anh chơi thân với anh Ngô Mạnh Lân và quen các cô em.

Thời sinh viên ở La Sorbonne, cứ cuối tuần anh cùng anh Đạo đến Le Tabac de la Sorbonne gặp các anh Phạm Tư Mạnh, anh Nguyễn Tường Việt.

Năm 1950 anh đến Hôtel Lhomond, Paris 5e, ở cùng đông bạn Việt kiều, trong có anh Trương Hữu Lương, anh Đinh Trịnh Hiển, anh Nghiêm Xuân Loại. Và còn nhiều người Việt khác cũng ở đó.

Sau này, khi anh lập gia đình với chị Minh-Ngà, mở rộng vòng giao thiệp, gặp gỡ rất nhiều bạn bè, nay ở nhà người này người khác, mai ở nhà người khác, hoặc ở những tiệm ăn ở Paris.

Hai bữa tổ chức nhà anh chị ở Place de Catalogne để lại nhiều kỷ niệm, ngày 14 Juillet không nhớ năm nào, bạn bè ra ban công nửa đêm xem đốt pháo bông ở Tour Eiffel phía xa và năm 2000 để cùng bạn bè tiễn đưa năm chót của thế kỷ XX.

Tiệc Xuân Diễn Đàn Villa Saint-Cyr, Bourg-la-Reine

Cứ vào mùa Xuân, anh chị Riệu đến đón tôi bằng xe hơi ở trạm La Vache Noire thị xã Arcueil đi đến Villa Saint-Cyr ở Bourg-la-Reine, trên đường đi chuyện trò rôm rả. Đến nơi chúng tôi gặp lại những bộ mặt thân thiết đã cùng nhau thưởng tiệc Xuân trong nhiều năm. Những kỷ niệm vui.


Những ngày chót


Khi biết tin anh nhập viện, tôi gửi đến di động của anh một SMS ngắn hỏi thăm tin tức của anh, hy vọng anh có sức trả lời.

Mấy ngày sau gia đình báo tin anh mất rồi.

Bảy chục năm đã qua.

Anh Riệu là một đàn anh đáng kính, một người bạn thân quý.

Xin chia buồn cùng chị Minh Ngà và cháu Quang Tuấn


Paris ngày 15 tháng 1 năm 2021

Vũ Ngọc Quỳnh


(1) Đây là quãng thời gian trung bình giữa hai thời điểm có nhật thực toàn phần tại một điểm nhất định trên trái đất, còn thì năm nào cũng có ít nhất hai lần nhật thực trên trái đất, nhưng chỉ thấy được ở một nơi nào đó, và cũng không phải lần nào cũng là nhật thực toàn phần (Chú thích của D.Đ.)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss