Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Bác sĩ Lương Phán (1921-2016)

Bác sĩ Lương Phán (1921-2016)

- Diễn Đàn — published 23/10/2016 23:05, cập nhật lần cuối 23/10/2016 23:24

Tin buồn



LƯƠNG PHÁN
(1921-2016)



Chúng tôi được tin Bác sĩ Lương Phán đã từ trần ngày 21.10.2016 tại tư thất, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 95 tuổi.

Lễ nhập quan đã tổ chức ngày 22.10, lễ động quan sẽ tổ chức 7g30 sáng ngày thứ ba 25.10.2016.

Diễn Đàn xin thành thực chia buồn với các bạn Lương Huỳnh Ngân, Lương Cần Liêm, Lương Cần Nhân và toàn thể tang quyến.


[Bác sĩ Lương Phán sinh ngày 11.8.1921 tại Bến Tre. Ông tốt nghiệp y khoa tại Paris. Cùng với vợ, nữ bác sĩ Nguyễn Thị Lợi, và một số bạn bè, đã thành lập hội sinh viên Việt Nam tại Pháp đầu tiên để ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất. Về nước, ông sinh sống ở Sài Gòn, làm giám đốc Bệnh viện Phước Kiến (sau năm 1975, trở thành bệnh viện Nguyễn Trãi). Trong suốt mấy thập niên, ông kín đáo và tận tình giúp đỡ người kháng chiến. Ở cương vị thầy thuốc, ông đã đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ. Vợ chồng bác sĩ Lương Phán là tác giả nhiều cuốn sách phổ thông về y khoa. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.]


Bữa cơm thân mật với BS Lương Phán


Bác sĩ Lương Phán là đàn anh, là bậc thầy của tôi, năm nay đã bước vào tuổi 90. Ông vẫn mỗi tuần 3 buổi đến khám bệnh ở bệnh viện Nguyễn Trãi và vẫn hướng dẫn chuyên môn cho lứa đàn em. Với ông, tôi còn có những mối thâm tình. Trong một bài viết, có lần tôi kể hồi nhỏ đã đến ông khám bệnh đau bao tử, lúc tôi còn đang học trung học. Ông không cho thuốc, chỉ khuyên mỗi sáng phải ăn một khúc bánh mì trước khi đi học. Vậy mà hết đau mới ngộ! Thì ra, tôi chỉ bị “dư acid” (hyperacidity) trong dạ dày, bị viêm chứ chưa đến nỗi loét. Nếu có cái gì “trám” vào, trung hòa lượng acid dư đó thì sẽ hết đau. Từ đó, trong cặp đi học của tôi lúc nào cũng sẵn bánh mì khô, nướng cháy để “nhâm nhi” khi cần. Sau đó tôi nhớ trong cuốn Tự điển Đào Duy Anh– phần thưởng Danh dự toàn trường cuối năm học– tôi ghi ở góc bìa sau mấy chữ: Nếu là bác sĩ, tôi sẽ cho bệnh nhân ăn uống, tắm rửa, phơi nắng, vận động… trước khi phải dùng đến thuốc. Quả là sau này tôi “nổi tiếng” là một bác sĩ Nhi khoa dùng rất ít thuốc khi chữa bệnh cho trẻ con. Thường tôi chỉ “chỉnh sửa” cách dinh dưỡng, chăm sóc bé… như vậy mà cũng đã góp phần giảm được bệnh nhiều, thuốc men chỉ phụ thêm (trừ khi bệnh nặng). Tôi còn học ông cách chữa tiêu chảy sinh lý ở trẻ bú mẹ. Chỉ cần dùng vôi (ăn trầu), pha loãng, lấy phần nước trong cho uống vài lần cũng khỏi. Thì ra, sữa mẹ dễ tiêu hóa, nhiều chất bổ dưỡng nhưng có tính acid cao. Chỉ cần “kiềm hóa” chút xíu là hết ỉa chảy! Tại bệnh viện Nhi đồng Saigon thời đó, chúng tôi cũng hay dùng CaCO3 và BiCO3 để chữa cũng với nguyên tắc như vậy. Những cuốn sách y học phổ thông của ông và vợ là BS Nguyễn Thị Lợi như Thành kiến sai lầm của người dùng thuốc, Bệnh Trẻ con, Bệnh đàn bà… có ảnh hưởng nhiều đến tôi. Dù không trực tiếp học với ông, tôi vẫn coi ông là thầy của mình. Năm 1972, khi viết cuốn Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò tôi trích dẫn sách của hai ông bà và mang tặng ông bà. Ông viết thư cảm ơn rất nhã nhặn. Thư ông viết nắn nót, phong bì đề tên người gởi và địa chỉ đàng sau để nếu thư không đến được thì bưu điện biết mà trả lại. Dán tem cũng luôn ở góc phải, khoảng cách các cạnh cân đối, thẳng thóm. Tôi nhớ đọc đâu đó rằng chỉ cần xem cách trình bày bức thư, bì thư, người ta đánh giá được người gởi là người nghiêm cẩn, đáng tin cậy hay người cẩu thả, ẩu xị…

lp2

Bác sĩ Lương Phán (trái) và tác giả

Năm 1973, lúc tôi đang làm bác sĩ điều trị tại Dưỡng đường Nhi khoa Trần Bình Trọng Chợ Lớn, ông tới thăm tôi, nói muốn xin bài thơ Thư cho bé sơ sinh của tôi để đăng trong một tạp chí y học do ông làm chủ bút. Điều hết sức bất ngờ với tôi là khi báo ra, ông mang đến tặng, kèm theo 5000đ là tiền nhuận bút bài thơ! Tôi nhớ thời đó, một bài thơ đăng trên Tạp chí Bách Khoa danh tiếng nhuận bút nhiều lắm cũng chỉ 150đ. Tôi ngạc nhiên hỏi sao kỳ vậy ông nói tại ông thích bài thơ này quá ! Bài thơ … lọt vào trong tù (vì chỉ có sách báo y học mới được phép) nhờ vậy mà nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đã đọc được và phổ nhạc, như tôi đã viết lại trong Chuyện kể về một bài thơ (Những người trẻ lạ lùng, NXB Tổng hợp, 2001).

Đã lâu tôi không có dịp gặp ông, chỉ nghe ông đã dời nhà về Đakao, từ ngày bà mất. Thỉnh thoảng nghe ông đi Pháp thăm mấy người con. 

Một hôm tôi nhận được email của BS Lương Huỳnh Ngân, tự giới thiệu là em ruột của bác sĩ Lương Phán, ở Pháp mới về muốn đến thăm tôi. Rồi anh mời tôi đến dùng cơm trưa thân mật với anh em ông cùng GS Trần Văn Khê vào ngày 7.4 vừa qua. Hóa ra BS Ngân là em út của bác sĩ Phán, nhỏ hơn tôi mấy tuổi, du học ở Pháp từ năm 1964, đã đọc mấy cuốn sách của tôi nên có lòng mến mộ, lại biết tôi rất quý Bs Lương Phán bèn tổ chức một buổi họp mặt thân tình. Tôi đến nơi đã thấy có BS Lương Phán, GS Trần Văn Khê, Anh Tươi, BS Trần Y (nguyên giám đốc bv Nguyễn Trãi) anh Thanh (em họ bs Phán) cùng BS Ngân. Tôi bất ngờ thấy Bác sĩ Ngân đem tặng mỗi người một brochure với 2 bài thơ của tôi do chính tay anh trình bày rất đẹp : Thư cho bé sơ sinhParis tháng sáu, là hai bài anh nói anh thích nhất. Rồi anh đọc cho mọi người cùng nghe! Tôi cũng không ngờ GS Trần Văn Khê mà tôi quen gọi Chú Khê lại là cậu họ của bác sĩ Lương Phán. Ông Khê đi Pháp năm 1949, sau ông Phán một năm, nên khi mới qua ở trọ cùng ông Phán. Nghe mấy ông kể chuyện xưa tích cũ thật vui. Theo chú Khê thì trước 1945 ông học y khoa ở Hà Nội, năm thứ hai thì “xếp bút nghiên” về Nam. Lúc đó nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cũng học y, nhưng sau đổi qua Nha vì sợ… máu! Cả ông Mai Văn Bộ cũng học y. Các ông đều lở dở chuyện học y cả. Nhờ có học 2 năm y khoa mà chú Khê đã bình tĩnh giúp đỡ đẻ cho đứa con trai đầu lòng của mình (GSTS Trần Quang Hải) tại Thủ Đức, năm 1944. Đêm đó gặp giới nghiêm, không vô bệnh viện được, phải mời một bà mụ vườn gần nhà qua đỡ, ông phụ. Ông kể cách ông nắm tay vợ, “rặn phụ” với vợ lúc bà qúa mệt mỏi một cách ì ạch thật là tức cười. Đứa bé bị ngộp lâu, lúc sinh ra đã trắng bệch, xụi lơ, không thở, ai cũng nghĩ đã chết. Ông vẫn bình tĩnh tiếp tục dùng miệng hút hết đàm nhớt cho đứa bé và xoa bóp hô hấp nhân tạo một lúc bé mới khóc lên được!

lp1

Từ trái qua phải : Lương Huỳnh Ngân, Trần Văn Khê,
Lương Phán, Đỗ Hồng Ngọc, Trần Y

BS Lương Phán thì kể chuyện hội sinh viên Việt Nam ở Pháp thời đó. Lúc ông Khê qua Paris vì mới ở tù ra, quần áo bèo nhèo, luộm thuộm. Bạn bè tìm cách vay được 6000 fr, tổ chức một đêm văn nghệ để bán vé lấy tiến sắm quần áo cho ông. Rất lo ế, không ai coi. Chẳng dè đêm đó thật đông, ngoài sinh viên còn có các lính thợ, lâu ngày xa nhà, nghe có văn nghê việt nam bèn tới coi. Ông Khê trổ tài rao bán chiếu, bán chè… ai bột khoai bún tàu nước dừa đường cát… hông…, được mọi người vổ tay rần rần. Hôm đó trả nợ xong còn dư mua được cho ông Khê bộ đồ vía 16.000 fr.

Bữa cơm thân mật gia đình với mắm kho rau ghém thiệt là ngon!

Đỗ Hồng Ngọc




Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us