Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Anh Thi trong tôi

Anh Thi trong tôi

- Nguyễn Ngọc Giao — published 05/08/2010 00:32, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:22
Tưởng nhớ linh mục Nguyễn Đình Thi


Tưởng nhớ Linh mục Nguyễn Đình Thi (1934-2010)





Anh Thi trong tôi


Nguyễn Ngọc Giao


Tôi đang ở một làng xa, vùng thủ đô Washington DC của nước Mỹ. Ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, tất nhiên có internet, nhưng không hiểu sao máy tôi không nối mạng được. Sáng nay, mang máy ra ngồi ngoài bao lơn, định làm việc "ngoài mạng", tình cờ thấy máy đã nối mạng (chắc là qua linksys của hàng xóm), nên vào ngay Diễn Đàn, mở mục Thấy Trên Mạng, sửng sốt được tin Linh mục Nguyễn Đinh Thi từ trần (xem tiểu sử Linh mục Thibài viết của đại sứ Trịnh Ngọc Thái trên báo mạng Quê Hương).

Lâu lắm rồi tôi không được gặp anh. Cũng không nhớ lần đầu gặp anh như thế nào, suy ra thì trong thập niên 1960, không biết trong khung cảnh của CeDRASEMI của nhà dân tộc học Georges Condominas, nơi anh làm việc, hay ở 18 rue Cardinal Lemoine, quận 5 Paris, nơi anh thành lập "Cộng đồng Việt Nam".

ndt

Nhắc tới Nguyễn Đình Thi, hình ảnh đột hiện trong tôi hầu như bao giờ cũng là dáng đi chậm rãi, đầu hơi ngả về bên tay phải. Tôi còn nhớ như in : anh đi đằng trước tôi mấy bước, bên cạnh anh là một linh mục khác, Nguyễn Đình Thư. Hình như chúng tôi đi bộ trên đại lộ Saint Germain ở quận 6, nhân dịp một hội nghị liên tôn đoàn kết với ba dân tộc Đông Dương chống chiến tranh Mỹ. Hai người cùng một khổ, dáng dấp, khuôn mặt hao hao giống nhau, thoạt trông rất... "lù đù". Anh Thi cho biết vài điều, người nào khác cho biết thêm : hai anh cùng học tiểu chủng viện, tên cúng cơm không biết là gì, nhưng được thầy cả đặt tên mới, một người là Thi, một người là Thư. Anh Thi vào Nam rồi sang Pháp, học thần học rồi thụ phong linh mục, đồng thời học khoa học xã hội và trở thành nghiên cứu viên ở CNRS (Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học, Pháp). Anh Thư ở lại quê Hà Tĩnh và cũng trở thành linh mục.

Đó là khoảng đầu thập niên 1970. Hội nghị tập hợp những người Ki tô giáo (Công giáo, Tin Lành) Bắc Mỹ, Tây Âu. Việt Nam có những linh mục từ trong nước sang, trong đó có Nguyễn Đình Thư, và có thượng tọa Thích Thiện Châu ở Pháp. Thầy Thiện Châu, với khuôn mặt và đôi mắt hiền từ của nhà chân tu, vẫn toát ra dáng vẻ "quý tộc" : ông thuộc dòng họ Hồ Đắc ở Huế. Còn hai linh mục Thi và Thư thì vẫn nguyên dáng dấp nông dân Nghệ Tĩnh.

Với con mắt máy móc của thời sơ khai xã hội học, thì có lẽ đây là hai nguyên mẫu lý tưởng để tìm hiểu tác động của môi trường. Hai người anh em hầu như song sinh ấy sống 20 năm đầu gần như giống nhau : nông thôn Hà Tĩnh, 10-11 tuổi thì Cách mạng Tháng tám, rồi học nhà dòng trong thời Kháng chiến, tại ngay quê hương của "Xô viết 1930", với đường lối tả khuynh và quan niệm ấu trĩ về trí thức, về tôn giáo... mà ngày nay nhìn lại vừa ghê sợ vừa nực cười. Rồi hai mươi năm tiếp theo, cũng là linh mục, nhưng một người tiếp tục ở nông thôn Nghệ Tĩnh, trải qua cải cách ruộng đất, rồi "xây dựng chủ nghĩa xã hội" sặc mùi mao-ít, với những vụ Quỳnh Lưu, Ba Lòng... cho đến cuộc "thay trời sắp xếp lại giang sơn" mà Tố Hữu ca ngợi trong thập niên 70, một người được ném vào xã hội của nước Pháp, "trưởng nữ của Giáo hội Vatican". Một xã hội đang ở đỉnh cao của thời kỳ ba mươi năm phát triển "quang vinh" (Les Trente Glorieuses), một giáo hội đang trên đà đi xuống, nhưng cố gắng vực dậy trong cuộc "đổi mới" của công đồng Vatican 2. Thần học giải phóng bị uốn nắn tại Pháp, nhưng đang phát triển ở Châu Mỹ La tinh, và ở Pháp vẫn còn dư âm của những "linh mục thợ". 1965 là năm Nguyễn Đình Thi thụ phong linh mục, được cử làm phó cho linh mục phụ trách xứ đạo quận 15 Paris, ở nhà thờ Saint-Lambert, đó cũng là năm Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên bài biển "China Beach" ở Đà Nẵng và ném bom miền Bắc, nhất là ở vùng "cán xoong" (giữa vĩ tuyến 17 và 20), nơi phát xuất con đường Hồ Chí Minh.

Bài báo Quê Hương viết về Nguyễn Đình Thi (không biết ai viết) cung cấp khá nhiều thông tin về các hoạt động của anh và các bạn trong tổ chức "Huynh đệ Việt Nam" trong hơn 40 năm qua, trong những năm chiến tranh cũng như từ 1975 trở lại đây. Chỉ tiếc rằng tác giả chưa cho người đọc, nhất là những người chưa được gặp "cha Thi", hình dung ra, dù chỉ một phần nhỏ, những khó khăn, nghi ngờ, xuyên tạc, cản trở... mà con người ấy phải kiên trì vượt qua.

Chỉ xin đơn cử một ví dụ : đầu thập niên 1980, trang 2 hay trang 3 (phía dưới) báo Quân Đội Nhân Dân thường có loạt bài "đề cao cảnh giác đập tan âm mưu phá hoại của các lực lượng thù nghịch" (ngày nay, loạt bài ấy trở thành "đập tan âm mưu diễn biến hòa bình"). Một trong những âm mưu mà "ta" đã "đập tan" là một vụ "đội lốt" dự án nhân đạo để, tôi thú thực cũng không nhớ là làm gì, xấu xa, tai hại đến đâu, chỉ nhớ nó được minh họa bằng mấy tấm ảnh căn cước, chụp lại từ hộ chiếu, của những người mà QĐND gọi là những "tên" đã được "ta" vạch mặt và ngăn chặn. Những ai quen anh Thi đều nhận ra chân dung anh trong mấy "tên" ấy. Một sự vu cáo ngu xuẩn, vô lối mà cho đến hôm nay, nghĩ lại, tôi cũng không giải thích nổi. Những năm ấy, hai chữ "Công giáo" đồng nghĩa với một thứ bệnh hiểm nghèo, không bằng dịch hạch thì ít nhất cũng hơn dịch tả. Dự án "silo" chứa thóc cho đồng bằng sông Cửu Long của Huynh đệ Việt Nam, do anh C, kĩ sư, cộng tác viên đắc lực của cha Thi, mười năm mới xây xong. Một mình anh C đã "làm việc" với 7 ông thứ trưởng nông nghiệp kế tiếp nhau, mỗi ông lên là anh phải bắt đầu hồ sơ lại từ đầu... Nữ tu Vandermeersch, người đã dành gần như toàn bộ thời gian của mình cho Việt Nam từ những năm 1960, sau 1975, đã hơn một lần hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất để được mời lên chuyến máy bay đầu tiên trở lại Paris, mặc dù đã có đầy đủ chiếu khán do đại sứ quán Việt Nam ở Paris cung cấp, còn lần nào được nhập cảnh thì mỗi ngày ở Việt Nam là một ngày nhiêu khê, hạnh họe, vô văn hóa.

Tôi muốn kể dài dòng về những chuyện ấy để bạn đọc hiểu được mặt trái (và giá trị) cái huân chương Kháng chiến hạng nhất mà (theo báo Quê Hương) chính quyền cuối cùng đã trao tặng linh mục Nguyễn Đình Thi. Lẽ ra tôi phải kể dài hơn về những khó khăn mà anh gặp phải về phía Giáo hội Công giáo (miền Nam và Vatican). Tôi sẽ không làm vì sợ không biết hoặc không nhớ chính xác. Mong sao các bạn linh mục và Ki tô giáo nắm rõ hơn sẽ cho chúng ta biết anh đã phải làm gì và không làm gì, nói gì và không nói gì để vượt qua những khó khăn ấy. Để tổ chức được những hội nghị quốc tế Ki tô giáo, liên tôn kiên quyết lên án chính sách Mỹ, ủng hộ cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam, để cử hành lễ thánh tại nhà thờ Saint Lambert (Paris) cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, thu xếp cuộc Giáo hoàng Paul VI tiếp bộ trưởng Xuân Thủy...

Những khó khăn ấy, lẽ ra tôi phải xin anh kể lại, để mình hiểu hơn, trong những dịp rất hiếm mà chúng tôi gặp nhau, hoặc ở 18 rue Cardinal Lemoine, quận 5 Paris, hoặc ở 128 rue Babeuf ở Montreuil sous Bois. Nhất là buổi tối hôm ấy, anh đã đích thân sắm một cái đầu cá congre vĩ đại, gọi một mình tôi tới, ăn một bữa cháo cá. Hình như bữa ấy, chúng tôi chỉ muốn thưởng thức món cá, rồi nói chuyện văn chương. Hình như nói lan tràn sang chuyện khoa học xã hội ở Việt Nam, điều mà anh cũng như tôi (mặc dầu tôi là kẻ ngoại đạo, hai lần ngoại đạo) đều quan tâm. Còn lại trong tôi, từ buổi tối ấy, và từ những buổi gặp nhau ấy, một hình ảnh đậm nét về một con người đã vượt qua số phận, vượt lên chính mình, để lại cho đời những hạt giống quý hiếm.

Boyds - Deep Creek Lake, 3-4.8.2010

Nguyễn Ngọc Giao

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss